Friday, 22 April 2022

CHIẾN TRANH UKRAINE SẼ KHÔNG THAY ĐỔI TẤT CẢ (Stephen M. Walt  -   Foreign Policy)

 



Chiến tranh Ukraine sẽ không thay đổi tất cả!

Stephen M. Walt  -   Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

22/04/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/04/22/chien-tranh-ukraine-se-khong-thay-doi-tat-ca/

 

Cuộc chiến của Nga đã chính thức chấm dứt thời kỳ đơn cực của Mỹ và đưa thế giới quay trở lại trạng thái sẽ được giải thích tốt nhất theo chủ nghĩa hiện thực.

 

Không sớm thì muộn, giao tranh ở Ukraine sẽ dừng lại. Chẳng ai biết được nó sẽ kết thúc thế nào, và giải pháp cuối cùng trông sẽ ra sao. Có thể lực lượng Nga sẽ sụp đổ và rút lui hoàn toàn (khó xảy ra). Có thể Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bị loại khỏi chiếc ghế quyền lực và (những) người kế nhiệm ông sẽ chấp nhận một thỏa thuận hào phóng với hy vọng quay ngược thời gian (cũng khó xảy ra). Có thể các lực lượng Ukraine sẽ mất ý chí chiến đấu (rất khó xảy ra). Có thể cuộc chiến sẽ rơi vào bế tắc bất phân thắng bại, cho đến khi các bên kiệt sức và một thỏa thuận hòa bình được thương lượng (đây là dự đoán của tôi). Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản đó, thật khó để biết các điều khoản cuối cùng sẽ là gì hoặc chúng sẽ tồn tại trong bao lâu.

 

Dù kết quả có ra sao, nhiều nhà quan sát vẫn tin rằng cuộc chiến sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị thế giới nói chung. Họ coi chiến tranh Ukraine là một khoảnh khắc quan trọng: một ngã ba khổng lồ trên đường. Nếu người Nga thua đau, “trật tự thế giới tự do” sẽ được thổi bùng sức sống mới, trong khi các lực lượng chuyên chế sẽ phải lùi một bước. Tuy nhiên, nếu Putin bằng cách nào đó giành được chiến thắng, chúng ta sẽ chứng kiến một bước trượt dài đen tối về phía vực thẳm độc tài. Các chuẩn tắc hiện tại nhằm chống lại hành động xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực sẽ bị xóa mờ, và các nhà chuyên chế khác có lẽ sẽ cảm thấy mình có thể phát động một chiến dịch tương tự, bất cứ khi nào thời cơ địa chính trị phù hợp cho phép.

 

Nhưng tôi lại thấy khác. Cuộc chiến ở Ukraine đúng là một sự kiện quan trọng, nhưng không phải vì kết quả của nó sẽ có tác động độc lập đáng kể đến cân bằng quyền lực toàn cầu, hoặc đến môi trường chuẩn tắc mà các quốc gia đã xây dựng nên (và đôi khi tuân theo). Thay vào đó, nó quan trọng là vì nó báo hiệu sự kết thúc của “thời khắc đơn cực” ngắn ngủi (1993-2020) khi Mỹ là siêu cường thực sự duy nhất trên thế giới, và vì nó báo trước sự quay trở lại các mô hình chính trị thế giới vốn đã bị áp chế tạm thời trong kỷ nguyên thống trị dù ngắn ngủi nhưng không bị thách thức của Mỹ. Tuy nhiên, hồi kết của kỷ nguyên đó đã xuất hiện từ rất lâu trước khi Nga xâm lược Ukraine, và bản thân cuộc chiến này chỉ đơn giản là đặt dấu chấm hết cho nó.

 

Tôi ít có xu hướng coi cuộc chiến ở Ukraine là một thời khắc mang tính cách mạng, bởi trong những thập niên gần đây, tôi đã phải nghe đi nghe lại điều đó quá nhiều lần. Chúng ta được bảo rằng “mọi thứ đã thay đổi” khi Bức tường Berlin không còn, Liên Xô sụp đổ, và Hiệp ước Warsaw tan rã. Một trật tự thế giới mới đã ở trong tầm tay, “các toan tính ích kỷ về chính trị quyền lực thuần túy chỉ đơn giản là [đã] không thành hiện thực,” nhân loại được cho là đã đạt đến “cáo chung của lịch sử”, và nền dân chủ tư bản tự do (tốt hơn hết nên là phiên bản của Mỹ) giờ là con đường duy nhất.

 

Thế nhưng, sau đó “mọi thứ đã thay đổi” một lần nữa vào ngày 11/09/2001, và chúng ta đột nhiên thấy mình ở trong “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, mà một số nhà phân tích đã cố gắng đặt tên là “Thế chiến IV.” Nhưng chưa hết đâu, “mọi thứ đã thay đổi” thêm một lần nữa khi thị trường tài chính sụp đổ vào năm 2008 và những “bậc thầy vũ trụ” Phố Wall bị vạch trần là bọn cả tin, dễ phạm sai lầm, và tham nhũng. Rồi lại một lần “mọi thứ đã thay đổi”, khi Donald Trump trở thành Tổng thống và bắt đầu chà đạp lên mọi quy tắc trong chính trị Mỹ.

 

Vì vậy, hãy tha thứ cho tôi nếu tôi khó lòng coi cuộc chiến ở Ukraine là một bước ngoặt mang tính quyết định trong lịch sử nhân loại. Bất chấp tất cả những thiệt hại và đau khổ đã xảy ra tại Ukraine, vẫn còn một chặng đường dài trước khi nó đạt đến mức độ tàn phá của các cuộc chiến tranh ở Đông Dương, giữa Iran và Iraq, hoặc ở Trung Phi – hoặc so với các chiến dịch của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

 

Tất nhiên, thương vong của chiến tranh Ukraine vẫn có thể đạt đến mức đó – đặc biệt nếu vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng – nhưng thực tế hiện thời đang chỉ ra điều ngược lại (một dự đoán mà tôi nhiệt thành hy vọng là sẽ đúng). Quan trọng hơn, điểm khác biệt của cuộc chiến hiện tại là lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 1990 – dù không phải lần đầu tiên trong lịch sử – chúng ta chứng kiến các cường quốc thù địch ở hai phía đối nghịch trong một cuộc chiến lớn. Nhưng thực chất, đây chỉ là việc quay trở về với mô hình xung đột giữa các cường quốc (và chiến tranh ủy nhiệm) quen thuộc, chứ không phải điều gì mới lạ hay độc đáo.

 

                                                           ****

 

Như đã đề xuất ở trên, một cách chính xác hơn, cuộc chiến này nên được xem là chính thức đánh dấu chấm hết cho giai đoạn ‘bán hòa bình’ ngắn ngủi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chiến tranh không hề biến mất – Mỹ đã tham chiến trong nhiều cuộc chiến của thời kỳ này và thậm chí là kẻ phát động một vài cuộc chiến trong số đó – nhưng các cuộc xung đột trong thời kỳ này là nội chiến, chiến tranh giữa các cường quốc nhỏ, chiến tranh bất tương xứng giữa các cường quốc lớn và các cường quốc nhỏ, hoặc sự kết hợp của cả ba.

 

Cạnh tranh trực tiếp giữa các cường quốc đã không xuất hiện, bởi cả Nga và Trung Quốc đều không đủ mạnh để công khai chống lại Mỹ. Nhà khoa học chính trị William Wohlforth của Đại học Dartmouth đã đúng một phần khi ông viết về “tính ổn định của một thế giới đơn cực”: Rất ít quốc gia muốn đối mặt với “kẻ thù tập trung” là Mỹ hoặc thực hiện các hành động có thể đưa Mỹ vào cuộc chơi, ở phía đối đầu với họ. Sai lầm của Wohlforth nằm ở dự đoán của ông rằng tình trạng đơn cực có thể tồn tại lâu hơn tình trạng lưỡng cực trong Chiến tranh Lạnh.

 

Tuy nhiên, đánh giá sai lầm đó không hoàn toàn là lỗi của ông, bởi ông cũng chẳng lường trước được những sai lầm lặp đi lặp lại đã đẩy nhanh sự kết thúc của kỷ nguyên đơn cực. Ưu thế và sự ổn định đơn cực của Mỹ đáng lẽ đã tồn tại lâu hơn nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ khôn ngoan hơn, ít bị thúc đẩy bởi ý thức hệ hơn, và “hiện thực” hơn (theo mọi nghĩa của thuật ngữ đó).

 

Thay vì bảo toàn quyền lực của nước Mỹ, giải quyết xung đột bất cứ khi nào có thể, và nỗ lực đảm bảo rằng sẽ không có đối thủ ngang hàng nào xuất hiện, giới chức Mỹ gần như đã làm điều hoàn toàn ngược lại. Họ đã giúp Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng hơn, và tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la vào các cuộc thập tự chinh tốn kém và sai lầm ở Trung Đông. Thay vì dần dần mở rộng các thể chế tự do thông qua các cơ chế như Đối tác vì Hòa bình (Partnership for Peace), họ mở rộng NATO mà chẳng hề cân nhắc đến các quan ngại của Nga, và cho rằng Moscow không thể hoặc sẽ không làm gì để ngăn chặn điều đó.

 

Thay vì lựa chọn cách tiếp cận cẩn trọng hơn đối với toàn cầu hóa, và đảm bảo rằng lợi ích của nó được chia sẻ rộng rãi trong nước Mỹ, họ lại ủng hộ cách tiếp cận tân tự do đối với thương mại và đầu tư toàn cầu, và đã không hành động đủ để bảo vệ các khu vực đang bị đe dọa của lực lượng lao động Mỹ khỏi hậu quả của toàn cầu hóa. Thay vì nỗ lực biến nền dân chủ Mỹ trở thành mô hình mà các xã hội khác mong muốn noi theo, các chính trị gia Mỹ – và ở đây tôi chủ yếu nói đến Đảng Cộng hòa – đã liên tục chà đạp lên các nguyên tắc và chuẩn tắc cần thiết để nền dân chủ thực sự tồn tại. Khoảnh khắc đơn cực đúng là không thể kéo dài mãi mãi, nhưng những thiếu sót và sai lầm lặp đi lặp lại – mà chẳng có ai phải chịu trách nhiệm – đã khiến nó chết yểu.

 

Vậy thì điều này có ý nghĩa gì với chúng ta? Xin mượn câu hát bất hủ của Talking Heads, “Vẫn như xưa, vẫn như xưa”.

 

Trước tiên, chúng ta đang sống trong một thế giới mà quyền lực cứng vẫn còn quan trọng, như mọi người vừa được nhắc nhở. Nếu Nga thành công trong việc sáp nhập Donetsk và Luhansk và xây dựng một hành lang đất liền tới Crimea, thì đó là do các lực lượng quân sự của họ đã có thể hoàn thành sứ mệnh của mình, bất chấp những bước đi và tính toán sai lầm trước đó.

 

Nếu Ukraine giữ lại toàn bộ hoặc phần lớn lãnh thổ trước đây của mình, đó là nhờ sức mạnh cứng của các công dân của nước này (với rất nhiều giúp đỡ từ bên ngoài) trong việc ngăn chặn nước láng giềng lớn hơn của mình. Nếu “các chuẩn tắc chống xâm lược” được củng cố, đó sẽ không phải là do Putin đột nhiên nhớ ra rằng các chuẩn tắc cần phải được tuân theo, mà bởi vì sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc Ukraine và các vũ khí hiệu quả đã cho Moscow một bài học đắt giá.

 

Thứ hai, thế giới đã được nhắc nhở – một lần nữa – rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không phải là không có rủi ro và đánh đổi. Thị trường chắc chắn quan trọng, nhưng chính trị còn quan trọng hơn. Kết nối thế giới thông qua thương mại, đầu tư, các chuỗi cung ứng phức tạp, và các đường ống dẫn khí đốt mang lại nhiều lợi ích rõ ràng và to lớn, nhưng các liên kết kinh tế chặt chẽ không phải là rào cản bất khả xâm phạm đối với xung đột, và việc phụ thuộc vào người khác có thể gây ra đau đớn thực sự, nếu như sợi dây liên kết bị cắt đứt, dù là bởi một con virus nguy hiểm hay bởi một rạn nứt địa chính trị đột ngột.

 

Nhìn về phía trước, hầu hết các quốc gia và hầu hết các công ty sẽ phải hy sinh một số hiệu quả kinh tế cho khả năng dự phòng và khả năng phục hồi. Tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn so với trường hợp đặt hiệu quả tối đa, nhưng các cú sốc gián đoạn sẽ ít xảy ra hơn, và các quốc gia và công ty sẽ ít bị tổn thương hơn trước áp lực kinh tế. Khi buộc phải lựa chọn giữa an ninh và lợi nhuận, hầu hết các quốc gia sẽ chọn vế thứ nhất.

 

Thứ ba, ngay cả khi Nga đạt được một số thành tích hạn chế ở Donbass, cuộc chiến sẽ đẩy nhanh sự suy tàn tương đối của nước này. Putin có thể ngăn Ukraine gia nhập NATO, nhưng hậu quả lâu dài của thành tích đó sẽ khiến nước Nga nhìn chung là tồi tệ hơn trước. Trừ khi ông ta dựng lên một Bức màn Sắt mới, còn không thì những người Nga trẻ tuổi tài năng sẽ tiếp tục ra đi. Nguồn thu của nhà nước sẽ giảm khi ngày càng có nhiều quốc gia từ bỏ dầu mỏ, khí đốt, và than đá của Nga. Ukraine sẽ tiếp tục hướng tới châu Âu về mặt kinh tế, vốn là quá trình đã được tiến hành từ trước khi chiến tranh bắt đầu.

 

                                                         ****

Nếu Putin đạt được “chiến thắng” ở Ukraine – hoàn toàn không phải điều chắc chắn – thì đó sẽ là một chiến thắng chẳng khác nào thất bại. Chế độ chuyên chế của Nga có thể được bảo vệ nhưng sẽ không còn vị thế quan trọng. Thế giới tương lai sẽ gần với một thế giới lưỡng cực thực sự, hơn là một thế giới đa cực thiếu cân bằng, với việc Nga đóng vai trò là đối tác cấp dưới của Trung Quốc (và là một đối tác có sức sống kinh tế và giá trị chiến lược lâu dài liên tục suy giảm). Hình ảnh của Bắc Kinh sẽ bị ảnh hưởng nới gắn với cuộc chiến hủy diệt của Nga ở Ukraine, và Moscow có thể sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn khi nền kinh tế Nga suy thoái, với dân số già đi và thu hẹp dần.

 

Tương lai sẽ không phải là một “trật tự tự do” lấy Mỹ làm trung tâm, cũng không phải một trật tự chuyên chế lấy Trung Quốc làm trung tâm. Thay vào đó, hai cường quốc này sẽ lãnh đạo các trật tự của riêng mình, kết hợp các quốc gia chia sẻ các giá trị tương tự, hoặc các nước không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ép mình tham gia vào một phe. Và đừng nhầm lẫn. Cả Washington và Bắc Kinh đều sẽ trông đợi rất nhiều vào lòng trung thành từ một số đồng minh của họ. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự chia rẽ và bất đồng lớn hơn trong không gian kỹ thuật số, khi hai phe cạnh tranh để xác định tiêu chuẩn kỹ thuật nào sẽ chiếm ưu thế, và khi thế giới kỹ thuật số dần bị phân mảnh bởi những bức tường lửa, biện pháp bảo vệ, tiêu chuẩn quyền riêng tư không tương thích với nhau, và các hạn chế khác.

 

Nhưng như phản ứng toàn cầu đối với Ukraine cho thấy, nhiều quốc gia – đặc biệt là các quốc gia ở nam bán cầu – sẽ chống lại áp lực chọn phe, và sẽ cố gắng tránh xa các cuộc cãi vã không liên quan trực tiếp đến họ. Một số trong nhóm này thậm chí sẽ cố gắng trục lợi lớn bằng cách khiến Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau. Tình huống này là một lời nhắc nhở rằng việc cố gắng đặt chính sách đối ngoại của Mỹ trên một nền tảng phân chia cứng nhắc giữa “dân chủ và chuyên chế” là một công thức dẫn đến thất bại. Như quá khứ đã cho thấy, thành công đòi hỏi phải hợp tác với mọi đối tác cùng chí hướng nếu có thể, kể cả với các nước không chia sẻ các giá trị của Mỹ nếu cần thiết.

 

Thật không may, sự hợp tác giữa các cường quốc sẽ khó đạt được và khó bền vững hơn rất nhiều, ngay cả khi lợi ích của họ có một phần tương đồng. Đây có thể là hậu quả quan trọng nhất từ cuộc chiến tranh khó chịu nhưng cho đến nay vẫn là cục bộ này: Nó tạo cho các cường quốc lý do để phớt lờ nguy cơ gia tăng biến đổi khí hậu, vốn chưa quá gần kề nhưng lại đáng quan ngại hơn nhiều. Đối phó với biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi sự hy sinh của tất cả các cường quốc lớn, nhưng họ sẽ ít sẵn sàng hy sinh hơn, nếu vẫn còn lo lắng về cân bằng quyền lực toàn cầu và không muốn từ bỏ nhiều hơn các đối thủ của mình.

 

Chúng ta đang trở lại một thế giới được lý giải tốt nhất bởi chủ nghĩa hiện thực, một thế giới nơi các cường quốc cạnh tranh để giành lấy quyền lực và tầm ảnh hưởng, trong khi những quốc gia khác tìm cách thích nghi tốt nhất có thể. Rừng rậm không “mọc trở lại” như lập luận của Robert Kagan; nó thực ra chưa bao giờ biến mất, ngay cả khi Mỹ là con thú lớn nhất và tự huyễn hoặc mình rằng nó có thể khiến tất cả các loài thú khác phải phục tùng. Đó không phải là một ý nghĩ hạnh phúc, nhưng thế giới mà chủ nghĩa hiện thực mô tả không phải là một thế giới hạnh phúc.

 

-------------------------------

Stephen M. Walt là một cây bút chuyên mục của Foreign Policy, ông đồng thời là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

 

Nguồn: Stephen M. Walt, The Ukraine War Doesn’t Change Everything, Foreign Policy, 13/04/2022

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats