Saturday, 14 March 2020

ĐỨC BỊ TỐ CÁO GIẤU DỊCH & CHIẾN LƯỢC CỦA ĐỨC ĐỐI PHÓ VỚI COVID-19 (Hiếu Bá Linh tổng hợp)




Dominik Straub  -  Der Tagesspiegel
Hiếu Bá Linh dịch
11/03/2020

Ít nhất có một điều hơi kỳ lạ: Ý đã đếm được 7.375 người nhiễm bệnh vào tối Chủ nhật 8-3 vừa qua, trong đó có 365 người chết. Tính ra tỷ lệ tử vong là gần 5% (chính xác là 4,96%), nghĩa là trung bình cứ 20 người nhiễm bệnh thì có 1 người chết.

Trong khi đó, Đức đã có tổng cộng 1139 trường hợp nhiễm bệnh vào trưa thứ Hai, nhưng cho đến nay chỉ có 2 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong tương ứng là chỉ gần 0,17%, nghĩa là trung bình cứ 600 người nhiễm bệnh thì có 1 người chết.

Như vậy, tỷ lệ tử vong do nhiễm corona ở Đức thấp hơn khoảng 30 lần so với Ý. Câu hỏi đặt ra là có phải vì sức khỏe người Đức tốt hơn người Ý chăng?

Sự khác biệt không thể là do tình trạng sức khỏe của người Ý và người Đức: Theo chỉ số sức khỏe của Bloomberg Global Health, người Ý sống khỏe mạnh hơn đáng kể so với người Đức.

Đây chính là những gì mà các nghị sĩ của đảng cực hữu Fratelli d’Italia (Anh Em Người Ý) thắc mắc và nữ Chủ tịch đảng Giorgia Meloni đã nêu vấn đề này ra trước Nghị viện EU tại Strasbourg.

Bà Giorgia Meloni, Chủ tịch đảng Fratelli d’Italia (Anh Em Người Ý). Photo Courtesy

Làm thế nào có thể ở quốc gia, nơi virus corona được phát hiện lần đầu tiên ở châu Âu, mà mọi người dân hầu như miễn dịch với hậu quả của virus?“, bà Giorgia Melon muốn Ủy ban EU giải thích.

Và các nghị sĩ đảng Fratelli d’Italia tự đưa ra câu trả lời: “Có một sự nghi ngờ rằng có nhiều người dân Đức nhiễm bệnh Covid-19 bị chết ở Đức, nhưng chính quyền Đức không biết – hoặc họ không nói ra“.

Các nghị sĩ của bà Meloni cũng chứng minh sự nghi ngờ mình với các số liệu từ Pháp và Tây Ban Nha, cho đến nay 2 nước này có tỷ lệ tử vong là khoảng 2%, tỷ lệ này vẫn cao hơn gấp 20 lần Đức.

Để xua tan nghi ngờ và để có được những thông tin về số người nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong ở các nước châu Âu mà có thể so sánh được, đảng Anh Em Người Ý đòi hỏi EU phải đưa ra tiêu chuẩn và quy trình thống nhất để xét nghiệm virus trong các trường hợp nghi ngờ và tử vong ở tất cả 27 quốc gia EU.

Có một điều chắc chắn, Ý là nước có số lượng người lớn nhất ở châu Âu đã được xét nghiệm virus corona, và kể từ khi dịch bệnh Covid 19 bắt đầu xuất hiện vào ngày 20 tháng 2, tất cả các trường hợp tử vong ở Ý đều được khám nghiệm pháp y.

Một phân tích về 104 trường hợp tử vong đầu tiên ở Ý cho thấy, hơn hai phần ba số người chết được khám nghiệm có ít nhất hai căn bệnh (mắc bệnh từ trước) nguy hiểm ít hoặc nhiều đến tính mạng. Nhiều người trong số họ chắc chắn sẽ không sống lâu, kể cả không bị nhiễm virus corona.

Những cái chết này cũng được tính trong thống kê trường hợp nhiễm virus của Ý. Ở các quốc gia khác, các trường hợp tử vong này có lẽ không được xét nghiệm virus corona.

Bản đồ thống kê sáng hôm nay 11-2 về tình hình dịch bệnh ở châu Âu. Con số tử vong ở Ý ngày càng cao. Hiện nay, tỷ lệ tử vong ở Ý cao gấp 44 lần Đức (so với con số trong bài báo trên: 30 lần hôm tối Chủ Nhật vừa qua). Photo Courtesy

--------------------------------------------

Hiếu Bá Linh, tổng hợp
14/03/2020

60% – 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona” – Ý nghĩa thật sự của phát biểu trên là gì?

Đó là phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo hôm 11-3 tại Berlin. Nhưng thật ra bà chỉ dẫn lời một chuyên gia Đức, Giáo sư Christian Drosten, phát biểu ngày 28.2.2020, lúc đó nước Đức chỉ có 68 ca nhiễm virus. Ông Drosten nói: “60% – 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona”.

Giáo sư Christian Drosten là một nhà virus học, Viện trưởng Viện virus học Charité – Đại học y khoa Berlin. Ông là một trong những người đồng phát hiện ra virus SARS, có liên quan mật thiết đến virus corona chủng mới hiện nay. Ông Drosten cũng là một trong những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, khi nói đến virus corona chủng mới.

Với phát biểu trên, Giáo sư Christian Drosten muốn nói đến khả năng “miễn dịch cộng đồng” tại nước Đức. “Miễn dịch cộng đồng” trong tiếng Đức là “Herdenimmunität” và trong tiếng Anh là “Herd Immunity”.

Theo khoa hoc, để có được “miễn dịch cộng đồng” thì trong cộng đồng cần phải có một số lượng người có khả năng kháng virus này (miễn dịch với nó).

Khi những người có khả năng kháng với bệnh này chiếm số lượng khá nhiều trong cộng đồng, thì số người này giống như những lá chắn có khả năng “cô lập” những người đang bị nhiễm bệnh trong cộng đồng và “bảo vệ” số ít những người còn lại trong cộng đồng có khả năng sẽ bị nhiễm.

Với tỉ lệ nhiễm của virus corona hiện nay được ước tính khoảng 2,28 (tức là tính trung bình, một người nhiễm virus có thể lây bệnh cho 2,28 người khác) thì cần khoảng 60% – 80% người trong cộng đồng có khả năng kháng virus này, hay nói cách khác là cần 60% – 80% người trong cộng đồng nhiễm virus này (vì theo nghiên cứu cho thấy người bị mắc bệnh cúm Vũ Hán sau khi khỏi bệnh sẽ miễn nhiễm với virus này).

Nói tóm lại, theo nhà virus học, Giáo sư Christian Drosten, đại dịch cúm Vũ Hán chỉ thật sự chấm dứt khi nước Đức đạt đến trạng thái “miễn dịch cộng đồng”. Chỉ có 2 cách để đạt đến trạng thái này:

1. Tiêm vaccine phòng ngừa cho người dân (nhưng hiện nay chưa có vaccine chủng ngừa virus Vũ Hán).

2. Cơ thể của phần lớn người dân (60% -70% dân số) tự tạo ra kháng thể chống lại virus này sau khi họ nhiễm bệnh và khỏi bệnh.

Vấn đề con số tử vong

Theo cái nhìn của các nhà khoa học, bệnh do virus corona nguy hiểm vì tính lây lan rất nhanh và là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện chưa có vaccine chủng ngừa và cũng chưa có phát đồ điều trị, nhưng nó chỉ là một loại bệnh cúm. Chẳng hạn như cúm mùa ở Đức, đến mùa lạnh là những người có sức đề kháng kém rất dễ nhiễm virus của cúm mùa, gây viêm phổi làm nhiều người chết hàng năm.

Theo ước tính của Viện Robert Koch (một cơ quan của Nhà nước Đức về các bệnh truyền nhiễm), mỗi năm có khoảng từ 4 đến 16 triệu người Đức bị nhiễm virus cúm mùa và con số tử vong có thể lên đến hàng chục ngàn người khi bị dịch cúm nặng, thí dụ đợt dịch cúm nặng mùa Đông năm 2017-2018, ước tính đã có 25.100 người chết ở Đức.

Điều đó có nghĩa rằng, bệnh do virus corona rồi đây cũng sẽ như những bệnh cúm khác, nó sẽ là một căn bệnh quen thuộc, người ta vẫn bị nhiễm và vẫn được điều trị đến khi khỏi bệnh nhưng không vì thế mà mất đi tính nguy hiểm của nó.

Hiện nay, nếu bị nhiễm virus Vũ Hán thì chưa chắc sẽ đổ bệnh nặng, 80% tự hồi phục mà không cần điều trị gì hoặc máy móc y khoa trợ sức, chính vì thế mà nước Đức để bệnh nhân (xét nghiệm dương tính với virus) cách ly ở nhà, hằng ngày có nhân viên y tế đến nhà chăm sóc. Biện pháp này cũng làm cho bệnh viện và nhân lực không bị quá tải, dành chỗ cho những trường hợp bị bệnh nặng.

Và cũng không phải ai đổ bệnh nặng là chết, đối với trẻ em và thanh niên (thuộc nhóm những người trẻ tuổi có sức đề kháng mạnh) cơ hội sống rất cao, trên 99%.

80% số ca tử vong là người trên 60 tuổi và đa số là người có bệnh lý nền (bệnh khác đã có sẵn trước khi nhiễm virus). Đây là nhóm người có tuổi tác xế chiều, tàn tạ, có sức đề kháng kém; hoặc cơ thể đã bị bệnh tật làm suy yếu từ trước, kể cả không bị nhiễm virus, họ cũng không còn có thể sống lâu.

Chiến lược trì hoãn, mua thời gian

Trở lại chuyện “miễn nhiễm cộng đồng“, dân số Đức hiện nay có 83 triệu người, thì 60% – 70% dân số là 50 – 58 triệu. Với tỉ lệ tử vong chung của Covid-19 là 2-3%, thì nước Đức sẽ có hàng triệu người chết” để tạo được “miễn nhiễm cộng đồng“.

Giáo sư Christian Drosten nhấn mạnh rằng, yếu tố thời gian có vai trò rất quan trọng trong vấn đề con số tử vong. Ông nói, nếu quá trình kéo dài nhiều năm thì con số người chết vì bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc một bệnh nào khác; hoặc chết một cách tự nhiên vì già lão, sẽ làm cho con số tử vong vì nhiễm virus nhỏ đi rất nhiều, sẽ bằng con số tử vong bình thường. Nói cách khác, số lượng người tử vong vì virus sẽ được rải đều theo dòng thời gian kéo dài vài năm, thay vì để nó xảy ra chỉ trong vòng 1 năm.

Thành ra, chiến lược của Đức là dùng các biện pháp cố gắng kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh để trì hoãn, mua thời gian.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã mô tả nhiệm vụ chính yếu trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh corona là kiềm chế sự lây lan của virus. “Chúng ta phải tranh thủ thời gian“, bà nói.

Hiện tại không có thuốc chữa trị và không có vắc-xin phòng ngừa. Và theo dự báo của các chuyên gia rằng 60 – 70 phần trăm dân số Đức sẽ bị nhiễm bệnh trong thời gian dài, điều quan trọng hơn hết là trì hoãn sự lây lan càng lâu càng tốt.

Cách thức trong cuộc chiến chống virus phải được xác định là không để cho hệ thống y tế bị quá tải.

Ảnh mô tả chiến lược mua thời gian của Đức

Chiến lược của Đức là dùng các biện pháp để kìm hãm tốc độ lây lan, như thế số người mắc bệnh được rải theo dòng thời gian kéo dài vài năm để tránh đỉnh của dịch lên cao quá ngưỡng, vượt quá mức khả năng của hệ thống y tế Đức. Tức là không có thời điểm nào số người mắc bệnh vượt quá khả năng của hệ thống y tế Đức. Nhờ đó mà người bị bệnh nặng có điều kiện được chữa trị chăm sóc đầy đủ, làm cho con số tử vong sẽ giảm bớt càng ít như có thể.

Cho đến nay (ngày 14-3) Đức đã thành công trong việc giảm tối đa con số tử vong: chỉ có 8 ca tử vong trong tổng số hơn 3.000 ca nhiễm. Chính con số tử vong quá ít này đã làm cho người Ý nghi ngờ Đức giấu giếm con số thật.

Những gì chúng ta làm không phải là không quan trọng. Không phải là vô ích. Không phải là uổng công“, bà Merkel nói.

Đó là việc bảo vệ người già và những người có sẵn bệnh khác từ trước, mà sự nhiễm bệnh dịch COVID-19 của họ có thể có diễn biến nghiêm trọng hơn.

Mức độ của cuộc khủng hoảng dịch virus corona vẫn chưa thể lường trước được, bà Merkel cảnh báo. Vẫn chưa biết thật sự những gì sẽ xảy ra trong quá trình đi tới “miễn nhiễm cộng đồng“.

So với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, điều này có giá trị: “Chúng ta vẫn phải hành động với nhiều điều chưa biết, nhờ vậy mà tình hình đã khác“. Thủ tướng Merkel nói.

Nguồn:









No comments:

Post a Comment

View My Stats