Friday 1 April 2022

PUTIN KÝ SÁC LỆNH BUỘC CÁC NƯỚC "THÙ NGHỊCH" MUA KHÍ ĐỐT CỦA NGA BẰNG ĐỒNG RÚP (Thanh Hà - RFI)

 



Putin ký sắc lệnh buộc các nước « thù nghịch » mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 01/04/2022 - 12:00

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220401-putin-k%C3%BD-s%E1%BA%AFc-l%E1%BB%87nh-bu%E1%BB%99c-c%C.....BB%93ng-r%C3%BAp

 

Kể từ ngày 01/04/2022 các nước « không hữu hảo » với Nga phải có tài khoản đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank, thuộc tập đoàn dầu khí Gazprom. Ngân hàng này không bị phương Tây trừng phạt. Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh buộc thanh toán bằng rúp nhằm « tăng cường khả năng tự chủ kinh tế của Nga ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/38511b5a-b193-11ec-9249-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/2022-03-31T135318Z_1515092281_RC2PDT9AHHA3_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-RUSSIA-PUTIN.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến bàn về phát triển chế tạo máy bay và giao thông hàng không, từ tư dinh Novo-Ogaryovo, Matxcơva, Nga, ngày 31/03/2022. via REUTERS - SPUTNIK

 

Châu Âu, khách hàng quan trọng nhất của Nga bị tác động nhiều hơn cả. Pháp và Đức nêu lên khả năng ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. 

 

Theo giới quan sát, Kremlin chuyển sang thế tấn công trên mặt trận kinh tế để phá vỡ các đòn trừng phạt của Âu-Mỹ vì đã xâm lăng Ukraina. Đây cũng là cách để lách lệnh phong tỏa nhắm vào khoảng 300 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga.

 

Từ Matxcơva thông tín viên Anissa El Jabri giải thích :

 

« Hệ thống tài chính của các nước phương Tây được sử dụng như một vũ khí ». Không có ích gì khi dùng tiền tệ của những nước này. Vladimir Putin đích thân lao vào cuộc chiến chống lại các biện pháp trừng phạt của Tây phương. Trong một bài diễn văn dài ông nêu lên một lập luận khác qua tuyên bố : « Chúng ta cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng của châu Âu. Họ nhận được hàng và thanh toán cho chúng ta bằng đồng euro nhưng số tiền đó lại bị phong tỏa. Vậy chẳng khác nào chúng ta giao hàng miễn phí và không thể tiếp tục tình trạng này ». Hết lời dẫn.

 

Tổng thống Nga nói thêm ông sẵn sàng cắt đứt hơp đồng và như vậy là ngừng cung cấp khí đốt cho khách hàng. Nhưng bên cạnh thông điệp theo kiểu tối hậu thư đó, thì còn có một câu hỏi : Tổ chức thực hiện như thế nào ?. Sắc lệnh của tổng thống Nga ghi rõ : Mở những tài khoản đặc biệt bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán khí đốt của Nga.

 

Gazprombank không bị trừng phạt, vào cuối ngày, đã thông qua hãng thông tấn Tass đưa ra chỉ dẫn về cơ chế này như sau : khách hàng mua khí đốt sẽ phải đặt ngoại tệ tại Gazprombank, sau đó, chính ngân hàng sẽ bán số ngoại tệ này đi thông qua một tài khoản đặt biệt tại thị trường chứng khoán Matxcơva.

 

Matxcơva đã ra lệnh cho các tập đoàn xuất khẩu của Nga buộc khách hàng thanh toán đến 80 % các hóa đơn bằng đồng rúp. Nhờ biện pháp này kèm theo với quyết định nâng lãi suất chỉ đạo lên thành 20 %, đồng rúp đã tăng lên trở lại gần bằng so với thời điểm trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina.

 

Về phía châu Âu vốn lệ thuộc đến 40 % vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, lập tức Pháp và Đức bác bỏ đòi hỏi thanh toán bằng đồng rúp, bởi các hợp đồng tới nay ghi rõ châu Âu thanh toán cho các đối tác Nga bằng euro hay đô la. Ngoài ra, Paris và Berlin tuyên bố « chuẩn bị » để « có thể » ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga.

 

Một ngày trước khi ban hành sắc lệnh đòi được thanh toán bằng đồng rúp, hôm 30/03/2022 chính Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã trấn an Berlin rằng Liên Hiệp Châu Âu có thể « tiếp tục » dùng euro để mua khí đốt của Nga.

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NGA - CHÂU ÂU - NĂNG LƯỢNG

Năng lượng : Nga đòi châu Âu thanh toán hóa đơn bằng đồng rúp

NGA - EU - KHÍ ĐỐT

Nga vẫn chấp nhận để Liên Âu thanh toán khí đốt bằng euro

CHÂU ÂU - NGA - NĂNG LƯỢNG

Liên Âu muốn giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats