Những
quỷ kế trong việc “nhuộm đỏ” tôn giáo của chính quyền Việt Nam
Iris An -
Saigon Nhỏ
25 tháng
8, 2022
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/Screenshot-2022-08-25-101959.jpg
“Đạo” và đảng! (phattuvietnam.net)
Cuộc “sư
tăng đại chiến” giữa Thượng tọa Thích Nhật Từ và Đại đức Thích Trúc Thái Minh
đã có một diễn biến mới. Đó là tin tức về việc Thích Trúc Thái Minh được chấp
thuận đảm trách chức vụ Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo kiêm Trưởng
Ban Phật giáo Quốc tế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV
nhiệm kỳ 2022-2027.
Có thể nói
đây là một cú phản đòn ngoạn mục của thầy Thích Trúc Thái Minh sau khi dư luận
nhắc lại chuyện năm 2019, thầy bị cắt hết các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo
Việt Nam vì “vi phạm kỷ luật” vụ cúng vong “oan gia trái chủ” (trong khi đó thì
những tín đồ bênh thầy Thích Nhật Từ khen ngợi thầy là một cao tăng “đức cao vọng
trọng” chưa hề bị kỷ luật).
Có lẽ nên
nhắc lại những chức vụ đang có của ông Thích Nhật Từ để tiện bề so sánh. Thích
Nhật Từ đang là Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế
Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật
giáo Việt Nam tại Sài Gòn, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
trụ trì tại chùa Giác Ngộ (Sài Gòn), chùa Quan Âm Đông Hải (Sóc Trăng), chùa Tượng
Sơn (Hà Tĩnh), chùa Linh Xứng (Thanh Hóa). Như vậy không phải ngẫu
nhiên mà hai chức vụ mới của thầy Thích Trúc Thái Minh giống y hệt như thầy
Thích Nhật Từ. Một đòn dằn mặt kiểu cao tay ấn của thầy Thích Trúc
Thái Minh chăng? Bây giờ thầy Thích Trúc Thái Minh so kè về chức vụ với thầy
Thích Nhật Từ thì các cuộc họp hành sắp tới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi
hai thầy cùng tham dự hứa hẹn chắc sẽ “nảy lửa”.
Cũng qua
việc chính quyền Quảng Bình “tấn phong” chức vụ mới của thầy Thích Trúc Thái
Minh, có thể thấy rằng thầy vẫn được sự ủng hộ của một bộ phận chức sắc lãnh đạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời thể hiện sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các cấp
chính quyền đối với thầy. Điều này không lạ bởi vì như trong bài “Những
nhân vật chính trị nào đứng sau các tập đoàn chùa chiền Việt Nam”, chúng
tôi đã phân tích về mối “quan hệ cộng sinh” giữa nhiều sư tăng trụ trì với các
đại gia được mệnh danh là “tư bản đỏ”.
Vấn đề buồn
cười ở chỗ gần như ngay sau khi tuyên bố “phong chức” cho Thích Trúc Thái Minh,
Ban tôn giáo Quảng Bình (tức chính quyền) lại rút ngay lại quyết định trên, khi
sức ép dư luận bùng nổ, phủ nhận việc bổ nhiệm ông Thích Trúc Thái Minh. Họ
tráo trở lật
mặt nhanh như “lật bánh tráng”! Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng chuyện
chính quyền bổ nhiệm chức sắc tôn giáo như trường hợp trên là… hết sức bình thường,
trong một môi trường hoạt động tôn giáo rất không bình thường ở Việt Nam. Điều
này đã được thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật mà chính quyền Việt
Nam ban hành về tôn giáo.
Chính quyền nhúng tay vào việc bổ nhiệm các
chức sắc tôn giáo như thế nào?
Từ góc độ
chính trị thì có thể thấy mối quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo chia thành
năm mô hình chung xét về lịch sử: Chính quyền đối lập với tôn giáo (dưới
triều đại của Hoàng đế La Mã Nero đã có cuộc thảm sát tín đồ Công giáo); Chính
quyền vạch rõ ranh giới với tôn giáo (trường hợp Triều Tiên); Chính
quyền vừa hợp tác với tôn giáo để lợi dụng, vừa cản trở tôn giáo (trường
hợp Việt Nam); Chính quyền xem tôn giáo như một hình thức tự do tín ngưỡng (trường
hợp nhiều nước Âu Mỹ); Chính quyền cũng là nhà nước tôn giáo (Afganistan
hiện nay là một ví dụ). Tất nhiên cũng có những mô hình biến thể hay là sự kết
hợp nhiều mô hình tùy theo từng giai đoạn lịch sử hay từng quốc gia.
Lấy mốc thời
gian từ 1975 đến nay, chính quyền Việt Nam đã thể hiện đúng như mô hình thứ ba
nêu ở trên: Chính quyền vừa hợp tác với tôn giáo để lợi dụng, vừa cản trở tôn
giáo. Năm 1977, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết
297/NQ-CP về hoạt động tôn giáo. Chính phủ Việt Nam tuyên bố Nghị quyết
này nhận được “sự ủng hộ” của các tôn giáo lớn ở Việt Nam.
Sau đó Hội
đồng Giám mục Việt Nam đặt ra định hướng hoạt động là “Sống phúc âm giữa
lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”, còn Giáo hội Phật giáo Việt
Nam tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất (Tháng Mười Một 1981)
thì đưa ra câu khẩu hiệu: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Chỉ
riêng câu khẩu hiệu này đủ cho thấy sự can thiệp thô bạo của chính quyền Việt
Nam vào những hoạt động của đạo Phật.
Một bài viết
trên website chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải
thích về phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” cho thấy
giống hệt như những lời lẽ trong các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Hình ảnh
các nhà sư “cởi cà sa, khoác chiến bào” là hình ảnh thường gặp trong các cuộc
kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, hay những ngôi chùa trở thành cơ sở
cách mạng, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ Cộng sản cũng khá phổ biến trong hai cuộc
chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ… Xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa là mục
tiêu hướng tới, là lý tưởng của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển
đất nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mục tiêu của sự nghiệp xây dựng
xã hội Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rất rõ ràng, đó là một xã hội: Dân giàu, nước
mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.”
Tiếp đó là sự biện minh rất xảo quyệt:
“Đặt mệnh
đề này trong phương châm hoạt động của Giáo hội, Phật giáo Việt Nam một lần nữa
muốn khẳng định, tinh thần “nhập thế”, “khế lí khế cơ” luôn luôn được theo đuổi
và thực hiện một cách triệt để của mình. Đó là, không chỉ luôn đồng hành, gắn
bó, mà Phật giáo luôn luôn kề vai sát cánh với dân tộc, với nhân dân trong bất
kể thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào của đất nước, miễn là làm cho nhân dân
được sống trong hòa bình và an lạc, quốc thái dân an (dân giầu nước mạnh). Hơn
nữa, những mục tiêu của xã hội Xã hội chủ nghĩa với không hề xa lạ hay đối lập
với mục tiêu xây dựng cõi Cực lạc ở nhân gian của Đạo Phật. Vấn đề ở đây phải
trên tinh thần “vô úy vô ngại”, tìm ra và vận dụng những pháp môn thiện xảo
thích hợp, trong muôn vàn pháp môn, để thực hiện cho được mục tiêu.”
Vậy để đạt
được mục tiêu “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” thì “việc tìm ra và vận
dụng những pháp môn thiện xảo thích hợp” có lẽ là lời bào chữa rất “đanh
thép” cho những việc làm của Thích Trúc Thái Minh để kiếm lợi lộc và làm giàu
cho những nhân vật nắm quyền lực cao trong chính trường Việt Nam.
Đảng thọc sâu cổ họng “đạo”
Cần nhắc lại,
Tháng Mười Một 2016, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật
tín ngưỡng, tôn giáo đầu tiên. Luật này có hiệu lực từ Tháng Một 2018
và thay thế Pháp lệnh về tôn giáo năm 2004. Những minh chứng cho thấy sự can
thiệp của chính quyền Việt Nam vào việc bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo, thậm
chí được ban hành thành luật, có thể tìm thấy ở ngay Luật tín ngưỡng,
tôn giáo.
Luật tín
ngưỡng, tôn giáo ở điều 11. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng,
khoản 3 nêu: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để cộng đồng
dân cư bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý”.
Đây là ở cấp
độ tín ngưỡng đã có sự can thiệp của chính quyền rất rõ ràng.
Cũng trong
Luật tín ngưỡng, tôn giáo ở điều 32. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy
cử chức sắc, chức việc, tuy khoản 1 nêu có vẻ như là chính quyền không can
thiệp vào việc bầu chức sắc tôn giáo:
“Tổ chức
tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu
cử, suy cử theo hiến chương của tổ chức tôn giáo”,
Nhưng điều
33 thì lại nhấn mạnh:
“Trường hợp
người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc không đáp ứng quy định tại khoản
2 Điều 32 của Luật này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu
tổ chức tôn giáo hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử chức sắc”. Như vậy chỉ
cần một lý do là không đáp ứng quy định, chính quyền hoàn toàn có thể hủy chức
vụ trong tôn giáo. Mà lý do này cũng rất chung chung, mơ hồ, hoàn toàn có thể dựng
nên hay gán ghép những việc nào đó. Nói cách khác, việc bầu bán trong hệ thống
tôn giáo chỉ là hình thức làm màu. Sự chọn ai vẫn thuộc quyền quyết định của
chính quyền.
Điều
34. Đăng ký người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc lại
càng thể hiện rõ sự can thiệp của chính quyền vào việc bổ nhiệm, thông qua các
khoản như:
1/Tổ chức
tôn giáo trước khi bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc sau đây có trách nhiệm gửi
hồ sơ đăng ký đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở
trung ương.
2/Đối với
các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tôn giáo và tổ
chức tôn giáo trực thuộc, trước khi thực hiện việc bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức
việc, có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan chuyên môn về
tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi chức việc cư trú và hoạt động tôn giáo.
3/ Tổ chức
được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước khi thực hiện việc bổ nhiệm,
bầu cử, suy cử chức việc có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan
nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này.
4/ Hồ sơ
đăng ký gồm:
a-Văn bản
đăng ký nêu rõ họ và tên người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử; phẩm vị,
chức vụ, địa bàn phụ trách trước và sau khi được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử;
b- Sơ yếu
lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử;
c- Bản tóm
tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người được dự kiến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.
5/Cơ quan
nhà nước có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này có trách nhiệm
trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.
6/Tổ chức
tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt
động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về người được bổ
nhiệm, bầu cử, suy cử đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại
khoản 1, khoản 2 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này chậm nhất là 20 ngày
kể từ ngày bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.
_______
Dư luận phẫn
nộ về việc can thiệp của chính quyền vào chuyện bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo,
cụ thể là trong chuyện Thích Trúc Thái Minh, là rất hợp lý. Tuy nhiên, chỉ là
đa số dân chúng không hề hay biết rằng việc can thiệp của chính quyền
đã được hợp pháp hóa bằng Luật tín ngưỡng, tôn giáo!
Éo le
thay, chiếu theo trường hợp của Thích Trúc Thái Minh, chúng ta có thể nhận ra
thầy được bổ nhiệm rất đúng quy trình, rất đúng luật! Ai mà cãi lại được khi
ông Trưởng Ban Tôn giáo của tỉnh Quảng Bình đưa luật ra. Chỉ là trong trường hợp
này, với những gì mà Thích Trúc Thái Minh đã làm, đã thể hiện, thì lẽ ra, chính
quyền phải áp dụng theo điều khoản trong luật: “Trường hợp người được
phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc không đáp ứng quy định, cơ quan nhà nước có
thẩm quyền có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo hủy kết quả phong phẩm hoặc suy
cử chức sắc.”
Một cách tổng
quát, có thể nói đằng sau tất cả những bát nháo ồn ào đang xảy ra là diễn biến
đấu đá của các phe nhóm trong “chính trị Phật giáo” hiện thời. Nó cho thấy bàn
tay thao túng rất sâu trong việc nhuộm đỏ tôn giáo của chính quyền Việt Nam với
mục đích lớn nhất là kiểm soát tuyệt đối sinh hoạt tôn giáo.
No comments:
Post a Comment