Friday 5 August 2022

TẬP CẬN BÌNH NÓNG MẶT - CHIẾC BẪY THUCYDIDES NGÀY CÀNG LỘ RÕ (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Tập Cận Bình nóng mặt - Chiếc bẫy Thucydides ngày càng lộ rõ

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
5 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/tap-can-binh-nong-mat-chiec-bay-thucydides-ngay-cang-lo-ro/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1412614774.jpg

Một số người Hong Kong được giật dây chống Mỹ nhân chuyến kinh lý Đài Loan của bà Nancy Pelosi (ảnh: Anthony Kwan/Getty Images)

 

Quan hệ song phương Washington-Bắc Kinh gần như chưa bao giờ căng như dây đàn như hiện nay trong khoảng ít nhất 10 năm trở lại đây. Thật ra căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung chưa bao giờ im ắng. Nó âm ỉ, giằng co. Nó nằm trong lý thuyết chiến tranh mà sử gia Thucydides từng đúc kết trước Công nguyên.

_________________

 

Ngày 5 Tháng Tám 2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố các biện pháp “trừng phạt” Washington, trong đó có việc đình chỉ các cuộc đàm phán về khí hậu, để đáp lại chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan. Bắc Kinh loan báo tạm “nghỉ chơi” Washington, hủy bỏ các cuộc điện đàm và cuộc họp trong tương lai giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc và Mỹ, hủy các cuộc họp hải quân thường niên theo cơ chế tham vấn hàng hải quân sự Trung-Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc cũng đình chỉ hợp tác về việc hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp, hỗ trợ pháp lý về các vấn đề hình sự và chống tội phạm xuyên quốc gia.

_________________

 

Như Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Belfer về khoa học và các vấn đề quốc tế thuộc Trường Harvard Kennedy, viết trên The Atlantic, 12 trong 16 trường hợp trong 500 năm qua, trong đó một sức mạnh đang lên đối đầu một sức mạnh đang trị vì, đều có kết quả dẫn đến chiến tranh thảm khốc. Điều này đã được sử gia Thucydides thống kê một cách khoa học hàng ngàn năm trước đó. Dựa vào dữ liệu cụ thể trong quan hệ hai nước Mỹ-Trung hiện nay, đặc biệt kinh tế, thật khó hình dung chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Cách đây hơn 2,400 năm, sử gia thành Athens Thucydides nhận xét: “Nếu sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ này lan truyền ở Sparta thì việc dẫn đến chiến tranh là không thể tránh khỏi”. Thucydides đã chỉ ra những động lực chủ yếu: Một bên thể hiện ham muốn khẳng định sức mạnh và luôn cảm thấy tầm vóc quan trọng trong vị thế mới của mình; trong khi bên kia là nỗi sợ bị giành mất quyền lực và sự quyết tâm bảo vệ vị trí đang có.

 

Trong trường hợp Thucydides ghi nhận vào thế kỷ thứ năm TCN, Athens, trong nửa thế kỷ, bắt đầu trỗi dậy dữ dội với sự bùng nổ triết học, sử học, kiến trúc, mô hình chính trị dân chủ và sức mạnh hải quân. Điều đó khiến Sparta, trong suốt cả thế kỷ là sức mạnh vô địch trên bán đảo Peloponnese, cảm thấy bất an. Thucydides cũng nói đến chiến lược xây dựng đồng minh của hai bên vào thời điểm đó.

 

Cuối cùng, khi xung đột xảy ra giữa đồng minh hai bên (Corinth và Corcyra), Sparta cảm thấy cần thiết phải bảo vệ Corinth; khiến Athens cũng xuất binh che chở đồng minh mình. Thế là cuộc chiến Peloponnese nổ ra. Khi nó kết thúc vào 30 năm sau, Sparta chiến thắng. Tuy nhiên, cả hai bên đều tổn thất nặng nề… Lịch sử luôn cho thấy một khi lợi ích chính trị bị đe dọa thật sự, người ta vẫn có thể hy sinh quyền lợi kinh tế và sẵn sàng dùng nắm đấm phân biệt hơn thua.

 

Lịch sử đang lập lại, dưới dạng thức mới, thể hiện trong mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc, khi mà Trung Quốc không chỉ ngoi lên như một cường quốc kinh tế mà còn là một sức mạnh quân sự đe dọa quyền lợi Mỹ – như dự báo của Tổng thống Theodore Roosevelt (nhiệm kỳ 1901-1909) cách đây hơn 100 năm, khi cho rằng:

 

“Lịch sử tương lai của chúng ta sẽ được quyết định bởi vị trí của chúng ta ở Thái Bình Dương đối mặt với Trung Quốc hơn là vị trí của chúng ta ở Đại Tây Dương trực diện với châu Âu”. Cho nên, điều mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, vốn là người thân Trung Quốc, một “tình nhân vĩ đại” trong lịch sử quan hệ Washington-Bắc Kinh, kết luận trong quyển On China của mình – về việc nên tạo một “cộng đồng Thái Bình Dương” trong đó Mỹ, Trung Quốc và tất cả các nước trong khu vực đều cùng sống chung và phát triển trong hòa bình – hoàn toàn là một ảo tưởng phi thực tế chính trị.

 

Vấn đề của thế giới ngày nay không phải là các cuộc tranh giành thể hiện vị thế chính trị tại những nước như Ukraine hay Syria mà là thách thức địa chính trị, như một kết quả tất yếu của sự trỗi dậy Trung Quốc, trở thành mối đe dọa lớn nhất vai trò Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ông Lý Quang Diệu từng nhận xét: “Kích cỡ sự soán chỗ yếu tố cân bằng thế giới của Trung Quốc dữ dội đến mức thế giới buộc phải tìm kiếm một sự cân bằng mới”. Cựu Tổng thống Czech Vaclav Havel nhấn mạnh thêm: “Tất cả điều này xảy ra nhanh đến mức chúng ta không có thời gian để kịp ngạc nhiên”.

 

Trung Quốc, không như thời Đặng Tiểu Bình với phương châm “Thao quang dưỡng hối” (Ẩn mình để không lộ thực lực), bây giờ luôn sẵn sàng phô diễn sức mạnh quân sự và không che đậy tham vọng “tranh bá đồ vương”. Trong khi đó, dầu liên tục được đổ vào lửa, từ Trung Quốc. Giới học thuyết quân sự Trung Quốc tin rằng Trung Quốc ngày nay chẳng cần phải e dè và che giấu việc biểu dương sức mạnh quân sự và đó là hành động cần làm để khẳng định sức mạnh nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là bảo vệ lợi ích kinh tế.

 

Tướng Trương Triệu Ngân nói rằng quân đội Trung Quốc phải bỏ ngay thứ học thuyết cũ rích lỗi thời về việc “xây dựng một quân đội hướng đến mục tiêu hòa bình trong thời bình” và rằng “việc chuẩn bị chiến tranh và thắng trận phải luôn là nhiệm vụ cơ bản thiết yếu của quân đội”. Cây bút bình luận của tờ Giải phóng quân báo Hoàng Côn Lôn thậm chí còn đưa ra khái niệm mới về “biên giới lợi ích quốc gia” trong đó lợi ích quốc gia Trung Quốc nằm ngoài khuôn khổ lãnh thổ, đất đai, hải phận và không phận mà nó phải hàm chứa cả những vùng rộng lớn, chẳng hạn đại dương nơi ghi dấu các cuộc hải hành của những con tàu dầu Trung Quốc, và thậm chí không gian.

 

“Bất cứ nơi nào quyền lợi quốc gia của chúng ta mở rộng, sứ mạng quân đội chúng ta phải đi theo” – họ Hoàng viết – “Xét đến sứ mạng lịch sử mới của chúng ta, quân đội (Trung Quốc) bây giờ không chỉ phải bảo vệ biên cương mà còn phải bảo vệ cả “những đường biên giới lợi ích quốc gia”. Một phần trong “những đường biên giới lợi ích quốc gia” của Trung Quốc có thể hiểu là khu vực biển Đông, nơi một “đường lưỡi bò” đang thèm liếm vào 100 tỉ thùng dầu và 210 tỉ m3 khí đốt, nơi 80% dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua eo biển Malacca.

 

Chính sách bá quyền lộ rõ thêm trong cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình, kẻ không chỉ muốn viết lại lịch sử mà còn muốn đặt Trung Quốc lên một vị thế chưa từng có trong lịch sử.

 

==========================================

.

.

Mỹ cho HKMH Ronald Reagan theo dõi Trung Quốc

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ

5 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/my-cho-hkmh-ronald-reagan-theo-doi-trung-quoc/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/6707766-1024x1156.jpeg

HKMH Ronald Reagan, tàu sân bay duy nhất được bố trí ở tiền tuyến của Hải quân Mỹ. Ảnh US Navy photo.

 

Hoa Kỳ đã ra lệnh cho hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở lại vùng biển gần Đài Loan trong khi Trung Quốc tiếp tục diễu võ giương oai chung quanh hòn đảo để bày tỏ sự tức giận về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm Thứ Ba vừa qua.

 

Bản tin trên trang Business Insider cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho “USS Ronald Reagan và các tàu trong nhóm tác chiến sẽ ở lại trong khu vực để theo dõi tình hình”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết tại cuộc họp giao ban hôm Thứ Năm.

 

“Chúng tôi sẽ thực hiện các chuyến đi đường hàng không và đường biển tiêu chuẩn qua Eo biển Đài Loan trong vài tuần tới, nhất quán với cách tiếp cận lâu đời của chúng tôi nhằm bảo vệ tự do hải hành và luật pháp quốc tế. Và chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để chứng minh cam kết của Mỹ đối với an ninh của các đồng minh của chúng tôi trong khu vực,” ông Kirby nói thêm. 

 

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đặt căn cứ tại Nhật Bản. Trước chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, tàu USS Ronald Reagan và hai tàu sân bay đổ bộ khác của Hải quân Hoa Kỳ đã được điều động tới vùng biển gần Đài Loan, cả ở phía Bắc và phía Nam hòn đảo, để đề phòng bất trắc.

 

Cả ba tàu sân bay này đều có phi đoàn rất hùng mạnh. Tàu đổ bộ USS AmericaUSS Tripoli chở theo các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 tân tiến F-35 cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, trong khi tàu USS Ronald Reagan mang theo phi đoàn phi cơ cánh cố định F/A-18.

 

Các tàu của Hải quân Mỹ được cho là đang hoạt động bình thường và không phải là phản ứng trước những lời đe dọa lặp đi lặp lại của Bắc Kinh về một phản ứng quân sự đáp lại chuyến đi của bà Pelosi. 

 

Kể từ chuyến thăm Đài Loan hôm Thứ Ba của Pelosi, căng thẳng trong khu vực đã tăng lên rất cao và quân đội Trung Quốc đã gia tăng sức ép lên hòn đảo dân chủ bằng việc các cuộc tập trận bắn tên lửa đạn đạo qua và xung quanh Đài Loan, điều động hàng chục máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

 

Thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã triển khai 68 máy bay và 13 tàu quân sự xung quanh eo biển Đài Loan vào Thứ Sáu. Một số máy bay và tàu chiến Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến phân cách eo biển Đài Loan. Mặc dù chuyện này không phải là chưa từng xảy ra, nhưng không thường xuyên.

 

“Quân đội Đài Loan đã phản ứng với tình huống như vậy bằng các hệ thống giám sát, máy bay cảnh báo sớm, tàu Hải quân và hệ thống tên lửa. Chúng tôi lên án hành động như vậy đã làm xáo trộn không phận và vùng biển xung quanh của chúng tôi và tiếp tục bảo đảm nền dân chủ và tự do của chúng tôi không bị đe dọa,” Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.

 

Tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác đang diễn ra ở Cambodia, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng, hành động leo thang quân sự đe dọa Đài Loan của Bắc Kinh là “không thể biện minh được”. Đáp lại, Bắc Kinh đã đình chỉ các đường dây liên lạc cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ về quân sự và khí hậu.

 

------------

Đọc thêm:

·         Bầu trời không sập vì Pelosi!

·         Tập Cận Bình nóng mặt – Chiếc bẫy Thucydides ngày càng lộ rõ

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats