Friday 12 August 2022

CÁCH NGA ĂN CƯỚP TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN CỦA UKRAINE (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Cách Nga ăn cướp tài nguyên thiên nhiên của Ukraine

Lê Tây Sơn
12 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/cach-nga-an-cuop-tai-nguyen-thien-nhien-cua-ukraine/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1242413539.jpg

DONBAS, UKRAINE – JULY 26: A miner operates a mining combine in a meter high corridor, 370 meter. Công nhân mỏ than ở Donbas (ảnh: Wojciech Grzedzinski / For The Washington Post via Getty Images)

 

Bên trong cuộc chiến Ukraine là một cuộc chiến khác của Nga để giành khoáng sản và năng lượng. Moscow đang cố cướp đi nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, “xương sống nền kinh tế” của Ukraine.

 

Vừa ăn cắp vừa phá hoại

 

Sau gần sáu tháng xâm lược, cuộc chiến “bắn phá bừa bãi” của Moscow đã mang lại ít nhất một phần thưởng lớn: Mở rộng quyền kiểm soát một số vùng đất giàu khoáng sản nhất ở châu Âu. Ukraine có trữ lượng quặng titan và sắt lớn nhất nhì thế giới; các mỏ lithium chưa được khai thác và các mỏ than khổng lồ. Tổng cộng, số tài nguyên thiên nhiên này có giá trị hàng chục ngàn tỷ.

 

Đa số trữ lượng mỏ của Ukraine (và là nguồn cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp thép quan trọng của quốc gia này trong nhiều thập niên) tập trung ở phía Đông, nơi quân Nga chiếm được nhiều đất nhất. Công ty quản lý rủi ro địa chính trị SecDev của Canada nhận định: “Kết quả của sự xâm lược là số lượng lớn tài nguyên của Ukraine đã lọt vào tay Nga. Ngoài một lượng đáng kể các mỏ năng lượng còn các mỏ khoáng sản giá trị cần thiết cho mọi thứ, từ các bộ phận máy bay đến điện thoại thông minh”.

 

Cuộc xâm lược của Nga đã làm đình trệ hoạt động khai thác khoáng sản của Ukraine, kể cả khai thác các nguyên liệu cần thiết chiến lược. Thiếu than phát điện khiến Kyiv phải nhập khẩu than để duy trì hoạt động của các nhà máy điện tại nhiều thành phố và thị trấn. Nếu Kremlin thành công trong việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine mà họ đã chiếm giữ bằng “trưng cầu dân ý” giả mạo, Kyiv sẽ vĩnh viễn mất quyền tiếp cận và sử dụng gần 2/3 kho báu tài nguyên của mình.

 

Việc Ukraine có nguy cơ mất thêm các mỏ khác, gồm cả khí đốt thiên nhiên, dầu mỏ, đặc biệt là đất hiếm (tối quan trọng cho một số thành phần công nghệ cao) đã khiến kế hoạch tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đất hiếm nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc của châu Âu gặp trở ngại. Stanislav Zinchenko, Giám đốc điều hành GMK, công ty tư vấn kinh tế có trụ sở tại Kyiv nhận định: “Kịch bản tồi tệ nhất là Ukraine bị mất nhiều vùng lãnh thổ giàu tài nguyên. Chúng tôi không còn nền kinh tế hàng hóa mạnh mẽ như trước và sẽ giống một quốc gia Baltic không thể duy trì nền kinh tế công nghiệp của mình. Đây là những gì Nga muốn để làm suy yếu chúng tôi”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-473279356.jpg

Mỏ than Skochinskogo ở Donetsk, Ukraine, hiện thuộc lịch sử của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (ảnh: Pierre Crom/Getty Images)

 

Nga đã cướp được $12.4 ngàn tỷ

 

The Washington Post cho biết, Ukraine có 117 trong 120 khoáng chất và kim loại được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Các trang web chính thức của chính phủ không còn hiển thị vị trí địa lý của các mỏ này nữa vì với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, phân tích của SecDev chỉ ra rằng ít nhất $12.4 ngàn tỷ các mỏ năng lượng, kim loại và khoáng sản của Ukraine hiện nằm trong sự kiểm soát của Nga, tức gần một nửa giá trị tính bằng đôla của 2,209 mỏ được công ty thống kê.

 

Ngoài việc chiếm 63% trữ lượng than của Ukraine, Moscow còn chiếm 11% trữ lượng mỏ dầu, 20% khí đốt tự nhiên, 42% kim loại, 33% trữ lượng đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác như lithium. Một số bị cướp khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 hoặc trong cuộc chiến kéo dài tám năm của chính phủ Ukraine với phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở phía Đông. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào Tháng Hai, Kremlin đã dần mở rộng các khu vực chiếm đóng. Theo SecDev và các nhà điều hành ngành công nghiệp khai thác và thép Ukraine, Nga đã chiếm thêm:

 

41 mỏ than, 27 mỏ khí đốt tự nhiên, 14 mỏ khí propan, 9 mỏ dầu, 6 mỏ quặng sắt, 2 mỏ quặng titan, 2 mỏ quặng zirconi, một mỏ strontium, một mỏ lithium, một mỏ uranium, một mỏ vàng và một mỏ đá vôi lớn trước đây được sử dụng để sản xuất thép.

 

Bài toán khó cho Châu Âu

 

Dù Ukraine vẫn kiểm soát phần lớn dự trữ dầu và khí đốt nhưng việc Nga tiếp tục mở rộng lãnh thổ có thể dẫn đến một bước lùi chiến thuật đối với châu Âu. Robert Muggah, đồng sáng lập SecDev, nhận định: “Việc Nga chiếm đóng lãnh thổ Ukraine có tác động trực tiếp đến an ninh năng lượng của phương Tây. Trừ khi nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn dầu khí, châu Âu sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga”.

 

Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, không chỉ Ukraine mất khoảng 7% lãnh thổ, mà khoản đầu tư quan trọng của phương Tây vào việc khai thác và và sản xuất năng lượng tại Crimea cũng tiêu tan. Năm 2021, công ty đầu tư Ba Lan-Ukraina Millstone & Co đã ký một thỏa thuận với một công ty khai thác mỏ của Úc để hợp tác thăm dò tại hai mỏ lithium chưa được khai thác. Bây giờ, Mykhailo Zhernov, đối tác quản lý của Millstone, cho biết, khi chiến tranh bắt đầu, thỏa thuận đã bị đóng băng.

 

Các nhà phân tích cho biết giấy phép cho các mỏ khoáng sản do chính phủ Ukraine bán vào năm ngoái đang được bán lại với mức chiết khấu sâu khi các nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng khai thác. Zhernov nói: “Mỗi ngày, người dân Ukraine đang mất dần nền kinh tế của mình. Nhiều nhà đầu tư từng khoan thăm dò gần đây đã phải dừng lại vì chiến tranh. Những gì liên quan đến khai thác mỏ đều trở thành trò chơi cá cược!”.

 

Ukraine còn chịu cú đánh tồi tệ hơn khi Nga chiếm giữ các cảng quan trọng và phong tỏa Hắc Hải trên diện rộng. Một số nhà phân tích xem các tuyến đường biển bị mất còn quan trọng hơn trữ lượng khoáng sản bị mất, đặc biệt là than, khi giá trị hiện tại giảm do các quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng xanh hơn. Anders Aslund, nhà kinh tế nghiên cứu nhiều năm về Ukraine giải thích: “Nguyên liệu thô như than không phải là tương lai, mà là quá khứ. Vấn đề quan trọng hơn là liệu Ukraine có mất thêm các cảng biển hay không? Nếu họ không có những cảng đó, họ sẽ cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới để xuất khẩu”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1395312829.jpg

Quân đội Nga đánh phá liên tục các cơ sở năng lượng của Ukraine; trong ảnh là một trạm điện ở Lviv bị hỏa tiễn Nga tấn công vào đầu Tháng Năm (ảnh: Leon Neal/Getty Images)

 

Khai thác và bán đi không dễ

 

Cho đến nay, than là mỏ lớn nhất ở các khu vực do Nga kiểm soát. Theo SecDev, khoảng 30 tỷ tấn than cứng có giá trị thương mại $11.9 ngàn tỷ ở đây. Chúng cũng mang tính biểu tượng cao khi các đô thị ở Donetsk và Luhansk phát triển dựa trên sự đông đúc của các công nhân khai thác than và luyện thép. Vừa mất nguyên liệu thô vừa bị phá hủy hay mất cơ sở hạ tầng những ngành công nghiệp cốt lõi như thép đã ảnh hưởng lớn đến bốn triệu người sống trong khu vực.

 

Tại thành phố cảng Mariupol, hai nhà máy lớn đã bị phá hủy hoặc bị chiếm sau cuộc bao vây nhiều ngày của Nga. Các nhà máy khác trên khắp Ukraine cũng giảm sản lượng và đối mặt với một loạt thách thức. Trên khắp đất nước Ukraine, nhiều nhà máy thép từ thời Liên Xô vẫn chạy bằng than. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2017, cuộc chiến với phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông đã buộc Kyiv phải nhập khẩu một lượng than đáng kể dùng cho những nhà máy cũ kỹ này và các nhà máy nhiệt điện.

 

Năm 2021, Ukraine nhập khẩu gần 40% lượng than tiêu thụ. Cùng với các mỏ than, gần đây Nga cũng chiếm một lượng mỏ đá vôi đáng kể được dùng để sản xuất thép khiến sản lượng thép của Ukraine giảm rất nhiều, từ 60% đến 70% và nhiều nhà máy phải dùng đá vôi chất lượng kém của các mỏ đá vôi phía Tây. Yuriy Ryzhenkov, Giám đốc điều hành công ty khai thác và thép khổng lồ Metinvest của Ukraine, cảnh báo: “Muốn đưa trở lại mức sản xuất bình thường chúng tôi sẽ phải nhập khẩu nhiều đá vôi”.

 

Khi tìm cách khởi động lại nền kinh tế ở các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ, Nga có thể cố gắng mở lại một số hoạt động khai thác và sản xuất thép, như đã từng làm ở một trong hai nhà máy thép lớn ở Mariupol. Tuy nhiên, Nga phải đối mặt với trở ngại đáng kể về mặt hậu cần và mất những người mua trước đó. Dù việc chiếm giữ các mỏ có thể làm suy yếu Ukraine thân phương Tây nhưng ít người tin rằng Nga sẽ sớm tiến hành các khoản đầu tư quy mô lớn để khai thác khoáng sản. Những giả định đó dựa trên những mỏ khai thác lại tại các vùng tự trị hoặc bị Nga chiếm đóng từ năm 2014 đến trước cuộc xâm lược.

 

Tàn độc hơn là Moscow đã lên kế hoạch cho ngập lụt các mỏ than chiếm được nếu Ukraine giành lại được lãnh thổ. Giám đốc điều hành của DTEK, Maxim Timchenko kết luận: “Tôi không nghĩ rằng người Nga thực sự cần những nguyên liệu thô này. Họ chỉ muốn phá hủy nền kinh tế của chúng tôi”. Nỗ lực gần đây của Ukraine nhằm hiện đại hóa và “xanh hóa” mạng lưới năng lượng quốc gia cũng bị cuộc xâm lược của Nga hủy hoại. Gần một nửa các nhà máy năng lượng tái tạo (có đến 89% các trang trại gió nằm trong lãnh thổ bị chiếm đóng hoặc tại các khu vực xung đột) đã phải ngừng hoạt động.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats