Tuesday, 5 April 2022

QUÂN ĐỘI NGA NGÀY CÀNG TÀN ÁC (Lương Thái Sỹ - Saigon Nhỏ)

 



Quân đội Nga ngày càng tàn ác

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ
5 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/quan-doi-nga-ngay-cang-tan-ac/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239758614-1024x683.jpg

Bà Tanya Nedashkivska, 57 tuổi, khóc thảm trước cái chết của chồng; Bucha, ngày 4 Tháng Tư 2022 (ảnh: Narciso Contreras/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Trong quân đội Nga, một nền “văn hóa tàn bạo” đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách và các hành động vô nhân đạo dễ dàng được nhìn thấy ở những nơi quân Nga từng chiếm.

 

Những bức ảnh đau thương được phô bày trên truyền thông quốc tế tại thị trấn ngoại ô Bucha của thủ đô Kyiv là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về tội ác chiến tranh không thể chối cãi được. Thường dân chết trên đường phố, một số bị trói tay và bị bắn theo kiểu hành quyết, một số bị băm vằm.

 

Đối với bất kỳ ai từng theo dõi cách thức tiến hành chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimie Putin đều biết đó là một mô hình quen thuộc giống như được… “mặc định”! Trong quá khứ, quân đội Nga đã quen với “văn hóa tàn bạo” và xem thường việc thực thi luật quốc tế trong các cuộc xung đột vũ trang. Agnès Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết:

 

“Nhìn lại lịch sử các cuộc can thiệp quân sự của Nga, dù ở Ukraine, Syria, hoặc chiến dịch quân sự tại Chechnya, đều thấy đầy dẫy sự hành vi coi thường luật nhân đạo quốc tế. Quân đội Nga liên tục lách luật chiến tranh, không bảo vệ dân thường, thậm chí tấn công thẳng vào họ. Quân Nga tấn công bừa bãi, sử dụng vũ khí bị cấm và cố tình nhắm vào dân thường”.

 

Nhận xét này được đưa ra chưa đầy một tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine, đã trở thành “lời tiên tri đáng buồn”. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, cộng đồng quốc tế phản ứng với sự kinh hoàng khi các thành phố Ukraine chịu đựng cơn lốc oanh tạc không ngừng của quân Nga, từ pháo đa nòng đến tên lửa và ném bom. Tại Syria các cơ sở hạ tầng dân sự không được loại trừ khi trường học và bệnh viện cũng bị tấn công. Nay Ukraine cũng thế. Nhưng những cảnh diễn ra ở Bucha và một số thành phố, thị trấn từng bị Nga tạm chiếm đã gợi nhớ đến một loại bạo lực “không thể tin nổi” trong cuộc chiến lần thứ hai của Nga ở Chechnya (nước Cộng hoà thuộc Nga đòi ly khai) khi Putin lên nắm quyền. Lúc đó cũng có cáo buộc lính Nga vi phạm nhân quyền trên diện rộng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239754974-1024x683.jpg

Sau khi thất bại nhục nhã buộc phải rút lui, quân Nga đã thực hiện cuộc thảm sát tại thành phố Bucha gần Kyiv; Bucha, ngày 4 Tháng Tư 2022 (ảnh: Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images)

 

Năm 2000, các nhà điều tra của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã có trong tay tài liệu Nga hành quyết ít nhất 60 thường dân ở hai vùng ngoại ô Grozny, thủ phủ Chechnya. Người dân địa phương khai quật những ngôi mộ tập thể này và các quan chức quốc tế đến tìm hiểu thực tế trước khi đưa ra tuyên bố “lo ngại về các trường hợp giết người không xét xử”. Những tuyên bố đó không ngăn được quân đội Nga tiếp tục tiến hành chiến dịch “bình định” tàn nhẫn. Bằng chứng tương tự về “văn hóa tàn bạo” của quân Nga có rất nhiều ở các thị trấn như Bucha.

 

Một nhóm phóng viên đã đến tầng hầm của một tòa nhà và nhìn thấy thi thể của năm đàn ông trước khi đội thu dọn đưa đi. Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nói: “Họ đã bị lính Nga tra tấn và hành quyết”. Tàn nhẫn không kém là việc lính Nga ngược đãi các tù nhân chiến tranh Ukraine. Ngày 4 Tháng Tư, trong một bài đăng trên Facebook, bà Liudmyla Denisova, Thanh tra nhân quyền của Quốc hội Ukraine, nhận định: “Cách Nga đối xử với các tù nhân chiến tranh hoàn toàn vi phạm Công ước Geneva nên có đủ cơ sở để truy tố như tội phạm chiến tranh. Những người lính Ukraine được thả đã kể về sự đối xử vô nhân đạo. Họ bị giam giữ trên cánh đồng, trong hố, trong nhà để xe. Thỉnh thoảng một người bị đưa ra ngoài, bị đánh đập bằng báng súng hay họng súng kề bên tai đe doạ”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1239750939-1024x683.jpg

Hàng trăm thường dân đã bị giết thảm; Kyiv ngày 4 Tháng Tư 2022 (ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Igor Zhdanov, phóng viên của đài tuyên truyền nhà nước Nga RT, đăng một video “giải thích” vào ngày 22 Tháng Ba mô tả cách các tù binh Ukraine bị “sàng lọc” sau khi bị bắt. Video cho thấy những người Nga bịt kín mặt truy tìm những hình xăm hoặc phù hiệu thể hiện mối liên hệ với những người theo chủ nghĩa dân tộc hoặc các nhóm “tân Quốc xã” mà Nga xem là kẻ thù chính ở Ukraine. Trong bài đăng của mình, Zhdanov khẳng định “Các tù binh Ukraine được đối xử nhân đạo”.

 

Nhưng từ “sàng lọc” của ông ta thật đáng sợ! Trong cuộc chiến ở Chechnya, các lực lượng Nga nổi tiếng sử dụng cái gọi là “trại sàng lọc”, nơi dân thường được tách khỏi các tay súng nổi dậy. Phóng viên điều tra nổi tiếng của Nga Anna Politkovskaya đã thu thập lời khai từ những thường dân Chechnya bị giam giữ trong các trại sàng lọc, nơi họ bị đẩy xuống hố, bị chích điện, đánh đập và thẩm vấn tàn nhẫn. Lực lượng Nga cũng nhắm vào các thị trưởng địa phương.

 

Phía Ukraine khẳng định có một thị trưởng bị hành quyết trong số nhiều thị trưởng bị Nga bắt. “Hiện vẫn còn 11 thị trưởng địa phương từ các vùng Kyiv, Kherson, Mykolaiv và Donetsk đang bị Nga giam giữ – Phó Thủ tướng Ukraine, bà Iryna Vereshchuk nói trong một thông báo đăng trên mạng xã hội ngày 3 Tháng Tư – Ngày 2 Tháng Tư, chúng tôi biết Olga Sukhenko, Thị trưởng của Motyzhyn, một ngôi làng ở vùng Kyiv, đã bị bắt và bị giết”. Ivan Fedorov, Thị trưởng thành phố miền Nam Melitopol, từng bị quân Nga giam giữ nhưng sau đó được trao đổi tù binh, cho biết: “Các lực lượng Nga đã chiếm đoạt các doanh nghiệp địa phương, họ tự tuyên bố mình là chính quyền nhưng không quan tâm đến người dân mà chỉ quan tâm lấy tiền của các doanh nghiệp!”.

 

Rất lâu trước khi xâm lược Ukraine, quân đội Nga đã nổi tiếng về “văn hóa tàn ác”. Quân đội Nga gồm lính hợp đồng và lính nghĩa vụ. Dù chính phủ Nga tuyên bố đã đạt được những bước tiến trong việc chuyên nghiệp hóa quân đội, nhưng quân đội nước này vẫn tồn tại một hệ thống trừng phạt tàn bạo được gọi là “hành xác”, một truyền thống khét tiếng khuyến khích lính nghĩa vụ cấp trên đánh đập, thậm chí hãm hiếp các lính nghĩa vụ mới.

 

Gần đây Putin công bố sắc lệnh về nghĩa vụ mùa Xuân, ấn định mục tiêu gọi 134,500 người vào các lực lượng vũ trang Nga. Ban đầu Putin nói lính nghĩa vụ sẽ không tham gia vào cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, tuy nhiên, Bộ Quốc phòng sau đó thừa nhận lính nghĩa vụ đang chiến đấu ở Ukraine. Phía Ukraine cũng tuyên bố bắt được nhiều lính nghĩa vụ Nga. Các nhà điều tra Ukraine đã bắt đầu mở các cuộc điều tra tội phạm về các cáo buộc lực lượng Nga giết người tại những khu vực vừa được giải phóng đặc biệt là xung quanh Kyiv và thành phố phía Bắc Chernihiv. Phải mất vài ngày, hoặc có thể vài tuần, trước khi họ có được bức tranh đầy đủ hơn về những gì đã xảy ra ở Bucha. Nhưng nếu xem quá khứ là chỉ dẫn để “tham khảo” thì có rất ít hy vọng thủ phạm sẽ bị đưa ra trước công lý.

___________

 

Cựu vô địch quyền Anh thế giới của Ukraine, Wladimir Klitschko, mới đây đã post lên Twitter cảnh giết thường dân man rợ của Nga tại Bucha. Wladimir Klitschko hiện chiến đấu cùng quân đội Ukraine.

 

TWEET

Klitschko

@Klitschko

This is Genocide. #Genocide #FreeUkraine #StandWithUkraine #StopTheWar #Ukraine

 

https://twitter.com/Klitschko/status/1510631109750673409?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1510631109750673409%7Ctwgr%5E%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fsaigonnhonews.com%2Fthoi-su%2Fthe-gioi%2Fquan-doi-nga-ngay-cang-tan-ac%2F





No comments:

Post a Comment

View My Stats