Wednesday 6 April 2022

BẢY KỊCH BẢN XẤU NHẤT CHO CUỘC CHIẾN UKRAINE (Niall Ferguson - Bloomberg)

 



 

BẢY KỊCH BẢN XẤU NHẤT CHO CUỘC CHIẾN UKRAINE

Niall Ferguson  -  Bloomberg

Bauxite Vietnam dịch

6/4/2022  12:36

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10159930366529679&id=85922774678

 

Hầu hết các xung đột đều kết thúc nhanh chóng, nhưng cuộc chiến Ukraine ngày càng có vẻ không như vậy. Những hậu quả của nó có thể trải từ lạm phát kèm suy thoái toàn cầu đến Thế chiến III.

 

Hãy xem xét tình huống xấu nhất.

 

Trên trang báo này, trước đây tôi đã cho rằng tình hình toàn cầu ngày nay gần giống với những năm 1970 hơn bất kỳ giai đoạn nào khác gần đây. Chúng ta giống như đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng ta đã có lạm phát. Cuộc chiến ở Ukraine giống như cuộc tấn công của các quốc gia Ả Rập vào Israel năm 1973 hay cuộc xâm lược của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979. Tác động kinh tế của cuộc chiến đối với giá năng lượng và lương thực đang tạo ra nguy cơ lạm phát kèm suy thoái.

 

Nhưng nếu giả sử đó không phải là năm 1979 mà là năm 1939, như nhà sử học Sean McMeekinhas đã lập luận? Tất nhiên, so với Ba Lan năm 1939, tình hình của Ukraine tốt hơn. Các vũ khí của phương Tây đang được chuyển đến Ukraine, Ba Lan không được hỗ trợ vũ khí khi bị phát xít Đức xâm lược. Ukraine chỉ phải đối mặt với mối đe dọa từ Nga, Ba Lan phải đồng thời đương đầu với Hitler và Stalin.

 

Mặt khác, nếu nghĩ rằng Chiến tranh Thế giới thứ Hai là sự kết hợp của nhiều cuộc chiến, thì sự so sánh sẽ có vẻ hợp lý hơn. Hoa Kỳ và các đồng minh phải tiên liệu không phải chỉ một mà là ba cuộc khủng hoảng địa chính trị có thể xảy ra nhanh chóng liên tiếp, giống như cuộc chiến ở Đông Âu với trước đó là cuộc chiến tranh Trung - Nhật, và tiếp sau là cuộc chiến của Hitler ở Tây Âu năm 1940, và cuộc chiến của Nhật Bản chống lại Mỹ và các đế quốc châu Âu ở châu Á vào năm 1941. Nếu Trung Quốc tiến hành xâm lược Đài Loan vào năm tới và chiến tranh nổ ra giữa Iran và các kẻ thù ngày càng liên kết trong khu vực – các quốc gia Ả Rập và Israel – thì chúng ta có thể phải bắt đầu nói về Chiến tranh Thế giới thứ Ba, thay vì chỉ nói đến Chiến tranh Lạnh thứ hai.

 

Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu nghiêm túc nghĩ rằng Thế chiến III đang đến gần? Khi còn là một thiếu niên, tôi đã rất thích đọc bộ ba cuốn sách của Sartre về những trí thức Pháp vào thời điểm trước và khi bùng nổ Thế chiến II, tập đầu tiên là “Thời đại của lý trí”. Tôi nhớ mình đã bị ám ảnh bởi cảm giác của nỗi tức giận hiện sinh bủa vây các nhân vật của Sartre. (Trong một phép ẩn dụ để truyền tải một cách đáng nhớ về chủ nghĩa hư vô của Paris trước chiến tranh, khi nhân vật chính Mathieu biết tình nhân của anh là Marcelle đang mang thai, thì suy nghĩ đầu tiên của anh là làm thế nào để phá thai). Đó là mùa hè năm 1938, và cái bóng của sự diệt vong đang đe doạ loài người.

 

Tôi đã không nghĩ về những cuốn sách đó trong nhiều năm. Tôi chỉ lại nghĩ về chúng khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, bởi vì tôi rùng mình nhận ra cái cảm giác thảm họa không thể tránh khỏi đang đến gần. Ngay cả bây giờ, sau năm tuần chiến tranh đáng chú ý với thành công của những người dân Ukraine anh dũng chống lại quân xâm lược Nga, tôi vẫn không thể thoát khỏi cảm giác khó chịu rằng đây chỉ đơn thuần là sự mở đầu của một thảm kịch lớn hơn nhiều.

 

Lần cuối tôi ở Kyiv vào đầu tháng 9 năm ngoái, tôi đã đặt cược với nhà tâm lý học Harvard Steven Pinker. Tôi cược rằng “vào khoảng cuối thập kỷ này, ngày 31 tháng 12 năm 2029, một cuộc chiến tranh thông thường hay chiến tranh hạt nhân sẽ cướp đi sinh mạng của ít nhất một triệu người”. Tôi tha thiết mong mình thua cược. Nhưng việc đặt cược của tôi đã và hiện không phải là sự tức giận vô cớ. Khi tôi ngồi ở Kyiv, cân nhắc những ý định có thể có của Vladimir Putin và khả năng bị tổn thương của Ukraine, tôi có thể thấy chiến tranh sắp xảy ra. Và chiến tranh ở Ukraine thực sự rất đẫm máu.

 

Kể từ khi xuất bản cuốn sách “Bản ngã tốt đẹp hơn trong mỗi chúng ta” vào năm 2012, Pinker và tôi đã tranh luận về việc liệu thế giới có đang trở nên hòa bình hơn hay không - chính xác là liệu có một xu hướng có ý nghĩa nào đó để chiến tranh ngày càng trở nên ít thường xuyên hơn, ít chết người hơn không. Những số liệu mà Pinker sử dụng cho cuốn sách đó (trong chương 5 và 6) quả là trông như vậy.

 

Pinker khẳng định hai lần. Thứ nhất, đã có một “nền hòa bình lâu dài” giữa các cường quốc kể từ khoảng năm 1945, điều này trái ngược rõ rệt với các thời kỳ có các xung đột định kỳ giữa các cường quốc trước đó. Thứ hai, cũng có một “nền hòa bình mới" đặc trưng bởi “sự suy giảm về số lượng các cuộc chiến, các vụ diệt chủng và khủng bố xảy ra từng đợt một kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.

 

Tóm lại, Pinker lập luận “bạo lực đã giảm đáng kể… do các điều kiện chính trị, kinh tế và ý thức hệ”. Có chút bông đùa, Pinker thậm chí còn dự đoán "xác suất để một đợt bạo lực lớn bùng phát trong thập kỷ tới – một cuộc xung đột với 100.000 người chết trong một năm, hoặc tổng số một triệu người chết – là 9,7%". Rõ ràng là tôi tin rằng xác suất đó cao hơn.

Không thiếu các nhà khoa học chính trị chia sẻ quan điểm của Pinker rằng thế giới đã trở nên ít bạo lực hơn rất nhiều, và đặc biệt là ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh quy mô lớn.

 

Trong bài báo được công bố trong cuốn sách mới đây do Nils Petter Gleditsch của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo biên tập, Michael Spagat và Stijn van Weezel tính toán số người chết trong chiến tranh trên 100.000 người, sử dụng bộ số liệu của cả các cuộc nội chiến và các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia kể từ năm 1816, hai ông nhận thấy có sự thay đổi đột biến vào năm 1950, sau thời điểm đó, thế giới về cơ bản trở nên hòa bình hơn so với một thế kỷ rưỡi trước.

 

Bài toán với tất cả các cách tiếp cận như vậy (như Pinker thừa nhận) rất đơn giản. Ngay cả khi đúng là thế giới đã trở nên ít xảy ra các cuộc chiến tranh lớn kể từ năm 1950, các số liệu thống kê không thể đảm bảo rằng xu hướng này sẽ tiếp tục. Sự thật sâu sắc và khó hiểu này lần đầu tiên được chỉ ra bởi một chuyên gia người Anh ra đời cách đây hơn 140 năm.

Lewis Fry Richardson được đào tạo như một nhà vật lý và đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để làm việc trong lĩnh vực khí tượng học. Nghiên cứu của ông về chiến tranh đã không được công nhận khi ông còn sống (vị trí học thuật cao nhất của ông là tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Paisley ở Scotland). Mãi đến năm 1960, bảy năm sau khi ông qua đời, người ta mới tìm thấy một nhà xuất bản đồng ý xuất bản hai tập sách về xung đột của ông: "Vũ khí và sự bất an" và "Thống kê về những tranh chấp chết người".

 

Richardson định nghĩa “tranh chấp chết người” là “bất kỳ tranh chấp nào gây ra cái chết cho con người”, không chỉ bao gồm chiến tranh mà còn cả “những vụ giết người, cướp bóc, binh biến, nổi dậy”, nhưng không bao gồm những cái chết gián tiếp do đói kém và bệnh tật. Ông đã liệt kê tất cả thương vong trong các cuộc tranh chấp chết người theo logarit cơ số 10, để tạo ra một loại thang đo Richter [thang đo mức độ động đất - BVN chú thích] dùng cho các loại xung đột gây chết người.

 

Trong phân tích của ông về tất cả "những tranh chấp chết người" từ năm 1820 đến năm 1950, các cuộc chiến tranh thế giới là những tranh chấp duy nhất có cường độ 7 độ Richter – những cuộc chiến duy nhất có số người chết lên tới hàng chục triệu. Chúng chiếm ba phần năm tổng số ca tử vong trong bộ số liệu của ông.

 

Richardson cố gắng xây dựng các mô hình từ bộ dữ liệu của mình về các cuộc xung đột chết người để mong có thể làm sáng tỏ về thời gian và quy mô của các cuộc chiến tranh. Liệu có xu hướng dài hạn hướng về phía ít chiến tranh hơn hay nhiều chiến tranh hơn không? Câu trả lời là không. Dữ liệu chỉ ra rằng các cuộc chiến được phân bố ngẫu nhiên. Theo Richardson, “Bộ số liệu nói chung không chỉ ra bất kỳ xu hướng nào đối với việc hướng tới có nhiều hơn hay ít hơn các cuộc tranh chấp chết người”.

 

Phát hiện này sau đó lại được khẳng định thêm bởi Pasquale Cirillo và Nassim Nicholas Taleb, và gần đây nhất là Aaron Clauset (cũng trong cuốn sách của Gleditsch). Đúng vậy, thế giới ít bạo lực hơn sau Thế chiến II so với nửa đầu thế kỷ 20 hoặc trong thế kỷ 19. Nhưng, như Clauset đã nói, “một thời kỳ hòa bình lâu dài chưa hẳn là bằng chứng về khả năng thay đổi của các cuộc chiến tranh lớn. … Xác suất xảy ra một cuộc chiến tranh rất lớn [lớn như Thế chiến II] là không đổi. … Mãi cho đến 100 năm sau, nền hòa bình lâu dài mới trở nên có thể rõ ràng về mặt thống kê với sự biến động lớn nhưng ngẫu nhiên trong một quá trình lẽ ra là không thay đổi”.

 

Nói tóm lại, còn quá sớm để nói liệu “hòa bình lâu dài” có đánh dấu một sự thay đổi cơ bản hay không. Chúng ta sẽ không thể loại trừ Chiến tranh Thế giới Thứ Ba cho đến khi nền hòa bình đó được duy trì cho đến cuối thế kỷ này.

 

Mặt khác, nếu nhìn ở góc độ lịch sử thì việc gọi thời kỳ Chiến tranh Lạnh là một “nền hòa bình lâu dài” đã bỏ qua việc thế giới đã gần như thế nào với sự tận thế do nguy cơ hạt nhân không phải chỉ một lần. Việc Thế chiến III không nổ ra vào năm 1962 [năm Liên Xô bố trí tên lửa đạn đạo hạt nhân ở Cuba – BVN chú thích] hay năm 1983 [khi Liên Xô nhầm lẫn rằng một số cuộc tập trận của NATO là cuộc chiến thực và đã điều các tên lửa hạt nhân tới điểm phóng – BVN chú thích] không khiến đó là một chuyện may mắn hơn là do sự tiến bộ của con người. Trong một thế giới có ít nhất hai quốc gia có đủ đầu đạn hạt nhân để hủy diệt phần lớn nhân loại, hòa bình lâu dài sẽ chỉ kéo dài chừng nào các nhà lãnh đạo của các quốc gia đó còn từ chối khởi xướng một cuộc chiến tranh hạt nhân.

 

Điều này đưa chúng ta trở lại cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Vào ngày 22 tháng 3, tôi đề xuất rằng kết quả của cuộc chiến đó phụ thuộc vào những câu trả lời cho bảy câu hỏi. Bây giờ, chúng ta hãy cập nhật câu trả lời cho những câu hỏi đó.

 

1. Liệu người Nga có thể hạ gục Kyiv và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong vòng hai, ba hoặc bốn tuần hay không bao giờ?

 

Câu trả lời có vẻ là "không bao giờ".

 

Mặc dù có thể Điện Kremlin chỉ tạm thời rút một số lực lượng của mình khỏi khu vực xung quanh Kyiv, nhưng rõ ràng là đã có sự thay đổi kế hoạch. Trong một cuộc họp ngắn vào ngày 25/3, các tướng lĩnh Nga tuyên bố rằng họ chưa bao giờ có ý định chiếm Kyiv hoặc Kharkiv, và các cuộc tấn công ở đó chỉ nhằm đánh lạc hướng và làm suy yếu lực lượng Ukraine. Mục tiêu thực sự của Nga là giành toàn quyền kiểm soát vùng Donbas ở phía đông đất nước.

 

Điều đó nghe có vẻ như một sự hợp lý hóa những tổn thất rất nặng nề mà người Nga đã phải gánh chịu kể từ khi tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. Dù bằng cách nào, chúng ta sẽ xem liệu quân đội của Putin có thể đạt được mục tiêu hạn chế hơn này là bao vây các lực lượng Ukraine ở Donbas và có lẽ đảm bảo một "tuyến vận tải lục địa quốc tế" từ Nga đến Crimea dọc theo bờ biển của Biển Azov hay không. Chỉ có thể nói chắc rằng đó là một quá trình khá chậm và đẫm máu, như trận chiến tàn khốc ở Mariupol đã cho thấy.

 

2. Các biện pháp trừng phạt liệu có gây ra sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng ở Nga đến mức Putin không thể đạt được chiến thắng không?

 

Nền kinh tế Nga chắc chắn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế của phương Tây, nhưng tôi vẫn cho rằng nó chưa bị ảnh hưởng đủ nhiều để kết thúc chiến tranh. Khi mà chính phủ Đức còn chống lại lệnh cấm vận đối với xuất khẩu dầu của Nga, thì Putin vẫn còn kiếm đủ ngoại tệ để duy trì nền kinh tế chiến tranh của mình. Bằng chứng tốt nhất cho điều này là sự phục hồi đáng kể của tỷ giá hối đoái của đồng rúp với đồng đô la. Trước chiến tranh, một đô la mua được 81 rúp. Sau cuộc xâm lược, tỷ giá hối đoái giảm xuống 140. Vào thứ Năm, nó đã quay trở lại mức 81, chủ yếu phản ánh sự kết hợp của các khoản thanh toán nước ngoài cho dầu khí và kiểm soát vốn của Nga.

 

https://www.facebook.com/Bauxite-Vietnam-85922774678/photos/pcb.10159930366529679/10159930364114679

Ảnh: Đồng rúp tăng trở lại - Đồng tiền của Nga đã phục hồi lại giá trị bị mất sau cuộc xâm lược Ukraine. Nguồn: Bloomberg

 

3. Liệu sự kết hợp giữa khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng quân sự có dẫn đến một cuộc đảo chính trong cung điện chống lại Putin không?

 

Như tôi đã đề cập hai tuần trước, chính quyền Biden đang đặt cược vào việc thay đổi chế độ ở Moscow. Điều đó đã trở nên rõ ràng hơn. Chính phủ Hoa Kỳ không chỉ coi Putin là tội phạm chiến tranh và bắt đầu các thủ tục truy tố thủ phạm người Nga gây ra tội ác chiến tranh ở Ukraine; vào cuối bài phát biểu của mình tại Warsaw vào Chủ nhật tuần trước, Joe Biden đã thốt lên 9 từ được sử sách ghi lại: “Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền”.

 

Nhiều người cho rằng đó chỉ là sự bổ sung ngẫu hứng vào đoạn cuối bài diễn văn của tổng thống Joe Biden. Các quan chức Hoa Kỳ gần như ngay lập tức tìm cách cải chính. Nhưng hãy đọc toàn bộ bài phát biểu, trong đó lặp đi lặp lại sự ám chỉ đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin và Liên bang Xô viết, thừa nhận một trận chiến mới trong thời đại chúng ta “giữa dân chủ và chuyên quyền, giữa tự do và đàn áp, giữa trật tự dựa trên luật lệ và một bên bị cai trị bằng vũ lực". Tôi không nghi ngờ gì về việc Mỹ (và ít nhất là một số đồng minh châu Âu) đang nhắm đến việc loại bỏ Putin.

 

4. Nguy cơ sụp đổ có dẫn Putin đến các biện pháp tuyệt vọng (ví dụ: thực hiện sự đe dọa hạt nhân của mình) không?

 

Đây hiện nay là một câu hỏi quan trọng. Biden và các cố vấn của ông dường như rất tin tưởng rằng sự kết hợp giữa tiêu cực ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở Moscow tương đương với cuộc giải tán Liên bang Xô viết 31 năm trước. Nhưng Putin không giống như những kẻ thất vọng ở Trung Đông – những người đã mất quyền lực trong Chiến tranh Iraq và Mùa xuân Ả Rập. Putin sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất trên thế giới, cũng như vũ khí hóa học và chắc chắn là vũ khí sinh học.

 

Những người tuyên bố sớm về chiến thắng của Ukraine dường như quên rằng nếu mọi thứ càng tồi tệ hơn đối với Nga trong chiến tranh thông thường, thì khả năng Putin sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ càng cao. Hãy nhớ rằng: Mục tiêu của Putin kể từ năm 2014 là ngăn chặn Ukraine trở thành một nền dân chủ ổn định theo định hướng phương Tây khi hội nhập vào các thể chế phương Tây như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu. Với mỗi ngày chết chóc, tàn phá và di tản trôi qua, Putin càng có thể tin rằng mình đang đạt được mục tiêu đó: một nhà mồ hoang tàn hơn là một Ukraine tự do.

Quan trọng hơn, nếu ông ta tin rằng Mỹ và các đồng minh có mục đích lật đổ ông ta - và nếu Ukraine tiếp tục tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, như lần đầu tiên họ đã làm vào đêm thứ Năm - thì ông ta dường như có nhiều khả năng leo thang xung đột hơn là nhẹ nhàng từ chức tổng thống Nga.

 

Những người gạt bỏ nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ Ba đã bỏ qua thực tế rõ ràng này. Trong Chiến tranh Lạnh, NATO không thể hy vọng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh quy ước với Liên Xô. Đó là lý do tại sao NATO có vũ khí hạt nhân chiến thuật sẵn sàng xuất kích chống lại Hồng quân nếu Hồng quân hành quân vào Tây Âu. Ngày nay, Nga sẽ không có cơ hội trong một cuộc chiến tranh quy ước với NATO. Đó là lý do tại sao Putin chuẩn bị sẵn sàng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào Nga. Và Điện Kremlin đã đưa ra lập luận rằng một cuộc tấn công như vậy đang được tiến hành.

 

Vào ngày 21 tháng 2, Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố rằng “trong các tài liệu học thuyết của mình, Hoa Kỳ gọi Nga là kẻ thù” và mục tiêu của Hoa Kỳ “không gì khác hơn là sự sụp đổ của Liên bang Nga”. Vào ngày 16 tháng 3, Putin tuyên bố rằng phương Tây đang tiến hành “một cuộc chiến tranh kinh tế, chính trị và thông tin” với “tính chất toàn diện và trắng trợn”.

 

“Một cuộc chiến tranh hỗn hợp thực sự, chiến tranh tổng lực đã được tuyên bố với chúng ta”, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố hôm thứ Hai. Mục tiêu của nó là “phá hủy, phá vỡ, hủy diệt, bóp nghẹt nền kinh tế Nga và toàn bộ nước Nga”.

 

5. Người Trung Quốc có giúp cho Putin nhưng với điều kiện ông ấy đồng ý với một thỏa hiệp hòa bình mà họ đề nghị để làm trung gian không?

 

Hiện nay khá rõ ràng (đặc biệt là từ thông điệp trong nước của Trung Quốc thông qua các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát) rằng chính phủ Trung Quốc sẽ đứng về phía Nga, nhưng không đến mức để có thể dẫn đến sự kích hoạt các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ đối với các tổ chức Trung Quốc làm ăn với các thực thể của Nga trái với các lệnh trừng phạt. Tôi không mong đợi gì vào việc Trung Quốc đóng vai trò trung gian hòa bình. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lạnh giá hôm thứ Sáu giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã cho thấy rõ điều đó.

 

6. Liệu sự thiếu tập trung dài hạn vào các vấn đề của chúng ta có góp phần vào những điều này?

 

Thật đáng tiếc là đúng như vậy, sau chu kỳ tin tức thông thường kéo dài bốn tuần sự tập trung đã chuyển hướng khi Will Smith tát Chris Rock tại lễ trao giải Oscar vào cuối tuần trước. Câu trả lời tinh tế hơn sẽ đến trong vài tháng tới, sự ủng hộ của công chúng phương Tây đối với chính nghĩa Ukraine sẽ được kiểm chứng khi giá thực phẩm và nhiên liệu liên tục tăng, kết hợp với nhận thức sai lầm rằng Ukraine đang chiến thắng trong cuộc chiến, thay vì chỉ không thua.

 

7. Các tổn thất ngoài dự kiến?

 

Thế giới có vấn đề về lạm phát nghiêm trọng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn, các ngân hàng trung ương đang đứng trước các rủi ro nghiêm trọng. Cuộc chiến này càng kéo dài thì nguy cơ lạm phát đình trệ hoàn toàn càng nghiêm trọng (lạm phát cao nhưng tăng trưởng kinh tế thấp, không hoặc âm). Vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn ở các quốc gia có nhiều phụ thuộc vào Ukraine và Nga không chỉ về năng lượng, ngũ cốc, mà còn về phân bón; giá của các mặt hàng đó đã tăng gần gấp đôi do chiến tranh. Chỉ những người không biết gì về lịch sử mới tin rằng điều này sẽ không gây ra những hậu quả bất lợi về xã hội và chính trị.

 

"Vậy điều gì sắp xảy ra?" - đó là câu hỏi tôi liên tục nhận được. Để thấy được phần quan trọng nhất, hãy trở lại với khoa học chính trị, bắt đầu với trường hợp lạc quan (theo suy nghĩ của tôi, “Đó là những năm 1970, không phải những năm 1940”). Hầu hết các cuộc chiến đều diễn ra trong thời gian ngắn. Theo một bài báo năm 1996 của D. Scott Bennett và Allan C. Stam III, tính từ năm 1816 đến năm 1985, thời gian trung bình của một cuộc chiến là 15 tháng: Hơn một nửa cuộc chiến (60%) trong bộ số liệu của hai ông kéo dài không quá sáu tháng, và gần một phần tư (23%) không quá hai tháng. Ít hơn một phần tư (19%) kéo dài hơn hai năm. Do đó, có nhiều khả năng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc tương đối sớm.

Ảnh: Cuộc chiến kéo dài bao lâu? Phần lớn các cuộc xung đột từ năm 1816 đến năm 1985 kết thúc trong vòng chưa đầy một năm. Nguồn: D. Scott Bennett và Allan C. Stam III, “Khoảng thời gian của các cuộc chiến giữa các tiểu bang, 1816-1985”, Tạp chí Khoa học Chính trị Hoa Kỳ, Tập 90, Số 2 (Tháng 6 năm 1996), trang 239-257.

 

Những gì xảy ra cho thấy Nga đang vất vả để đạt được một chiến thắng hạn chế ở Ukraine, Putin dường như không có khả năng mở rộng cuộc xung đột. Vì vậy, một lệnh ngừng bắn có thể xảy ra, ví dụ, trong năm tuần tới – vào đầu tháng Năm – bởi vì khi đó người Nga sẽ hoàn thành việc bao vây các lực lượng Ukraine ở Donbas hoặc họ sẽ thất bại. Dù bằng cách nào, họ sẽ cần cho binh lính của mình nghỉ ngơi. Quá trình gọi nhập ngũ và huấn luyện thay thế đang được tiến hành, nhưng sẽ phải mất nhiều tháng các binh sĩ mới có thể sẵn sàng chiến đấu.

 

Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm hòa bình. Với mỗi ngày kháng cự thành công của Ukraine, các lập trường dường như đã trở nên cứng rắn hơn, đặc biệt là các yêu cầu về lãnh thổ (tình trạng tương lai không chỉ của Donetsk và Luhansk mà còn của Crimea). Tôi có thể tưởng tượng ra những cuộc ngừng bắn không được tuân thủ, những nỗ lực giành ưu thế dẫn đến những cuộc giao tranh – và tất cả những điều này sẽ diễn ra lâu hơn nhiều so với dự đoán. Điều đó cũng có nghĩa là các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ vẫn tồn tại, ngay cả khi chúng không trở nên cứng rắn hơn.

 

Kết luận đó phù hợp với một tài liệu đáng quan tâm về thời gian chiến tranh. Năm 2004 Branislav Slantchev lập luận rằng: “Khi các tiềm lực quân sự quan sát được là gần tương đương thì các động lực để trì hoãn sự thỏa thuận là mạnh nhất, nên các cuộc chiến tranh sẽ có xu hướng kéo dài hơn”. Trong một bài báo quan trọng năm 2011, Scott Wolford, Dan Reiter và Clifford J. Carrubba đã đề xuất ba quy tắc có phần hơi lạ đời:

 

1. Việc giải quyết sự bất ổn thông qua giao tranh có thể dẫn đến sự tiếp tục, thay vì chấm dứt chiến tranh.

 

2. Các cuộc chiến tranh càng ít có khả năng kết thúc nếu chúng càng kéo dài.

 

3. Các dự tính chiến tranh có thể tăng lên chứ không phải giảm đi theo thời gian để đáp ứng cho việc giải quyết tình trạng bất ổn.

 

Những gì có thể ngăn ngừa sự kéo dài một nền “hòa bình mà không có hòa bình” như vậy? Nền "hoà bình" mà sẽ có quá nhiều bạo lực để có thể được coi là một “frozen conflict” (xung đột đóng băng) như Nga đã có ở Moldova và Georgia. Có thể Biden sẽ gặp may và Putin sẽ bị lật đổ bởi những thành viên bất mãn trong giới tinh hoa chính trị Nga và những người Matxcơva đói khát. Nhưng tôi không cho là vậy. (Bất luận thế nào, một cuộc cách mạng ở Nga sẽ tốt hơn cho chúng ta hay cho Trung Quốc? Cũng như sự sụp đổ của Saddam Hussein tốt hơn cho chúng ta hay cho Iran?).

 

Sự sụp đổ của Putin chắc chắn sẽ làm tăng khả năng có hòa bình lâu dài ở Ukraine. Alex Weisiger của Đại học Pennsylvania đã lập luận rằng “đặc biệt là ở các nước kém dân chủ… sự thay thế nhà lãnh đạo hiện thời có thể là một phần của quá trình mà bằng cách nào đó các bài học từ chiến trường được chuyển thành sự thay đổi chính sách… Sự thay đổi lãnh đạo có liên quan đến việc giải quyết các cuộc chiến tranh, và… trao quyền cho các nhà lãnh đạo không liên quan đến việc tiến hành chiến tranh, những người sẵn sàng hơn để thực hiện những nhượng bộ cần thiết để kết thúc chiến tranh, đặc biệt là khi cuộc chiến bắt đầu trở nên quá khủng khiếp”.

 

Thật là tuyệt! Vấn đề là "sự thay đổi lãnh đạo" như vậy là ngoại lệ chứ không phải là quy luật. Theo Sarah Croco của Đại học Maryland, trong tổng số 355 nhà lãnh đạo của các cuộc chiến giữa các nước, chỉ có 96 người bị thay thế trước khi chiến tranh kết thúc, trong đó 51 người được kế vị bởi các nhà lãnh đạo “nonculpable”, tức là những người không phải là thành viên của chính phủ khi bắt đầu chiến tranh. Nói cách khác, hầu hết các cuộc chiến tranh đều được kết thúc bởi chính những nhà lãnh đạo đã bắt đầu chúng. Sự thay đổi chế độ xảy ra trong chưa đến một phần tư các cuộc chiến và các nhà lãnh đạo “nonculpable” chỉ xuất hiện trong 14% các cuộc xung đột.

 

Tôi hy vọng mình sẽ thua cược Steven Pinker. Tôi hy vọng cuộc chiến ở Ukraine sẽ sớm kết thúc. Tôi hy vọng Putin sẽ sớm ra đi. Tôi hy vọng sẽ không có chuỗi xung đột nào xảy ra để chiến tranh ở Đông Âu sẽ không phải nối tiếp bởi chiến tranh ở Trung Đông và chiến tranh ở Đông Á. Trên tất cả, tôi hy vọng không có vũ khí hạt nhân ở bất kỳ điểm nóng xung đột nào trên thế giới.

 

Nhưng có những lý do chính đáng để không quá lạc quan. Lịch sử và khoa học chính trị cho thấy có một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, ngay cả khi lệnh ngừng bắn được thoả thuận vào một thời điểm nào đó trong tháng tới. Chúng khiến sự sụp đổ của Putin giống như một kịch bản có khả năng xảy ra thấp. Chúng làm cho một thời kỳ lạm phát đình trệ và bất ổn toàn cầu trở thành một kịch bản có khả năng xảy ra cao. Và chúng nhắc nhở chúng ta rằng chiến tranh hạt nhân không hề được đảm bảo là sẽ không bao giờ xảy ra.

 

Rõ ràng việc gọi Putin là tội phạm chiến tranh và việc ông bị loại bỏ quyền lực có ý nghĩa làm tăng nguy cơ vũ khí hóa học hoặc hạt nhân được sử dụng ở Ukraine. Và nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng một lần trong thế kỷ 21, tôi sợ rằng chúng sẽ được sử dụng một lần nữa. Một hệ quả hiển nhiên của cuộc chiến ở Ukraine là nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tăng cường theo đuổi vũ khí hạt nhân. Không có ví dụ nào minh hoạ rõ ràng hơn giá trị của vũ khí hạt nhân khi nhìn vào số phận của Ukraine, đất nước đã từ bỏ vũ khí hạt nhân năm 1994 để đổi lấy những đảm bảo không có giá trị. Kỷ nguyên không phổ biến hạt nhân đã qua.

 

Một lần nữa, tôi rất muốn thua cuộc cá cược này. Nhưng tôi phải nhắc các bạn về lần đặt cược cuối cùng của Pinker. Năm 2002, Martin Rees – nhà vật lý thiên văn của Cambridge, đã công khai đặt cược rằng “vào năm 2020, khủng bố sinh học hoặc sai sót trong nghiên cứu sinh học sẽ dẫn đến một triệu thương vong trong một biến cố duy nhất”. Pinker đã đánh cược ngược lại vào năm 2017, cho rằng quan trọng là “những tiến bộ đã giúp nhân loại kiên cường hơn trước các mối đe dọa do tự nhiên và con người tạo ra: bùng phát dịch bệnh sẽ không trở thành đại dịch”.

 

Nhưng như tôi đã nói: Hãy xem xét tình huống xấu nhất.

 

N.F.

----

 

Niall Ferguson là Thành viên cao cấp của Family Milbank tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, và là nhà báo chuyên mục Ý kiến ​​của Bloomberg. Trước đây ông là giáo sư lịch sử tại Harvard, Đại học New York và Oxford. Ông là người sáng lập và giám đốc điều hành của Greenmantle LLC, một công ty tư vấn có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là "Doom: Chính trị của thảm họa".

 

Hình :

https://www.facebook.com/Bauxite-Vietnam-85922774678/photos/pcb.10159930366529679/10159930364124679

How Long Do Wars Last?

 

 

NGUỒN  :

 

Seven Worst-Case Scenarios From the War in Ukraine

Niall Ferguson

April 3, 2022, 3:00 AM EDT

Bloomberg

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats