Monday, 18 April 2022

UKRAINE VÀO EU : NHANH HAY CHẬM, YẾU TỐ NGA và CÂU HỎI AI CẦN AI HƠN? (BBC News Tiếng Việt)

 



Ukraine vào EU : Nhanh hay chậm, yếu tố Nga và câu hỏi Ai cần ai hơn?

BBC News Tiếng Việt

18 tháng 4, 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/world-61139843

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/E6AF/production/_123955095_mariupol2.jpg.webp

Giáo đường Thánh Michael, Mariupol thời trước khi thành phố ven biển này bị Nga bắn phá

 

Ukraine đã hoàn tất bảng câu hỏi (questionnaire), được xem là bước khởi đầu để Liên minh Châu Âu (EU) quyết định về việc nhận nước này làm thành viên.

 

Tuy nhiên, quá trình để một quốc gia, nhất là quốc gia từng theo hệ thống xã hội chủ nghĩa, vào EU, diễn ra không nhanh, bất chấp ý nguyện và hoàn cảnh mang tính khẩn cấp ở Ukraine hiện nay.

 

Một số trang báo quốc tế cho rằng đây là hành động "mang tính biểu tượng" nhiều hơn là thực chất, ít ra là vào thời điểm chiến tranh còn tiếp diễn trên đất Ukraine.

 

Nga-Ukraine: Các nước châu Âu trước lựa chọn nghiệt ngã

Cuộc chiến Mùa Đông 1939-40: Phần Lan chống lại Liên Xô ra sao?

Nga mở cuộc không kích mới vào thủ đô Kyiv

Ukraine sau sáu tuần chiến sự: Người Việt cần nhận thức mới

Bỏ phiếu về Nga: 'Việt Nam đã gần Trung Quốc hơn là Asean'

 

Ông Ihor Zhovkva, phó chánh văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine tuyên bố vào tối ngày 17/04/2022 giờ Kyiv là nước này đã hoàn tất bảng câu hỏi - questionnaire, để xin quy chế quốc gia ứng viên gia nhập EU.

 

Trước đó ngày 8/4, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã trao bảng câu hỏi cho Tổng thống Zelensky trong chuyến đi của bà đến Kyvi, và cam kết một sự khởi đầu nhanh chóng hơn trong tiến trình đệ đơn gia nhập EU của Ukraine.

 

Cũng theo ông Ihor Zhovkva thì Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ cần đưa ra khuyến nghị về việc Ukraine có đáp ứng những yêu cầu cần thiết về tư cách thành viên hay không, và ông cho biết, "Chúng tôi kỳ vọng những đề nghị này là… tích cực và quả bóng sẽ ở nằm bên phía các quốc gia thành viên EU."

 

Ông Ihor Zhovkva cho biết thêm Ukraine kỳ vọng sẽ đạt được tư cách ứng viên gia nhập EU vào tháng 6 tới đây, trong cuộc họp thượng đỉnh EU dự kiến từ ngày 23 đến 24/6.

 

Phía Ukraine cũng tuyên bố bước kế tiếp là "chúng tôi sẽ bắt đầu các cuộc hội đàm về gia nhập liên minh. Và khi tổ chức những cuộc hội đàm như vậy thì chúng tôi có thể nói về tư cách đầy đủ của Ukraine trong EU."

 

Vào ngày 8/4, bà Ursula von der Leyen khi trao bảng câu hỏi cho Tổng thống Zelensky nói rằng, "sẽ không theo thời gian thông thường là kéo dài hàng năm để điền phần ý kiến, mà tôi chỉ nghĩ chỉ mất vài tuần".

 

Tổng thống Zelensky khi đó nói rằng Ukraine sẽ mất chỉ một tuần để điền bảng câu hỏi.

 

Cho Ukraine vào "theo thủ tục đặc biệt"?

 

Hiện EU đang chia rẽ trong việc mở ra thủ tục đặc biệt nhanh (fast track) để nhận CH Ukraine làm thành viên, hay buộc nước này phải đi qua thủ tục bình thường.

 

Chưa kể, quá trình hội nhập và gia nhập EU (admission process) đều cần có các cột mốc cần hoàn tất, có kiểm chứng và nếu cần thì tái đàm phán các tiêu chuẩn.

 

Các nước Đông Âu thuộc EU, đứng đầu là Ba Lan, CH Czech và các nước Baltic từng thuộc Liên Xô mà nay là thành viên EU (Lithuania, Estonia, Latvia) muốn EU nhận Ukraine bằng thủ tục tăng tốc, đặc biệt. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử mở rộng EU.

 

Nhưng các nước EU phía Tây như Đức, Hà Lan thì hoàn toàn không đồng ý với việc cho một quốc gia đông dân như Ukraine vào EU nhanh chóng.

 

Các tiêu chí chính cho việc trở thành thành viên EU không chỉ gồm nhà nước pháp quyền, ra đời từ bầu cử tự do, hệ thống lập pháp, tư pháp dân chủ, nền báo chí tự do, mà còn các tiêu chuẩn kinh tế xã hội.

 

Cải tổ kinh tế từ kế hoạch hóa, hoặc thị trường tự do kiểu sơ khai, hoang dã, sang mô hình kinh tế thị trường có điều tiết từ nhà nước nhằm đảm bảo công bằng và an sinh xã hội là quá trình không nhanh.

 

Nhìn chung, các nước từng đi theo, hoặc bị phải theo mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô đều mất thời gian hơn các nước có kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa lâu đời và có nền dân chủ đại nghị.

 

Ví dụ, trong nhóm các nước thuộc Nam Tư cũ, Croatia mất 8 năm mới đạt các tiêu chuẩn để vào EU, trong khi Áo, Thụy Điển, Phần Lan đều chỉ mất chưa tới hai năm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/179BB/production/_124199669_ukr847831_n.jpg.webp

Ukraine đã hoàn tất bảng câu hỏi, được xem là bước khởi đầu trong tiến trình gia nhập Liên minh Châu Âu (EU)

Ukraine đã bày tỏ nguyện vọng 'hướng Tây' từ 2013-14

 

Hiện Ukraine có 44 triệu dân - nếu vào EU sẽ là nước Đông Âu đông dân nhất, hơn cả Ba Lan chỉ có 38 triệu, trong khi mức thu nhập của Ukraine thấp hơn rất nhiều so với các nước Baltic và Đông Âu cũ.

 

Trong khối Đông Âu cũ, các nước vào EU sớm nhất - cùng một đợt năm 2004 - gồm Ba Lan, CH Czech, Hungary, Slovenia... đều đã từng cải tổ kinh tế theo định hướng thị trường ngay khi còn Liên Xô. Kể từ khi họ bắt đầu đàm phán để gia nhập EU năm 1998 thì cũng phải mất hơn 4 năm, tới 2002 mới hoàn tất và còn thời gian "thử thách" thêm 2 năm để cuối cùng mới vào EU năm 2004.

 

Thủ tướng Đức trong tuần trước đã bác bỏ đề nghị về thủ tục nhanh chóng nhận Ukraine vào EU và khẳng định "chúng ta cần làm mọi việc như đã làm trong quá khứ".

 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thì đồng ý rằng các nước EU phía Tây không đồng ý với quá trình "fast-track", theo trang Politico. Ông chấp nhận EU sẽ đẩy nhanh nhất có thể thủ tục nhận Ukraine, nhưng "nó sẽ mất nhiều tháng, có thể nhiều năm để đạt được điều gì đó".

 

Theo bà Rachel Treisman (11/03, Morning Edition blog, NPR.org) thì hiện EU hoan nghênh Ukraine gia nhập nhưng sẽ không tăng tốc cho quá trình đón nhận lá đơn của Kyiv.

 

Ngoài chênh lệch mức sống, trình độ tổ chức xã hội, điều khó cải tổ theo tiểu chuẩn EU chính là di sản Xô-Viết, hiện có lẽ là nặng nề nhất ở Ukraine, so thực trạng ở các nước Đông Âu từng thuộc phe XHCN mà hiện là thành viên EU.

 

Cuộc chiến xâm lăng của Nga gây ra đau thương của người dân Ukraine, cùng tinh thần quyết tử vì tự do của lãnh đạo Ukraine tạo ra hình ảnh hấp dẫn, thậm chí lý tưởng về Ukraine trong con mắt khá nhiều lãnh đạo và người dân EU.

 

Nhưng trên thực tế, trước khi xảy ra cuộc chiến tháng 2/2022, bên cạnh nhiều nét tích cực của xã hội dân sự, nền báo chí tự do, Ukraine cũng còn rất nhiều vấn đề, từ tham nhũng mang tính nhà nước, mô hình đại gia (oligarch), bất công xã hội.

 

Tuy vậy, vấn đề mà các nước EU cần phải xem xét khi đánh giá đơn gia nhập khối này của Kyiv là quan hệ của họ, và của Ukraine (trong tương lai) với Liên bang Nga.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/D4B8/production/_123565445_gettyimages-1238855471.jpg.webp

Ukraine là vựa lúa của châu Âu nhưng chiến tranh làm kinh tế sụt giảm, teo lại 45%

 

Vấn đề nước Nga

 

Dù dư luận quốc tế tập trung nhiều vào Ukraine và tấm vé thành viên EU tương lai của nước này, chúng ta cũng cần chú ý đến một quốc gia châu Âu gốc XHCN khác, đang có tư cách 'ứng viên EU' tương tự, là Serbia.

 

Trên nguyên tắc, vị thế "quốc gia ứng viên" (candidate country) mà Serbia và Ukraine đạt được trên con đường gia nhập Liên hiệp châu Âu rất giống nhau, gần với EU hơn hẳn các nước tạm gọi là còn ở phòng chờ ngoài ngõ, như Kosovo, Bosnia và Hercegovina, hiện mới nhận tư cách "quốc gia ứng viên tiềm năng" (potential candidates).

 

Xin nhắc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã là "quốc gia ứng viên" nhưng tiến trình vào EU chựng lại vì nhiều lý do: một số quốc gia châu Âu cho rằng nhân quyền, tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ tụt dốc, khiến "bảng điểm" bị giảm sút; cùng lúc có báo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng EU "kỳ thị" vì văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ là Hồi giáo.

 

Albania, Montenegro và Bắc Macedonia cũng đạt tư cách "quốc gia ứng viên", nhưng đều không quan trọng bằng Serbia - quốc gia đông dân nhất, hậu thân chính của Nam Tư cũ.

Và ở cả hai trường hợp Serbia và Ukraine, câu hỏi - cũng là vướng mắc chính trị lớn nhất cho EU khi quyết định nhận họ vào - là quan hệ với Nga.

 

Serbia bị cho là thân Nga, quá hữu hảo với Trung Quốc, còn Ukraine đang lâm vào chiến tranh với Nga trong xung đột đối đầu nghiêm trọng.

 

Về mặt pháp lý, Serbia đã khởi động quá trình hội nhập - thực chất là sửa luật theo mô hình EU - và điều phối chính sách kinh tế, xã hội với EU.

 

Nhưng về đối ngoại, Serbia muốn giữ quan hệ thân hữu với Moscow, và gần đây nhận cả tên lửa phòng không của Trung Quốc, khiến EU đặt câu hỏi "Serbia mua tên lửa để phòng chống ai?".

 

Điểm giống nhau của Serbia và Ukraine là cả hai đều nói sẽ không gia nhập Nato, nhưng với động cơ/lý do hoàn toàn trái ngược.

 

Serbia phản đối Nato vì khối này đã oanh kích họ, tạo đà cho Kosovo- một tỉnh thuộc Serbia thời Nam Tư cũ, tách ra, giành độc lập. Và rất có thể Serbia muốn giữ quan hệ với Nga về quân sự, hơn là gia nhập Nato.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/109D0/production/_124184086_8705d4ce-64ef-47a7-b190-c8c6f67a5eda.jpg.webp

Dân Ukraine chụp selfie trên xác xe tăng Nga

 

Còn Ukraine vì bị Nga tấn công mà phải cam kết (miệng) là không muốn gia nhập Nato nữa.

Để tồn tại, Kyiv phải bỏ mục tiêu vào được tổ chức này, và đang tìm kiếm các cấu trúc an ninh khác, thay cho Nato để đảm bảo cho một tương lai độc lập với Nga.

 

Ai cần ai hơn?

 

Tuy thế, tính từ 2013, khi Ukraine quyết định chuyển hướng ngoại giao về phía Tây, thì việc được chấp nhận là quốc gia ứng viên EU năm nay, đã là một bước tiến lớn.

 

Theo GS Marianna Mazzucato từ Đại học UCL, Anh Quốc viết trên trang Social Europe, thực ra không phải việc muốn vào Nato của Ukraine khiến Vladimir Putin hoảng sợ mà chính là lá đơn xin nhập EU của Kyiv, vì mô hình chính trị-xã hội dân chủ, đa nguyên của EU là sự đe dọa lâu dài tới chế độ độc đoán, một thủ lĩnh, dân tộc chủ nghĩa Đại Nga mà ông ta xây đắp khi ngồi trong Điện Kremlin.

 

Ngay sau khi Kyiv chuyển đối ngoại sang theo xu thế 'hướng Tây' năm 2013-14, Nga đã phản ứng bằng cuộc tấn công ở phía Đông, chiếm Crimea.

 

Về lâu dài, theo một đánh giá khác, của Susan Stokes từ trung tâm chuyên về dân chủ, ĐH Chicago thì tại Ukraine hiện nay, tương lai của dân chủ thế giới - qua biểu tượng "tấm vé vào EU", trái ngược với viễn kiến Liên minh Á-Âu (Eurasian Union) của Nga, sẽ được định đoạt.

 

Căn cứ vào các đánh giá này, có thể nói việc Ukraine gia nhập EU thành công sẽ là thắng lợi cho mô hình EU. EU cần Ukraine hơn chứ không phải là chuyện Brussels "ban ơn" cho Kyiv.

 

Nhưng để đạt tới điểm bước ngoặt đó, Ukraine đầu tiên phải tồn tại qua cuộc chiến do Nga gây ra, và có hoà bình để tái thiết và cải tổ. Khi nào cuộc chiến kết thúc tuy vậy vẫn là một câu hỏi lớn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/10C7A/production/_123603786_mediaitem123603785.jpg.webp

Công dân Ukraine Oleksandra chia tay mẹ cô để sang các nước châu Âu phía Tây tỵ nạn vì chiến tranh

 

Trước mắt, EU bỏ ra nhiều tỷ euro để hỗ trợ việc đón nhận người tỵ nạn Ukraine - chỉ riêng chương trình 'Standing up for Ukraine' nhận được 9,1 tỷ euro - và cam kết đoàn kết hết mức với chính phủ Ukraine.

 

Việc tái thiết Ukraine, một khi chiến sự chấm dứt, sẽ cần các khoản hàng trăm tỷ euro và USD nữa, từ EU và Phương Tây nói chung.

 

Cuộc chiến hiện đã làm kinh tế Ukraine teo đi 45%, theo Ngân hàng Thế giới.

 

Chính phủ Ukraine nêu ra con số 565 tỷ USD, nhưng có các nguồn Phương Tây cho rằng cần một chương trình tái thiết tổng thể như Marshall Prorgamme cho châu Âu sau Thế Chiến II, với con số có thể lên tới 1 nghìn tỷ USD.

 

Phải chăng quá trình tái thiết này cũng là cơ hội để cải tổ toàn diện Ukraine về vật chất và kinh tế, xã hội, pháp luật, tạo nền tảng cho quốc gia này gia nhập EU?

 

-------------------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Lãnh đạo Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia thăm Kyiv còn Thuỵ Điển, Phần Lan bàn chuyện vào Nato

13 tháng 4 năm 2022

 

Châu Âu: Người Việt cần những nhận thức mới về Nga qua chuyện Ukraine

12 tháng 4 năm 2022

 

Warsaw đón rất nhiều người tỵ nạn Ukraine và cả quân Nato 'mà vẫn thật bình an'

11 tháng 4 năm 2022

 

Sri Lanka có nguy cơ vỡ nợ, không trả nổi khoản nợ quốc tế 35,5 tỷ USD

15 tháng 4 năm 2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats