Thursday, 24 February 2022

DÂN CHỦ. . . NGHĨ GÌ? LÀM GÌ? (Hoàng Thủy Ngữ)

 



Dân chủ… Nghĩ gì? Làm gì?

Hoàng Thủy Ngữ

24/02/2022

https://baotiengdan.com/2022/02/24/dan-chu-nghi-gi-lam-gi/

 

Các hệ tư tưởng toàn trị có những đặc điểm chung: Tầm Nhìn Lớn (Big Vision) lấp lánh quyến rũ với những giải pháp chính trị, quy phạm pháp luật, xã hội, tôn giáo, đạo đức, do giới tinh hoa – một cá nhân hay một nhóm vài người – nghĩ ra và hoạch định, sau khi đã thu thập và phân tích thông tin. Giới chóp bu này có thể tự xưng là Đảng, Lãnh Tụ, Chủ Tịch, Tổng Bí Thư, Cha Già Dân Tộc, Nhà Tiên Tri, Giáo Chủ… hay bất cứ tước hiệu nào họ muốn.

 

Bọn họ, dù thuộc chủng tộc hay màu da nào, tất cả đều giống nhau: Luôn tự cho mình đúng, độc đoán, mê say quyền lực, tuyên truyền dối trá, thao túng, kiểm soát, chỉ huy, áp bức con người, sử dụng bạo lực, khủng bố, tra tấn bằng các phương pháp dã man nhất, tuyển chọn và nuôi dưỡng một đội ngũ công an mật vụ trung thành, sẵn sàng thanh toán các đối thủ chính trị, phá hủy không nương tay các cơ sở chính trị, sắc tộc hay tôn giáo. Tất cả mọi biện pháp và phương tiện được sử dụng cho những mục đích như vậy đều được coi là chính đáng và hợp pháp.

 

Chủ nghĩa toàn trị luôn dẫn đến sự độc tài. Nó đã xảy ra và tái diễn thường xuyên trong lịch sử thế giới cận và hiện đại.

 

Một số nhân vật và tổ chức điển hình:

 

Từ Lenin và Stalin (Liên Xô) đến Hitler (Đức), Mussolini (Italy) và Franco (Tây Ban Nha), Hoxha (Albania), Honecker và Ulbricht (Tây Đức), Ceausescu (Romania), Castro (Cuba), Kim II-Sung va Kim Jong-II (Bắc Hàn), Mao Trạch Đông (Trung Quốc), Pol Pot (Campuchia), Hồ Chí Minh (Việt Nam)…  rồi đến Khomeini (Iran), Gaddafi (Libya), Assad (Syria), Ahmadinejad (Iran), Tập Cận Bình (Trung Quốc), Putin (Nga), Kim Jong Un (Bắc Hàn)…

 

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, chúng ta còn biết đến Osama bin Laden, Al-Qaida, IS, Taliban, Boko Haram, al-Shabaab, Hamas và Hezbollah, Jemaah Islamiyah và một số tổ chức khủng bố quá khích khác, cuồng tín cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo, tự nguyện sẵn sàng làm bất cứ việc gì để đạt được mục đích, kể cả việc đánh bom tự sát, kéo theo cái chết của những thường dân vô tội.

 

Hiện nay, nhiều người vẫn bị những hệ tư tưởng có tính chất độc tài toàn trị và có công thức cho một xã hội “lý tưởng” mê hoặc. Trong thời kỳ khủng hoảng, người ta dễ áp dụng các giải pháp đơn giản và độc đoán. Những người thua cuộc hay kém hiểu biết rất dễ bị những kẻ mị dân dụ dỗ và tin mù quáng vào lời hứa hẹn tái lập những giá trị tốt hơn bằng một số biện pháp sửa đổi nhanh chóng của các chính trị gia. Nó mở đường cho đường lối độc tài. Nước Mỹ với cao trào dân túy dưới thời Donald Trump là một thực trạng chính trị và xã hội đáng hổ thẹn.

 

Chúng ta cũng không thể bỏ qua một thực tế là, các hệ tư tưởng độc tài toàn trị đang dần trở thành sự thay thế cho tôn giáo đối với nhiều người. Chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản lần lượt sụp đổ trong thế kỷ 20. Nhưng liệu liên minh các nước dân chủ phương Tây có thể đánh bại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong thế kỷ 21 hay không? Ngoài ra, nền dân chủ còn bị đe dọa do việc chủ nghĩa tân phát xít và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy.

 

Chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một hệ thống chính phủ ở Âu châu đã chấm dứt khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Ngày nay, nền kinh tế kế hoạch hay nền kinh tế chỉ huy đã ngừng hoạt động. Chủ nghĩa Cộng sản như một khái niệm đã hoàn toàn phá sản. Xã hội phi giai cấp đã trở thành ảo tưởng ở mọi quốc gia. Quyền sở hữu tư nhân tồn tại và tạo ra lợi nhuận mà các nhà dân chủ xã hội ngày nay luôn tìm cách phân phối sao cho hợp lý và đúng đắn nhất.

 

Chủ nghĩa phát xít là một phong trào chính trị, một hệ tư tưởng và một hệ thống chính trị phát triển ở Ý vào đầu thế kỷ 20…

 

Hệ tư tưởng phát xít dựa trên quan điểm quyền lực nhà nước là một thực thể độc tài, hữu cơ, trong đó cá nhân hoàn toàn chịu sự điều khiển của nhà nước và khối thịnh vượng chung. Chủ nghĩa phát xít bác bỏ dân chủ và chủ nghĩa tự do để ủng hộ lý tưởng về một nhà nước lãnh đạo và nhà lãnh đạo có quyền lực độc tài. Đồng thời, quản trị kinh tế là một trong những yếu tố then chốt – chủ nghĩa phát xít tự xưng là một hình thái quốc gia của chủ nghĩa xã hội… Người ta thường coi chủ nghĩa xã hội quốc gia Đức là một biến thể của chủ nghĩa phát xít, mặc dù, trên thực tế, chủ nghĩa xã hội quốc gia và chủ nghĩa phát xít Ý khác nhau ở một số khía cạnh.

 

Chủ nghĩa phát xít – cả cánh hữu lẫn cánh tả – đều bị tẩy chay, nhưng thỉnh thoảng vẫn thò đầu ra, dưới hình thức các nhóm bán quân sự hay những kẻ khủng bố đơn lẻ ở một số quốc gia. Nhóm Proud Boys ở Mỹ trong vụ tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021, hay Anders Behring Breivik trong vụ thảm sát ở Na Uy năm 2011 làm 77 người thiệt mạng, là hai trường hợp tiêu biểu.

 

Chủ nghĩa này ngày nay chỉ còn là phương pháp và kỹ thuật hơn là một hệ tư tưởng vững chắc.

 

Chủ nghĩa quốc xã, còn được biết đến là Chủ nghĩa xã hội quốc gia, là một hệ tư tưởng chính trị xuất hiện ở Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, song song với sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Ý.

 

Chủ nghĩa xã hội quốc gia dựa trên các trào lưu chính trị thịnh hành ở Áo và Đức vào khoảng năm 1900, đặc biệt là tư duy dân tộc chủ nghĩa cực đoan Völkisch.

 

Các điểm chính của hệ tư tưởng này là chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, dựa trên chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái cực đoan và không tin tưởng các hình thức chính phủ dân chủ.

 

Chủ nghĩa xã hội quốc gia chĩa mũi dùi vào tất cả các đường lối chính trị hàng đầu, kể cả chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa bảo thủ tư sản và chủ nghĩa hòa bình.

 

Ớ Âu châu hiện nay, chủ nghĩa quốc xã dưới hình thức có tổ chức chỉ là hiện tượng bên lề, không thống nhất về cơ cấu và sự lãnh đạo. Tuy nhiên, với các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội ngày càng gia tăng ở châu Âu, các nhóm như vậy cũng có thể có được sự thúc đẩy nhất định, đặc biệt nếu họ thành công trong các hoạt động xã hội như giúp đỡ thiết thực và phân phối lương thực cho người nghèo.

 

Nền dân chủ tự do đang bị đe dọa?

 

Trong lịch sử, nền dân chủ tự do đã vô cùng thành công. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989 và cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, cùng sự tan rã của Liên Bang Xô Viết năm 1991, nhiều người cho rằng, thế giới bước vào kỷ nguyên mới với sự toàn thắng của nền dân chủ tự do. Con người chưa bao giờ khỏe mạnh hơn, sung túc hơn hoặc sống lâu hơn. Phần lớn các thế hệ trẻ đã được sinh ra trong một thế giới an toàn. Một số nghiên cứu còn cho thấy, chúng ta cũng hạnh phúc hơn bao giờ hết.

 

Năm 1992, Francis Fukuyama, nhà khoa học chính trị lớn người Mỹ, cho xuất bản quyển triết học chính trị The End of History and the Last Man (Chung cuộc của lịch sử và người cuối cùng). Ông lập luận rằng, sau nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các ý thức hệ khác nhau, cuối cùng, nền dân chủ tự do là hình thức chính phủ duy nhất và tốt nhất cho tất cả các quốc gia.

 

Nhưng, trong thập niên vừa qua, sự bất ổn chính trị đã đe dọa các nền dân chủ tự do. Bên cạnh sự xung đột về ý tưởng, còn là sự hiểu biết về thực tế. Trong thế giới truyền thông thực tế mới, thông tin về những gì xảy ra chung quanh chúng ta thường rất trái ngược nhau. Phần lớn là những lời dối trá hay những diễn giải sai lạc.

 

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang tấn công khắp nơi, trên một số châu lục. Phía trước, nó có một hệ tư tưởng sống, phía sau nó là một đội ngũ trí thức hạng nặng, các đảng phái chính trị mạnh, nhiều chế độ và nhà nước giàu có. Dầu hỏa là vũ khí sống còn tối quan trọng. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) điều phối quyền lợi của 57 quốc gia thành viên. Hệ tư tưởng tôn giáo chính trị này, với những ý tưởng về quyền lực tối cao, và với chủ nghĩa thánh chiến hiếu chiến đậm nét bạo lực của chủ nghĩa phát xít, đang sinh sôi nảy nở trong cộng đồng người theo đạo Hồi.

 

Kỳ thị chủng tộc, không khoan dung và hận thù – thường nhắm vào các quốc gia Tây phương “suy đồi”, và đặc biệt là vào Israel và người Do Thái – là hệ quả của việc tẩy não thông qua hệ thống giáo dục và các phương tiện truyền thông đại chúng. Tất cả nhằm tác động tâm lý quần chúng Hồi giáo, khiến họ trở nên đố kỵ, căm phẫn rồi hành động cực đoan.

 

Với bầu không khí xã hội và văn hóa như vậy, một vài tia lửa nhỏ cũng đủ châm ngòi cho sự tức giận của các chiến binh. Kể từ ngày 11/09/2001, những vụ tấn công khủng bố Hồi giáo với kết cục chết người đã liên tục xảy ra trên khắp thế giới và cho tới nay vẫn chưa thấy dấu hiệu chấm dứt.

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà niềm tin vào các thể chế dân chủ bị suy giảm. Đây là cơ hội bằng vàng cho những kẻ mị dân tái lập hay củng cố nền độc tài. Các thế lực phi tự do ngày càng công khai lộ diện. Chủ nghĩa dân túy lan rộng khắp thế giới. Lòng người phân hóa. Mô hình dân chủ tự do trở thành trò cười cho các chế độ độc tài.

 

Văn hóa Tây phương với tính năng động và tự do đã khai sinh ra tư tưởng dân chủ. Nay tư tưởng này đang bị đẩy vào chân tường. Không khác với Hồi giáo cực đoan, văn hóa súng đạn kiểu Mỹ hiện cũng sử dụng khủng bố và bạo lực để bịt miệng tiếng nói của tự do.

 

Phải chăng nhân loại thường đã quá lạc quan?




No comments:

Post a Comment

View My Stats