Sunday 3 April 2022

CUỘC CHIẾN UKRAINE : VŨ KHÍ TÌNH BÁO (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Cuộc chiến Ukraine: Vũ khí tình báo

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
3 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/cuoc-chien-ukraine-vu-khi-tinh-bao/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-1019756830-1024x679.jpg

Ảnh: Igor Golovniov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

 

Trong cuộc xung đột tại Ukraine, các cơ quan tình báo phương Tây đã “vũ khí hóa” tin tình báo trong nỗ lực nhằm làm suy yếu Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thay vì giữ bí mật như trước, nhiều thông tin tình báo đã được công khai rất nhanh và được sử dụng như một loại vũ khí mới. Mục tiêu là vạch trần những lời dối trá của Putin đồng thời tiết lộ những chuẩn bị cũng như kế hoạch có thể có của lực lượng Nga ở Ukraine.

 

Tin tình báo được tung ra ào ạt

 

Các cơ quan tình báo phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý về Ukraine với Tổng thống Nga Vladimir Putin, một chuyên gia về “nghệ thuật” này, người đang dùng nó như một liều thuốc ru ngủ người dân trong nước cũng như những người hâm mộ ông ta. Bằng cách công khai hoá nhiều thông tin tình báo, Mỹ và các đồng minh đang vẽ nên bức tranh về một quân đội Nga sa lầy, mất tinh thần, lạc phương hướng và đang nhận những tổn thất thảm hại trên chiến trường, đồng thời gợi ra viễn cảnh về căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng bên trong Kremlin.

 

“Những vũ khí tình báo Mỹ, Anh tung ra cho thấy nhà lãnh đạo Nga bị cô lập, bị bệnh, vây quanh bởi những cố vấn kém cỏi chỉ lo vơ vét và thiếu thông tin cuộc chiến đang diễn ra tồi tệ như thế nào đối với quân đội Nga. Các chính phủ phương Tây cố gắng bẻ gẫy thủ thuật bóp méo và dàn dựng thông tin về cuộc chiến Ukraine của Putin bằng những thông tin tình báo ở dạng “tường thuật trong thời gian thực”.

 

Cách làm này được vận dụng ngay trước khi cuộc chiến bắt đầu. Các thông tin tình báo được Mỹ giải mật nhanh chóng đã công khai cho thế giới biết việc tập trung lực lượng của Putin không phải “thao luyện” mà là chuẩn bị xâm lược, một kế hoạch mà nhiều chuyên gia địa-chính trị khăng khăng khó lòng xảy ra. Dùng chính tin tình báo giải mật làm vũ khí đã khiến lãnh đạo Nga bất ngờ dù Putin từng là sĩ quan KGB sừng sỏ và là Giám đốc cơ quan an ninh Nga. Các đánh giá tình báo được giải mật cũng ngầm “nhắc khéo”: Các cơ quan tình báo phương Tây có khả năng nhìn sâu vào kế hoạch chiến tranh và chính trị nội bộ của Kremlin. Dĩ nhiên, những tiết lộ này sẽ làm lãnh đạo Nga tức giận và làm rộng thêm rạn nứt trong chế độ của ông ta.

 

Một thứ vũ khí bất ngờ đối với Putin

 

Việc các chính phủ phương Tây sẵn sàng công khai những bí mật họ thấy bên trong Ukraine và Nga đã khiến ngay cả một số điệp viên phương Tây kỳ cựu cũng ngạc nhiên! Steve Hall, Cựu giám đốc phụ trách hoạt động của CIA tại Nga, nói:

 

“Điều này khiến các chuyên gia tình báo, thậm chí cả những người cũ như tôi lo lắng vì chúng tôi luôn đặt sự an toàn của các nguồn tin và phương pháp tình báo lên ưu tiên hàng đầu. Nguyên tắc không thể vi phạm này đã ăn sâu vào các thế hệ tình báo cũ. Nay nó đang bị phá vỡ và dùng làm vũ khí. Khi công khai tin tình báo, nguy cơ nguồn tin bị lộ là rất cao. Đặc biệt là trong nhiều cuộc khủng hoảng địa chính trị trước đây, thông tin tình báo luôn được giữ bí mật”.

 

Tuy nhiên, cuộc đọ sức tình báo và thông tin giữa Mỹ, phương Tây và Putin vẫn được bảo vệ bởi tính bí mật, bản chất cố hữu của hoạt động tình báo. Những người ngoài cuộc không có cách nào để đánh giá độc lập sự chính xác của các tin tình báo được công khai. Vì vậy, chúng ta không biết chúng đến từ đâu hoặc từ ai. Nhưng tất nhiên, đó chính là vấn đề mà người Nga phải cố đoán, và có thể họ đoán ra.

 

Nỗ lực của tình báo phương Tây mô tả cuộc chiến ở Ukraine như một “thảm họa đối với Nga” diễn ra vào thời điểm các quan chức phương Tây tiếp tục sử dụng tin tình báo (cả tình báo mặt đất và vệ tinh) để bác bỏ thẳng thừng tuyên bố của Moscow là quân Nga đang giảm qui mô ở Kyiv và các nơi khác. Họ khẳng định các lực lượng của Putin chỉ “tái phối trí”, “đại tu” và chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn ở các khu vực phía Đông Ukraine, nơi Moscow vẫn tấn công dân thường và san bằng một số thị trấn, thành phố. Thay đổi mục tiêu tấn công để “nối liền một dải” các khu vực do Nga kiểm soát ở phía Đông với bán đảo Crimea, mà Putin đã chiếm giữ năm 2014, để tạo hành lang trực tiếp tới Biển Đen qua Ukraine.

 

Tình báo Mỹ lấy lại uy tín

 

Những ngày gần đây, giới chức phương Tây đã cố phác thảo một “bức chân dung” đối lập với Nga về cuộc chiến. Tại Úc đầu tuần này, Jeremy Fleming, một điệp viên hàng đầu của Anh, nói rằng “Putin đã đánh giá sai lầm hàng loạt về diễn tiến chiến trường, sự phản kháng của người dân Ukraine, năng lực quân đội Nga, thậm chí bị cấp dưới đánh lừa”. Fleming, người đứng đầu GCHQ (cơ quan tương đương với Cơ quan An ninh Quốc gia) của Vương quốc Anh cho biết thêm: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​những lính Nga thiếu vũ khí và nhuệ khí từ chối thi hành mệnh lệnh, phá hoại thiết bị của họ và thậm chí… vô tình bắn hạ máy bay của họ!”.

 

Cách Fleming tiết lộ quá nhiều thông tin mật là điều “khác thường” đối với giám đốc một cơ quan gián điệp hàng đầu. Giữa tuần này, tin tình báo công khai của Mỹ cũng giúp mở ra cánh cửa hiếm hoi nhìn vào “vòng bên trong” của Putin. Một quan chức Mỹ nói: “Putin đang bị các cố vấn báo cáo sai về tình trạng tác chiến tồi tệ của quân Nga và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga”. Giám đốc truyền thông Toà Bạch Ốc Kate Bedingfield bổ sung sau đó: “Một phần vì các cố vấn của Putin quá sợ hãi nếu nói với ông ta sự thật. Thực tế là hiện có sự căng thẳng dai dẳng giữa Putin và các lãnh đạo quân sự của ông ta”. Ngày hôm sau 31 Tháng Ba, khi được hỏi Putin đã bị các cố vấn của mình thông tin sai đến mức nào, Tổng thống Joe Biden nói: “Có rất nhiều suy đoán. Tôi không nói chắc chắn nhưng dường như ông ấy đang tự cô lập và có một số dấu hiệu cho thấy ông ấy đã sa thải hoặc quản thúc một số cố vấn của mình”. Rõ ràng Biden cũng tham gia “vũ khí hoá tin tình báo”! Bình luận của Biden lập tức gây sự chú ý quốc tế.

 

Khi công khai tin tình báo trước ngày Nga động binh, ý đồ của Mỹ là không để người Nga thông tin một chiều. Việc Mỹ công khai tin tình báo là nhằm vẽ ra một bức tranh về “cuộc xâm lược thất bại” và để tăng thêm sự ủng hộ lập trường cứng rắn của phương Tây chống Putin. Nó cũng có thể giúp cải thiện tinh thần của quân dân Ukraine đang kháng cự kiên cường và chứng minh các chính sách điều hướng dư luận của phương Tây đang phát huy hiệu quả. Bằng cách đưa tin tình báo về tình trạng hỗn loạn của quân đội Nga, Mỹ và các đồng minh có thể tạo nghi kỵ trong nội bộ Kremlin.





No comments:

Post a Comment

View My Stats