Monday, 28 February 2022

ĐẰNG SAU CUỘC VẬN ĐỘNG ĐÓNG BĂNG NGOẠI TỆ Ở NƯỚC NGOÀI CỦA MOSCOW (Justin Ling - Politico)

 



Đằng sau cuộc vận đóng băng ngoại tệ ở nước ngoài của Moscow   

Justin Ling   -  Politico

DCVOnline dịch thuật

POSTED ON FEBRUARY 28, 2022

https://dcvonline.net/2022/02/28/dang-sau-cuoc-van-dong-bang-ngoai-te-o-nuoc-ngoai-cua-moscow/

 

Trước những lệnh trừng phạt mới nhất, Chrystia Freeland của Canada đã làm việc với đối tác ở Ukraine để chinh phục những người còn hoài nghi.

 

https://static.politico.com/dims4/default/aca2ff9/2147483647/strip/true/crop/1160x773+0+0/resize/1260x840!/quality/90/?url=https%3A%2F%2Fstatic.politico.com%2F2a%2Fdd%2F69c8ef114e79bc197396fd6a953c%2F220227-chrystia-freeland-ap-773.jpg

Sau khi lực lượng Nga vượt biên giới vào Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland tuyên bố “Phản ứng của Canada và đồng minh của chúng tôi sẽ nhanh chóng và nó sẽ nhức nhối.” | Adrian Wyld/The Canadian Press via AP

 

MONTREAL, Que. — Khi quân của Nga chuẩn bị tràn sang Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Canada bắt đầu cổ động việc ủng hộ cho một hành động có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga.

 

Một viên chức cao cấp của chính phủ Canada nói với điều kiện giấu tên cho biết, Chrystia Freeland, còn giữ chức vụ phó thủ tướng chính phủ, đã dành phần lớn thời gian trong tuần trước để “cổ xuý ý tưởng cấm vận ngân hàng trung ương.”

 

Bộ trưởng Tài chính bắt đầu thả nổi đề nghị đó vào hôm thứ Ba, vì những dự đoán về việc liệu việc tăng quân ở biên giới Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin  có phải là một ván bài tháu cáy hay không. Khi ý định của ông ta đã rõ ràng và cuộc xâm lăng đã bắt đầu một cách không thể tranh cãi, Freeland bắt tay làm việc để “xây dựng một số động lực” đằng sau việc nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương ở Moscow và tách chế độ Putin khỏi hàng tỷ USD ngoại tệ dự trữ.  Sau khi lực lượng của Putin vượt qua biên giới Ukrain, Freeland thề :

 

“Phản ứng của Canada và đồng minh của chúng tôi sẽ nhanh chóng và nó sẽ nhức nhối. Cuộc tấn công man rợ này không thể và sẽ không được phép thành công.” (CHRYSTIA FREELAND)

 

Freeland sinh tại Canada, và cha mẹ là người Ukraine — mẹ bà là người đã giúp soạn thảo hiến pháp Ukraine.

 

Trước tối thứ Bảy, giới lãnh đạo châu Âu đã đều đặn gia tăng những biện pháp trừng phạt nhưng vẫn do dự trong việc đưa ra những biện pháp có thể gây tổn thất ngoài dự định cho nền kinh tế của nước của họ. Theo The Wall Street Journal, trong khi đó Hoa Kỳ đã đưa ra hết lượt trừng phạt này đến lượt cấm vận khắc nghiệt khác — nhưng, trong lệnh cấm vận gần đây nhất vẫn khẳng định là họ đang cân nhắc, lựa chọn và sẽ quyết định vào đầu thứ Bảy.

 

Giới chức chính phủ Canada cho biết Trudeau và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thay mặt cho Kyiv vận động cho cái gọi là lựa chọn hạch tâm nhắm vào lĩnh vực ngân hàng của Nga.

Việc phương Tây tăng dần những hình phạt rõ ràng đã khích động những người ở Kyiv.

 

Vào thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đã kêu gọi phải gia tăng ngay lập tức những trừng phạt đó, ông viết trên Twitter: “Đây là thử thách ‘không bao giờ xảy ra nữa’ của bạn.

 

Giới chức chính phủ Canada cho biết Freeland đã thường xuyên liên lạc với chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy khi bà cố gắng “đạt được một sự đồng thuận” và đánh vào Điện Kremlin bằng những hình phạt mới và đáng kể.

 

Cuộc vận động này sẽ chặn khả năng thực hiện các giao dịch bằng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga, một hành động có thể đấm những cú liên hồi vào đồng rúp.

 

Moscow có khoảng 300 tỷ USD ngoại tệ lưu trữ trên khắp thế giới. Việc cắt đứt ngân hàng trung ương Nga với khoản tiền đó vì nó rất quan trọng trong việc nâng đồng rúp nếu nó mất giá nhiều hơn nữa.

 

Như kinh tế gia Adam Tooze đã viết trong bản tin của ông vào tháng Giêng:

 

“Dự trữ ngoại hối mang lại cho chế độ khả năng chịu đựng những lệnh trừng phạt nhắm vào phần còn lại của nền kinh tế. Chúng có thể được dùng để làm chậm lại sự mất giá của đồng rúp. Chúng cũng có thể được sử dụng để bù đắp bất kỳ sự sai lệch tiền tệ nào trên những bản quyết toán của khu vực tư nhân.” (Adam Tooze)

 

Việc khóa tay Điện Kremlin không cho chạm đến số tiền đó đòi hỏi có sự đồng thuận của cả châu Âu và Hoa Kỳ.

 

Mặc dù khó có thể nói liệu sự can thiệp của Ottawa có phải là động lực chính khiến cho đồng minh thay đổi ý kiến hay không — nhưng chắc chắn, áp lực trong nước và hình ảnh các cuộc chạm súng ở một thủ đô lớn của châu Âu có tác động đáng kể — viên chức chính phủ này cho biết Freeland đã đặc biệt vận động với Hoa Kỳ trong những ngày gần đây. Trước thông báo vào tối thứ Bảy, Tổng thống Joe Biden vẫn không lửng lơ với sự cần thiết của những biện pháp khắc nghiệt hơn đối với ngân hàng trung ương Nga.

 

Việc trừng phạt ngân hàng trung ương của Nga không được quan tâm nhiều như một cách trừng phạt quan trọng khác đối với Moscow đã được đề nghị: trục xuất ngân hàng này khỏi hệ thống SWIFT.

 

SWIFT là một hệ thống nhắn tin an toàn và đáng tin cậy cho phép các ngân hàng thành viên liên lạc bằng tin nhắn — chẳng hạn như chuyển tiền — giữa nhau. Nó được  khoảng 11.000 ngân hàng trên 200 quốc gia sử dụng.

 

Viên chức chính phủ Canada đó nói rằng Trudeau cũng ủng hộ đề nghị, do Johnson dẫn đầu, cắt Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. The Guardian đưa tin cho hay thủ tướng Anh và Canada đã đơn độc ủng hộ các hình phạt tài chính nghiêm khắc như vậy.

 

Hôm thứ Bảy, Freeland và Trudeau đã nói chuyện với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal để báo cáo về tiến độ xây dựng sự đồng thuận về những biện pháp chặt chẽ hơn.

 

Vào buổi tối, sự đồng thuận cuối cùng đã đến, khi các cuộc tấn công vào Kyiv gia tăng trong ba ngày liên tiếp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng EU sẽ ủng hộ “việc áp đặt các biện pháp hạn chế sẽ ngăn Ngân hàng Trung ương Nga có thể dùng đến dự trữ quốc tế theo những cách có thể làm giảm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của chúng tôi.

 

Von der Leyen cũng đã công bố kế hoạch để bảo đảm “một số ngân hàng nhất định của Nga bị loại bỏ khỏi hệ thống SWIFT.”

 

Thông báo hôm thứ Bảy, được Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh, Canada và Hoa Kỳ đồng ký kết, dường như là một sự thỏa hiệp — chỉ cắt một phần của nền kinh tế Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính.

 

Một báo cáo chính thức cho hay trong cuộc gọi với chủ tịch Ủy ban châu Âu sau quyết định, Trudeau và von der Leyen “ca ngợi sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương dẫn đến tuyên bố chung ngày hôm nay.”

 

Họ đồng ý rằng các biện pháp trừng phạt do Freeland báo trước có nghĩa là “thực thi các biện pháp hạn chế bổ túc chống lại các ngân hàng, công ty, giới chức chính phủ và giới tinh hoa của Nga.”

 

Việc đạt được sự đồng thuận của giới lãnh đạo châu Âu đã rất khó khăn. Nhiều nhân vật lãnh đạo châu Âu đã phản đối các biện pháp giới hạn khả năng bán hàng hóa xa xỉ của họ cho Nga, và lo sợ bất cứ điều gì có thể ngăn chặn các chuyến hàng đưa nhiên liệu vào châu Âu.

 

Viên chức chính phủ Canada cho biết Zelenskyy đặc biệt dựa vào Trudeau để được giúp đỡ và tư vấn trong cuộc khủng hoảng. Hai người đã thường xuyên nói chuyện trong những tuần gần đây.

 

Áp lực đang gia tăng ở Canada, quê hương thứ hai của cộng đồng người gốc Ukraine lớn nhất thế giới sau Nga, đòi phải làm nhiều hơn thế. Bộ trưởng Di sản Pablo Rodriguez đã tweet hôm thứ Bảy rằng ông đang xem xét việc loại bỏ kênh tuyên truyền RT (Nga Hôm nay) của chính phủ Nga khỏi băng tần phát sóng của Canada. Vào sáng Chủ nhật, Ottawa đã đóng không phận không cho phép tất cả máy bay Nga sử dụng. Đảng Bảo thủ đối lập  đang yêu cầu Ottawa thúc đẩy việc loại bỏ Nga khỏi G-20.

 

Trong lúc Canada tìm cách gia tăng áp lực, họ có những tài sản đáng kể do Nga làm chủ hoặc kiểm soát trong biên giới của chính mình mà họ có thể trừng phạt — một dữ kiện mà Freeland có thể biết rõ. Từ rất lâu trước khi bà đi vào chính trường, sau khi lấy bằng về lịch sử và văn học Nga tại Harvard, Freeland làm việc với Financial Times với tư cách là trưởng văn phòng Moscow. Ở đó, bà đã giúp xác định tình trạng tham nhũng trong tầng lớp tài phiệt của Nga, giúp bà có một cơ hội lớn khi phơi bày những sai phạm tại công ty dầu mỏ Sidanco.

 

Freeland tiếp tục viết cuốn “Cuộc bán xon của thế kỷ”, về việc bán tháo hàng loạt tài sản của Liên Xô sau khi Bức tường Berlin sụp đổ: Cựu đại sứ Canada tại Moscow Jeremy Kinsman viết trên tờ Policy, cuốn sách “vẫn là một cuốn sách phải đọc đối với những người trong chúng ta, những người vẫn còn quan tâm đến chuyện quái quỷ gì đã xảy ra với những ý định ngây thơ tốt nhất cho hành trình tương lai của Nga.”

 

Vào năm 2014, khi phương Tây áp dụng các hình phạt đối với Moscow vì cuộc xâm lăng Crimea và miền đông Ukraine, Freeland, khi đó chỉ là một dân biểu đối lập ở Quốc hội, đã bị trả đũa bằng lệnh cấm nhập cảnh Nga.

 

Người đã mách nước cho bà về Sidanco, Bill Browder, đã trở thành một trong những người chỉ trích Putin gay gắt nhất, vận động với những chính phủ trên toàn thế giới áp dụng các chế độ trừng phạt nhắm vào giới chức chính phủ tham nhũng. Browder bắt đầu cuộc thập tự chinh để vinh danh người bạn và cựu luật sư của mình, Sergei Magnitsky, đã chết trong một nhà tù ở Nga, kết quả của một vụ truy tố có động cơ chính trị.

 

Trong khi người tiền nhiệm của Freeland tỏ ra lạnh nhạt với cái gọi là Đạo luật Magnitsky, sau khi Freeland trở thành bộ trưởng ngoại giao của Canada, bà đã cố động cho đạo luật dể nó được toàn thể dân biểu Hạ viện thông qua.

 

Đạo luật cho phép Ottawa xử phạt bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với tham nhũng. Có rất nhiều tài sản ở Canada thuộc về một số người giàu nhất nước Nga — những người có thể không đồng lõa với tham nhũng, nhưng hưởng lợi nhờ nó trên cấp độ toàn quốc.

 

EVRAZ, một công ty thép lớn có trụ sở tại London, có năm nhà máy ở Canada — cơ xưởng Regina của nó là nhà máy sản xuất thép lớn nhất ở miền Tây Canada. Cổ đông lớn nhất của nó là Roman Abramovich, người, vì áp lực, đã tuyên bố hôm thứ Bảy rằng ông sẽ nhượng lại quyền kiểm soát câu lạc bộ bóng tròn Chelsea.

 

Buhler Industries, một nhà máy sản xuất nông cụ có trụ sở chính tại Winnipeg, đa số cổ phần thuộc về công ty nông nghiệp Nga Rostselmash. Vào tháng 9, Rostselmash đã trả 12 triệu đô la để mua lại cổ phần lớn của công ty Canada: theo hồ sơ của công ty, nó hiện làm chủ 97%. Hội đồng quản trị của Buhler gồm một số nhân vật lãnh đạo ngành kỹ nghệ của Nga, nhiều người trong số họ thẳng thừng ủng hộ chế độ của Putin. Ottawa đã xem xét xử phạt công ty vào năm 2014 nhưng không thực hiện.

 

Theo một báo cáo trên tờ Financial Post, trong khi đó, công ty sản xuất khí đốt tự nhiên có trụ sở tại Calgary, Spartan Delta Corp., gần đây đã bán lại một phần ba cổ phần cho nhà tài phiệt người Nga Igor Makarov — một tỷ phú khác cũng trong giới của Putin. Theo tin của tờ Finacial Post, tên của ông đã xuất hiện trong danh sách của Bộ Tài chính gồm những nhà tài phiệt lớn của Nga thân cận với Putin.

 

Thứ Năm, khi Freeland công bố bộ lệnh trừng phạt thứ hai của Canada, bà đã chuyển đi một tin nhắn từ một đồng nghiệp cũ. Chrystia Freeland nói :

 

“Một trong những người bạn Nga của tôi — một kinh tế gia người Nga thực sự làm việc trong chính phủ dưới thời [Boris] Yeltsin, nhưng cũng dưới thời Putin — đã gửi cho tôi một email sáng nay nói rằng nay ông ấy đã biết cảm giác như thế nào là một người Đức tốt vào năm 1939.”

 

Bộ trưởng tài chínhCanada cho biết mục đích của bà trong việc thúc đẩy những hình phạt kinh tế này để

 

“nhắm vào những người từng là bạn đồng hành của Putin. Những người có thể trở nên cực kỳ giàu có, tận hưởng mọi thú vui của phương Tây, của những nền dân chủ phương Tây, đồng thời hỗ trợ và tiếp tay cho Vladimir Putin.”  (Chrystia Freeland)

 

---------------

Tác giả | Justin Ling là một nhà báo điều tra tự do, viết về Quyền riêng tư, an ninh, chính sách đối ngoại, chính trị, luật pháp, quốc phòng và giao điểm của tất cả những chủ đề đó.

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: Behind the push to freeze Moscow’s foreign cash | Justin Ling | Politico | Feb 27, 2022.





No comments:

Post a Comment

View My Stats