Monday, 18 April 2022

'THU THUẾ NHƯ VẶT LÔNG MỘT CON VỊT' (Trân Văn)

 



‘Thu thuế như vặt lông một con vịt’

Trân Văn

18/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/thu-thu%E1%BA%BF-nh%C6%B0-v%E1%BA%B7t-l%C3%B4ng-m%E1%BB%99t-con-v%E1%BB%8Bt-/6533276.html

 

Thu thuế như vặt lông một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt, nhất là trong bối cảnh ngân sách như thế này...

 

Theo hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam thì Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đang chuẩn bị trình Dự luật “Đường bộ” cho Quốc hội xem xét và “sáng kiến” đáng chú ý nhất của dự luật này là cao tốc dẫu có được xây dựng bằng ngân sách thì vẫn tổ chức thu phí như các dự án hạ tầng do tư nhân bỏ vốn thực hiện.

 

Trả lời tờ Dân Việt, một số chuyên gia khẳng định, “sáng kiến” đó nguy hiểm vì “dễ gây bất bình trong xã hội”. Ông Lê Đăng Doanh – cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế cho rằng không nên áp dụng “sáng kiến” vì: Lấy tiền đóng thuế của dân làm đường rồi bắt dân phải trả phí dùng chính con đường đó là bất hợp lýTrong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu thu phí sẽ gây ra tình trạng phí chồng phí, khiến giá thành tăng, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân...

 

Ông Nguyễn Văn Thanh – cựu Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, ông và nhiều người đã từng phản đối “sáng kiến” này vì “dù họ lý giải là để thu hồi vốn hay cải tạo hệ thống đường cũ thì cũng không hợp lý”. Theo ông Thanh, “sáng kiến” đã bị phản đối từ khi Dự luật Đường bộ được giới thiệu cho công chúng góp ý nhưng giờ vẫn còn nguyên để... trình Quốc hội. Đó cũng là lý do ông Thanh nhấn mạnh: Đây là chuyện liên quan đến chi phí doanh nghiệp, tính hợp lý, hợp pháp của vấn đề.

 

Ở góc độ doanh nhân, ông Thanh chỉ ra một yếu tố khác: Nếu nhà nước đầu tư vào hạ tầng và cũng thu phí thì ai sẽ cạnh tranh lại? Làm sao có thể khuyến khích bỏ vốn đầu tư vào hạ tầng? Ông Khúc Hữu Thanh Hải – giám đốc một công ty vận tải ở Hải Phòng - lưu ý: Doanh nghiệp sẽ thêm khó khăn do chí phí gia tăng. Áp lực từ cước vận tải sẽ đẩy gánh nặng sang vai người dân và doanh nghiệp, trong khi hầu hết doanh nghiệp đang rất khó khăn để hồi phục sau hai năm đại dịch (1).

 

Ở góc độ dân sinh, chắc chắn không có bất kỳ ai muốn trả quá nhiều cho dịch vụ, sản phẩm, đặc biệt là ở thời điểm “gạo châu, củi quế”, tất cả mọi thứ dịch vụ, sản phẩm đều tăng giá, ngoại trừ... lương. Phí cầu đường tăng sẽ khiến mọi thứ đắt đỏ hơn vì chi phí vận chuyển, phân phối cao hơn. Doanh giới cũng vậy, thuế và phí càng nhiều thì giá thành càng cao, mãi lực càng giảm, khả năng cạnh tranh suy yếu cả trong xuất cảng lẫn trên sân nhà khi Việt Nam đã mở toang cửa bằng đủ thứ hiệp định thương mại tự do...

 

Liệu Quốc hội có bác “sáng kiến” dùng ngân sách đầu tư cho cao tốc rồi tổ chức thu phí như các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT hay không? Câu trả lời dường như là không vì ông Phạm Minh Chính đã dõng dạc tuyên bố “sẽ hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông - giai đoạn từ 2021 – 2026” (2). Không may, ngoài việc là Thủ tướng, ông Chính còn là Ủy viên Bộ Chính trị mà Bộ Chính trị lại lãnh đạo Quốc hội!

 

Đầu năm nay, Quốc hội đã nhất trí chuyển 12 dự án là 12 phần của cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư bằng ngân sách. Từ 2021 – 2025, nhà nước sẽ chi khoảng 147.000 tỉ đồng (xấp xỉ 6,4 tỷ Mỹ kim) để thực hiện 12 dự án này. Dự luật “Đường bộ” còn đang chờ trình Quốc hội thì Bộ GTVT đã soạn xong “Đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách” (3) để chính phủ trình luôn cho... Quốc hội xem xét. Nếu chủ trương được Quốc hội gật đầu, liên Bộ Tài chính - GTVT sẽ công bố phương án thu phí cụ thể.

 

Đầu tháng này, song song với việc khẳng định phải hoàn tất 2.000 km cao tốc trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Chính còn nhấn mạnh: Phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược của đảng, nhà nước ta, trong đó có hạ tầng giao thông. Nhiệm kỳ Thủ tướng cũng là nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị khóa 13. Đại hội đảng lần thứ 13 đã đưa 2.000 km cao tốc vào... “nghị quyết”, đại biểu Quốc hội nào dám lắc?

 

                                                               ***

 

Dân chủ XHCN có những đặc điểm mà ngoại nhân không thể nào cảm được hay hiểu được. “Sáng kiến” tổ chức thu phí cả ở những cao tốc được xây dựng bằng ngân sách như các dự án hạ tầng do tư nhân bỏ vốn thực hiện chỉ là một khía cạnh có liên quan đến “làm luật” tại Cộng hòa XHCN Việt Nam.

 

Cách nay khoảng 18 tháng - hồi tháng 11 năm 2020, tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội Khóa 14, đa số đại biểu đã bác bỏ việc tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai bộ luật riêng biệt, một về “Đường bộ” (bao gồm các qui định về hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB, hoạt động vận tải đường bộ) và một về “Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB (bao gồm quy tắc GTĐB, các qui định liên quan đến quản lý, kiểm soát xe cộ, tài xế).

 

Nỗ lực tách Luật GTĐB thành hai bộ luật riêng biệt bị xem là quái gở vì: Chẳng có quốc gia nào nghĩ tới việc tách Luật GTĐB như Việt Nam (4) và bị cả các chuyên gia lẫn doanh giới, đặc biệt là những doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực GTVT phản đối gay gắt do trái thông lệ quốc tế, phá vỡ sự đồng bộ về hệ thống pháp luật GTVT (5)...

 

Sau khi nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 14 kết thúc. Chính phủ Việt Nam tiếp tục trình Quốc hội khóa 15 kế hoạch làm luật mới, đính kèm “sáng kiến” cũ, tách Luật GTĐB hiện hành thành hai bộ luật là... “Đường bộ” và “Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB”. Nếu không có gì thay đổi thì Dự luật “Đường bộ” sẽ được Quốc hội khóa 15 xem xét vào.. tháng tới.

 

Do “sáng kiến” tách Luật GTĐB hiện hành làm đôi bị chỉ trích là chỉ nhằm thỏa mãn yêu cầu của Bộ Công an: Giành việc quản lý đào tạo - sát hạch - cấp giấy phép lái xe (GPLX) tử tay Bộ GTVT với lý do… tai nạn giao thông cao và cần… xử lý vấn nạn GPLX giả, nên tháng trước, Thủ tướng Việt Nam trấn an công chúng... “chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT” (6). “Chưa” không phải là “không” và Dự luật “Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB” vẫn do công an soạn thảo.

 

Dù sao cũng nên cám ơn ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng - vì... trước mắt, dân chúng cũng như doanh giới chỉ phải lo về hậu quả “sáng kiến” thu phí ngay cả với cao tốc đầu tư bằng ngân sách. Giữa năm 2017, khi tham gia thảo luận về kinh tế tư nhân, sau khi khẳng định chính sách thuế và quản lý thuế của Việt Nam rất ổn, một ông tiến sĩ từng nhắn nhủ chính phủ thế này: Thu thuế như vặt lông một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt, nhất là trong bối cảnh ngân sách như thế này (7)... “Chưa giao công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX”, chỉ tập trung vào “sáng kiến” trong Dự luật “Đường bộ” có giống kỹ năng vặt lông đủ khéo để vịt đừng kêu thảm thiết quá không?

 

------------------------------------------

Chú thích

 

(1) https://danviet.vn/thu-phi-duong-cao-toc-xay-dung-bang-ngan-sach-de-gay-bat-binh-xa-hoi-20220413153211687.htm

 

(2) https://dangcongsan.vn/thoi-su/nhiem-ky-2021-2026-phai-hoan-thanh-khoang-2000km-duong-cao-toc-604974.html

 

(3) https://baochinhphu.vn/print/xay-dung-de-an-thu-phi-tren-cac-tuyen-duong-dau-tu-bang-ngan-sach-102279398.htm

 

(4) https://tuoitre.vn/khong-nuoc-nao-tach-luat-giao-thong-duong-bo-thanh-2-luat-20220214154154517.htm

 

(5) https://laodong.vn/xa-hoi/nhieu-chuyen-gia-tranh-luan-gay-gat-viec-tach-luat-giao-thong-duong-bo-1014202.ldo

 

(6) https://plo.vn/do-thi/chinh-phu-dong-y-chua-chuyen-bo-cong-an-cap-bang-lai-xe-1047548.html

 

(7) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ts-vu-dinh-anh-nguoi-ta-noi-thu-thue-cung-nhu-vat-long-vit-dung-de-keu-toang-len-20170622142919615.htm





No comments:

Post a Comment

View My Stats