Saturday 16 April 2022

VIỆT NAM SẼ ĐU DÂY KIỂU GÌ TẠI THƯỢNG ĐỈNH MỸ - ASEAN TRONG THÁNG 5 TỚI ĐÂY? (Jackhammer Nguyễn)

 



Việt Nam sẽ đu dây kiểu gì tại thượng đỉnh Mỹ – ASEAN trong tháng 5 tới đây?

Jackhammer Nguyễn

17/04/2022

https://baotiengdan.com/2022/04/17/viet-nam-se-du-day-kieu-gi-tai-thuong-dinh-my-asean-trong-thang-5-toi-day/

 

Ngày 16/4/2022, thư ký báo chí tòa Bạch Ốc thông báo rằng tổng thống Mỹ Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với 10 vị lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vào hai ngày 12 và 13-5-2022.

 

Vậy là sự kiện quan trọng góp phần củng cố chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, cuối cùng được ấn định sau nhiều trục trặc (lần cuối được cho là sự phá bỉnh của Campuchia?!).

 

Đây là cơ hội thách thức chính sách đu dây của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó nổi bật nhất là Việt Nam, trước tình hình quốc tế biến chuyển mạnh mẽ sau cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, và thái độ công khai của Trung Quốc ủng hộ Nga, công khai phản bội lại những câu đầu môi chót lưỡi của họ về chủ quyền quốc gia, về không can thiệp… (Thật ra, mọi người cũng chẳng lạ gì với những lời lẽ đầu môi chót lưỡi của Bắc Kinh lâu nay).

 

Nếu chúng ta công nhận chính sách đu dây của các quốc gia nhỏ có phần nào hợp lý trong cuộc xung đột giữa các siêu cường, thì cuộc chiến Ukraine làm lộ ra phần bên dưới tối tăm của sự lệ thuộc của Việt Nam vào nước Nga trong các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Nga là quốc gia cùng chia sẻ mô hình chính trị với Việt Nam và Trung Quốc. Sự lệ thuộc mạnh mẽ đến mức dẫn đến thái độ phi logic của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, chống lại đại đa số các thành viên của tổ chức Liên Hiệp quốc, để mà ủng hộ nước Nga nặc nô (pariah, từ được giới truyền thông và chính khách phương Tây sử dụng hiện nay). Những lá phiếu của Việt Nam đã phủ nhận cả những tuyên bố từ trước tới nay của họ về sự bình đẳng giữa các quốc gia, về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác…

 

Trong một bài viết ngay sau lá phiếu thứ ba của Việt Nam chống lại việc trục xuất nặc nô Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, tôi có nhận xét rằng, không khéo thì Hà Nội “già néo đứt dây” trong quan hệ với Mỹ. Khi nhận xét như vậy, tôi nói về những tính toán chiến thuật của Việt Nam, dựa trên giả định rằng Mỹ đang rất cần Việt Nam trong ván cờ toàn cầu của họ trong việc kiềm chế Bắc Kinh.

 

Cùng nhận xét đó với tôi, tác giả Trần Đông A đi xa hơn, cho rằng cái rủi ro già néo đứt dây đó nằm trong cả chiến lược lâu dài lẫn tầm nhìn tương lai cho dân tộc Việt Nam. Tác giả phân tích những vấn đề về nhân quyền và chế độ chính trị dựa trên luật pháp, dựa trên quyền bầu cử tự do của dân chúng… tất cả đều thiếu ở Việt Nam, mà những vấn đề đó lại được đưa ra trong báo cáo nhân quyền thường niên của Mỹ, đưa ra ngay sau việc bỏ phiếu gạt bỏ Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.

 

Theo một phân tích mới đây của giáo sư chính trị Andrew J. Nathan, thuộc đại học Columbia, Hoa Kỳ, trên tờ báo rất có uy tín là Foreign Policy, thì  ba điểm cốt yếu trong chính sách Mỹ chống Trung Quốc hiện nay là: Sự liên minh (với các quốc gia), tính sáng tạo (của xã hội Mỹ), và những giá trị dân chủ.

 

Tác giả cho rằng, mặc dù cùng một mục tiêu là kiềm chế, cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng chính phủ Trump trước đây đã không làm được gì tới nơi tới chốn vì dựa trên tính cách con buôn đổi chác của ông Trump. Tính cách con buôn đổi chác này lại có vẻ hợp với thái độ đi dây õng ẹo của Hà Nội từ trước tới nay: Lấy vị trí địa chiến lược đắc địa, án ngữ biển Đông ra mà làm vật đổi chác.

 

Nay tình hình đã thay đổi sâu sắc. Nước Mỹ quay lại dòng chính của nó, Trung Quốc và nặc nô Nga làm cho các nền kinh tế phương Tây đoàn kết hơn lúc nào hết. Bắc Kinh đang đối diện với tương lai khó khăn đang chờ đón họ về kinh tế, không chỉ ở Mỹ mà cả sự nghi hoặc của châu Âu đối với họ. Bắc Kinh cũng cảm thấy vấn đề đe dọa Đài Loan trở nên khó khăn hơn, trong khi sự sáng tạo của nền kinh tế vẫn còn xa tít tắp (làm sao có được sự sáng tạo dưới một chế độ toàn trị?) chưa nói đễn khả năng ảm đạm tái phát dịch Covid, vì vaccine Hoa lục kém hiệu quả.

 

Có một may mắn cho Hà Nội là các nhà hoạch định chính sách đối ngoại chính yếu của Mỹ hiện nay ở Đông Á là hai ông Jake Sullivan và Kurt Campbell, đều là những người thông hiểu và ít nhiều có cảm tình với Việt Nam, họ có thể có kiên nhẫn, nhưng còn có những nhóm khác, trong hành pháp Mỹ hiện nay chủ trương cách tiếp cận mạnh mẽ hơn, có thể không kiên nhẫn.

 

Tuy nhiên, cũng như tôi, tác giả Trần Đông A cho rằng chưa tới mức Mỹ sẽ làm khó Việt Nam về thái độ thân Nga của Hà Nội, mà vẫn đang tìm cách chinh phục xã hội Việt Nam với các giá trị mềm “Made in USA”. Hơn nữa, thiết nghĩ Hà Nội vẫn chưa đủ quan trọng như Ấn Độ, để cho Washington thẳng thắn chỉ trích.

 

Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, già néo đứt dây về chiến thuật ở tương lai gần, hay già néo đứt dây với chính dân tộc mình, như tác giả Trần Đông A chỉ ra, đều dẫn đến kết quả không hay cho dân tộc.

 

Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính sẽ đến Washington vào ngày 12/5 này để … đu dây, nên quan tâm đến sự kiên nhẫn của người Mỹ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats