Monday 11 April 2022

ÂM THẦM ĐỒNG LÕA ĐÃ DẪN ĐẾN THẢM SÁT Ở BUCHA (Andrei Kolesnikov)

 



 

Âm thầm đồng lõa đã dẫn đến thảm sát ở Bucha

Andrei Kolesnikov

Trà Mi dịch thuật

POSTED ON APRIL 10, 2022

https://dcvonline.net/2022/04/10/am-tham-dong-loa-da-dan-den-tham-sat-o-bucha/

 

Những người tán thành hoặc im lặng, tối thiểu phải chịu trách nhiệm tập thể về những gì đang xảy ra trên đất nước của họ và những gì nhà nước đang làm.

 

https://pbs.twimg.com/card_img/1511739248956919816/y8H29qtm?format=jpg&name=medium

Nguồn: Getty

 

“Hãy để những người khác thét lên trong tuyệt vọng,
Trong phẫn nộ, trong đau thương, trong đói khát!
Vì chúng ta biết rằng im lặng là có lợi,
Vì nghĩ cho cùng, im lặng là vàng!”

Alexander Galich, The Gold Pros Inspector’s Waltz, 1963

 

Kiến thức về những gì đã xảy ra tại Auschwitz là một lời cảnh tỉnh cho công chúng Đức thời hậu chiến, vốn không muốn nghe bất cứ điều gì về cuộc thảm sát này trong khi chiến tranh đang diễn ra. Kể từ ngày 24 tháng 2, công chúng Nga cũng từ chối không muốn biết bất cứ điều gì, ngăn mình với thế giới đằng sau chữ Z — mà ở Nga đã trở thành biểu tượng của chiến tranh — giống như một cây thánh giá có thể xua đuổi ma quỷ.

 

https://i.natgeofe.com/n/0adb5779-42cb-4a12-ab9c-fdb6498bee50/Main_Guernica_BAT-10313_4x3.jpg

Nguồn cảm hứng khủng khiếp đằng sau tác phẩm ‘Guernica’ tuyệt vời của Picasso. National Geographic

 

Không có gì chắc rằng những hiểu biết về những gì đang diễn ra ở các thành phố Mariupol và Bucha của Ukraine sẽ là lời cảnh tỉnh cho người Nga để buộc họ phải suy nghĩ về hòa bình ở mặt ăn năn. Bất chấp lời khẳng định của Theodor Adorno rằng sau Auschwitz, việc làm thơ đã trở nên bất khả thi, sau cuộc thảm sát người Do Thái của Đức Quốc xã ở Auschwitz và Babi Yar ở Ukraine, có rất nhiều bài thơ hay đã được viết. Sau vụ quân đoàn Thốc Ưng của Đức Quốc xã oanh tạc phá tan Guernica năm 1937, Picasso đã cho ra đời bức tranh mang tính biểu tượng cùng tên. Sau Mariupol, các chương trình trò chuyện trên các kênh truyền hình nhà nước của Nga tiếp tục khơi dậy sự căm ghét toàn thế giới.

 

Bi kịch của một quốc gia đã có sự suy diễn chứng minh cho tư tưởng của chủ nghĩa Putin là sẽ không có ai ở Nga sẽ hối hận vì Mariupol. Chủ nghĩa lịch sử của chủ nghĩa Putinin, chủ nghĩa tập trung tư tưởng của nó vào quá khứ và tẩy trắng những trang đen tối nhất của lịch sử đất nước, chỉ biết anh hùng chứ không biết nạn nhân. Kết quả là, sự sùng bái chiến thắng của Nga trong Thế chiến thứ hai đã không trở thành bài học về việc tránh chiến tranh, mà trở thành sự sùng bái chiến tranh. Những bài học của lịch sử đã bị bóp méo, lộn ngược từ trong ra ngoài, bị lật tẩy, và trở thành một thứ tuyên truyền cổ động.

 

Ý thức hệ của chủ nghĩa Putin hoàn toàn không có bất kỳ nội dung tích cực nào. Nó không có mục tiêu tích cực hoặc hình ảnh về tương lai mong đợi. Toàn bộ danh tính của những người theo chủ nghĩa Putin dựa trên một cái gì đó tiêu cực, và vì vậy chủ nghĩa quân phiệt là một phần quan trọng của nó. Theo ký thức hệ này, một anh hùng không phải là Yury Gagarin, người đầu tiên vào không gian, mà là một tên côn đồ vô danh được gọi bằng biệt danh, chẳng hạn như “Motorola”, những chiến binh Donbas của Nga. Ai đó, thay vì mở đường cho một tương lai nhân bản, đã đưa chúng ta trở lại quá khứ cổ xưa, trọn vẹn với chiến hào, máu, chấy rận và những vụ giết người.

 

Giết chóc và bạo lực đang được anh hùng hóa. Các thể chế chính của lòng tin đang trở thành các tổ chức bạo lực: quân đội và công an chìm FSB. Và tất cả những điều này đều được Giáo hội Chính thống Nga ban phước. Nếu ở thời Liên Xô, việc phá hủy vì những mục tiêu cao cả được ban tuyên giáo của Trung ương Đảng Cộng sản cho phép, thì bây giờ nó được chính Giáo hội thực hiện.

 

Một ý thức hệ có ý tưởng về một quốc gia Nga thống nhất gồm cả người Ukraine đã giết chết ý tưởng đó, tạo ra một căn cước tiêu cực cho người Ukraine. Sau Bucha và Mariupol, không bao giờ có thể có một quốc gia thống nhất. Và người Nga sẽ phải chịu điều sỉ nhục của những người đã cho phép chủ nghĩa Putin phát triển, và những người đã ủng hộ nó.

 

YÊN LẶNG NHƯ SỰ ĐỒNG LÕA

 

Như thế, câu hỏi đặt ra về tội lỗi và trách nhiệm, gồm cả tội lỗi và trách nhiệm tập thể về những gì đã xảy ra giữa Ukraine và Nga. Thực tế là Nga đã trở lại tình trạng đạo đức như trong những năm hoang tưởng và khủng bố nhất của chế độ Stalin khi tố cáo người khác được coi là một đức tính và nghĩa vụ, khi đen là trắng. Vì thực tế là Nga đang trải qua một thảm họa nhân chủng.

 

Cảm xúc bình thường đối với một công dân bình thường của Liên bang Nga — không phải là đối tượng của Vladimir Putin — là một nội tâm khủng khiếp của nỗi kinh hoàng và xấu hổ. Xấu hổ vì những gì Putin đã làm, và vì sự khuất tất trong đầu mà rất nhiều đồng bào của chúng ta ủng hộ ông ta, đã làm cho khái niệm yêu nước của chính ông ta bị ô uế. Đa số, dẫn đầu là đội nữ sát thủ do phát ngôn viên của những cái loa của nhà nước, Olga Skabeyeva và Margarita Simonyan và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova và các đồng chí, đứng đầu, không hề xấu hổ. Ngược lại, họ hân hoan vui sướng. Nhóm thiểu số xấu hổ, cho cả bản thân họ và cho những người cổ vũ cái chết này.

 

Những cảm xúc tương tự đã được những người vẫn giữ được khả năng suy nghĩ, nghi ngờ và cảm thương, cảm nhận được như năm 1968, khi xe tăng Liên Xô lăn xích vào Praha trong cuộc xâm lăng Tiệp Khắc. Hồi đó, cũng giống như bây giờ, người ta cũng bị giam giữ và bị kết án đơn giản chỉ vì cầm biểu ngữ. Tuy nhiên, nước Nga của Putin đã bỏ xa kỷ nguyên Brezhnev về số nạn nhân và những vụ bắt giữ.

 

Trở lại năm 1968, người bất đồng chính kiến Larisa Bogoraz đã tham gia một cuộc biểu tình trên Quảng trường Đỏ của Moscow chống lại cuộc xâm lăng Tiệp Khắc. Trong tuyên bố cuối cùng tại phiên tòa xét xử vào tháng 10 năm đó, bà đã nói một điều rất quan trọng vẫn còn thích đáng trong nhiều năm sau đó và một lần nữa lại quan trọng cho ngày hôm nay.

 

“Đối với tôi, chưa đủ để biết rằng họ không có tiếng nói của tôi ủng hộ họ. Đối với tôi, điều quan trọng là họ sẽ không nghe thấy tiếng nói của tôi chống lại điều đó… Nếu tôi không làm việc đó [biểu tình vào ngày 25 tháng 8 năm 1968], tôi sẽ coi mình phải chịu trách nhiệm về những hành động đó của chính phủ, cũng như tất cả những công dân trưởng thành của đất nước chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả các hành động của chính phủ chúng ta.”

Larisa Bogoraz

https://gdb.rferl.org/197FC9E0-BFD6-41AF-9CAB-CC24079F24A2_w250_r0_s.jpg

 

Ở một nước Nga tự do và dân chủ, học sinh đáng lẽ phải học thuộc lòng những con chữ này, và ngày 25 tháng 8 lẽ ra phải được tổ chức như một ngày kỷ niệm đánh thức lương tâm dân tộc. Nhưng thay vào đó, học sinh sống ở một nước Nga khác: một nước Nga sự thật bị coi là giả, và nơi những đứa trẻ đó được dạy để tố cáo “những kẻ phản bội quốc gia”.

 

Sau khi bị thẩm phán ngắt lời một cách thô lỗ, Bogoraz tiếp tục:

 

“Tôi có một cân nhắc khác là không nên tham gia cuộc biểu tình… Đó là sự vô ích thực tế của cuộc biểu tình, rằng nó sẽ không thay đổi tiến trình của những việc đang xảy ra. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định rằng đối với tôi, vấn đề không phải là nó sẽ làm được gì tốt mà là trách nhiệm của cá nhân tôi.”  (Larisa Bogoraz)

 

Tương tự, nhạc sĩ bất đồng chính kiến Xô Viết Alexander Galich đã hát “Đã bao lần chúng ta im lặng theo nhiều cách khác nhau — tất nhiên không phải là ‘chống lại’, mà là ‘đồng tình’ với hành động của chế độ.

 

NGƯỜI MÙ DẪN NGƯỜI MÙ

 

Do đó, theo logic của Larisa Bogoraz, những người tán thành hoặc im lặng, ít nhất phải chịu trách nhiệm tập thể về những gì đang xảy ra ở đất nước của họ và những gì nhà nước đang làm. Và đây, rất có thể, là sự khác biệt giữa cảm giác tội lỗi tập thể và trách nhiệm tập thể: điều mà triết gia Hannah Arendt đã viết rất nhiều trong tác phẩm của bà về trách nhiệm của người Đức sau Thế chiến thứ hai.

 

“Ở nước Đức thời hậu chiến, tiếng thét ‘Tất cả chúng ta đều có tội’ mà thoạt nghe có vẻ rất cao quý và đầy cám dỗ thực ra chỉ nhằm xoa dịu, ở một mức độ đáng kể, những người thực sự có tội. Ở đâu tất cả đều có tội, không ai ở đó có tội cả.” (Hannah Arendt)

 

Arendt viết trong bài báo “Trách nhiệm tập thể”, vạch ra ranh giới giữa trách nhiệm chính trị (tập thể) và tội lỗi đạo đức và/hoặc pháp lý. Đó không phải là để miễn trừ trách nhiệm cho người dân Đức về những gì đã xảy ra.

 

Tất cả những điều này vẫn chưa xảy ra đối với người dân Nga, những người vốn đã bị đánh đồng với người Đức những năm 1930-40 trong mắt công luận ở hầu hết trên thế giới (không chỉ ở phương Tây). Trong nhiệm vụ “denazification” (phi phát xít hóa), họ đã mang tiếng là “những phần tử phát xít hóa”.

 

Trong những tình trạng khắc nghiệt, chẳng hạn như cuộc “hành quân đặc biệt” của Putin, bất kỳ sự im lặng nào là tán thành chứ không phải chống lại. Đây là trường hợp quy trách nhiệm tập thể. Đây là lý do tại sao phần lớn — cái gọi là dư luận — không muốn tin vào “hàng giả” (tức là sự thật) và biện minh cho hành động của Putin.

 

Sự tuân theo thụ động không kém phần khủng khiếp so với sự tuân theo tích cực và hùng hổ. Thiếu trách nhiệm tập thể (“không liên quan gì đến tôi”) phát sinh trách nhiệm tập thể. Đó là sự mù quáng tự nguyện tập thể. Cả nước đi theo Putin như người mù dẫn đường cho người mù. Khi một quốc gia trở nên mù, điếc và câm, thảm sát ở Mariupol và Bucha trở thành việc khả thi.

 

SỰ SẮP ĐẶT ĐỒNG HÀNG

 

Đây là điều mà trong thời Đức Quốc xã được gọi là Gleichschaltung: sự thích nghi một cách hèn nhát của những người bình thường với chế độ chính trị mà họ đang sống. Triết gia người Đức Jürgen Habermas mô tả nó là “sự tự nguyện chuyển sang ý thức hệ đang thịnh hành.” Khái niệm này đặc trưng cho ý thức đại chúng của cả nước từ năm 1933, khi Hitler trở thành thủ tướng. Một hiện tượng tương tự đã thấy dưới thời Stalin, và trong những năm tranh tối tranh sáng của Liên Xô.

 

Gleichschaltung giải thích các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 80% người Nga ủng hộ “cuộc hành quân đặc biệt” của đất nước họ. Tất nhiên, không phải tất cả những người nói rằng họ ủng hộ nó đều thực sự ủng hộ việc tham chiến, tàn phá và giết chóc. Nhưng khi nói rằng họ ủng hộ, họ đã tham gia vào sự im lặng “tán thành”, vì vậy chúng ta phải xem xét những con số này một cách nghiêm túc.

 

Larisa Bogoraz cũng nói về điều này trong tuyên bố cuối cùng của bà trước tòa.

 

“Công tố viên đã kết thúc bài phát biểu của ông ấy bằng cách gợi ý rằng bản án mà ông ta xin với tòa sẽ được công luận chấp thuận… Tôi không nghi ngờ rằng dư luận sẽ chấp thuận bản án này, giống như trước đây họ đã phê chuẩn các bản án tương tự, cũng như sẽ chấp thuận bất kỳ bản án nào. … Dư luận sẽ chấp thuận một bản án kết tội, trước hết vì chúng ta sẽ bị coi là kẻ ăn bám, kẻ dị giáo, và kẻ truyền bá ý thức hệ của kẻ thù. Và thứ hai, nếu bất cứ ai có ý kiến khác với quan điểm của ‘công chúng’ và có can đảm để bày tỏ nó, họ sẽ sớm thấy mình đang đứng ở vị trí của tôi.”

Larisa Bogoraz

 

Nếu một quốc gia dừng lại để suy nghĩ về những gì đã xảy ra với họ và những gì đã được thực hiện với sự đồng ý của đất nước đó, thì họ sẽ tìm ra hàng ngàn cách để biện minh cho điều đó. Arendt viết về cái mà bà ấy gọi là “người đàn ông tàn bạo”, bà ấy viết trong bài báo “Tội lỗi có tổ chức và trách nhiệm chung”,

 

“Khi nghề của hắn buộc hắn phải giết người, hắn không coi mình là kẻ sát nhân bởi vì hắn không làm điều đó do thiên hướng mà vì năng lực chuyên môn của mình. Vì niềm đam mê tuyệt đối, hắn sẽ không bao giờ làm hại một con ruồi.”

Hannah Arendt

 

Điều này giải thích cho cả cuộc biểu tình tại sân vận động Luzhniki ở Moscow để ủng hộ chiến tranh và nhũng hình ảnh ở Bucha, cũng như 80% những người ủng hộ chiến tranh hoặc im lặng. “Không liên quan gì đến chúng tôi.” “Đó chỉ là cách mà mọi thứ đã diễn ra.” “Chúng tôi được thông báo rằng có Đức Quốc xã ở đó.” “Chúng tôi chỉ làm theo lời yêu cầu.” “Chúng tôi sợ mất việc làm.” “Chúng tôi có nợ nhà phải trả.”

 

Và quả thực, họ không thể làm gì được. Bởi vì họ đã tự nguyện từ bỏ bầu cử tự do và dân chủ: một công cụ để duy trì lương tâm của quốc gia và bảo đảm hiệu quả của chính quyền. Bởi vì họ đã ngừng suy nghĩ, và thỏa hiệp bất tận. Và những thỏa hiệp đó đã kết thúc trong thảm họa của một Gleichschaltung chung.

 

https://pbs.twimg.com/profile_images/966023666143174658/a_cL90v4_400x400.jpg

Tác giả | Andrei Kolesnikov là một thành viên cao cấp và là chủ tịch của Chương trình Chính trị Nội địa và Thể chế Chính trị của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow.

 

Một phiên bản tiếng Nga của bài báo này đã được đăng lần đầu tiên trên tờ The New Times.

Carnegie không có quan điểm về các vấn đề chính sách công; quan điểm trình bày ở đây là của (những) tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Carnegie, nhân viên hoặc những người được ủy thác.

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: 

 

How Silent Assent Made Bucha Possible | Andrei Kolesnikov | Carnegie Endowment doe International Peace | APRIL 06, 2022.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats