Friday, 5 August 2022

TẠI SAO TẬP CẬN BÌNH ĐANG QUAN TÂM NHIỀU HƠN ĐẾN NGOẠI GIAO? (Katsuji Nakazawa – Nikkei Asia)

 



Tại sao Tập Cận Bình đang quan tâm nhiều hơn đến ngoại giao?

Katsuji Nakazawa  -  Nikkei Asia   

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

05/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/05/tai-sao-tap-can-binh-dang-quan-tam-nhieu-hon-den-ngoai-giao/

 

Chủ tịch Trung Quốc đã nhìn thấy cửa sổ cơ hội cho một chiến dịch ngoại giao vào tháng 11 tại G-20.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ đã để mắt nhiều hơn đến ngoại giao, cụ thể là Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Bali, Indonesia, sẽ diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 11 này.

 

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Tập sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội Đảng toàn quốc sắp tới. Trong khi đó, nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ được tổ chức vào đầu tháng đó.

 

Bắc Kinh coi giữa tháng 11 là một thời điểm quan trọng cho ngoại giao.

 

Đó có thể là lý do tại sao lệnh cấm nghiêm ngặt không tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm thủ đô Trung Quốc đã bất ngờ được gỡ bỏ.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F8%252F2%252F1%252F1%252F41531128-1-eng-GB%252FLRE_5939.jpg?source=nar-cms

Tại cuộc gặp của họ vào ngày 26/07, Widodo đã mời Tập tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc không cam kết sẽ tham dự. (Ảnh của Phủ Tổng thống Indonesia)

 

Người được lợi chính là Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo. Ông đã đến sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh hồi tối thứ Hai (25/07).

 

Kể từ khi Trung Quốc phát động chính sách zero-Covid vào năm 2020, không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào có thể đến thăm Bắc Kinh, ngoại trừ Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 04/02.

 

Các bộ trưởng ngoại giao đến thăm Trung Quốc đã không được phép vào Bắc Kinh. Thay vào đó, họ tiến hành hội đàm với các quan chức Trung Quốc ở những vùng cách xa thủ đô, chẳng hạn như ở thành phố Thiên Tân hoặc tỉnh Phúc Kiến.

 

Chuyến thăm của Jokowi đánh dấu việc Trung Quốc chính thức nối lại ngoại giao cấp cao song phương trực tiếp.

 

Theo một tuyên bố chung do Tập và Jokowi đưa ra sau cuộc gặp, Tổng thống Indonesia đã mời Chủ tịch Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali. Tập không hứa sẽ tham dự, mà chỉ đáp lời cảm ơn và chúc “hội nghị thượng đỉnh thành công trọn vẹn.”

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F9%252F7%252F1%252F1%252F41531179-1-eng-GB%252F2022-07-14T021735Z_126508407_RC2EBV95CMIU_RTRMADP_3_G20-INDONESIA.jpg?source=nar-cms

Tập đã sống cô lập ở Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch, nhưng để đạt được các mục tiêu ngoại giao của mình, ông có thể cần một chuyến đi đến hội nghị thượng đỉnh G-20 trên hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia vào cuối năm nay. © Reuters

 

Tập đã không có chuyến công du nước ngoài nào trong thời kỳ đại dịch, bắt đầu cách đây hơn hai năm rưỡi. Nhưng điều này không có nghĩa là ông ngưng hoạt động ngoại giao. Chủ tịch Trung Quốc đã nói chuyện qua điện thoại với Widodo sáu lần, trong đó gồm hai lần trong năm nay.

 

Bằng cách tận dụng tối đa mối quan hệ tốt đẹp với Indonesia, Trung Quốc muốn củng cố vị thế của mình với tư cách là nhà lãnh đạo nhóm các nước mới nổi của G-20.

 

Trung Quốc tỏ ra khá thoải mái tại G-20, nơi các quốc gia mới nổi chiếm đa số. Dù vậy, nước này không phải là một thành viên của G-7, bao gồm các quốc gia theo thể chế tự do và công nghiệp hóa lớn – gồm Mỹ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý và Nhật.

 

Năm nay, Indonesia là chủ tịch luân phiên của G-20. Jokowi, người gần đây đã đến thăm Nga và Ukraine, đang cố gắng dàn xếp để Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể gặp mặt trực tiếp tại cuộc họp G-20 ở Bali.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F0%252F3%252F2%252F1%252F41531230-1-eng-GB%252F2022-06-29T173134Z_1345994265_RC2R1V9AQB0O_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-INDONESIA-ZELENSKIY.jpg?source=nar-cms

Widodo và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau tại Kyiv vào ngày 29/06. Nhà lãnh đạo Indonesia đang tìm cách sắp xếp một cuộc gặp trực tiếp giữa Zelensky và Putin. © Phòng Báo chí của Tổng thống Ukraine / Reuters

 

Trung Quốc giờ đây nhìn thấy cơ hội thoát ra khỏi ngõ cụt mà họ đã tự tạo cho mình, liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Sau tuyên bố chung của Tập và Putin hồi tháng 2, trong đó cả hai đều phản đối việc mở rộng NATO, Bắc Kinh đã không thể chỉ trích việc Nga xâm lược Ukraine.

 

Tình thế đó đã cản trở ngoại giao Trung Quốc, đồng thời củng cố liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống lại Trung Quốc.

 

Phương Tây đã kêu gọi loại Nga khỏi hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của Ukraine.

 

Đối với Trung Quốc, chuyến công du Đông Á của Jokowi là cơ hội vàng để vạch ra một con đường khác và thể hiện sức mạnh của mình.

 

Trong tương lai, khi các bên tham chiến sẵn sàng đối thoại trực tiếp, Trung Quốc muốn đóng vai trò trung gian hòa giải, cùng với Indonesia. Vì họ đã ủng hộ Nga trong suốt cuộc chiến, Trung Quốc không dễ có được lòng tin của Ukraine. Nhưng nếu nước này có thể chứng tỏ tầm quan trọng của mình với tư cách là một cường quốc tham gia vào các nỗ lực hòa bình ở Ukraine, Tập Cận Bình sẽ có khả năng cứu vãn thể diện.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F1%252F8%252F2%252F1%252F41531281-1-eng-GB%252F2022-06-30T162742Z_819260060_RC2F2V9Y0TDS_RTRMADP_3_RUSSIA-INDONESIA%2520%25281%2529.jpg?source=nar-cms

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Widodo tại Moscow vào ngày 30/06. © Reuters

 

Trong cuộc hội đàm tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Tập và Jokowi đã trao đổi về khủng hoảng Ukraine. Theo thông tin từ phía Trung Quốc, cả hai nhà lãnh đạo đều chia sẻ quan điểm rằng cộng đồng quốc tế cần tạo điều kiện khuyến khích đối thoại hướng tới hòa bình.

 

Để đạt được điều đó, Tập, người đã ở yên trong nước hơn hai năm rưỡi, sẽ cần phải đích thân tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20.

 

Chuyến công du nước ngoài gần đây nhất của Tập là tới Myanmar trong hai ngày vào tháng 01/2020. Khi vị chủ tịch nước đi vắng, Trung Quốc bất ngờ gặp vấn đề trong việc xử lý đợt bùng phát coronavirus ban đầu ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Rút ra bài học cay đắng, Tập quyết định ở lại đất nước từ đó đến nay.

 

Nếu Jokowi không đến thăm Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du Đông Á của mình, thì đó sẽ là một thiệt hại cho chính sách ngoại giao Trung Quốc.

 

Jokowi đã đến Bắc Kinh trước cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Đó là một điểm mà Trung Quốc rất muốn nhấn mạnh.

 

Đối với Trung Quốc, Indonesia là một đối tác quan trọng ở ASEAN. Hai nước đã có quan hệ sâu sắc kể từ năm 1955, khi Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai tham dự Hội nghị Bandung, hội nghị mang các quốc gia châu Á và châu Phi xích lại gần nhau.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F2%252F3%252F3%252F1%252F41531332-1-eng-GB%252FGettyImages-106503962.jpg?source=nar-cms

Chu Ân Lai tham dự Hội nghị Bandung ở Indonesia năm 1955. © Getty Images

 

Ngày 03/10/2013, trong chuyến thăm Indonesia, Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại quốc hội nước này và kêu gọi ủng hộ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Tháng 9 cùng năm, ông đưa ra đề xuất “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” ở Kazakhstan, một quốc gia Trung Á.

 

Các đề xuất này được gọi chung là Sáng kiến Vành đai và Con đường, một khu kinh tế khổng lồ nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển.

 

Về phần mình, Indonesia đang tìm cách duy trì lập trường trung lập trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

 

Không lâu trước khi Jokowi đến thăm Trung Quốc, một cố vấn quân sự hàng đầu của Mỹ đã đến thăm Indonesia theo lời mời của Jakarta.

 

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nhấn mạnh mối đe dọa từ quân đội Trung Quốc, đồng thời đề cập đến việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Indonesia. Không nghi ngờ gì, Trung Quốc đã theo dõi mọi động thái của Milley, và họ đặc biệt quan tâm đến việc Mỹ bán vũ khí cho Indonesia.

 

Tập Cận Bình cũng đang chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến với Biden. Chủ tịch Trung Quốc đã gửi một bức điện chúc Biden hồi phục nhanh chóng sau khi nhiễm Covid-19 vào ngày 22/07, một ngày sau khi có thông báo rằng Tổng thống Mỹ đã có kết quả dương tính với virus.

 

Bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nặng nề hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, Tập không thể từ chối các cuộc gọi với Biden. Việc cắt giảm bất kỳ khoản thuế nhập khẩu nào mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc nhằm mục đích trừng phạt cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể nhượng bộ về một vấn đề khác: kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

 

Trong hơn hai năm cô lập bản thân ở Trung Quốc, Tập đã có nhiều cuộc gọi với nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm cả những nhà lãnh đạo của các nước châu Phi nhỏ.

 

Trung Quốc đã rót nguồn vốn dồi dào vào nhiều quốc gia. Dù có một làn sóng chỉ trích gay gắt “chính sách ngoại giao bẫy nợ” này, việc cấp vốn đã mang lại cho Bắc Kinh sức mạnh ngoại giao đáng kể. Một học giả nổi tiếng của Trung Quốc đã công khai nói về nhu cầu “mua bán tình bạn.”

 

Người ta cho rằng mật nghị Bắc Đới Hà thường niên sẽ bắt đầu trong những ngày tới. Các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc và những đảng viên lão thành đã nghỉ hưu thường gặp nhau vào mùa hè hàng năm, tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà của tỉnh Hà Bắc, để thảo luận một cách không chính thức về các vấn đề quan trọng đằng sau những cánh cửa đóng kín.

 

Đường lối ngoại giao đối với Mỹ, cuộc chiến của Nga ở Ukraine, và cách ứng phó với sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng, là những chủ đề chính mà đảng đang thảo luận.

 

Liệu cách tiếp cận mạnh mẽ của Trung Quốc – thể hiện qua việc dỡ phong tỏa ngoại giao tại Bắc Kinh để tiếp đón Jokowi – và các cuộc trao đổi giữa Tập với Biden có mang lại kết quả? Câu trả lời sẽ cho chúng ta biết liệu Tập có thể duy trì quyền lực vô song hay không.

 

------------------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

NGUỒN :

 

Analysis: Xi opens Beijing's heavy gates to receive Jokowi

President sees window for diplomatic offensive in November at G-20

KATSUJI NAKAZAWA, Nikkei senior staff writer

JULY 28, 2022 04:00 JST

Nikkei Asia   

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats