Friday 8 April 2022

MÔN CÔNG DÂN GIÁO DỤC THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA (Bùi Trọng Chương)

 



Môn Công Dân Giáo Dục

Bùi Trọng Chương 

POSTED ON APRIL 7, 2022   

https://dcvonline.net/2022/04/07/mon-cong-dan-giao-duc/

 

Nếu các quốc gia tiền tiến đã dành cho môn Công dân một địa vị xứng đáng thì các quốc gia chậm tiến như Việt Nam, môn Công dân càng phải được coi là 1 môn học cần thiết.

 

https://cdn.sketchbubble.com/pub/media/catalog/product/optimized1/a/2/a2a143a98d075aed0dae58a5cfae8cb528ebb9380bd120d6d152643fd952c67a/civic-education-slide1.png

Nguồn: https://www.sketchbubble.com/

 

Thuyết Trình của Ông Bùi Trọng Chương - Giáo Sư Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, trước Đại Hội Chương Trình Giáo Dục ngày 27-07-1965

 

Kính thưa quý vị trong Chủ Tọa Đoàn,

 

Kính thưa quý vị,

 

Chúng tôi được hân hạnh Bộ chỉ định thay thế ông Phó Tổng Giám đốc Nha Trung Tiểu học và Bình dân Giáo Dục mắc bận công vụ đại diện cho tiểu ban Cải tiến Chương trình Công dân, để trình bầy trước Đại hội những ý kiến của chúng tôi về môn Công dân Giáo dục hiện hành. Môn học này hiện nay đang được dư luận đặc biệt chú ý tới.

 

Để Hội nghị có thể nắm vững vấn đề hầu xác định một chương trình Công dân Giáo dục hợp lý với tầm quan trọng của nó, chúng tôi sẽ trình bầy bài thuyết trình này dưới ba tiêu đề:

 

1.    Tầm quan trọng của môn Công dân Giáo dục.

 

2.    Lược qua sựu biến chuyển của chương trình Công dân Giáo dục ở Việt Nam và những nét đại cương của chương trình hiện hành.

 

3.    Nhận xét về những ưu và khuyết điểm của chương trình hiện hành để đề nghị những cải tổ cần thiết.

 

Tầm quan trọng của môn Công dân Giáo dục

 

Sau đây chúng tôi xin đề cập tới tiêu đề thứ nhất “Tầm quan trọng của môn Công dân Giáo dục”.

 

Hẳn quý vị cũng đồng ý với chúng tôi là chúng ta không thể chấp nhận quan niệm của Cộng sản khi họ phủ nhận phần nội tại mà chỉ công nhận phần tương quan của con người. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không thể chấp nhận thái độ của nhóm tự do khi họ chối bỏ phần tương quan mà chỉ chú trọng tới phần nội tại của con người. Đối với chúng ta, con người phải được quan niệm như là một thực thể vừa có giá trị cá biệt vừa có giá trị cộng đồng. Chính vì vậy mà giáo dục có nhiệm vụ phát triển cá nhân tự mưu cầu được hạnh phúc mà còn để cá nhân có thể làm tròn nhiệm vụ đóng góp hữu hiệu vào cộng đồng. Do đó một trong những nguyên tắc căn bản của giáo dục là: “Giáo dục phải đào tạo những cá nhân thành những công dân có tinh thần, kiến thức và khả năng đóng góp hữu hiệu vào cộng đồng sinh hoạt Quốc gia.

 

Để thực hiện nguyên tắc đó, tất cả các quốc gia tiền tiến thế giới chú trọng tới việc giáo dục người công dân qua một môn học chuyên biệt, đó là môn Công dân Giáo dục. Thực vậy, tại Pháp môn “Instruction civique” đã được giảng dạy từ các lớp nhỏ đến lớp Première, tại Hoa Kỳ, môn Civics đã được giảng dạy từ bậc Tiểu học tới bậc Trung học, riêng mông Economics và Political Science tuy không được dạy ở Trung học nhưng được coi như là hai môn bắt buộc cho mọi phân khoa Đại học ở bậc Undergraduate, lấy bằng BS hoặc BA; tại Nhật Bản cũng vậy.

