Thursday 25 August 2022

MỤC ĐÍCH ĐÀO TẠO CỦA ĐẠI HỌC (Mạc Văn Trang)

 



MỤC ĐÍCH ĐÀO TẠO CỦA ĐẠI HỌC   

Mạc Văn Trang 

25/08/2022  06:15    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02UpN4JdHrFsiW7GdBrG2hfLNqB3Eb3DMHasSVzLGJQtWfT8TfcMmLxoFUbywZaLqCl&id=100013518285955

 

Sáng nay anh Huỳnh Sơn Phước – Nhà báo – Người bình luận chính trị của báo Tuổi Trẻ từ những năm 1980, có trao đổi về Triết lý, mục tiêu giáo dục Đại học và dẫn ra “Bài Nhập môn” cho sinh viên ĐH Vạn Hạnh trước 1975 làm ví dụ.

 

ĐẠI HỌC VẠN HẠNH SÀI GÒN 1970s

(Nhân sinh nhật 70 của Nguyễn Thành Long)

 

(Sài Gòn 28.11) Tôi găp Long vào những ngày đầu năm 1971, khi anh đang theo học khoa kinh tế tại Vạn Hạnh. Với những người bạn cùng trang lứa, đây là cơ may, bởi Phân khoa Khoa học Xã hội VẠN HẠNH (gồm có 5 Ban: Xã hội học, Chánh trị học, Kinh tế học, Thương mại học và Nhân chủng học) được nhìn nhận là cơ sở giáo dục KHXH bậc đại học có triết lý giáo duc tiên tiến, hiện đại nhất ở Sài Gòn lúc đó.

 

Từ ngày đầu nhập môn Vạn Hạnh tôi đã kịp ghi lại trong trang đầu bài học: “Giáo dục không còn là dụng cụ của chính trị; giáo dục cũng không phải là nghề nghiệp mưu sinh: con người giáo dục trước tiên phải là Con Người Tự Do toàn diện và giữ vai trò chủ động trong việc chuyển hướng văn minh nhân loại”.

 

Rời trường trung học, cầm trong tay mảnh bằng Tú Tài 2, bọn chúng tôi lúc đó được thoát khỏi nạn quân dịch, bay thẳng vào Nam, tìm đường mưu sinh để tiến thân.

 

Đến Vạn Hạnh, bài học đầu tiên lại là: “Sinh viên đại học không phải là kẻ thu góp trí thức để tìm một địa vị xã hội hay một địa vị văn hoá. Sinh viên và giáo sư đại học trước tiên phải là những con người sáng tạo, những kẻ phê phán hỗ tương; sinh viên không phải nô lệ vào thẩm quyền trí thức của giáo sư và giáo sư cũng không phải nô lệ vào thẩm quyền hành chánh của tổ chức và cơ quan; mỗi một người là một cá thể độc đáo, tự chọn lựa và tự quyết định chủ hướng trí thức của mình để nhìn thẳng vào sự thật, đi vào thực tại và thoát ly ra ngoài mọi ý niệm, mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ, mọi tín điều, mọi tổ chức; bởi vì tất cả ý niệm, chủ thuyết, tín điều, ý thức hệ và tổ chức chỉ là những chướng ngại ngăn chận lại sức sáng tạo vô biên của cá thể giải thoát, cá thể tự do, con người thoát ly ra ngoài tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức, tự mình làm chủ sinh mệnh mình, điều động đời sống mình trong ý nghĩa mà mình tự sáng tạo cho mình. (Thích Minh Châu).

 

Với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp, tức là mọi hoạt động của cơ sở giáo dục này cốt yếu là để phát triển kiến thức, trí tuệ cho sinh viên, Vạn Hạnh là nơi cung cấp nghề nghiệp cao cấp (bậc đại học), đào tạo những con người tự do, những cá thể độc đáo sáng tạo, lành nghề và toàn tâm phụng sự xã hội.

 

Tuổi 20, Nguyễn Thành Long tốt nghiệp cử nhân thương mại, rồi tiếp tục theo hoc Cao học ngành Tiền tệ Ngân hàng. Anh hưởng trọn những thành tựu tiên tiến nhất của khoa KINH TẾ HỌC, và tư tưởng dấn thân “cứu nhân độ thế” của VẠN HẠNH.

 

Sau 1975, như mọi người đều biết, Võ như Lanh, Lê Thị Điệp, Kim Hạnh, Nguyễn Hữu Định, Nguyễn Thành Long, từ Vạn Hạnh trở thành Doanh nhân, nhà báo, như những con người “không lệ thuộc vào một lý tưởng, vào tín ngưỡng, vào một biên giới quốc gia nhất định”. Họ thật sự là những con người giáo dục như kỳ vọng vủa VẠN HẠNH “không còn là dụng cụ của bất cứ chính thể và chính quyền nào, không bận tâm lo lắng xây dựng một tổ chức hào nhoáng đồ sộ mà bỏ quên thực chất sáng tạo của tư tưởng giải phóng”.

 

Họ nói “không” với thể chế kinh tế chỉ huy, tập trung, quan liêu bao cấp trói chết sức sản xuất, từ chối quyền tự do làm ăn sinh sống và mưu cầu hạnh phúc của công dân.

 

Từ cái nôi Duy Tuệ Thị Nghiệp, Nguyễn Thanh Long (Tổng giám đốc SJC, Chủ tịch EIB) và những người bạn Vạn Hạnh mà tôi được quen biết, đã góp công lớn giải cứu đất nước ra khỏi đêm dài nô lệ, khủng hoảng và suy kiệt. Họ có vai trò rất quan trong từ “đêm trước đổi mới – 1986” cho đến hôm nay.

 

.

38 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment

View My Stats