Thursday 25 August 2022

TƯỚNG VIỆT NAM CŨNG TỰ KIỂM DUYỆT (Nguyễn Hùng)

 



Tướng Việt Nam cũng tự kiểm duyệt

Nguyễn Hùng

25/08/2022

https://www.voatiengviet.com/a/t%C6%B0%E1%BB%9Bng-vi%E1%BB%87t-nam-c%C5%A9ng-t%E1%BB%B1-ki%E1%BB%83m-duy%E1%BB%87t/6714949.html

 

https://gdb.voanews.com/88734C98-39C6-4B40-B2E2-AABD88B40D3E_w1023_r1_s.jpg

Tướng Nguyễn Chí Vịnh thời còn tại chức. (Screenshot of Ministry of Defense portal)

 

Bản thân Tướng Vịnh thừa nhận thời điểm ông tới Cam Pu Chia làm quân báo ông “đã có năng lực gì đâu” và “sự sắp đặt vô tình đầy thiện chí” của các “đồng chí” của cha ông, vị tướng chính trị đầu tiên của Việt Nam...

 

Dạo này Facebook của tôi hơi vắng tin chính trị, phần vì những người bạn Facebook như Nguyễn Lân Thắng, Huỳnh Thục Vy và Đoan Trang đều đang bị giam cầm còn nhiều người khác nhìn gương họ cũng hết dám viết. Ngoài ra bản thân Facebook dường như cũng hạn chế độ lan toả của tin chính trị.

 

Tình cờ thế nào tôi đọc được chia sẻ của nhà báo Tô Lan Hương về chuyện cuộc phỏng vấn mới nhất của cô với Tướng Nguyễn Chí Vịnh cho trang Dân Trí suýt đã không được đăng “vì nhiều băn khoăn” của vị thượng tướng. Cuối cùng bài cũng lên trang nhưng bị cắt chừng một nửa.

 

Nhà báo này cũng kể về một lần phỏng vấn hồi năm ngoái với Tướng Vịnh mà cuối cùng bài đã được đăng trên trang VnExpress dù vẫn bị cắt nhưng không tới mức như bản thảo đầu tiên. Tô Lan Hương viết bản thảo bị chính Tướng Vịnh sửa đi nhiều tới mức cô quyết định bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để “đàm phán” và khi tới sân bay “đọc bản thảo bị cắt mà bần thần cả người, nên dù check-in trước giờ bay [hai] tiếng và ngồi ngay cửa boarding, mình vẫn không biết máy bay bay lúc nào.” Cô nói sau đó cô phải mua lại vé để bay ra và chi phí của chuyến đi bằng với nhuận bút tám triệu được VnExpress trả cho bài được đăng.

 

Quả cô là phóng viên hiếm có ở một nước có cách hành xử cũng hiếm thấy. Khi tôi còn là phóng viên của BBC, chúng tôi không bao giờ gửi bản thảo cho người phỏng vấn bao giờ. Có lần tôi phỏng vấn Tướng Lê Minh Đảo, người ở phía bên kia chiến tuyến trong Cuộc chiến Việt Nam, chỉ lúc đăng lên ông mới được đọc và ông có yêu cầu bỏ ảnh có người vợ thứ hai của ông xuống nhưng tuyệt nhiên không yêu cầu sửa một chữ nào về nội dung. Đương nhiên có một số chi tiết ông nói chuyện lúc ăn tối và nằm ngoài phỏng vấn nên tôi không đưa vào bài viết. Các nhà báo của BBC và của các hãng tin phương Tây hoàn toàn tôn trọng những gì người ta nói chỉ để nhà báo biết chứ không để đưa tin. Nhưng chuyện gửi bài cho người được phỏng vấn đọc tôi không nghĩ nhà báo nào được học hành đến nơi đến chốn lại nghĩ tới chuyện đó chứ chưa nói tới làm. Hiện tôi dạy các sinh viên báo chí ở Đại học Goldsmiths, University of London và tháng Chín tới cả ở Đại học Đông London (University of East London); chúng tôi luôn dạy sinh viên không được cho ai xem bản thảo trừ những người có trách nhiệm biên tập.

 

Còn chuyện những người như Tướng Vịnh tự bỏ đi tới 50% những gì mình nói vì sợ đụng chạm không có gì đáng ngạc nhiên. Trong một chế độ sẵn sàng kết án cả chục năm tù đối với những người dám nói thật, tâm lý sợ hãi như tấm chăn trùm lên cả xã hội và thậm chí lan cả ra những người đã không còn ở trong xã hội đó nhưng lại vẫn còn những mối dây liên hệ mà nhà cầm quyền có thể dùng để tác động.

 

Những gì còn lại

 

Vậy bài của nhà báo Tô Lan Hương được Dân Trí mới đăng về Tướng Vịnh còn đọng lại những gì sau quá trình tự kiểm duyệt của người được phỏng vấn?

 

Cá nhân tôi nghĩ bài viết vẫn đáng đọc nhưng không có điều gì gây sửng sốt hay đáng ngạc nhiên.

 

Nó cũng cho thấy Tướng Vịnh là một ví dụ sinh động của thực trạng 5C hay “con cháu các cụ cả” vốn bắt đầu từ hàng chục năm về trước. Hãy nghe chính vị tướng trả lời câu hỏi vì sao ông chọn ngành tình báo:

 

“Không phải tôi chọn, mà là những người đồng chí của ba tôi [Đại tướng Nguyễn Chí Thanh] như bác Sáu Thọ [Lê Đức Thọ], chú Văn Tiến Dũng, chú Sáu Nam [Lê Đức Anh] chọn cho tôi. Lý do vì cơ quan tình báo quan hệ ở Campuchia [nơi ông Vịnh, khi đó là Trung uý tới nhận nhiệm vụ] là một đơn vị quân đội tuyệt đối đáng tin cậy. Những người chỉ huy tình báo ở đó như ông Tư Văn, ông Vũ Chính (Bố vợ tôi sau này) là những người vô cùng tốt, lại uyên bác, trung thành và nghiêm khắc. Các ông gửi tôi vào đó với vì tin ở đó, ông Ba Quốc sẽ dìu dắt tôi, sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi, cũng sẽ nghiêm khắc rèn rũa tôi, chứ nói công bằng thì lúc đó tôi đã có năng lực gì đâu mà bảo là nhìn ra năng lực để mà lựa chọn.

 

“Chính sự gửi gắm mang tính chất "tương đối an toàn" của các chú đã tạo cho tôi một cơ may, cho tôi vào môi trường được tiếp cận với đầy ắp thông tin, khiến tôi cảm thấy mình như cá gặp nước. Nên nói tôi chọn nghề cũng không phải, nói nghề chọn tôi càng không phải. Chính là sự sắp đặt vô tình đầy thiện chí và quan tâm của các ông đã cho tôi cơ may có một sự nghiệp như bây giờ.”

 

Bản thân Tướng Vịnh thừa nhận thời điểm ông tới Cam Pu Chia làm quân báo ông “đã có năng lực gì đâu” và “sự sắp đặt vô tình đầy thiện chí” của các “đồng chí” của cha ông, vị tướng chính trị đầu tiên của Việt Nam, đã góp phần khiến ông có sự nghiệp như về sau này. Đương nhiên ở Việt Nam vào thời điểm đó có biết bao trung uý của chế độ cộng sản và cả cựu trung uý của Việt Nam Cộng hoà trước đây nhưng mấy ai được “sắp đặt vô tình đầy thiện chí” như ông Vịnh.

 

Sự sắp đặt đó ắt hẳn mang lại sự hàm ơn và cả sự e ngại, mà cũng có thể là sợ hãi, khi động chạm tới những nhân vật quyền uy hay một thời quyền uy của chế độ cộng sản. Trong một chế độ mà ngay cả thượng tướng cũng không đủ sự dũng mãnh để nói thẳng, nói thật, chế độ đó chân đã bước vào thế kỷ 21 nhưng trình độ và sự nhạy bén lại chỉ tương xứng với thế kỷ 20. Cụ thể ở thập niên nào tuỳ quý vị đánh giá.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats