Tuesday 12 April 2022

NHÀ TRANH ĐẤU CHU MẠNH SƠN ĐỐI MẶT LỆNH TRỤC XUẤT CỦA THÁI LAN, ÁN TÙ Ở VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt)

 



Nhà tranh đấu Chu Mạnh Sơn đối mặt lệnh trục xuất của Thái Lan, án tù ở Việt Nam

VOA Tiếng Việt

11/04/2022

https://www.voatiengviet.com/a/nha-tranh-dau-chu-manh-son-doi-mat-lenh-truc-xuat-cua-thai-lan-an-tu-o-viet-nam/6523956.html

 

https://gdb.voanews.com/9A6F393B-900E-4572-B827-E121E4182DAA_cx0_cy5_cw49_w650_r1_s.jpg

Ông Chu Mạnh Sơn hồi năm 2011, khi bị bắt vì tranh đấu cho tự do, dân chủ.

 

Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn, một nhà tranh đấu phải chạy trốn từ Việt Nam sang Thái Lan hồi năm 2017, nay đối diện nguy cơ bị nhà chức trách nước sở tại trục xuất và có thể bị bỏ tù với mức án nặng ở Việt Nam.

 

Ông Sơn, từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù 30 tháng từ năm 2011-2014 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, nói với VOA qua điện thoại từ nơi giam giữ của nhà chức trách Thái Lan hôm 9/4 rằng ông bị họ bắt giữ về tội nhập cảnh bất hợp pháp.

 

Vào tối 11/4, giờ Bangkok, bà Lê Thị Phương, vợ ông Sơn, cho VOA biết ông vẫn đang bị tạm giam trong một trung tâm tạm giữ người nhập cư ở thủ đô của Thái Lan, gọi tắt là IDC.

 

Vợ chồng ông Sơn đi lánh nạn từ Việt Nam sau khi ông bị công an Việt Nam bắt tạm giam hồi đầu tháng 5/2016 với cáo buộc “kích động người dân biểu tình” liên quan đến vụ scandal nhà máy của hãng Formosa làm ô nhiễm biển ở miền trung Việt Nam.

 

Nói với VOA từ nơi bị tạm giam ở Bangkok, ông Sơn, 33 tuổi, cho hay ông đang làm thủ tục đi tị nạn chính trị ở Canada, và mới đây, theo yêu cầu từ Sở Di trú của nước này, trong vòng 30 ngày, ông phải nộp cho họ giấy chứng nhận tư pháp cho thấy ông không có tiền án, tiền sự ở Thái Lan.

 

Để có giấy này, hôm 8/4, ông Sơn cùng một gia đình người tị nạn khác gồm 4 người đến một đồn cảnh sát ở Bangkok làm thủ tục. Tuy nhiên, đồn cảnh sát đã báo cơ quan di trú của Thái Lan đến bắt cả 5 người, trong đó có ông Sơn.

 

Ông cho biết thêm: “Sáng 9/4, chúng tôi bị đưa ra tòa. Chúng tôi bị tòa phạt tiền. Cùng với đó, họ tuyên án là sẽ trục xuất chúng tôi sau khi về IDC”.

 

Theo lời ông Sơn, gia đình người tị nạn bị bắt cùng ông là ông Nguyễn Văn Thêm, bà Nguyễn Thị Luyến cùng 2 cháu nhỏ, đã chờ đợi để đi tị nạn trong 10 năm.

 

Vợ ông Sơn và hai con, gồm một cháu 4 tuổi và một cháu mới sinh cách đây ít ngày, không đi cùng ông nên không bị bắt.

 

Vẫn theo ông Sơn, cả hai gia đình đang phải đi tị nạn đều chưa hề phạm tội hình sự ở Thái Lan, nhưng ông cũng thừa nhận rằng về mặt giấy tờ, họ là những người sống bất hợp pháp ở Thái Lan.

 

Bà Phương, vợ ông Sơn, cho biết bà đã cung cấp thông tin cho các luật sư thuộc Trung tâm Người tị nạn Bangkok (BRC) sau khi ông bị bắt để nhờ họ giúp đỡ, nhưng đến nay chưa thấy BRC liên lạc lại.

 

Trong khi đó, ông Sơn nói với VOA rằng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cử người đến IDC hôm 11/4 để làm các thủ tục bảo lãnh và cũng vận động phía Canada. Mặc dù vậy, hiện tại ông vẫn rất lo lắng vì chưa rõ tương lai của ông và gia đình sẽ ra sao:

 

“Không biết là với lệnh trục xuất của tòa án thì khi nào chúng tôi sẽ bị trục xuất khỏi Thái Lan, không biết chúng tôi có nguy cơ bị đẩy về Việt Nam hay không. Bản thân tôi từng hoạt động chính trị, bất đồng chính kiến ở Việt Nam, đang bị công an Việt Nam truy tìm. Vì vậy, nếu bị trục xuất về Việt Nam, tôi có nguy cơ đối diện với một án tù rất là cao”.

 

Nhà tranh đấu nói thêm rằng ông mong các cơ quan bảo vệ người tị nạn quốc tế giúp đỡ và đưa ông cũng như gia đình ông bà Thêm-Luyến ra khỏi trung tâm IDC của Thái Lan.

Thái Lan là nơi nhiều người tị nạn từ một số nước đổ về để xin Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cứu giúp.

 

Tuy nhiên, chính UNHCR đã khuyến cáo rằng Thái Lan không phải là một bên tham gia Công ước về Người tị nạn năm 1951, vì vậy, nếu những người xin tị nạn mà không có visa nhập cảnh hợp pháp, họ sẽ bị nhà chức trách nước sở tại xử lý với các hình thức bao gồm bắt giữ, truy tố, giam cầm, bất chấp việc họ được hưởng quy chế gì từ UNHCR.

 

Theo tìm hiểu của VOA, Thái Lan đã trục xuất nhiều trường hợp người Việt Nam phải đi tị nạn. Những người này khi trở về Việt Nam phải chịu các hình phạt từ phạt tiền cho tới bị bỏ tù về tội vượt biên trái phép, chưa kể đến những hình phạt khác cho các hoạt động chính trị trong quá khứ.

 

VIDEO :

Nhà tranh đấu Chu Mạnh Sơn đối mặt lệnh trục xuất của Thái Lan, án tù ở Việt Nam | VOA  

https://www.youtube.com/watch?v=bJgWiwH-bd4

.

============================================

.

XEM THÊM 

.

Cựu tù lương tâm VN bị cảnh sát Thái bắt và đối diện nguy cơ trục xuất

RFA
2022.04.11

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vietnam-political-prioner-was-arrestted-by-thailand-police-n-faced-the-risk-of-deportation-04112022035457.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vietnam-political-prioner-was-arrestted-by-thailand-police-n-faced-the-risk-of-deportation-04112022035457.html/@@images/4d4a44ef-f8bd-4a63-90fd-6c793e10719f.jpeg

Từ phải qua: ông Chu Mạnh Sơn, bà Nguyễn Thị Luyến và ông Nguyễn Văn Thêm khi mới bị bắt .  FB Mary Phuong

 

Một người bất đồng chính kiến từng bị chính quyền Việt Nam xử 30 tháng tù giam với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" vừa mới bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và đối diện nguy cơ trục xuất khi đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan.

 

Hôm 8 tháng 4, cảnh sát Thái Lan bắt một nhóm năm người Việt tị nạn trong đó có ông Chu Mạnh Sơn. 

 

Ông Sơn cho biết gia đình ông có quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc và đang trong quá trình làm hồ sơ đi định cư tại Canada. 

 

Ông cùng những người tị nạn khác tới trụ sở của lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan hôm 8/4, với mục đích xin giấy lý lịch tư pháp, thể theo yêu cầu của cơ quan di trú Canada như thủ tục cuối cùng trước khi đi định cư, và bị bắt giữ tại đây. 

 

Ông kể lại sự việc với phóng viên RFA qua điện thoại từ trung tâm giam giữ người nhập cư IDC của Bangkok như sau:

 

Khi mà tôi và gia đình anh chị Thêm-Luyến vào văn phòng cảnh sát bên tư pháp của cảnh sát hoàng gia để xin giấy xác nhận tư pháp, thì họ hỏi tôi giấy tờ, sau đó tôi đưa thẻ UN nhưng sau đó họ yêu cầu đưa hộ chiếu thì tôi không có. Còn gia đình anh chị Thêm-Luyến thì đã từ lâu không còn hộ chiếu. 

Sau đó thì họ yêu cầu chúng tôi ngồi lại và gọi cảnh sát bên di trú đến, sau đó thì cả tôi và gia đình anh chị Thêm-Luyến, và hai đứa còn một đứa 16 tuổi, một đứa năm tháng tuổi, tổng cộng là năm người bị đưa về IDC. Hiện giờ thì tôi đang bị nhốt tại nhà tạm giữ của IDC.

 

Thái Lan là nơi nhiều người Việt Nam chọn tới xin tị nạn để tránh sự đàn áp ở quê nhà vì các lý do như tôn giáo và chính trị, tuy nhiên nước này chưa ký Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn . 

 

Những người này thường không có giấy tờ hợp pháp, phải đối diện với việc bị bắt bởi cảnh sát di trú vì bị coi là người cư trú bất hợp pháp. 

 

Ông Chu Mạnh Sơn cho biết, sau khi bị bắt một ngày thì cảnh sát Thái Lan đã đưa họ ra tòa với kết quả những người này bị buộc tội cư trú bất hợp pháp và nhận bản án trục xuất. 

 

Sáng ngày mùng 9 thì cảnh sát họ đưa chúng tôi ra toà, sau đó toà tuyên phạt mỗi người 10.000 baht, riêng tôi thì phải nộp thêm một ngàn nữa do nhập cảnh bất hợp pháp, vì tội vượt biên vào đây. Sau khi nộp tiền thì họ nói rằng sẽ đưa chúng tôi về IDC sau đó sẽ có lệnh trục xuất.

 

Bản thân ông Chu Mạnh Sơn là một cựu tù nhân lương tâm, ông bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước” và chịu án 30 tháng tù giam hồi năm 2012, trong một vụ án được biết đến dưới tên “14 thanh niên Công giáo và Tin Lành”. 

 

Ông này cho biết bản thân và gia đình vượt biên giới tới Thái Lan lánh nạn vào năm 2017 vì sự truy quét của công an Việt Nam. Trả lời câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông bị trục xuất về nước, ông Sơn nói: 

 

Đối với trường hợp của tôi, trước đây là một người bất đồng chính kiến hoạt động chính trị, đang bị cảnh sát ở Việt Nam truy tìm. Nếu như bị trục xuất về Việt Nam thì sẽ phải đối mặt với án tù rất là cao.

 

Cùng bắt với ông Chu Mạnh Sơn là gia đình của ông Nguyễn Văn Thêm, cũng là những người tị nạn gồm: vợ là bà Nguyễn Thị Luyến, hai người con là bé Philip Nguyễn Nhật Nam (khoảng năm tháng tuổi), và Nguyễn Tiến Đạt 17 tuổi.

 

Đài Á châu Tự do đang liên hệ với phía cơ quan chức trách của Thái Lan để xác minh thông tin về lệnh trục xuất đối với những người này. 

 

Phóng viên cũng đã liên hệ với Bộ phận Bảo vệ người tị nạn của văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Thái Lan để xác minh về vụ bắt giữ và tình trạng của năm người Việt tị nạn, nhưng người đại diện của bộ phận này từ chối cung cấp thông tin vì lý do “bảo mật”. 





No comments:

Post a Comment

View My Stats