Monday 11 April 2022

BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2022 : AI SẼ THẮNG TRONG VÒNG HAI VẪN LÀ ẨN SỐ LỚN (Phạm Cao Phong)

 



Bầu cử tổng thống Pháp 2022: Ai sẽ thắng trong vòng hai vẫn là ẩn số lớn   

Phạm Cao Phong

Gửi bài cho BBC từ Paris, Pháp

11 tháng 4, 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/world-61066084

 

Hai đối thủ chính trị chủ chốt năm 2017 đã chạm trán nhau ở vòng hai bầu cử Tổng thống Pháp là thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen và Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ một, Emmanuel Macron, họ sẽ lại tái ngộ sau kết quả vòng một công bố tối 10/4/2022.

 

Vị trí thứ nhất với ông Macron hay vị trí thứ nhì của bà Marine Le Pen tại vòng một thực ra chưa đủ là 'thẻ bảo hiểm được xã hội tin cậy', nên quyết định ai sẽ về đích trong trận chung kết ngày 24/4 tới vẫn còn bỏ ngỏ.

 

Ứng viên cực hữu gặt hái nhiều hơn

 

Năm nay, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen đã thắng điểm còn cao hơn lần trước (23,4% so với 21%) tương đương 8.109.857 lá phiếu. Thành quả cho thấy, cương lĩnh tranh cử chứa đầy các ngôn từ mang tính dân chủ, cộng hòa của bà Marine Le Pen đã làm xiêu lòng khối lượng kỷ lục cử tri Pháp.

 

Điều bất ngờ là trong quá trình tranh cử, hai đảng viên cứng của Marine Le Pen vốn là nghị viên Quốc hội Châu Âu và chính cháu gái ruột của bà đã bỏ Đảng Tập hợp Quốc gia (RN), chạy sang ủng hộ Éric Zemmour, một nhân vật cực hữu khác, người cán đích với con số 7%, không làm mất đi chỗ đứng đã giành được 5 năm trước của bà Marine Le Pen, mà còn làm bà gặt hái thêm hơn hai điểm.

 

Đứng trước sự trở giáo của ba thành viên máu mặt trong gia đình đảng cực hữu, bà Marine Le Pen tiên đoán chắc nịch là cựu phóng viên Éric Zemmour, người ve vãn được một phần cử tri của bà sẽ không được toại nguyện trong năm nay. Lời khẳng định đó của bà ngay trước khi kết quả được công bố, chứng tỏ sự già rơ của Marine Le Pen.

 

Thủ tướng Ba Lan hỏi Tổng thống Pháp 'ngài đã làm được gì cho Ukraine?'

Covid-19: Pháp phản đối việc ưu tiên Mỹ khi có vaccine

Pháp-Việt ký nhiều hợp đồng hàng tỷ USD

Pháp chuẩn bị bầu cử tổng thống vòng đầu

 

Đi sâu vào chương trình bầu cử của Đảng cực hữu, tôi thấy bà Le Pen có nhiều điểm ăn đứt các ứng cử viên khác, thậm chí có tính thuyết phục ở vấn đề sức mua của người dân hoặc giải quyết vấn đề nhập cư.

 

Tổng thống Macron cho đến tận phút cuối mới tuyên bố đeo đuổi sự nghiệp dẫn đến 10 đối thủ khác có mặt tại vòng một bị hụt hẫng, như đấm vào không khí, vì chỉ chăm chăm nhằm đánh vào tổng thống đương nhiệm, thì bà Le Pen tận dụng khoảng trống, gọt đẽo ngôn từ, lịch lãm hơn những lời cay cú, đả kích cá nhân và đưa ra các biện pháp có phần khả thi.

Bà Le Pen nhấn mạnh, nếu trên cương vị tổng thống bà sẽ giảm thuế giá trị gia tăng TVA từ 20% xuống còn 5,5% đối với các loại năng lượng và lập danh mục các mặt hàng thiết yếu nhất để áp mức thuế TVA 0% khêu gợi sự hứng khởi của cử

 

Bà Le Pen cho rằng, việc Tổng thống Macron phải hy sinh một số tiền bù vào giá cả xăng dầu, đóng băng nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm không cho tăng giá trong một vài tháng trước bầu cử để xoa dịu nỗi bất mãn của người dân, chỉ là biện pháp nửa vời, không thể kéo dài. Bà đã đánh thẳng vào chính sách của chính phủ đương nhiệm.

 

Cương lĩnh của Marine Le Pen nêu lên, chính sách không phải vuốt ve tăng lương chỉ cho những người thu nhập thấp nhất trong xã hội, mà đề ra tiêu chí áp dụng cho các thành phần khác khi lợi ích được cào bằng dễ nghe hơn.

 

Bà nói, tăng trần mức lương tối thiểu là bỏ qua tất cả các tầng lớp khác cũng có quyền được hưởng về sức mua, được hưởng về giá trị thật của cuộc sống. Ứng phó tăng lương kiểu đó là bất công. Bà đề xuất một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi: các công ty tăng nhân viên của họ từ 10 % đến ba lần mức lương tối thiểu sẽ được miễn các khoản đóng góp của người sử dụng lao động về mức tăng này. Đồng thời bà hứa tăng trợ cấp xã hội cho những người dễ bị tổn thương nhất như tăng gấp đôi trợ cấp cho các gia đình đơn thân, lương hưu tối thiểu 1000 €; khôi phục một nửa phần lương hưu cho những người góa vợ và góa chồng, v.v…

Chủ trương này đã kéo tầng lớp trung lưu về với bà Le Pen.

 

Nước Pháp nay khác trước

 

Chính trường Pháp qua vòng một đã đánh dấu những chuyển biến sâu sắc.

 

Tổng thống Emmanuel Macron vẫn ở vị trí dẫn đầu với 27,4% số phiếu, nhưng phía sau ông không còn một hậu phương vững mạnh như 5 năm trước.

 

Cho dù sức mua tại Pháp về cơ bản đã gia tăng trong nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Emmanuel Macron, nhưng vấn đề Ukraine có thể là đầu mối gây bất mãn lớn, đẩy lạm phát tăng ở mức chưa từng có kể từ năm 1985. Tổng thống mãn nhiệm không loại trừ sẽ phải đối mặt với làn sóng phản kháng trong xã hội, tập hợp mọi phe phái bất luận tả hữu, liên minh của tất cả phe phái chống lại chính ông.

 

Mà trớ trêu đó cũng chính là sức mạnh đã dẫn đến thành công khá bất ngờ của ông Macron hồi 2017.

 

Kỳ bầu cử tổng thống lần này diễn ra trong bối cảnh người dân Pháp đang quá mệt mỏi và lo lắng sau những năm chất chồng những khủng hoảng chưa từng có, hết phong trào phản kháng Áo Vàng, đến đại dịch Covid 19 và chiến tranh nổ ra giữa lòng châu Âu.

 

Điều đó dẫn đến một hội chứng được gọi là hội chứng "căm hận" có phần vô cớ đổ lên đầu tổng thống Macron, theo kiểu ai cũng được, song không phải ông này. Việc Tổng thống Macron từ chối tranh luận trên truyền hình ở vòng một với cái cớ là bận việc dàn xếp xung đột quốc tế càng như đổ thêm dầu vào lửa.

 

Một phần không nhỏ của nước Pháp ở đâu?

 

Người về thứ ba, thủ lĩnh Đảng nước Pháp bất khuất (LFI), Jean Luc Mélenchon với kết quả ngoạn mục với 21,4%. Đây là vị trí mà năm năm trước cựu thủ tướng François Fillon về đích với 20,01% tổng số phiếu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1840D/production/_124114399_5ab28d1a-de09-4080-95a4-230111f9cd50.jpg.webp

Năm 2017, ông Macron và bà Le Pen đã 'chạm trán' trong vòng hai bầu cử tổng thống Pháp

 

Lần đó, Fillon sau khi biết kết quả, chấp nhận thất bại, đã kêu gọi những cử tri bỏ phiếu cho cá nhân mình dồn phiếu cho Macron, đảm bảo chắc chắn cho ứng cử viên trẻ nhất, lần đầu bước vào chính trường bước lên ngôi dẫn dắt nước Pháp nhiệm kỳ 2017-2022.

 

Jean Luc Mélenchon cũng đã hiệu triệu khối cử tri đông đảo của mình với điệp khúc nhắc tới ba lần là "không để một lá phiếu nào lọt vào tay bè cánh cực hữu". Song ông ta không nhắc đến một lần tên của đương kim Tổng thống Pháp trong bài phát biểu qua truyền hình tối 10/4.

 

Ông Mélenchon để cho khối cử tri thất vọng của mình tự chọn phương pháp hành xử, hoặc là vắng mặt, hoặc là bỏ phiếu trắng trong vòng hai. Yếu tố tiềm ẩn này được các chuyên gia đánh giá vốn đã chiếm tới 1/4 hoặc 1/5 những người hôm 10/4 đã xuống đường đồng hành với đảng Nước Pháp bất khuất.

 

Nên hiện tại chưa rõ chính xác có bao nhiêu người của "La France insoumise " (LFI) sẽ liên kết với "La République En Marche" (Cộng hòa tiến bước- LREM) vào ngày 24/4/2022 tới hưởng ứng kêu gọi của ông Mélenchon. Nếu vì thất vọng, nếu vì chán ghét tổng thống mãn nhiệm, không được vuốt ve với kết quả lịch sử này, có thể các ủng hộ viên của 'Nước Pháp bất khuất' sẽ thụ động bỏ qua sinh hoạt chính trị. Đây là điều không thể không xảy ra.

Do đó, việc thế chỗ Đảng Những người Cộng hòa (LR) bằng con số ấn tượng của ông Mélenchon chưa hẳn là khối đá tảng đặt lên bàn cân cho chiến thắng cuối cùng dành cho tổng thống sắp mãn nhiệm.

 

Pháp mời ý tưởng xây lại tháp giữa Notre-Dame

New Caledonia ở lại với Pháp là thất bại của Trung Quốc?

Báo Đảng Cộng sản Pháp xin bạn đọc cứu giúp

 

Lần này là cử tri Pháp đã trừng phạt không thương tiếc hai ứng cử viên đại diện cho hai đảng chính trị lớn nhất, từng thay phiên nhau cầm quyền trong nền Đệ ngũ Cộng hòa là Valérie Pécresse của Đảng những người Cộng Hòa (LR) và đương kim Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, người của Đảng Xã hội (PS).

 

Với số phiếu dưới ngưỡng 5%, chính xác là 4,7% của"hy vọng tóc vàng Pécresse", Đảng LR sẽ mất số tiền đầu tư vào tranh cử lần này, theo quy định của Pháp. Đây là thất bại cực kỳ cay đắng của Đảng những người Cộng Hòa (LR), hậu quả tất yếu của những tranh giành xâu xé lẫn nhau trong nội bộ.

 

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, trước, trong và sau bầu cử còn không dành một lời ủng hộ hoặc chia buồn cho cuộc đầu phiếu con gà đá của Đảng, biểu hiện sự rạn nứt không hàn gắn trong nội bộ LR.

 

Thất bại hai lần liên tiếp của Đảng LR trong tranh cử cho thấy các lãnh đạo đảng này vẫn đi theo vết xe đổ của cuộc đua trước, khi không kiên quyết gạt con bài Fillon thất thế ra khỏi cuộc đua.

 

Nhật báo Liberation qua điều tra cuộc bầu cử sơ bộ Đảng LR, đã phanh phui những sự việc úm ba la, bè cánh, bê bối còn nghiêm trọng hơn diễn ra trong năm nay, cho thấy Đảng LR chưa tìm ra ánh sáng cuối đường hầm. Đó là việc một nhóm lãnh đạo của LR dùng những lá phiếu ma đội tên những người đã chết, thậm chí dưới tên một con chó để chọn Valérie Pécresse thế chỗ những con bài sáng giá hơn như Xavier Bertrand, cựu Bộ trưởng Lao động.

 

Sau khi bị đá văng khỏi vòng hai, bà Pécresse đã kêu gọi số 4,7% cử tri tín nhiệm cá nhân bà dồn phiếu bầu cho đương kim Tổng thống Macron.

 

Đội quân thất trận, mất hết nhuệ khí của Đảng LR chưa chắc đã hứng khởi hai tuần tới xuống đường bỏ phiếu cho ông Macron?

 

Năm nay, cử tri Pháp còn thẳng tay tàn nhẫn hơn với Đảng Xã Hội Pháp với chương trình tranh cử của Anne Hidalgo. Thị trưởng thủ đô Paris chỉ về đích với con số thảm hại là 1,7% với 568 414 lá phiếu, trong nhóm ba người đội sổ.

 

Cho nên để qua được cửa ải cuối cùng, tổng thống Macron cần phải đầu tư thời gian nhiều hơn nữa củng cố vị thế của ông, lôi kéo những người còn do dự.

 

Chiến tranh ở Ukraine có tác động rõ rệt và câu hỏi 'Chọn ai đây?'

 

Tiếng súng nổ ở Ukraine đã biến cuộc bầu cử tổng thống năm nay tại Pháp mang mầu sắc hoàn toàn khác những lần đi bỏ phiếu của cử tri nước này kể từ sau Thế Chiến thứ hai.

Hiện thực một cuộc chiến tranh với tiếng gầm của trọng pháo, tiếng xích sắt của xe tăng tràn đầy trên màn hình, chiếm tỷ lệ cao về thời lượng hàng ngày từ hơn một tháng nay đã kéo người dân Pháp về với hiện thực là hòa bình thật sự quá mỏng manh.

 

Người Pháp chợt nhận ra là họ sẽ phải chọn một tổng thống ở cương vị biết bảo vệ đất nước, biết giải quyết những khó khăn ập tới bất ngờ, tránh khôn khéo những hiểm nguy không lường được, một khi nước Pháp có thể là nạn nhân của một cuộc chiến tranh.

 

Và vòng hai, cử tri Pháp phải đánh giá ai đủ bản lĩnh làm Tổng chỉ huy quân đội thời chiến.

Tổng thống Pháp đã thoát hiểm trong vòng một, song dưới chiếc ghế của ông là quả bom nổ chậm với cái tên "McKinsey".

 

Đây là cú đá của Thượng Viện Pháp, hiện do cánh hữu kiểm soát tố cáo chính quyền Macron chi đến hơn một tỉ euro chi trả cho các dịch vụ cố vấn của McKinsey.

 

Bà Le Pen đang châm ngòi cho trái bom này, đòi hỏi chứng minh sự minh bạch sử dụng quỹ công cho văn phòng tư vấn Mỹ. Đây có thể coi là lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu ứng viên tổng thống tái cử. Nếu lúng túng trước vụ việc này, phản ứng quá trễ, ông Macron sẽ phải trả giá.

 

Thời gian ngắn ngủi hai tuần tới là giai đoạn dầu sôi, lửa bỏng cho cả hai ứng cử viên. Ẩn số vẫn còn.

 

-----------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.

 

Xem bài cùng tác giả:

Picasso từng là đảng viên cộng sản và nổi danh đối xử tệ với phụ nữ

Bầu cử Pháp: Jean Luc Mélenchon là ai?

Pháp mùa đình công và vũ điệu ba lê chống Macron

 

------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Macron và Le Pen vào vòng hai nhưng nữ ứng viên cực hữu 'nhận phiếu khá hơn 2017'

11 tháng 4 năm 2022

 

Trong làn sóng đình công, vũ nữ ba lê Pháp cũng ra phố

2 tháng 1 năm 2020

 

Có phong trào 'chiếm nhà tỷ phú Nga' để đón người tỵ nạn Ukraine?

15 tháng 3 năm 2022

 

Jean Luc Mélenchon, ‘Chiến hạm Rạng Đông’ trên sông Seine

17 tháng 4 năm 2017

 

Thế hệ Macron hết nghĩ về Việt Nam qua Hồ Chí Minh

24 tháng 4 năm 2017

 

Virus corona: Nước Pháp gắng sống xứng tầm thử thách

19 tháng 3 năm 2020

 

Khủng hoảng Ukraine: Macron nói Putin cam kết không leo thang

8 tháng 2 năm 2022

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats