03/02/2022
http://www.danchimviet.info/tet-nham-dan-o-san-jose/02/2022/25172/
Những tà áo dài
trong hội chợ Tết Nhâm Dần ở San Jose (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Lúc
đầu tôi không dự tính xuống San Jose trong ngày Chủ Nhật 29 Tết, vì tình hình
Covid còn phức tạp với Omicron và cũng vì muốn ở nhà xem trận đấu bóng bầu dục
giữa đội nhà San Francisco 49ers và Los Angeles Rams để xem đội nào sẽ được vào
chung kết.
Tôi ủng
hộ đội nhà từ hơn 40 năm qua, nhưng không phải là “cuồng fan” đến mức cắm cờ đỏ
của đội lên xe chạy vòng vòng trên xa lộ hay trên phố. Đội banh 49ers đã nhiều
lần đoạt giải quán quân bóng cà na Mỹ trong thập niên 1980 và 1990, tất cả 5 lần,
rồi xuống dốc cho đến vài năm gần đây mới lấy lại phong độ.
Nhưng
rồi có bạn ở xa mới về thăm vùng Vịnh nên anh em hẹn gặp nhau ăn trưa ở phở Bằng,
San Jose.
Xa lộ
880 xuống San Jose trong ngày làm việc thường kẹt xe, giấc sáng và chiều có thể
mất gần 2 tiếng đồng hồ mỗi chiều. Hôm nay chạy bon bon nên một giờ đồng hồ là
tới nơi.
Qua
xa lộ 101 lúc 11 giờ 30, đường Story Road dẫn đến Little Saigon và đường Tully
Road, cả hai lối vào không thấy kẹt xe nên cho tôi cảm nhận ngay là sinh hoạt tết
của người Việt ở đây chưa phục hồi vì Covid.
Phở
Bằng nằm đối diện khu Lion Plaza, góc đường King và Tully. Gần đó có Cafe Lover
không đông khách vào sáng Chủ Nhật.
Khu
vực San Jose bốn chục năm trước còn nhiều cánh đồng hoa vàng, sau thành thủ phủ
của người Việt và được đặt cho cái tên thân thương “Thung lũng Hoa vàng” mà nay
còn rất ít vườn hoa, thay vào là những hãng xưởng điện tử, nhà ở và khu dân cư
ngày càng phát triển lên phía đông về hướng núi đồi.
Bây
giờ giá một căn nhà trên đồi ít gì cũng hơn triệu đô, nhiều căn giá vài ba triệu
là bình thường. Ca sĩ Thuỷ Tiên mới mua nhà cách đây hơn năm mà báo chí trong
nước đã có dịp nghe cô trải lòng về căn nhà mới.
Ông
Đặng Thành Tâm, em của bà cựu đại biểu quốc hội cộng sản Việt Nam Đặng Thị
Hoàng Yến, là những người chủ của khu chế xuất Tân Tạo ở Bình Chánh và Đại
học Tân Tạo ở Long An, giờ cũng có nhà trên đồi San Jose.
Con
cháu cán bộ qua đây mua nhà cũng nhiều. Du sinh từ Việt Nam ở vùng này lên đến
vài nghìn, thực sự giỏi có học bổng cũng có, hay chỉ lấy cớ qua học các đại học
cộng đồng để có giấy tờ ra khỏi Việt Nam cũng có.
Chọn
bàn ngồi bên ngoài cho thoải mái và phòng dịch bệnh tốt hơn. Nhiều thành phố
vùng Vịnh San Francisco bây giờ nếu muốn vào bên trong hàng quán là phải có giấy
chứng minh đã chích ngừa đầy đủ.
Thời
trước Covid, mỗi năm vào cuối tuần giáp tết thì Lion Plaza đông nghẹt xe vì có
chợ hoa, vì khách đến đây được đốt pháo và nghe pháo nổ rền vang. Năm ngoái
không có nhiều sinh hoạt đón tết. Năm nay khởi sắc hơn dù Covid còn lây lan
nhưng không dễ gây tử vong nên nhiều người đã ra ngoài vui chơi, ăn uống.
Đốt pháo trong đêm
giao thừa đón Tết Nhâm Dần (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tiệm
khá đông vào giờ ăn trưa. Ngồi ăn phở, nhìn dòng xe qua lại không tắc nghẽn và
thỉnh thoảng mới nghe tiếng pháo nổ từ bên kia đường vọng lại, không liên hồi,
rền vang như thời trước bệnh dịch.
Ăn
trưa xong, qua bên khu thương xá lâu đời nhất của người Việt San Jose, với chủ
là người Ấn Độ. Bãi đậu xe còn nhiều chỗ trống. Không chợ hoa, chỉ vài chỗ bán
hoa ngay trước cửa tiệm. Vài cành đào, nhiều bó lay-ơn, ít chậu hoa cúc vàng. Một
bàn bán hoa có bầy mấy tràng pháo, một chỗ bán vài chậu hoa lan, vài cành mai Mỹ
chưa ra hoa.
Nhà
sách Tự Do đến nay vẫn đóng cửa, có lẽ dẹp tiệm luôn vì Covid. Đây là nơi tôi
thường đến mua sách tiếng Việt trong nhiều năm qua. Gần đó còn tiệm Hương Giang
bán băng nhạc với ít sách báo. Tôi ghé vào mua tờ báo xuân Người Việt, 14 đôla.
Truyền
thống làm báo xuân tại hải ngoại nay cũng đang dần mất đi. Nhật báo Người Việt
và tuần báo Saigon Nhỏ từ Little Saigon Quận Cam, nam California có lẽ là hai tờ
báo còn ra báo xuân, có bày bán ở đây.
Vùng
San Jose còn nhiều báo in tiếng Việt như Việt Nam Nhật Báo là tờ báo lâu đời nhất,
báo Cali Today, báo Mõ San Francisco, Sống Mới, Phụ Nữ Cali vẫn phát hành đều đặn.
Nhiều chương trình tiếng Việt trên ti-vi, trên sóng ra-đi-ô như Viên Thao, Quê
Hương, Việt Today, Tiếng Mõ Bắc Cali.
Đang
đứng xem sách báo trong tiệm vang vang tiếng nhạc xuân: “Trông thế gian đang
vui mừng đón xuân / Chắc nàng xuân năm nay đẹp
bội phần / Ngắm rừng hoa mai đua nở tuyệt trần /
Đổi hương thay phấn giữa đêm chờ tin báo xuân…” thì nghe tiếng pháo bên ngoài, nổ giòn có đến
hơn một phút. Ai đó đã mua pháo đốt để xua đuổi những điều không may của năm
cũ.
Trước
tiệm sách và băng nhạc, cũng như trước Bò 7 món Ánh Hồng những ngày cuối năm ta
trước đây thì pháo nổ rền vang, khói bay mịt mờ. Hôm nay không còn những hình ảnh,
âm thanh đó.
Không
khí đi mua sắm tết không quá ảm đạm. Mấy bàn ăn đông khách ngồi ngoài trời dưới
nắng Cali ấm áp, chẳng bù cho bão tuyết đang đổ ngập xuống bên bờ đông nước Mỹ.
Người đi mua sắm qua lại bên hàng áo dài, hàng bán bánh kẹo. Bánh chưng 20 đô một
chiếc, 15 đô một đòn bánh tét.
Tôi
vào một cửa hàng, tìm mua áo dài cho cháu ngoại mới hơn một tuổi, nhưng không
có áo cỡ đó. Băng qua đường, bên khu giò chả Đức Hương, bánh cuốn Thanh Trì, cà
phê Cao Nguyên có một tiệm bán rất nhiều áo dài, tìm mua được cho cháu một áo mầu
vàng với hình rồng. Bà bán hàng gọi là kiểu áo dài cách tân, mà theo cách nhìn
của tôi nó có gì đó hơi giống kiểu áo của người Hoa. Nhưng không còn lựa chọn
nào khác nên cũng mua cho cháu. Nói giá 35 đô, tôi trả 25 đô, cô chủ đồng ý
ngay. Cuối năm cô mong bán cho mau hết hàng, hay tôi đã mua hớ?
Lái
xe qua đường Senter Road. Cũng như bên khu Lion Plaza, trước nhiều cửa hàng có
treo cờ vàng ba sọc đỏ. Con đường này từ những năm đầu
thập niên 1990 là khu có đông cơ sở thương mại của người Việt nhất và khi đó đã
có đề nghị với thành phố đặt tên Little Saigon ở đây mà không thành. Một thập
niên sau, năm 2005 mới có đề nghị tên Little Saigon cho khu vực hiện nay là nơi
có Grand Century Mall trên đường Story Road.
Con
đường Senter từ Capitol Expressway đến Story Road ngày nay tràn ngập khu cư
dân, cơ sở thương mại, dịch vụ văn phòng của người Việt.
Tháng
12 năm ngoái một trung tâm dịch vụ dành cho người Mỹ gốc Việt với tổng số kinh
phí xây dựng lên đến 33 triệu đôla do quận hạt tài trợ đã được khánh thành và
đưa vào hoạt động để phục vụ cộng đồng với hơn 100 nghìn
người Việt ở đây.
Gần
đó có Viện Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hoà do cựu Đại tá Vũ Văn Lộc
sáng lập 15 năm trước, trong khu vực tái tạo lịch sử của thành phố San Jose là
Kelly Historical Park.
Hôm
nay trong đó có hội chợ tết. Khai mạc ngày hôm qua với nhiều nét văn hoá Việt,
từ cổng chào đến các gian hàng. Trò chơi lấy hên ngày tết có bầu cua, lô tô. Có
múa lân, ca nhạc.
Đội múa lân trong hội
chợ tết ở Kelly Historical Park, San Jose (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Gặp
bác Vũ Văn Lộc trước sân viện bảo tàng, nơi có nhiều tượng đài liên quan đến
Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Tôi hỏi, so sánh với hôm qua, số người tham dự có
đông bằng hay đông hơn, bác nói hôm nay ít khách hơn hôm qua một chút.
Bác
hào hứng dẫn tôi đến giới thiệu bức tượng điêu khắc nhỏ, hình một thiếu nữ Việt
mặc áo dài, đội nón lá đang ngồi co đôi chân, úp mặt vào đầu gối. Bức tượng có
tên “Hàng chờ xuất khẩu”. Bác nói số phận người phụ nữ Việt ngày nay là thế,
như những món hàng xuất khẩu. Thật buồn.
Áo dài và tranh hổ
trong hội chợ tết (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Nhiều
phụ nữ và các em nhỏ đi chơi hội chợ mặc áo dài đủ các mầu, có cô mang nón lá.
Đó là điều tôi quan sát thấy hôm nay, nhưng tôi chắc những thiếu nữ đang tung
tăng vui chơi hội chợ, hay cha mẹ của các em, đã không vướng số phận nghiệt ngã
như hình hài bức tượng.
Grand Century Mall
trưa ngày 29 Tết (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Qua
khu Grand Century Mall và Vietnam Town cũng không nhộn nhịp lắm. Không hội chợ,
chỉ thấy vài gian hàng bán trò chơi cho trẻ em và một sân khấu ca nhạc. Vắng tiếng
pháo nổ vang, chỉ lẹt đẹt tiếng pháo chuột ném xuống đất. Bên trong cũng không
đông khách như những cuối tuần bình thường.
Giữa
hai trung tâm thương mại là một khu trò chơi đỏ đen ngày tết, có đến hơn chục
bàn bầu cua, tài sỉu với rất đông người thử vận hên xui.
Nhiều
người Việt mê cờ bạc làm tan nát gia đình khiến sở xã hội quận hạt đã có những
chương trình giúp cai nghiện. Sòng bài không thiếu khách Việt và các chương
trình văn nghệ những năm qua, ngay cả Thuý Nga Paris By Night cũng tổ chức ở
Las Vegas hay Casino Pechanga để thu hút khách. Trên miền bắc California có
sòng bài Cache Creek, Thunder Valley và Granton thỉnh thoảng cũng có ca nhạc Việt.
Ở Mỹ
lâu, nhiều người khi có hiểu biết về thể thao bóng cà na cũng mê, rồi cá cược
các trận tranh tài. Với máu cờ bạc, ăn thua vài nghìn đô sau một trận đấu là
chuyện thường.
Trở
lại sân khấu nghe vang vang câu hát: “Em ơi có bao nhiêu, 90 năm cuộc đời…” Hát
xong, ca sĩ giải thích ngày nay chúng ta sống thọ đến tuổi 90 là bình thường,
anh gửi lời chúc tết đến mọi người sống lâu trăm tuổi.
Chụp hình kỷ niệm tại
hội chợ Tết Nhâm Dần ở Kelly Historical Park, San Jose
Chiều
về đến nhà, còn kịp xem trận đấu giữa 49ers và Rams. Khá gay cấn và phấn khởi,
hết hiệp ba, đội nhà đang thắng. Qua hiệp sau cùng thì 49ers không còn giữ sân
được nên thua Rams 17-20. Vậy là không khí vùng Vịnh San Francisco sẽ không sôi
động lên vì banh cà na trong ngày Super Bowl 13/2 tới đây.
Đêm
30 chúng tôi đi lễ giao thừa cầu nguyện cho năm mới được bình an. Nghe tiếng
pháo nổ rền vang mà lòng rộn ràng đón xuân sang, dù ngoài trời rất lạnh.
“Xuân đã đến
rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh, muôn loài chim hát vang mọi
nơi…”
Chúc
bạn đọc năm Nhâm Dần khoẻ như hổ.
Bùi Văn Phú
No comments:
Post a Comment