 

Riêng ở Đài Loan, vì hoàn cảnh đặc biệt của quốc gia này, mà môn Công dân Giáo dục đã giữ một địa vị rất quan trọng trong chương trình học. Ngoài ra chưa kể Liên Sô và các nước Cộng sản đã coi môn học này là môn học quan trọng nhất từ Tiểu học đến Đại học.

 

Sở dĩ các quốc gia đề dùng môn Công dân Giáo dục để thực hiện nguyên tác Giáo dục trên vì chương trình của môn học này đại lược gồm những phần:

 

1.     Luân lý thực  dụng: để rèn luyện cho thanh niên một tin thần luân lý đối với bản thân, đối với gia đình, đối với học đường và đối với xã hội.

 

2.    Kinh tế học: để dạy cho thanh thiếu niên những kiến thức sơ đẳng về kinh tế để sau này họ có thể đóng góp phần nào vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

 

3.    Chính trị học: để giáo dục cho thanh thiếu niên trở thành những công dân đủ tư cách ý thức được quyền lợi và bổn phận của mình, nhất là có tinh thần và khả năng đóng góp hữu hiệu và hợp lý vào cộng đồng sinh hoạt chính trị quốc gia.

 

Lược qua sự biến chuyển của chương trình Công dân Giáo dục ở Việt Nam và những nét đại cương của chương trình hiện hành

 

Trong phần trên chúng tôi đã trình bầy phần quan trọng của môn Công dân Giáo dục nói chung, còn riêng ở nước ta, môn học này đã được giữ một địa vị như thế nào trong chương trình học từ trước tới nay.

 

Muốn nhận định được rõ ràng điều đó, tôi xin phép quý vị được trình bầy sơ lược về sự diễn tiến của môn học này từ thời Pháp thuộc cho tới ngày nay.

 

Dưới thời Pháp thuộc: người Pháp cũng có môn “Morale et instruction civique”. Nhưng môn học này chỉ được coi như một môn học rất phụ thuộc ở các lớp Tiểu học, còn ở bậc Trung học và Cao đẳng Tiểu học thì hoàn toàn bị quên lãng. Sở dĩ như vậy là với “Chánh sách ngu dân” người Pháp không muốn cho truyền bá nhưng kiến thức về kinh tế cũng như chánh trị cho dân tộc ta.

 

Dưới thời chánh phủ Trần Trọng Kim: môn Công dân Giáo dục đã được chú trọng tới trong chương trình Hoàng Xuân Hãn. Môn học này được áp dụng từ các lớp Tiểu học cho tới lớp Đệ Tam Chuyên khoa (tương đương với lớp Đệ Nhất hiện nay).

 

Sau khi giành được Độc lập: từ trước năm 1958, với chương trình Phan Huy Quát, môn Công Dân đã được dạy tại các lớp Tiểu học và các lớp thuộc bậc Trung học đệ Nhât cấp (cho đến lớp Đệ Tứ).

 

Về đệ Nhị cấp, có từ năm 1958, chương trình như sau:

·         Đệ Tam: Đại cương về Chính trị học

·         Đệ Nhị: Đại cương về Kinh tế học

 

Riêng về các lớp Đệ Nhất, mãi tới năm 1960 mới có, và môn học này đã bị chánh quyền Ngô Đình Diệm coi là một công cụ để củng cố chế độ, bằng cách bắt buộc học sinh học về lý thuyết nhân vị, về quốc sách Ấp Chiến lược và về những vấn đề chính trị úc bấy giờ. Cũng vì sự kiện này mà môn Công dân Giáo dục đã bị nhiều người chỉ trích là môn học nhằm “mục đích nhồi sọ cho trẻ em những ý kiến chánh trị nhất thời, một điều mà một quốc gia dân chủ tự do không thể chấp nhận được.”

 

Sau cuộc Cách Mạnh 1-11-1963: Chương trình Công Dân lớp Đệ Nhất vì bị lợi dụng quá nhiều nên đã được thay thế bằng một phần chương trình lớp Đệ Tam. Lối giải quyết này không hợp lý vì đó chỉ là một sự chấp nối rất khôi hài: Lớp Đệ Tam và lớp Đệ Nhất cùng học một chương trình.

 

Nhận thấy sự vá víu và bất liên tục của chương trình các lớp nên đầu niên khóa 1964-1965 Bộ Giáo dục đã triệu tập các giáo sư để sửa lại chương trình Công dân Giáo dục. Do đó có chương trình hiện hành.

 

Ở Đệ Nhất Cấp: Chương trình đặt trọng tâm là Con người đối với chính bản thân mình, đối với gia đình, đối với học đường, xã hội và quốc gia.

 

Dựa trên tiêu chuẩn đó nên chương trình Công dân Giáo dục hiện hành đã phân chia cho các lớp Đệ Nhất cấp như sau:

 

·         Lớp Đệ Thất: bổn phận của con người đối với bản thân, với gia đình, và với học đường.

 

·         Lớp Đệ Lục: bổn phận của con người đối với xã hội.

 

·         Lớp Đệ Ngũ: con người trong quốc gia: tìm hiểu cách tổ chức và điều hành của các cơ quan công quyền Việt Nam (Bộ, Nha, Sở)

 

·         Lớp Đệ Tứ: con người trong quốc gia: Bổn phận và quyền lợi của công dân, lòng ái quốc.

 

Ở Đệ Nhị cấp: chương trình Công dân cũng đạt trọng tâm là con người, nhưng là con Người đã biết suy nghĩ, sông trong một xã hội văn minh, một quốc gia dân chủ.

 

Mục đích của chương trình này là đào luyện những thanh niên có tinh thần để phụng sự xứ sở, có lý tưởng tự do Dân chủ để tôn thờ, có những kiến thức tối thiểu về kinh tế, pháp luật, chánh trị để có thể tự mình nhận định đường lối mà đi.

 

Dựa trên những điểm căn bản đó, chương trình Công dân ở các lớp Đệ Nhị cấp được phân phối như sau:

 

·         Lớp Đệ Tam: nhằm trau giồi ý thức pháp luật cho lứa tuổi 15-16, là lứa tuổi hay đua đòi, dễ sa ngã và có thể vô ý thức phạm pháp luật. Do đó chương trình này đã đưa ra vấn đề “Thiếu niên phạm pháp” là nét chính.

 

·         Lớp Đệ Nhị: nhằm bồi đắp kiến thức phổ thông về kinh tế cho lứa tuổi sắp bước chân vào đời, sắp phải có những sinh hoạt kinh tế. Ngoài ra Việt Nam là một quốc gia kém mở mang nên môn học này nhằm mục đích nâng cao kiến thức và ý chí kinh tế của thanh thiếu niên hầu sau này có thể đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

 

·         Lớp Đệ Nhất: nhằm đào luyện những kiến thức tối thiểu về chánh trị cho lứa tuổi 19-20 là lứa tuổi đã biết suy tư,  đã trưởng thành, nên cần hiểu rõ các nguyên tắc chính yếu của nền dân chủ, cách tổ chức chánh quyền của các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế đang hoạt động cho nền hòa bình và hạnh phúc của nhân loại. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện tại chánh sách chống độc tài Cộng sản được coi như là một Quốc sách và để tránh cho thiếu niên không bị tuyên truyền bởi Cộng sản, lý thuyết Mác xít và phản phê bình cũng được đề cập tới.

 

Nhận xét về những ưu và khuyết điểm của chương trình hiện hành để đề nghị những cải tổ cần thiết

 

Chúng tôi vừa trình bầy cùng quý vị sự diễn tiến của chương trình Công dân Giáo dục ở Việt Nam và những nét đại cương của chương trình hiện hành. Sau đây chúng tôi xin nêu ra những nhận xét về chương trình ấy và công việc giảng dạy môn này ở bậc Trung học

 

Đầu tiên tất cả sự diễn tiến mà chúng tôi kể ra ở trên chứng tỏ các cấp lãnh đạo Giáo dục từ trước tới nay đã nhận thức được tầm quan trọng của môn học này nên đã cố gắng cải tiến không ngừng chương trình Công dân Giáo dục.

 

Nếu đi sâu vào chuyên môn, việc giáo dục môn kinh tế học cho các học sinh lớp Đệ Nhị đã là một điểm đáng chú ý. Sự kiện này không thể hiểu lầm như một số người đã hiểu, là đã đem vào chương trình học một số những vấn đề kinh tế khó khăn làm mệt trí óc trẻ em 17, 18 tuổi. Trái ngược lại, thật ra chương trình kinh tế hiện tại ở lớp Đệ Nhị đã không hề quan niệm như là môn kinh tế học được giảng dạy ở Đại học Luật khoa. Ở đây môn học chỉ nhằm mục đích giảng dạy những vấn đề thiết thực, sơ đẳng về kinh tế cho những người công dân tương lai, để sau này khi ra đời, nếu không được tiếp tục học ở Đại học họ vẫn có đủ những kiến thức tối thiểu để có thể sống trong một xã hội văn minh. Ngoài ra, hẳn quý vị cũng đồng ý với chúng tôi là sự thiếu ý chí và kiến thức kinh tế của dân tộc ta, đã là một trong những trở ngại chính cho sự phát triển kinh tế nước nhà; nên chương trình lớp Đệ Nhị hiện tại còn nhằm mục đích đào tạo nhưng công dân có một kiến thức cũng như một ý chí kinh tế để họ có thể đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển kinh tế quốc gia.

 

Như trên, chúng tôi đã thưa cùng quý vị, là đầu niên khóa 1964-1965 có sự sửa đổi chương trình: lớp Đệ Tam được học vấn đề thiếu niên phạm pháp. Điều này là một điểm đáng chú ý vì nó đã chứng tỏ sự thích ứng của môn học với nhu cầu xã hội.

 

Còn môn chánh trị học đã được giảng dạy đúng theo tinh thần một khoa học tại lớp Đệ Nhất để thay thế cho những phần học có tính cách giai đoạn nhất thời. Đây là một đáp ứng quan trọng cho nhu cầu quốc gia nhất là trong giai đoạn lịch sử hiện tại.

 

Tuy nhiên ngoài những ưu điểm nêu ra ở trên, chương trình và nhất là việc giảng dạy môn công dân ở bậc Trung học còn có nhiều khuyết điểm quan trọng cần bổ khuyết.

 

1.    Chương trình thiên nhiều về lý thuyết mà thiếu thực hành.

 

2.    Ở một vài lớp, chương trình chưa được phân phối hợp lý đối với trình độ hiểu biết và tuổi của học sinh, như ở lớp Đệ Ngũ đã phải học về Hiến Pháp và tổ chức công quyền.

 

3.    Một phần chương trình đã được học ở lớp Đệ Tứ lại được học lại ở lớp Đệ Tam như quyền lợi và bổn phận của người công dân.

 

4.    Ở chương trình lớp Đệ Nhất việc phê bình lý thuyết Mác xít tuy rất cần thiết để làm kim chỉ nam cho công cuộc chống Cộng, nhưng nếu giảng dạy một cách sơ sài hay phiến diện, đoạn này có thể có ảnh hưởng ngược lại. Khuyết điểm này đã bắt đầu từ một khuyết điểm khác: đó là vấn đề thiếu cán bộ. Thực vậy, hiện nay, giáo sư Công dân một phần rất nhỏ do các giáo sư có bằng Cử nhân Luật đảm nhận, còn một phần nữa do các giáo sư thuộc các ban khác như Triết, Sử Địa, Quốc văn, Sinh ngữ, thậm chí có nhiều giáo sư Toán, Lý Hóa, hay Vạn vật cũng dạy Công dân. Sở dĩ có tình trạng bê bối như thế là vì thường người ta đã quan niệm sai lầm, coi môn học này là một môn học phụ mà bất cứ ai cũng có thể dạy được. Vì tầm quan trọng và chương trình của nó như chúng tôi đã đề cập ở trên, môn Công dân Giáo dục là một môn học chuyên biệt mà không phải bất cứ giáo sư môn nào cũng có thể dạy được.

 

Qua những khuyết điểm kể trên, chúng tôi xin đề nghị:

 

1.    Bớt phần lý thuyết để chú trọng phần nào đến phần thực hành bằng cách hướng dẫn học sinh làm những công tác xã hội, thăm viếng các xí nghiệp, các cơ sở công cộng hoặc nếu thiếu những phương tiện thực tế thì có thể thay thế bằng những phương pháp thính thị để học sinh có thể hiểu thấu đáo được phần lý thuyết mà chúng đã học.

 

2.    Để sự phân phối cho được hợp lý, chương trình sẽ chuyên về luân lý thuần túy ở các lớp nhỏ:


– Đệ Thất, Lục , Ngũ: chỉ học về luân lý.


– Đệ Tứ: luân lý thêm phần khái niệm về quyền lợi và bổn phận công dân.

 

3.    Để tránh sự học lại những điều đã học ở lớp Đệ Tứ, lớp Đệ Tam nên bỏ phần quyền lợi và bổn phận công dân.

 

4.    Vấn đề lý thuyết Mác xít tuy có thể coi như là rất nguy hiểm nếu giáo sư không có đủ khả năng hay giảng dạy quá sơ sài và phiến diện. Nhưng không thể vì thế mà hủy bỏ không giảng dạy vấn đề này. Chính nhờ ở sự giảng dạy đúng mức vấn đề này mà học sinh có thể hiểu được bộ mặt trái của Cộng sản.

 

5.    Đứng về phương diện cán bộ, như chúng tôi đã trình bầy ở trên, giáo sư Công dân phải là những giáo sư chuyên môn như giáo sư các ban khác. Do đó, chúng tôi xin đề nghị hai biện pháp đào tạo giáo sư Công dân:


– Biện pháp cấp tốc: tuyển những người có bằng Cử nhân Luật để huấn luyện trong một thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng, sau đó bổ nhiệm làm giáo sư Công dân.


– Biện pháp thường xuyên: mở tại trường Sư phạm một Ban Công dân. Sinh viên ban này ngoài những môn học căn bản như lý thuyết sư phạm, tâm lý sư phạm, xã hội học, … học ở trường Sư phạm. Phần chuyên môn sẽ học song song với các sinh viên Luật khoa như các sinh viên ban Khoa học của trường Đại học Sư phạm hiện nay đang học song song với chương trình của trường Đại học Khoa học.

 

6.    Về phương diện tài liệu chúng tôi xin đề nghị với Bộ cung cấp cho các trường những tài liệu liên hệ đến môn học này để giáo sư tiện việc tham khảo; chúng tôi cũng xin Sở Nghiên cứu Kế hoạch của Bộ thâu thập những tài liệu và đặt kế hoạch soạn thảo những sách giáo khoa có giá trị cho môn Công dân và giúp đỡ phương tiện cho các trường để sự thực hành môn học có thể áp dụng được một cách hữu hiệu.

 

Kính thưa quý vị,

 

Chúng tôi đã thay mặt Tiểu ban Cải tiến Chương trình Công dân để trình bầy cùng quý vị về môn học này. Qua sự trình bầy trên, hẳn quý vị cũng đồng ý với chúng tôi rằng nếu các quốc gia tiền tiến đã dành cho môn Công dân một địa vị xứng đáng thì các quốc gia chậm tiến như Việt Nam, môn Công dân càng phải được coi là 1 môn học cần thiết.

 

Chúng tôi không có ý quá đề cao môn học này mà sự trình bầy trên chỉ nằm mục đích mong mỏi những ý kiến của chúng tôi được quý vị quan tâm thảo luận ngõ hầu giúp đõ các vị lãnh đạo Giáo dục cải thiện thỏa đáng môn Công dân Giáo dục.

 

https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2022/04/bui-trong-chuong-100x140.jpg

Tác giả | Ông Bùi Trọng Chương (1926-2013) tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội năm 1953 và được bổ nhiệm về dạy tại trường Petrus Ký, phụ trách môn Công Dân. Gs Bùi Trọng Chương dạy học tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký suốt 30 năm từ 1953 đến 1983.

 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: Báo Chính Luận số ngày 4 và 5 tháng 8 năm 1965, trang 5. DCVOnline đánh máy lại, biên tập và đề tựa từ bản quét của Võ Phi Hùng, PK 67-74 đã đăng trên trang nhà của Hội Ái hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc châu.





No comments:

Post a Comment

View My Stats