Friday 5 August 2022

BẦU TRỜI KHÔNG SẬP VÌ PELOSI! (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Bầu trời không sập vì Pelosi!

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

5 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/bau-troi-khong-sap-vi-pelosi/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-842160518.jpg

Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images

 

Một quyết định không sai

 

Nội các Biden lẫn Quốc hội đang chứng tỏ cả hai “lời khuyên” nghe có vẻ ​​hợp lý lại sai hoàn toàn: Lời khuyên từ cánh hữu cho rằng Hoa Kỳ phải lùi bước trước Nga để tập trung vào Trung Quốc; trong khi lời khuyên từ cánh tả cho rằng Hoa Kỳ phải nhân nhượng trước Trung Quốc để đối đầu với Nga.

 

Sai ở chỗ không cần “chọn một trong hai” mà chọn cả hai vẫn không dẫn đến chiến tranh trực diện! Quốc hội Hoa Kỳ đã họp lại tuần này để khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc kiềm chế sự hung hăng hiếu chiến của hai chế độ chuyên quyền. Ngày 3 Tháng Tám, Thượng viện đã bỏ phiếu với 95 phiếu thuận (một chống) trong việc phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, và xem đây là phản ứng mạnh trước cuộc xâm lược tàn bạo và vô cớ của Nga chống Ukraine.

 

Nếu không kể vài ý kiến riêng lẻ, cả hai đảng và chính quyền Tổng thống Joe Biden đều ủng hộ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan, bất chấp chính phủ Trung Quốc sử dụng mọi ngôn từ hiếu chiến để bà phải huỷ bỏ chuyến đi. Trong tuần này, Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (Conservative Political Action Conference) của Đảng Cộng hoà (GOP) đã chào đón ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary thân thiện với Nga đến phát biểu như một diễn giả. Cần nhắc lại, Tháng Năm qua, tổ chức The Heritage Foundation, thành trì chính sách đối ngoại GOP vốn nổi tiếng diều hâu, đã phản đối việc Mỹ tài trợ cho Ukraine, lấy cớ… tốn kém! Nhưng khảo sát cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 6 người ủng hộ cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine, và cứ 10 đảng viên GOP có 7 người ủng hộ NATO.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1242295591.jpg

Washington, DC ngày 3 Tháng Tám 2022 – lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer tiếp phái đoàn ngoại giao Thụy Điển và Phần Lan, bày tỏ ủng hộ việc hai quốc gia này gia nhập NATO (ảnh: Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)

 

Thống nhất giữa hai đảng

 

Trong khi có sự hoài nghi sâu sắc của một bộ phận người dân Mỹ về việc Hoa Kỳ can thiệp ở nước ngoài, các lãnh đạo của cả hai đảng dường như hiểu rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ và lợi ích trong việc thể hiện vai trò lãnh đạo tích cực của mình và ngăn chặn các đối thủ ở cả châu Âu, châu Á. Cuộc bỏ phiếu kết nạp thành viên NATO mới cho thấy hầu hết các nhà lãnh đạo GOP đều hiểu lập trường mềm mỏng hơn đối với Nga không phải là chính sách tốt hay chính trị tốt.

“Chúng ta không thể đánh bại Trung Quốc bằng cách rút lui khỏi các nơi khác của thế giới mà chỉ có thể đánh bại Trung Quốc bằng cách sát cánh cùng đồng minh chống lại kẻ thù chung” – Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hoà-Texas) tuyên bố trước khi bỏ phiếu mở rộng NATO. Cruz đã phản ứng lại lập luận của người đồng cấp Cộng hòa Josh Hawley, Thượng nghị sỹ duy nhất bỏ phiếu chống mở rộng NATO. Trong một bài báo trên tờ National Interest, Hawley viết: “Chúng ta phải giảm hoạt động ở châu Âu (và những nơi khác) để ưu tiên cho Trung Quốc và châu Á, vì chúng ta không thể đánh bại Trung Quốc và Nga trong hai cuộc chiến lớn cùng một lúc”. Hawley theo xu hướng đối ngoại đang nổi lên trong cánh hữu với mục tiêu giảm bớt áp lực đối với Moscow.

 

Hai quan điểm “chọn một” điển hình

 

Trái với lập luận của Thượng nghị sĩ Hawley, việc củng cố NATO không làm tăng mà giảm gánh nặng của Mỹ ở châu Âu. Bình luận gia Josh Rogin viết trên The Washington Post rằng, xem việc tăng áp lực răn đe đối với Nga sẽ dẫn đến chiến tranh là không có cơ sở. Bản thân NATO là một liên minh phòng thủ, được thiết kế để ngăn chặn một cuộc chiến tranh trên diện rộng. Trong khi đó, ở phía “né” Trung Quốc, một số tiếng nói nổi bật đã cảnh báo chuyến thăm Đài Loan của Pelosi có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc vào thời điểm tồi tệ nhất. Đây cũng là quan điểm phiến diện.

 

Ví dụ, Thomas L. Friedman viết trên tờ The New York Times: “Chuyến thăm của Pelosi là liều lĩnh vì Ukraine đòi hỏi sự chú ý đầy đủ của chúng ta”. Tuy nhiên, Friedman dùng sai từ “reckless” (bất cẩn) cho phía Mỹ vì đúng ra nó phải dùng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, kẻ đã “khua chuông gióng trống” đe dọa sự an toàn của Pelosi. Việc Trung Quốc bắn tên lửa và tiến hành các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan mới là hành động bất cẩn. Đến Đài Loan để hội họp thì không thể gọi là “bất cẩn”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1242316620.jpg

Ngày 4 Tháng Tám 2022, Bộ tư lệnh quân khu Đông (Eastern Theater Command – 东部战区,Đông Bộ Chiến Khu) đã phóng hỏa tiễn dọa Đài Loan (ảnh: Wang Yi/Xinhua via Getty Images)

 

Quan trọng hơn, lập luận như thế là hoàn toàn hiểu sai tình hình ở Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang cần một cái gì đó “mạnh mẽ” để chứng tỏ ông ta không hề nhu nhược để ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ ba. “Mạnh mẽ” nhưng không có nghĩa là có thể chịu được một cuộc chiến tranh lớn ngay bây giờ. Trung Quốc không dám công khai viện trợ cho Nga là vì muốn tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, và điều đó sẽ không thay đổi vì Pelosi đến Đài Loan.

 

Bầu trời không sập vì Pelosi!

 

Sau do dự ban đầu, chính quyền Biden đã ủng hộ chuyến thăm của Pelosi, sử dụng các bước đi và ngoại giao hợp lý để kiểm soát được cách ứng xử trong quan hệ với Bắc Kinh. Bầu trời không sập vì Pelosi. Đại chiến Thế giới lần thứ III không bắt đầu. Nhưng quan trọng hơn, chuyến đi của Pelosi không làm thay đổi thực tế là chính Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ, là bên hiếu chiến muốn phá vỡ hiện trạng trên eo biển Đài Loan.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1242295669.jpg

Một nghệ sĩ thuộc Trường Nghệ thuật Gurukul ở Mumbai (Ấn Độ) thể hiện ủng hộ bà Nancy Pelosi và bà Thái Anh Văn (ảnh: Bhushan Koyande/Hindustan Times via Getty Images)

 

Những đe dọa hung hăng và kích động dân chúng đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không phải từ Mỹ! Mỹ chỉ phản ứng. Ý tưởng cho rằng Hoa Kỳ phải lựa chọn giữa việc đối đầu với sự xâm lược của Nga hoặc đối đầu với sự gây hấn của Trung Quốc nghe thì “hấp dẫn” nhưng phi thực tế. Trên thực tế, hai chế độ độc tài bành trướng này luôn sát cánh cùng nhau để phá hoại an ninh, thịnh vượng và tự do của thế giới. Họ là “hai trong một” nên không thể chia ra để chọn.

 

Moscow và Bắc Kinh xem việc đối đầu với phương Tây là nhiệm vụ chung. Đây là điều người dân Mỹ và các chính gia Mỹ phải hiểu rõ. Điều đáng mừng là Hoa Kỳ có nhiều đối tác và đồng minh mạnh cũng hiểu rằng Trung Quốc-Nga là mối đe dọa kép chứ không phải hai thách thức riêng biệt để lựa chọn. Các lãnh đạo của cả hai phe tả, hữu trong chính trường Mỹ  nên ngừng gây ảo tưởng cho người dân Mỹ về sự nhận thức giả tạo nước Mỹ chỉ nên chọn đối đầu với một trong hai kẻ xấu. Không có hai kẻ xấu mà chỉ có một kẻ xấu hai đầu!

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats