Saturday, 9 April 2022

PHÓNG SỰ UKRAINA : NHỮNG CÁI CHẾT CỦA BINH LÍNH NGA và PHẢN ỨNG CỦA CÔNG CHÚNG (The New York Times)

 



Phóng sự Ukraina: Những cái chết của binh lính Nga và phản ứng của công chúng

Cù Tuấn dịch từ New York Times

Tháng Tư 7, 2022

https://nghiencuulichsu.com/2022/04/07/phong-su-ukraina-nhung-cai-chet-cua-binh-linh-nga-va-phan-ung-cua-cong-chung/

 

Hinh : https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2022/04/cc.png?w=551&h=363

 

Ivan Kononov, một trung úy trong lực lượng lính thủy đánh bộ Nga, là người rất thích nấu ăn. Em trai của Kononov cho biết, anh mình đã nấu đồ ăn Ý cho đơn vị trên thực địa và đổi khẩu phần lấy các đồ gia vị khi anh phục vụ ở Syria.

 

Em trai Aleksandr Kononov, đã nhìn thấy anh lần cuối tại nhà xác bệnh viện quân sự ở thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga vào tháng 3. Trung úy Kononov, 34 tuổi, đã thiệt mạng trong cuộc đọ súng tại một nhà máy thép ở thành phố cảng Mariupol của Ukraina. Em trai Kononov kể lại, khi bước đến nhà xác, anh đi qua cánh cổng mở của một nhà kho và nhìn thấy hàng chục túi đựng thi thể màu đen xếp trên sàn nhà.

 

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, anh Kononov, 32 tuổi, cho biết chỉ sau cái chết của anh trai mình, anh mới bắt đầu chú ý đến cuộc chiến đang diễn ra chỉ cách nhà anh hơn 50 dặm. Và anh nhận ra rằng anh trai mình đã chết trong một cuộc chiến mà “không ai cần đến”.

 

Anh Kononov, người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, cho biết: “Nếu tất cả mọi người đều biết mọi thứ, thì sẽ có biểu tình,” đề cập đến nhận thức của công chúng Nga nói chung. “Và tôi nghĩ đó sẽ là điều tốt nhất. Bởi vì cuộc chiến này phải dừng lại. Không nên có cuộc chiến nào cả.”

 

Sáu tuần sau khi Tổng thống Vladimir V. Putin xâm lược Ukraina, nhiều người Nga vẫn không hề hay biết về mức độ thiệt hại sâu sắc của đất nước họ – cũng như về sự tàn sát và hành động tàn nhẫn mà quân đội Nga gây ra khi quân đội nước này rút lui khỏi miền Bắc Ukraina. Nhưng mỗi ngày trôi qua thì thực tế chiến tranh đã đi vào cuộc sống của các gia đình càng thường xuyên hơn khi giấy báo tử và túi màu đen đựng xác được đưa đến, khiến một số người như anh Kononov bắt đầu đặt câu hỏi về cuộc chiến này.

 

Tuy nhiên, đối với những người khác, các tin tức nghiệt ngã về số thương vong chỉ làm tăng thêm quyết tâm đánh bại Ukraina và ủng hộ cuộc chiến của ông Putin với phương Tây.

 

“Nếu Mỹ không cung cấp vũ khí cho bọn phát xít Ukraina, thì sẽ không có cái chết của những chàng trai trẻ của chúng tôi,” Aleksandr Chernykh, người đã mất đứa con trai 22 tuổi Luka Chernykh, một hạ sĩ trong tình báo quân đội, cho biết trong một phỏng vấn qua điện thoại. “Ý kiến ​​cá nhân của tôi là chúng ta chỉ nên đánh Mỹ bằng bom hạt nhân và thế là xong luôn, cho họ thôi cái trò can dự vào chuyện nội bộ của các nước khác”.

 

Việc các nỗi đau cá nhân ngày càng gia tăng trong cuộc chiến có làm suy yếu quyết tâm tập hợp xung quanh Điện Kremlin của công chúng hay không, có thể giúp xác định tương lai của cuộc xung đột này. Với việc nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược Ukraina chỉ là một “hoạt động quân sự đặc biệt” và sẽ không có lính nghĩa vụ nào được cử đi chiến đấu, chính phủ Nga vẫn đang cố gắng tránh gây ấn tượng rằng cuộc chiến trên bộ lớn nhất châu Âu kể từ năm 1945 này sẽ đòi hỏi sự hy sinh về người rất lớn của những người Nga bình thường.

 

Một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức thăm dò độc lập Levada cho thấy 35% người Nga không chú ý hoặc không quan tâm đến các sự kiện ở Ukraina; và trên truyền hình nhà nước hiếm khi đề cập đến những cái chết của binh lính Nga.

 

Lần cuối cùng Nga công bố số thương vong do do cuộc chiến này là ngày 25 tháng 3, với con số 1.351 người chết. Các quan chức Mỹ hồi tháng trước cho biết một ước tính thận trọng về số người chết của Nga lên tới hơn 7.000 người. Đài BBC tiếng Nga hôm thứ Tư cho biết họ đã thống kê được 1.083 quân nhân Nga tử vong đã được các quan chức địa phương hoặc các phương tiện truyền thông địa phương công bố trên khắp nước Nga. Nhưng 20% ​​số ca tử vong đó liên quan đến các sĩ quan – một con số không tương xứng cho thấy rằng rất nhiều cái chết của các binh sĩ cấp thấp hơn có thể không được báo cáo.

 

Sự im lặng chính thức về thương vong của quân Nga đã gợi lại cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan. Về cuộc xung đột đó, tác giả người Belarus Svetlana Alexievich sau đó đã viết, “chỉ có tin đồn về những thông báo về cái chết đến những túp lều ở nông thôn và các quan tài kẽm được chuyển đến những căn hộ có tường ốp đá”.

 

Lần này, những mẩu tin tức về những cái chết đến với công chúng Nga từ các thông báo của chính quyền địa phương và các trường đại học cũng như thông báo trên các trang mạng xã hội của các người vợ và người mẹ. Và khi nó đến, các tin tức nghiệt ngã này thường được che đậy bằng ngôn ngữ chính thức của cuộc chiến.

 

Thống đốc khu vực Ryazan ở miền tây nước Nga gần đây cho biết 4 người đàn ông đến từ khu vực này đã chết “trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân tộc xấu xa”. Tại Ulyanovsk, một thành phố bên sông Volga, vợ của Thượng tá Vladislav Lukonin thuộc Sư đoàn Dù cận vệ 106 đăng tải rằng chồng bà đã hy sinh để bảo vệ “bầu trời hòa bình trên đất nước Nga”.

 

Khi trường Cao đẳng Sư phạm Công nghiệp ở thành phố phía tây Klintsy tiết lộ cái chết của một sinh viên mới tốt nghiệp, Aleksei Prigoda, 23 tuổi, trên trang mạng xã hội của mình vào tuần này, họ nói rằng anh “đã chết khi tham gia ‘Chiến dịch quân sự đặc biệt trên Lãnh thổ Ukraina , để ‘làm tròn bổn phận của mình đối với Tổ quốc.’

 

Ngày hôm sau, trường đại học đã thông báo về một lễ hội âm nhạc vào cuối tuần này có tên là “Vì hòa bình! Vì nước Nga! Vì Tổng thống! ” gồm 10 nhóm nhạc rock địa phương.

 

Vào những năm 1980, cuộc chiến tranh khốc liệt ở Afghanistan cuối cùng đã làm công chúng thêm thất vọng đối với sự cai trị của Liên Xô. Một Ủy ban của những người mẹ của binh lính Nga, được thành lập vào cuối cuộc chiến để bảo vệ những thanh niên trẻ tuổi khỏi bị quân đội lạm dụng, đã giúp hình thành một xã hội dân sự mới, phá vỡ sự im lặng của nhà nước này.

 

Nhưng cuộc chiến Afghanistan đã kéo dài một thập kỷ. Anastasia Nikolskaya, một nhà xã hội học ở Moscow, cho biết bà không thấy bằng chứng nào về những cái chết trên chiến trường khiến người Nga chống lại cuộc chiến ở Ukraina.

 

Không giống như Afghanistan, bà nói, công chúng Nga hiện đang được giải thích rõ ràng về lý do tại sao đất nước Nga phải chiến đấu: vì an ninh của chính họ trước sự xâm lược của phương Tây và chống lại chủ nghĩa phát xít. (Tổng thống Putin nói rằng chính phủ Ukraina do bọn phát xít điều hành để biện minh cho chiến tranh). Bà cho biết, phần lớn người dân Nga đang cố gắng tránh động vào những tin tức về cái chết của dân thường.

 

“Chúng tôi đang cố gắng tránh xa những thông tin như vậy,” bà nói. “Thật quá đau đớn để nghe và biết về các tin tức này. Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì về nó.”

 

Ủy ban của các bà mẹ binh sĩ Nga vẫn còn đang hoạt động, nhưng họ cố gắng tránh xa tầm nhìn của công chúng do nhà nước đang đàn áp những người phản đối chiến tranh. Họ đã nhận các câu hỏi từ những người đang tìm kiếm con trai và anh trai, bằng chứng này vẫn còn trên các trang của họ trên mạng xã hội VKontakte của Nga.

 

Một người đàn ông đã viết: “Tôi đã không nhận được tin tức từ anh trai mình trong một tuần. Tôi phải liên hệ với ai? Hôm qua, người hàng xóm của tôi được thông báo rằng cô ấy sẽ nhận được thi thể con trai mình trong vài ngày tới”.

 

Tại nước cộng hòa Bắc Ossetia, miền Nam nước Nga, một sĩ quan dự bị tên là Oleg Marzoyev đã theo dõi các trường hợp bị chết của tất cả những người lính trong khu vực này trên tài khoản Telegram và Instagram của anh, và viết rằng anh làm như vậy vì chính phủ đã không làm.

 

“Người đưa ra những quyết định này, họ đang cố gắng đạt được điều gì?” Marzoyev đã viết vào tháng trước. “Mọi người có một câu hỏi: Tại sao lại không có thái độ phù hợp với những di vật của người đã chết?”

 

Với số người chết vì cuộc chiến ngày càng gia tăng, những lời xì xầm về sự nguy hiểm của chiến sự ở Ukraina đã lan tới công chúng Nga, và thậm chí đã có những trường hợp các binh sĩ cố gắng trốn tránh việc chiến đấu.

 

Mikhail Benyash, một luật sư ở thành phố Krasnodar, miền Nam nước Nga, cho biết ông đã nhận được hơn 100 yêu cầu từ các quân nhân và các thành viên nghĩa vụ vệ binh quốc gia Nga về các quyền hợp pháp của họ nếu họ từ chối chiến đấu.

 

Benyash nói rằng ông đang bảo vệ ba thành viên vệ binh quốc gia, những người phản đối quyết định sa thải họ vì từ chối lệnh đi đến Ukraina. Chín người khác đã bị áp lực phải từ bỏ các khiếu nại, ông nói.

 

“Họ không thấy có ích lợi gì khi giết bất cứ ai,” ông nói về những người Nga đã từ chối chiến đấu. “Thêm vào đó, họ không thấy có lợi ích gì khi bị giết.”

 

Nhưng đối với các gia đình binh sĩ, việc tuyên truyền của nhà nước vẫn tiếp tục có ảnh hưởng. Ông Chernykh, người có con trai lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Siberia và đã chết cách đó hàng nghìn dặm về phía tây, gần thị trấn Konotop của Ukraina, cho biết ông không xem tin tức trên truyền hình. Tuy nhiên, ông nói rằng Nga đang chiến đấu với bọn phát xít do Mỹ tài trợ và ông bác bỏ ý kiến ​​cho rằng quân đội của đất nước ông có thể phải chịu trách nhiệm cho những hành động tàn bạo bị phanh phui ở Ukraina.

 

Ông Chernykh, vốn là một kỹ sư, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ thành phố Krasnoyarsk của Siberia: “Tôi biết tinh thần Nga và tôi biết rằng người Nga không bắn vào dân thường. “Chỉ có bọn phát xít mới có thể làm điều đó.”

 

Tại một thành phố khác của Siberia, Khanty-Mansiysk, một phụ nữ 38 tuổi tên Alina – cô yêu cầu giấu họ của mình vì sợ hậu quả – cũng nói rằng cô tin rằng anh trai cô, một trung tá, đã bỏ mạng khi chiến đấu với bọn phát xít.

 

Vừa khóc cô vừa nói rằng một nhóm nhỏ phát xít ở Ukraina đang gây ra tình trạng căng thẳng bằng cách khuyến khích hành vi ngược đãi người Nga. Cô nói, tất cả chỉ là dư âm của Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi một số người Ukraina đã hợp tác với Đức Quốc xã – một câu chuyện được kể rất nhiều lần trên truyền hình Nga.

 

“Đây là sự lặp lại của những gì đã xảy ra trước đây,” cô nói. “Đây là một sự lặp lại của lịch sử này.”

 

Đối với nhiều người khác, họ có cảm giác như không làm được gì trước những sự kiện ngoài tầm kiểm soát của họ. Ở Bắc Ossetia, Marina Kulumbegova, 25 tuổi, đã tránh không xem tin tức. Cha của cô, Robert Kulumbegov, 47 tuổi, đã rời đến miền đông Ukraina vào ngày đầu tiên của cuộc chiến để cung cấp hàng tiếp tế cho quân đội Nga, sau đó ở lại để chiến đấu. Cô nói, “bởi vì ở đó có những cậu bé bằng tuổi em trai tôi” – chỉ mới 23.

 

“Những người duy nhất biết điều gì đang thực sự xảy ra là những người đang chiến đấu ở đó,” cô nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ thành phố Vladikavkaz. “Nói về cuộc chiến, nói lên ý kiến ​​của bạn về nó, hoàn toàn không có ích lợi gì.”

 

----------------------------

 

Có liên quan

 

Giải thích các phản ứng trái chiều nhau của công chúng Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina

Tháng Ba 23, 2022

 

Phóng sự Ukraina: “Tôi nhớ mặt họ” – tâm sự của sát thủ chuyên giết những kẻ phá hoại người Nga tại Kyiv

Tháng Ba 30, 2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats