Friday, 15 April 2022

LIÊN HIỆP CHÂU ÂU và NATO CÓ THỂ HẬU THUẪN KYIV CHỐNG PUTIN ĐẾN ĐÂU? (Minh Anh - RFI)

 



Liên Hiệp Châu Âu và NATO có thể hậu thuẫn Kiev chống Putin đến đâu ?    

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 14/04/2022 - 15:00

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20220414-lien-hiep-chau-au-nato-hau-thuan-kiev-chong-putin

 

Ngay từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina do Nga phát động, Liên Hiệp Châu Âu và khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO đã thể hiện rõ tình liên đới, ra sức hỗ trợ Ukraina trên ba bình diện : Nhân đạo, Tài chính và Quân sự. Nay cuộc chiến sắp bước sang tuần thứ 9, câu hỏi được đặt ra : Liệu sự thống nhất cao đẹp mà phương Tây thể hiện vẫn còn có giá trị hay sắp bộc lộ những giới hạn ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/34d4e244-bbe9-11ec-84b2-005056bf8594/w:1024/p:16x9/AP22102831762551.webp

Đóng kiện đạn dược để tiếp tế cho quân đội Ukraina, tại căn cứ không quân Dover, Delaware, Hoa Kỳ, ngày 21/01/2022. AP - Mauricio Campino

 

Một điều chắc chắc là cuộc chiến xâm lăng Ukraina của ông Putin đã khiến Liên Hiệp Châu Âu (EU) phải thức tỉnh. Khối 27 nước thành viên này đã thông qua một loạt các biện pháp trừng phạt chống Nga chưa từng có. Việc giao vũ khí vẫn bền bỉ cho dù một vài nước có thái độ chần chừ, thậm chí từ chối như Hungary của thủ tướng Viktor Orban, có nguy cơ trở thành « lực lượng » thứ năm cho ông Putin ngay trong lòng khối EU. Và người ta cũng thấy mỗi nước tiến hành theo sáng kiến riêng của mình. Chẳng hạn, Cộng hòa Séc, với sự hậu thuẫn của Mỹ và Anh, tuyên bố giao các xe tăng cũ thời Xô Viết T-72 cho Kiev.

 

Những sứt mẻ

 

Đương nhiên, chưa có gì là ngã ngũ cả, dù rằng Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một số lớn biện pháp, chiều theo nỗi ưu tư của công luận, thì các cuộc mặc cả khó nhọc ở Nghị Viện để cắt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga lại phản ảnh một thực tế phũ phàng khác : Chưa có lúc nào Matxcơva lại kiếm được nhiều tiền như lúc này nhờ vào khí đốt do giá cả năng lượng tăng vọt trên thị trường thế giới !

 

Châu Âu còn bị chia rẽ khi tỏ ra do dự về việc chấp nhận quy chế ứng viên Liên Hiệp Châu Âu cho Kiev dù sự việc chỉ là mang tính biểu tượng. Dĩ nhiên, trên thực tế, Ukraina cũng chưa hội đủ tất cả các điều kiện nhưng việc tăng tốc thủ tục như một số nước nghĩ đến, lại có nguy cơ khiến các nước vùng Balkan cảm thấy bị hụt hẫng, vốn dĩ đã trông đợi từ lâu. Những nước này cũng bị xem như là những thùng thuốc súng, có nguy cơ phát nổ một ngày không xa.

 

Trong toàn cảnh này, cùng với việc phát hiện vụ thảm sát ở Bucha, người ta tự hỏi : Sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ dành cho Ukraina trong cuộc chiến chống Putin có sẽ còn bền chặt hơn nữa hay không ? Hay là ngược lại, người ta bắt đầu nhận thấy có sự rạn nứt hay đúng hơn là những giới hạn của sự đoàn kết đó ?

 

Bà Tara Varma, giám đốc chi nhánh Paris của European Council on Foreign Relations, nhìn nhận việc phô trương tình đoàn kết đó vẫn không che giấu được những điểm sứt mẻ đáng lo ngại trong lòng khối EU.

 

« Dẫu sao thì cũng có một sự thống nhất khá mạnh mẽ giữa các nước châu Âu và nhất là một sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương. Tôi nghĩ là người ta đã không mong đợi điều đó và kéo dài như vậy. Cùng lúc, người ta cũng nhận thấy có vài điểm sứt mẻ trong sự thống nhất đó.

Thắng lợi bầu cử của ông Viktor Orban ở Hungary hôm 3/4 có một tầm quan trọng. Bởi vì ông ấy được cho là người bênh vực ông Putin nhiều nhất. Mà đâu chỉ có ông Putin, còn có cả Trung Quốc của ông Tập Cận Bình nữa. Điều này quả thật gây lo ngại, lo ngại cho cuộc bầu cử của nước Pháp. Nhưng sự việc đáng lo cũng bởi vì ông Orban rất rõ ràng về việc ông ấy sẽ phủ quyết việc giao vũ khí và nhất là việc cấm nhập khẩu khí đốt Nga ». (France Culture ngày 08/04/2022)

 

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế này cảnh báo, nếu như Hungary cho đến giờ chỉ là một trường hợp đơn lẻ, thì việc các chính phủ châu Âu hành động theo cảm xúc của công luận có nguy cơ bị phản đòn khi phải đối mặt với những thực tế.

 

« Còn có một mối lo lắng khác đang hình thành bởi vì những gì chúng ta thấy trong công luận châu Âu hiện nay đúng là duy trì một sự hậu thuẫn đối với Kiev. Hơn nữa, tôi nhận thấy các chính phủ châu Âu có hơi chiều theo công luận. Nhưng điều đáng lo ở đây chính là sự tách rời có nguy cơ xảy ra giữa một bên là hỗ trợ Kiev và người Ukraina, và bên kia là tác động của việc tăng giá năng lượng đối với người dân và nhất là nguy cơ khan hiếm lương thực. Đối với các chính phủ châu Âu, đây sẽ là một điều khó khăn : Bằng cách nào chúng ta vừa tiếp tục hỗ trợ Kiev nhưng đồng thời đáp ứng được các mong đợi của người dân ? »

 

NATO : Ủng hộ Kiev nhưng sợ mang tiếng là « bên tham chiến »

 

Về phần mình, tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg cũng kêu gọi các nước thành viên nỗ lực duy trì một sự thống nhất dài lâu khi cảnh báo rằng cuộc chiến này có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng thậm chí nhiều năm. Nhà chính trị học Julien Theron – tiến sĩ triết học, chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột, hiện đang giảng dạy tại trường đại học Khoa học Chính trị, lưu ý thêm rằng tính thống nhất, tình đoàn kết đó của EU và NATO còn bị thách thức bởi hai yếu tố khác không kém phần quan trọng.

 

« Đầu tiên hết chính là sự mệt mỏi về chiến tranh, mệt mỏi quân sự và mệt mỏi về tài chính bởi vì các thiết bị quân sự tốn rất nhiều tiền. Và hơn nữa là sự mệt mỏi về truyền thông. Người dân đến một lúc nào đó sẽ cảm thấy nhàm chán. Hẳn quý vị còn nhớ trường hợp của Syria, một ví dụ điển hình cho sự nhàm chán. Người ta quen thuộc với cảnh tượng hãi hùng và người dân đến một lúc nào đó có thể ít gây áp lực hơn với chính phủ, ít ủng hộ hơn cho chính nghĩa Ukraina. Và những chính phủ này rất có thể một lúc nào đó, họ sẽ bị thu hút bởi những mối bận tâm khác. Đây là một yếu tố khá quan trọng.

 

Điểm thứ hai chính là người ta có thể hậu thuẫn cho chính nghĩa của Ukraina đến đâu trên phương diện quân sự chẳng hạn ? Đây từng là câu hỏi ở trong đầu tất cả các nhà lãnh đạo đến dự thượng đỉnh NATO. Nghĩa là, chúng ta còn có thể gia tăng năng lực của chúng ta hay không ? Quả thật, người ta nhận thấy có một sự thống nhất lớn của phương Tây đối với Ukraina, nhưng họ cũng nhận ra rằng đến lúc nào đó điều đó sẽ phải dừng lại khi nói là "CÓ" nhưng lại lo lắng là chúng ta đang phiêu lưu. Quý vị biết rõ đó là cuộc tranh luận về « bên tham chiến ». Họ lo sợ đi quá đà và do vậy họ sẽ không giao xe bọc thép và chiến đấu cơ cho Ukraina chẳng hạn. » (France Culture ngày 08/04/2022)

 

Thế nhưng, đối với bà Tara Varma, cuộc tranh luận về « bên tham chiến » còn mang lại cho chủ nhân điện Kremlin cơ hội để gây chia rẽ, gây hoang mang cho phương Tây, khi đặt khối NATO trong một nỗi lo thường trực là phải gánh lấy trách nhiệm về tình trạng hiện nay, mà theo bà, trách nhiệm thật sự thuộc về Vladimir Putin. Không ai khác ngoài tổng thống Nga « có thể ngưng chiến tranh ». Nhưng ông đã chọn « không làm điều đó ».

 

Trừng phạt Nga : Nói dễ làm khó

 

Không chỉ tình đoàn kết bị sứt mẻ trong việc giao vũ khí, mà việc gia tăng các đòn trừng phạt Nga, nhất là kế hoạch ngưng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt Nga, cũng đang đặt khối Liên Hiệp Châu Âu trong trạng thái căng thẳng do những áp lực đến từ công luận. Giới quan sát ghi nhận như ở Ý chẳng hạn, người dân có những phản ứng rất rõ ràng. Họ xuống đường biểu tình chống chiến tranh nhiều hơn là vì Ukraina, dù rằng những hình ảnh ở Bucha cũng gây ra những làn sóng phẫn nộ. Ngoài ra, tại Hungary, một trong những lý do dẫn đến thắng lợi của ông Viktor Orban là nhờ vào lập luận : « Khi bỏ phiếu cho tôi, ít ra quý vị sẽ tiếp tục có khí đốt giá rẻ và tôi sẽ giữ cho quý vị tránh được một cuộc chiến. »

 

Và đây cũng sẽ là giới hạn của châu Âu mà tổng thống Nga sẽ khai thác tối đa, theo như phân tích của bà Tara Varma : « Đúng là có một sự sứt mẻ trong tình đoàn kết của châu Âu trên phương diện trừng phạt, bởi vì có một sự bất đồng. Nước Ý quả thật bắt đầu kháng cự ngày càng nhiều hơn cùng với nhiều nước khác, khi nói rằng trước đó đã có những trừng phạt rồi. Về phía nước Đức, cũng có mối lo về việc nhập khẩu khí đốt, khi cho rằng đã có một lệnh cấm vận, và khách quan mà nói điều đó đang đặt nước này trong một tình thế là họ không còn khả năng sưởi ấm cho dân. Tôi tin chắc rằng Vladimir Putin sẽ khai thác nhiều những vấn đề này. »

 

Cuộc chiến Ukraina còn là vấn đề quan hệ quốc tế

 

Giờ đây trong bối cảnh Nga tập trung gây sức ép ở phía đông Ukraina, trong khi tình báo Mỹ gần đây gióng chuông báo động tình trạng thật sự quân đội Ukraina. Bất chấp các đợt tiếp viện khí tài như cung cấp vũ khí phòng không, tên lửa chống tăng…, nhưng các con số thống kê đưa ra cho thấy một thực trạng thảm hại của quân Ukraina : 95% chiến đấu cơ không thể tham chiến, 91% xe tăng bị phá hủy, 57% xe bọc thép chiến đấu bị hủy diệt, 56% hệ thống phòng không bị phá tan, đó là chưa kể đến thiệt hại nhân mạng.

 

Trong hoàn cảnh này, nhà nghiên cứu chính trị học Julien Théron kêu gọi châu Âu và NATO nhanh chóng cung cấp những thiết bị quân sự cần thiết, hỗ trợ người Ukraina chiến đấu. Ông cảnh báo cuộc chiến do Nga gây hấn giờ vượt ngoài khuôn khổ Donbass và vấn đề Ukraina. Đây còn là một vấn đề có liên quan đến việc thực thi các mối quan hệ quốc tế.

 

 « Trong cách thực hành, người ta sẵn sàng chấp nhận được điều gì ? Liệu họ có sẵn sàng chấp nhận rằng một tác nhân, một nước lớn hay một nước nhỏ nào đó, nói là tôi sẽ chiếm lại vùng lãnh thổ này bởi vì trước đó chúng thuộc về đất nước tôi và tôi sẽ sử dụng vũ lực, tôi sẽ tự cho phép mình thực hiện mọi phương cách chống lại thường dân ? Hay là chúng ta sẽ nói là "KHÔNG", điều đó là không thể và nhất thiết phải chống lại điều đó ?

 

(…) Ở đây có một kẻ gây hấn, mà mục đích không chỉ đơn giản là chiếm các vùng lãnh thổ, không nên nghĩ rằng chiến sự sẽ dừng lại ở Donbass. Còn có vấn đề Mariupol, Kharkiv, rồi Mykolaiv. Không nên tin vào chế độ chuyên quyền khi họ nói với chúng ta rằng tôi chỉ tập trung vào vùng Donbass. Cũng với cách thức này, sự việc không còn là vấn đề Ukraina nữa. Ngày mai, sẽ là Moldavi phải đối mặt với những đội quân Transnistria được cho là ở đó để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga trước một cuộc thảm sát từ người Rumani ở Moldavi, và sau đó có thể sẽ đến lượt Estonia – cũng đang đứng trước những thách thức này. Do vậy, theo tôi, điều cốt lõi là phải bảo vệ Ukraina ! »

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

UKRAINA - NATO

Hỏa tiễn cơ động và drone của NATO giúp Ukraina chiến thắng đợt đầu

 

ANH - UKRAINA - VIỆN TRỢ VŨ KHÍ

Thủ tướng Anh thăm Kiev, hứa viện trợ thêm xe thiết giáp và tên lửa chống hạm cho Ukraina

 

CHIẾN TRANH UKRAINA - VŨ KHÍ

Chiến tranh Ukraina : Slovakia cấp hệ thống phòng thủ S-300 cho Kiev





No comments:

Post a Comment

View My Stats