Saturday, 9 April 2022

TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC XÂM LĂNG CỦA PUTIN VÀO UKRAINE ĐỐI VỚI CỤ DIỆN THẾ GIỚI (Bến Tam Sa)

 



Tác động của cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine đối với cục diện thế giới (1)

Bến Tam Sa

09/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-cu%E1%BB%99c-x%C3%A2m-l%C4%83ng-c%E1%B....BB%9Bi-(1)/6521990.html

 

https://gdb.voanews.com/d526b01a-e14c-45da-ab47-dad21781567b_w650_r1_s.jpg

Cuộc chiến đại bại của Putin ở Ukraine đã xóa sổ kế hoạch của Trung Quốc.

 

Chỉ sau 3 ngày Putin tung quân vào Ukraine, cục diện thế giới đã thay đổi căn bản. Cuộc chiến đã phá vỡ thế chân vạc Mỹ - Trung - Nga trên bàn cờ thế giới.

 

                                                              *

 

 Chỉ sau 3 ngày Putin tung quân vào Ukraine, cục diện thế giới đã thay đổi căn bản. Cuộc chiến đã phá vỡ thế chân vạc Mỹ - Trung - Nga trên bàn cờ thế giới.

 

Mỹ Nhật từ bỏ con đường “liên Nga kháng Tàu”

 

Nhìn từ tầm nhìn địa chính trị, trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ, rõ ràng không thể thiếu một nước Nga hùng mạnh. Nếu có một nước Nga dân chủ, gia nhập NATO, tạo thành một “phương Tây” trải dài từ quần đảo Anh sang Tây Âu, Đông Âu, Nga, Trung Á, nối liền với Bắc Mỹ (đi ngang qua Nhật Bản) thì mới bao vây Trung Quốc được.

 

Một số chiến lược gia Mỹ và Nhật đã xây dựng ý đồ này từ thời Trump và Shinzo Abe, nhưng không thành.

 

- TT. Trump tìm cách xích lại gần TT. Putin bằng quan hệ cá nhân, nhưng chỉ “bao vây Trung Quốc” bằng công cụ đánh thuế, không có bất kỳ động thái nào thể hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc bằng mạng lưới đồng minh một cách nhất quán, lại phá vỡ mối quan hệ với tất cả các đồng minh truyền thống.

 

- Shinzo Abe:

● Đã gặp Putin gần 30 lần

 

● Thậm chí còn cùng Putin tắm suối nước nóng Onsen tại quê nhà (theo tập quán Nhật, hai người đàn ông sẽ khỏa thân khi vào Onsen).

 

● Abe đã giảm thiểu vấn đề tranh chấp 4 hòn đảo nhỏ ngoài khơi phía bắc Hokkaido, tập trung vào quan hệ kinh tế và phát triển vùng Viễn Đông Nga, nơi Nga đang lo lắng nhìn Trung Quốc.

 

Nỗ lực của Abe không lay chuyển được “tầm nhìn “Đại Nga” của Putin.

 

Putin thì tiếp tục chìm đắm trong chủ nghĩa dân tộc Đại Nga cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, không nghĩ đến việc cải cách hệ thống chính trị Nga để trở thành “người anh” của thế giới phương Tây (một vị thế mà nguồn lực của nước Nga có thể cho phép thực hiện được nếu biết cách khai thác đúng) mà coi nó là đối tượng tranh hùng.

 

Kết thúc thế tam quốc diễn nghĩa

 

Thế chân vạc Mỹ Nga Trung trước đây luôn đẩy cả ba vào chiến lược “hai nước liên thủ, đánh một nước”, khi chỉ còn hai, cả hai sẽ tranh hùng trận cuối.

 

Thế trận phù hợp với lợi ích của Việt Nam là Mỹ Nga liên thủ phá Trung.

 

- Kế sách này cần thực hiện ngay sau khi Mỹ liên thủ với Trung Quốc phá Liên Xô, làm Liên Xô sụp đổ năm 1991, Trung Quốc thảm sát Thiên An Môn 1989.

 

- Âu Mỹ Nhật đã sai lầm chiến lược ở khoảnh khắc lịch sử này: tiếp tục hỗ trợ Trung Quốc, đưa họ vào Tổ chức Thương mại Thế giới (2001), giúp thay đổi hoàn toàn đẳng cấp của Trung Quốc.[1]

 

Bắt đầu từ đây hình thành thế trận mới, Nga Trung liên thủ phá Mỹ.

 

- Nga Trung liên thủ nhưng đồng sàng dị mộng. Cả hai là đối thủ tự nhiên từ hơn 200 năm trước (thế kỷ 18), tranh chấp vùng Viễn Đông Nga.

 

- Nga tạm gác các mối nguy lịch sử để ủ mưu chiến lược phá Mỹ trong thế kỷ 21.

 

- Hơn hai mươi năm qua, mối liên kết Nga Trung chưa đi đến đâu. Nhưng vài năm gần đây, bắt đầu gây nguy hiểm cho Mỹ, nghiêm trọng nhất là can thiệp vào bầu cử Mỹ[2]. Năm 2017, một quan chức CIA khẳng định với Reuters rằng Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga[3] là nơi hoạch định chương trình can thiệp bầu cử Mỹ để đưa Trump lên nắm quyền năm 2016.[4] Các cuộc can thiệp bầu cử sau đó vẫn tiếp tục.)

 

Cuộc xâm lược đại bại của Nga vào Ukraine đã khiến thế liên thủ hời hợi Nga Trung tan vỡ. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga thay đổi tùy theo tình hình hình chiến sự: tuyên bố tôn trọng chủ quyền Ukraine lẫn “lợi ích an ninh” của Nga ngay khi Nga mới tấn công, bỏ phiếu trắng nghị quyết của Liên Hợp quốc phê phán Nga khi chiến cuộc chưa ngã ngũ (3/3/2022) và khi Nga đã sa lầy thì Đại sứ Trung Quốc tại Ukriane tuyên bố ủng hộ nước này, Trung Quốc từ chối giúp đỡ Nga thiết bị hàng không. Lý do cốt tử là Nga đã bước vào giai đoạn suy yếu không thể đảo ngược trong dài hạn.

 

Chấm dứt “Trung Quốc mộng” thống nhất Đài Loan trong ngắn hạn

 

Putin đã chuẩn bị xâm lược toàn diện Ukraine từ nhiều năm trước, bao gồm chuẩn bị về tài chính và khách hàng dầu khí trong trường hợp bị phương Tây phong tỏa, từ sau khi chiếm bán đảo Crimea 2014.

 

Đầu năm 2021 là lúc cuộc chuẩn bị của Putin đã gần như hoàn toàn tất về dự trữ ngoại tệ, và bắt đầu xây dựng kế hoạch tăng cường bán dầu khí từ Viễn Đông Nga sang Trung Quốc, triển vọng “thanh toán” Ukraine trong vài ngày đã “rõ ràng” (theo các báo cáo tình báo của Putin[5]), Trung Quốc cũng lên kế hoạch dài hạn đánh Đài Loan.

 

Tháng 2 năm 2021, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành "Bản tóm tắt kế hoạch mạng lưới giao thông ba chiều toàn quốc".

 

- Bản "Tóm tắt" mô tả sự hình thành của mạng lưới giao thông ba chiều toàn diện quốc gia từ năm 2021 đến năm 2035.

 

- Theo báo cáo, một con đường hỗn hợp bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc (vượt biển) nối "Thành phố Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) với Thành phố Đài Bắc" sẽ được hoàn thành vào năm 2035[6].

 

- Nếu thời gian thi công con đường này khoảng 8 đến 10 năm, Bắc Kinh sẽ phải đánh Đài Loan, và thắng chớp nhoáng, khoảng 2025 đến 2027.

 

Cuộc chiến đại bại của Putin ở Ukraine đã xóa sổ kế hoạch này của Trung Quốc.

 

------------------

 

Chú thích:

 

[1] How the WTO Changed China: The Mixed Legacy of Economic Engagement

By Yeling Tan (Universiry of Oregon), Foreign Affairs, March/April 2021

https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2021-02-16/how-wto-changed-china

 

[2] U.S. Department of Justice, Report On The Investigation Into Russian Interference In The 2016 Presidential Election, Special Counsel Robert S. Mueller, March 2019

https://www.justice.gov/archives/sco/file/1373816/download

 

[3] Russian Institute for Strategic Studies https://en.riss.ru/

 

[4] Putin-linked think tank drew up plan to sway 2016 US election - documents, By Ned Parker, Jonathan Landay, John Walcott, APRIL 19, 2017 https://www.reuters.com/article/us-usa-russia-election-exclusive-idUSKBN17L2N3

 

[5] Ukraine Through Russia’s Eyes, by Nick Reynolds and Dr Jack Watling, The Royal United Services Institute (RUSI), 25 February 2022

https://rusi.org/explore-our-research/publications/commentary/ukraine-through-russias-eyes

 

[6] 国台办:正在规划和推动两岸交通基础设施建设相关工作, 2021-11-24 (Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ Viện: Lập kế hoạch và thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông qua eo biển, 2021-11-24) http://www.gov.cn/xinwen/2021-11/24/content_5653149.htm




No comments:

Post a Comment

View My Stats