Wednesday 6 April 2022

NGƯỜI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN : VIỆT NAM HIỆN ĐANG GIAM GIỮ 253 TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM (RFA)

 



Người Bảo Vệ Nhân Quyền: Việt Nam hiện đang giam giữ 253 tù nhân lương tâm

RFA
2022.04.06

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-jails-253-prisoners-of-conscience-defend-the-defenders-updates-04062022083321.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-jails-253-prisoners-of-conscience-defend-the-defenders-updates-04062022083321.html/@@images/6bc63798-e288-431f-b875-2c0e9e46daa3.jpeg

Hình minh hoạ: Ông Trịnh Bá Phương, một người đấu trang về quyền đất đai, tại phiên toà ở Hà Nội hôm 15/12/2021

 

Con số tù nhân lương tâm ở Việt Nam theo công bố mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền hiện đang là 253 người, tuy nhiên tổ chức thống kê cũng cho rằng còn số thực có thể còn cao hơn.

 

Hôm 6 tháng 4, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền ra thông cáo báo chí trong đó công bố con số tù nhân lương tâm cập nhật ở Việt Nam.

 

Cũng theo thông cáo trên thì thuật ngữ tù nhân lương tâm được dùng để chỉ những cá nhân bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc vì lương tâm; hay do sắc tộc, giới tính, màu da, và ngôn ngữ của mình.

 

Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, cho biết thêm thông tin về vấn đề này:

 

“Tổng số tù nhân lương tâm hiện giờ là 253 trong đó có 24 người là phụ nữ và có 36 người đang trong thời gian giam giữ chưa xét xử, còn lại là đã bị kết án tù.

Trong đây nhiều nhất có lẽ là tội danh phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tức là các tù nhân lương tâm thuộc về vấn đề tôn giáo. Có khoảng gần 100 người là thuộc các sắc tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và vùng phía Bắc Việt Nam.

Còn lại là các tội danh như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước, hay là lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”

 

Ông Ngữ cũng cho biết con số tù nhân lương tâm thực có thể cao hơn rất nhiều tuy nhiên do nhiều hạn chế như khó khăn trong việc liên lạc với người thân, hoặc các vụ xét xử diễn ra một cách bí mật, hoặc không xuất hiện trên mặt báo, nên nhiều trường hợp tù nhân lương tâm không được biết đến.

 

Theo báo cáo này, chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, tòa án các tỉnh thành kết tội sáu nhà hoạt động và kết án họ tổng cộng hơn 20 năm tù và năm năm quản chế, trong đó có vụ xử nhà báo độc lập Lê Dũng Vova vào hôm 23/3 với bản án năm năm tù giam.

 

Trả lời câu hỏi về việc con số hàng trăm tù nhân lương tâm này phản ánh điều gì, ông Vũ Quốc Ngữ nói:

 

“Nó phản ánh rằng là chế độ độc tài ở Việt Nam không tôn trọng các quyền tự do cơ bản, gồm quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và tự do báo chí. Con số này phản ánh một cái tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Cộng Sản.” 

Trong thông cáo của mình tổ chức này còn cáo buộc chính quyền mở rộng chiến dịch đàn áp và nhắm tới các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký hợp pháp với nhà nước, thông qua việc bắt giữ một loạt người đứng đầu của các tổ chức này, với nhằm duy trì sự “độc quyền chính trị”.

 

Ví dụ điển hình là hai phiên tòa riêng biệt của Tòa án Hà Nội xét xử hai nhà hoạt động dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách với cáo buộc “trốn thuế” nhằm ngăn chặn các hoạt động của họ trong việc thúc đẩy giáo dục dân quyền.

 

Thông tin về số lượng tù nhân lương tâm ở Việt Nam được công bố trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang vận động để được làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, và cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên Âu - Việt Nam sẽ diễn ra trong ngày 6/4/2022.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

 

·         Tù nhân lương tâm chết vì trọng bệnh khi đang thi hành án

 

·         Văn phòng Chủ tịch nước công bố quyết định đặc xá năm 2021 nhưng chưa có danh sách

 

·         Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người tự ứng cử Quốc hội năm 2016, bị bắt giữ tại Hà Nội

 

·         Ân Xá Quốc Tế: số tù nhân lương tâm ở Việt Nam gia tăng kỷ lục trong năm 2020

 

·         TNLT Nguyễn Văn Đức Độ bị biệt giam, quản giáo thả chó săn cắn





No comments:

Post a Comment

View My Stats