Sunday, 3 April 2022

HOA KỲ ĐANG ĐỐI DIỆN VỚI CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐỊNH CHẾ (Trần Khánh Ân)

 



Hoa Kỳ đang đối diện với cuộc khủng hoảng định chế

Trần Khánh Ân

3/04/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/24571-hoa-ky-dang-do-i-die-n-vo-i-cuo-c-khu-ng-hoa-ng-di-nh-che

 

Sau thế chiến II trọng lượng kinh tế của Mỹ bằng quá phân nửa trọng lượng kinh tế thế giới. Ngày hôm nay GDP của nước Mỹ chưa bằng 1/4 GDP của thế giới. Dầu vậy chúng ta vẫn ý thức được rằng Mỹ vẫn là nước mạnh nhất, vượt hẳn các quốc gia khác, nhưng có một điều phải thừa nhận rằng nước Mỹ đang ở trong tình trạng nội bộ không lành mạnh, chia rẽ hơn bao giờ hết và không còn khả năng và ý chí để lãnh đạo thế giới. Một thí dụ, một thí dụ vừa xảy ra là cuộc triệt thoái hối hả tại Afghanistan. 

 

Chế độ tổng thống

 

Muốn lãnh đạo thế giới trước hết phải có ý chí dù có thừa tài lực, mà ý chí đó nước Mỹ đã không còn nữa. Nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng của ngày hôm nay nằm ở chế độ tổng thống. Chế độ tổng thống làm cho các chính đảng mất thực chất, trên thực tế 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa chỉ còn đơn thuần là 2 cỗ máy vận động tài chính để tranh cử mà không còn thấy rõ lập trường rõ rệt. Ở trong Đảng dân chủ thì lập trường của Biden và Sanders hoàn toàn khác nhau, trong đảng Cộng hòa thì lập trường của Trump và Romney trái ngược. Trong khi đó, chính đảng phải là nơi tập trung của những con người chia sẻ với nhau và theo đuổi một tư tưởng, cùng chia sẻ một số giá trị.

 

Một chính đảng thuần túy phải là nơi sản xuất ý kiến, là lò đào tạo nhân tài cho quốc gia, các đảng viên là những cỗ xe chuyên chở ý kiến và tư tưởng đến với người dân. Chính đảng không còn là chính đảng vì nó không còn thực hiện nhiệm vụ của mình, nghĩa là phải có những thảo luận chính trị để một chính đảng vẫn còn là chính đảng.

 

Nhưng hiện nay, với sự lơ là trong những cuộc thảo luận chính trị nói chung, nước Mỹ đã không giải quyết được những vấn đề cơ bản cần phải giải quyết, như quyền được đeo súng, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền không được phân biệt chủng tộc, tôn giáo và nguồn gốc xuất thân, quyền bình đẳng về giáo dục và đào tạo, v.v. Khi tư tưởng không theo kịp các biến chuyển của xã hội và lòng dân thì hậu quả nào cũng đều rất khốc liệt.

 

Định chế tư pháp tại Hoa Kỳ

 

Nước Mỹ có một Hiến pháp gồm 7 điều và 27 tu chỉnh án, luật pháp của Mỹ vừa rất phức tạp vừa đầy kẽ hở, vì chưa bao giờ được xét lại một cách quy mô mà chỉ được tu chính dần dần với những án lệ để phù hợp với nhu cầu cụ thể.

 

Luật pháp Mỹ, kể cả luật bầu cử, đặt nền tảng trên một giả thuyết rằng mọi người Mỹ, trước hết là các chính trị gia, đều là những người lương thiện, đề cao danh dự và có trách nhiệm. Nói cách khác, đạo đức trong mỗi chính trị gia được coi là hiển nhiên và sẵn có. Nhưng bây giờ nước Mỹ đã thay đổi nhiều, đạo đức gần như đã từ giã giới sinh hoạt chính trị tại Mỹ.

 

Thượng viện Mỹ là một định chế cực kỳ vô lý, không có tính đại diện, không có sự chính đáng đảm bảo dân chủ. 2/3 số thượng nghị sĩ do 13% dân Mỹ bầu lên nhưng Thượng viện lại có quá nhiều quyền. Thượng viện có quyền thông qua các đạo luật, có quyền từ chối bổ nhiệm các viên chức quan trọng.

 

Các ứng cử viên chức vụ tổng thống được bầu sơ bộ 2 lần, nhưng trước đó chỉ những người được giới tài phiệt tài trợ, giới thiệu và đề cử thì mới có thể ra ứng cử. Theo một nghiên cứu của nhật báo Les Echos (1), hơn 99,8% cử tri Mỹ đi bầu cho những người mà chưa đến 0,2% những người giàu có nhất tuyển lựa (nước Mỹ có khoảng 60.000 người được coi là giàu có với lợi tức trên 520.000 USD/năm) và do 0,001% số người giàu nhất chọn (nước Mỹ có khoảng 1.430 người có lợi tức trên 63,5 triệu USD/năm). Vậy thì còn cái gì là dân chủ ?

 

Trong khi một người trẻ ở phương Tây cũng có thể hiểu rằng dân chủ là, nếu bắt buộc phải nói một cách đơn giản nhất, phải đảm bảo 3 quyền tối thiểu : tự do ngôn luận, tư tưởng, tôn giáo ; tự do bầu cử, ứng cử ; tự do thành lập và tham gia các đảng phái. Trong khi đó 7 điều Hiến pháp và 27 tu chỉnh án chẳng có quyền nào đề cao tự do bầu cử và ứng cử. Ứng cử phải được tài phiệt chấp nhận, còn bầu cử, Nhà nước không những không khuyến khích mà trong nhiều tiểu bang người ta còn hạn chế người dân đi bầu càng ít càng tốt. Không phải họ bị cấm mà là vấn đề định chế, người ở tiểu bang nào phải về tiểu bang đó bầu. Còn việc xét lại thể thức bầu cử hay không thì chắc chắn là không nếu Mỹ vẫn duy trì chế độ tổng thống.

 

Một thí dụ rất đơn giản đó là vấn đề cơ sở hạ tầng và vấn đề sở hữu súng. Mỗi năm người Mỹ có khoảng 20.000 người bị chết bởi súng nhưng không hề có một đạo luật nào để kiểm soát việc sử dụng, mua bán súng. Những vấn đề như vậy không bao giờ được giải quyết bởi vì luôn luôn có mâu thuẫn quyền lợi giữa những bên liên quan (những nhà sản xuất súng và của hội đàon dân sự chống buôn bán súng) gây tê liệt giữa hành pháp và tư pháp.

 

Nhân sự lãnh đạo Hoa Kỳ

 

Sau khi đắc cử, gần như các tổng thống đều mất đa số phiếu trong Quốc hội. Quốc hội luôn luôn mâu thuẫn uy tín và quyền lợi với tổng thống bởi vì đảng Cộng hòa không muốn đảng Dân chủ thành công, hay ngược lại. Ở cấp Tối cao Pháp viện cũng vậy. Trên nguyên tắc, những người được bầu vào Tối cao Pháp viện phải là những người cực kỳ công chính, thế mà vẫn có những người lưỡng lự trong quyết định Donald Trump có tội hay không, trong khi cả nước ai cũng biết Trump có tội, ít nhất là trong kỳ bầu cử. 

 

Hơn thế nữa, các tổng thống Mỹ từ 40 năm qua đều là những người không có gì là xuất chúng. Ronald Reagan là người bắt đầu áp dụng chính sách kinh tế thị trường hoang dại một cách tuyệt đối, ông đã say sưa và tận tình cổ võ chủ nghĩa tân phóng khoáng trong sinh hoạt kinh tế. Kế tiếp là Bill Clinton với tầm hiểu biết về chính trị không đáng kể, về quốc tế gần như là con số không và đạo đức thì thấp kém. Sau đó là 8 năm của Bush con, một người được giới tài phiệt dầu lửa Mỹ đỡ đầu, không biết tổng thống Pakistan là ai trong khi Pakistan đang là đồng minh cốt cán của Mỹ ở Nam Á, cũng như Donald Trump tưởng Phần Lan là một tỉnh của Nga. Kế đến là Obama, một người có thể là tốt nhưng hoàn toàn không có bất cứ một kinh nghiệm chính trị nào cả. Sự tệ hại càng gia tăng dưới Donald Trump, một con người lỗ mãng, kém học thức và dối trá đến mức khó tưởng tượng. Sau cùng là Joe Biden, một con người có hiểu biết nhất trong các đời tổng thống Mỹ nhưng cũng chỉ là một tổng thống của "chế độ tổng thống". Trong suốt sự nghiệp chính trị khá dài của ông, hình như lúc nào ông cũng có phản xạ co cụm, nghĩa là sẵn sàng rút quân và chống lại mọi can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

 

Có lẽ ngoài sự yếu kém, thiếu nguyên tắc của các tổng thống Mỹ và chế độ tổng thống còn có tính người. Mỗi người có một tập quán, một phản xạ nếu không thận trọng, buông thả thì sẽ dễ bị thực tại kéo đi. Những người ủng hộ Donald Trump đã đưa ra hết lý do này tới lý do khác để ủng hộ ông, không phải vì ông đúng hay sai mà chỉ giản dị là để biện hộ cho quyết định ủng hộ ông ta trước đó. Theo lý luận bình thường, sự cố chấp không có chỗ đứng trong một tranh cãi ôn hòa và trang nhã, và hoàn toàn sai khi ý kiến của mình bị chi phối bởi ý định đã có trước, trong khi đó ý kiến phải đặt dưới sự chỉ đạo của ý định.

 

Dầu sao sự dũng cảm và thái độ tôn trọng đạo đức cũng khá hơn sự hèn nhát và thái độ vô đạo đức. Có lẽ Joe Biden nghĩ rằng khi cấp tốc rút quân khỏi Afghanistan, ông đã vì quyền lợi của nước Mỹ nhưng lại quên rằng hành động như vậy là vô nhân, nếu không muốn nói là vô đạo đức, vì đã bỏ rơi hơn 38 triệu dân Afghanistan cho quân Hồi giáo cực đoan Taliban đày đọa. Hành động này đã khiến cho Joe Biden và nước Mỹ bị cả thế giới coi thường. 

 

Cũng như một bác sĩ trước một ca phẫu thuật khó cần phải thảo luận rốt ráo với những cộng tác viên trước khi phẫu thuật. Phải hành xử như thế nào khi gặp trường hợp bệnh nhân có thể chết trên bàn mổ đang khi phẫu thuật, mà không phẫu thuật thì bệnh nhân cũng chết. Trong trường hợp này, nếu trao trách nhiệm cho vị bác sĩ thì người này sẽ không dám lấy quyết định giải phẫu, nhưng nếu giao cho một hội đồng y sĩ thì chắc chắn là bệnh nhân sẽ được giải phẫu với tất cả ân cần và dè dặt phải có.

 

Thử suy trường hợp phẫu thật này với chế độ tổng thống. Cá nhân vị tổng thống được bầu ra là để lãnh đạo quốc gia, với sự hỗ trợ của cả một hệ thống tam quyền phân lập. Trên bình diện quốc gia, nếu là một tổng thống anh minh, mỗi khi phải lấy một quyết định quan trọng nào liên quan đến quyền lợi của đất nước, vị tổng thống đó phải họp bàn và phối hợp hệ thống tam quyền phân lập này để rút ra một kết luận hành động hữu hiệu nhất. Trên bình diện thế giới, khi đối diện với một nguy cơ hay đe dọa có tầm vóc quốc tế, ngoài việc tham khảo với hội đồng cố vấn quốc gia, vị tổng thống cần phải hội họp và thảo luận với những đối tác chiến lược hay đồng minh để tìm một phương thức đối phó và hành động chung.

 

Nhưng với chế độ tổng thống của Mỹ hiện nay, thực tế đã không diễn ra như mô hình lý tưởng này. Đặc tính của những chế độ tổng thống nói chung, và tại Mỹ nói riêng, là chỉ tập trung vào một người. Tài năng và khả năng lãnh đạo của vị này là một đề tài cần phải bàn đến. Với thời gian, để được dân chúng bầu chọn, mỗi ứng cử viên tổng thống phải diễn suất như một nghệ sĩ trên sân khấu, nghĩa là phải quảng cáo rùm beng với những màn trình diễn thật hào nhoáng với cờ xí tưng bừng để thu hút đám đông. Khi trở thành diễn viên sân khấu, nội dung những đề án hay phát biểu chính trị không còn quan trọng, chỉ cần hô thật nhiều khẩu hiệu để gây chú ý và để được ủng hộ. Khả năng chính trị của ứng cử viên tổng thống trong những trường hợp này không còn quan trọng, chỉ cần có dáng bề ngoài duyên dáng và nói năng hấp dẫn là có thể thành công. Chính vì thế, những chế độ tổng thống thường sản xuất ra những tổng thống không bản lĩnh, phần lớn chỉ chọn những giải pháp dễ dàng, mị dân, đôi khi còn hèn nhát trước những đối thủ có cá tính mạnh hơn, như Donald Trump trước Vladimir Putin.

 

Ngoại lệ Hoa Kỳ không còn nữa

 

Cho tới ngày hôm nay, các chế độ tổng thống đã và đang để lộ nhiều yếu điểm không thể sửa đổi (ứng cử viên tổng thống trở thành diễn viên sân khấu dân túy và mị dân) và thường có khuynh hướng tiếm quyền để ngồi lâu hơn, rồi biến thành những chế độ độc tài cá nhân như Thổ Nhĩ Kỳ (với Tayyip Erdogan), Nga (với Vladimir Putin) hay các quốc gia theo chế độ tổng thống ở Châu Mỹ la-tinh, Đông Nam Á, Tây-Bắc Châu Phi.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51978570209_399feb0dcd.jpg

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã may mắn hơn những quốc gia khác nhờ có những vị Cha sáng lập quốc (Founding Fathers) sáng suốt, lấy tự do dân chủ làm nền tảng xây dựng đất nước

 

Người ta thường nói rằng chế độ tổng thống của Hoa Kỳ là một ngoại lệ nhưng điều đó lại hoàn toàn ngược lại và đã được chứng minh qua việc Donald Trump trở thành tổng thống. Nước Mỹ đã trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới chủ yếu nhờ ba yếu tố : đất nước bao la, tài nguyên phong phú và cuộc sống tự do. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã may mắn hơn những quốc gia khác nhờ có những vị Cha sáng lập quốc (Founding Fathers) sáng suốt, lấy tự do dân chủ làm nền tảng xây dựng đất nước, trong khi Châu Âu và Châu Á gặp khủng hoảng lớn về tư tưởng trong suốt thế kỷ 18 và quá nửa đầu thế kỷ 20, đưa tới những cuộc chiến tranh tàn khốc. Nhưng sống quá lâu trong yên bình và sung túc, ngoại lệ phát triển của Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn thoái trào. Chế độ tổng thống đã làm các chính đảng yếu dần và các cuộc thảo luận chính trị xuống cấp, nền tảng tư tưởng bị hao mòn, dân trí không tiến lên. Trước những thử thách mới (như dịch bệnh Covid-19, vai trò lãnh đạo thế giới), xã hội Hoa Kỳ bị chia rẽ, đồng thuận về một tương lai chung không còn và đang đi vào bế tắc.

 

Không phải tự dưng mà Joe Biden, một người từng là Thượng nghị sĩ từ năm 29 tuổi, có 47 năm kinh nghiệm trước khi lên làm tổng thống phải thừa nhận nền dân chủ Mỹ đang lâm nguy.

 

Trần Khánh Ân

02/04/2022

 

(1) Nicolas Raukine, "Les riches américains de plus en plus riches", Les Echos, 17/10/2019

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats