30/03/2020
LTS: Bài viết của tác giả Tri Luong, là một nghiên cứu sinh tại trường ĐH Mỹ
Winona State University, đưa ra một góc nhìn về nước Mỹ. Những điều tác giả nói
về cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như tình hình chính trị ở Mỹ trong vài
năm qua, là khá chính xác. Dĩ nhiên, cái nhìn của tác giả không thể nào phản
ánh đầy đủ những gì đang diễn ra ở Mỹ, nhất là trong một bài viết chỉ gói gọn
chưa tới 3.000 từ.
Đơn cử như chuyện bảo hiểm y tế ở Mỹ, tác giả phản
ánh đúng phần nào, tuy nhiên, chỉ ở góc cạnh những người không nhiều tiền, mua
bảo hiểm HMO (Health Maintenance Organization). Còn những người có tiền chi trả
cho bảo hiểm PPO (Preferred Provider Organization), bệnh nhân không cần phải mất
nhiều thời gian chữa trị như mô tả trong bài.
Nhưng không phải ở Mỹ, ai cũng có tiền để xài bảo hiểm
PPO. Tóm lại là, tác giả phản ánh đúng vấn đề bảo hiểm y tế ở Mỹ, cũng như của
một số nước khác: Phục vụ người giàu. Kính mời quý độc giả bổ sung thêm ý kiến.
____
30-3-2020
Mình chưa bao giờ thật sự chú ý về chính trị của Mỹ
nhưng cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 dường như đã thay đổi điều này. Chiến thắng của
Trump như một gáo nước lạnh vào toàn bộ hệ thống chính trị của Hoa Kỳ và dường
như nó cũng bắt đầu đưa Mỹ vào một thời kỳ phân hoá rõ rệt trong tư tưởng chính
trị của người Mỹ trong mọi sắc tộc.
Thật sự mà nói, mình cũng không ngờ là Trump lại có
thể thắng và luôn hỏi tại sao lại có thể như vậy. Trong thâm tâm mình nghĩ
Trump không thể thắng vì ông thiếu mọi phẩm hạnh (từ ngữ, hành xử, thái độ, học
vấn) để làm một người lãnh đạo. Nhưng rồi dần mình cũng hiểu được tại sao
Trump lại thắng.
Thứ
nhất, đối với những người Mỹ có học vấn không cao, từ ngữ
Trump dùng để nói chuyện rất đơn giản, gần gũi chứ không như những nhà chính trị
biết cách nói chuyện một cách bóng bảy và khó hiểu. Vô tình điều này làm Trump
trở nên rất gần gũi với những người Mỹ trong giai cấp này.
Thứ
hai, có rất nhiều người có học vấn cao nhưng vẫn ủng hộ
Trump thì theo như tìm hiểu, mình được biết như thế này: Họ ủng hộ Trump vì
trong mắt họ, Trump không thật sự đại diện cho cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà.
Những người có học thức cao này từ lâu đã nhận ra rằng,
cả hai đảng đã không còn vì dân nữa nên họ quyết định bầu cho Trump (mặc dù
không thích Trump) như một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả hai đảng Dân Chủ và Cộng
Hoà, rằng nếu còn đi quá xa với lợi ích của dân Mỹ, thì dân Mỹ sẽ phản hồi bằng
lá phiếu của họ và đưa một người ngoài vào làm tổng thống.
Tuy nhiên, việc đưa Trump lên làm tổng thống lại dẫn
đến những hệ lụy mà chắc có lẽ không ai có thể nhìn trước được. Một điều rõ
ràng nhất là sự chia rẽ trong người dân Mỹ giữa For-Trump and Anti-Trump. Vì cách nói chuyện của Trump
đã một lần nữa khơi dậy sự phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ.
Lúc Trump thắng cử thì mình đang là một trợ giảng
viên của một trường đại học. Đã có 3-4 học sinh người Mỹ gốc Mễ khóc lóc đến gặp
mình để xin được không đến lớp vì họ bị học sinh Mỹ trắng nói họ hãy biến khỏi
nước Mỹ của họ vì họ không muốn chứa chấp những kẻ buôn lậu thuốc, hãm hiếp và
ăn bám (như lời Trump đã nói). Thật sự lúc đó mình cảm thấy lẫn lộn giữa nhiều
cảm xúc: bất ngờ, buồn bã và phẫn nộ.
Nhưng có lẽ
điều làm mình bất ngờ nhất là sự ủng hộ của cộng đồng Việt Nam cho tổng thống
Trump. Điều đáng buồn là cách hành xử của những người Việt
ủng hộ Trump lại không đại diện cho cách hành xử của Đảng Cộng Hoà.
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy qua cách ăn nói của họ
là họ đã không còn khả năng suy nghĩ thấu đáo nữa. Định kiến của họ cho Đảng
Dân Chủ có lẽ là kết quả của việc mất miền nam VN vào năm 1975 là do đảng Dân
Chủ theo chủ nghĩa chấm dứt chiến tranh VN vì phí tổn quá lớn và làm ảnh hưởng
nặng nề đến đời sống của dân Mỹ.
Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy những người Việt Nam theo
Cộng Hòa phần lớn là từ thế hệ thứ nhất qua Mỹ sau chiến tranh VN, hoặc những
người không rành tiếng Anh. Điều đáng buồn là những người Việt Nam này có thể bị
xem như là thành phần cực đoan đi theo đảng Cộng Hoà.
Vì là cực đoan nên sẽ không có bất kì lí lẽ hay bằng
chứng gì có thể lay chuyển định kiến của họ được. Họ cũng không nhận ra được những
điều sai mà đảng Cộng Hoà đã và đang làm cho nước Mỹ. Nếu có bất kì ai dám
thách thức tư tưởng chính trị của họ thì sẽ lập tức bị họ lăng mạ. Điều này rất
nguy hiểm trong chính trị vì nó không đóng góp bất cứ điều gì mà ngược lại còn
tạo thêm sự thù hận trong cộng đồng và cuối cùng sẽ dẫn đến một nền chính trị độc
tài như đảng Nazi của Hitler hoặc chế độ độc đảng của cộng sản.
Điều mỉa mai rằng, những ngừơi VN cực đoan theo Cộng
Hòa và ủng hộ Trump này đang hành xử như một quốc gia Cộng Sản, nơi mà mọi ý kiến
trái chiều với họ sẽ bị xem là kẻ thù và lăng mạ. Họ muốn đảng Dân Chủ bị giải
thể mà không nhận ra rằng như thế là đưa nước Mỹ đi vào thể chế độc đảng, điều
mà họ cũng cực kì ghét mà lại không nhìn ra.
Ở đây mình không bào chữa cho đảng Dân Chủ vì mình
cũng không thích rất nhiều điều mà đảng Dân Chủ đã và đang làm, đặc biệt là
trong kì tranh cử tổng thống 2020 này. Lý do là vì mình ủng hộ một ứng cử viên
tổng thống của đảng Dân Chủ là ông Andrew Yang nhưng bị đảng Dân Chủ chơi xấu với
thủ đoạn hèn hạ nên đã không còn tranh cử nữa.
Mình thấy rằng một công dân Mỹ nên có một cái nhìn
khách quan về cả hai đảng và tự suy nghĩ để lựa chọn tuỳ theo những gì mà đảng
đó có thể làm cho đất nước một cách thích hợp nhất tùy vào thời điểm. Làm như vậy
thì cả hai đảng phái mới thật sự là vì dân chứ không phải vì đảng.
Đã có rất nhiều lần mình cũng muốn cãi lại với những
người VN theo đảng Cộng Hòa kia, nhưng rồi suy nghĩ và không làm. Không phải vì
mình sợ họ (mình dư sức tìm mọi tài liệu tiếng Anh về những gì đảng Cộng Hòa
đã làm hại nước Mỹ) nhưng vì họ đã là cực đoan thì không có bất kì lí lẽ gì
có thể nói chuyện với họ. Phí công và phí thời gian.
Việc nước Mỹ
hiện nay đã bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 thì trách nhiệm sai trái của
đương kim tổng thống Trump là không thể phủ nhận. Ông đã biết dịch bệnh này từ tháng 12/2019, nhưng lại xem thường nó, để
rồi dẫn đến tình trạng chính trị và xã hội như ngày hôm nay.
Thế nhưng đáng buồn là cộng đồng người Việt ủng hộ
Trump lại không có một cái nhìn khách quan về chuyện này. Trong tâm trí họ,
Trump như một vị thần không bao giờ làm điều gì sai và sẵn sàng lăng mạ những
ai phê bình tổng thống của họ. Có lẽ đỉnh điểm gần đây là việc Mẹ Nấm phê bình
Trump trong đại dịch Covid-19 này.
Khách quan mà nói, mẹ Nấm nói không sai về việc nước
Mỹ không thật sự vĩ đại như mọi người nghĩ. Mình đã sống ở Mỹ gần 20 năm, không
dám nói là hiểu hết nhưng cũng hiểu không ít sự thật về sự giàu sang của nước Mỹ.
Mỗi một công dân Mỹ sẽ có một định nghĩa khác nhau như thế nào gọi là “vĩ đại”.
Tất nhiên, so với nhiều quốc gia khác, nước Mỹ chắc chắn sẽ tuyệt vời hơn, nhưng
theo quan điểm cá nhân của mình, con đường đi đến sự vĩ đại vẫn còn xa lắm.
Thứ
nhất, nước Mỹ có dư thừa thức ăn nhưng phần lớn là thức
ăn công nghiệp nên sự béo phì và những bệnh liên quan đến béo phì thì nước Mỹ lại
đứng top trên thế giới. Hệ thống kỹ thuật y tế của Mỹ là đứng đầu thế giới và
điều này là không phải bàn cãi. Thật vậy, bất cứ ai mang bệnh hiểm nghèo nào
thì cơ hội sống của họ sẽ cao hơn khi được chữa trị tại Mỹ. Tuy nhiên, điểm chết
người là chi phí điều trị rất cao, dẫn đến hơn 80% dân Mỹ không hưởng được kỹ
thuật y tế hiện đại này. Tóm lại, kỹ thuật y tế cao nhưng nếu dân Mỹ không hưởng
được thì cũng gần như vô dụng.
Tiếp theo là hệ thống bảo hiểm y tế của Mỹ được đa số
dân Mỹ đồng ý là tệ nhất trên thế giới vì quá phức tạp và mất thời gian. Lấy ví
dụ: nếu bạn muốn được chữa trị cho một chứng bệnh nào đó thì phải lấy hẹn với
bác sĩ gia đình trước và có thể sẽ phải đợi khá lâu. Khi gặp được rồi thì bác
sĩ gia đình mới lấy referral để bạn gặp được bác sĩ chuyên khoa. Để lấy hẹn gặp
bác sĩ chuyên khoa thì cũng sẽ lại mất thêm một thời gian nữa. Gặp được bác sĩ
chuyên khoa rồi thì mới đưa ra phương pháp điều trị. Sau đó chi phí điều trị sẽ
phải được gửi đến bảo hiểm của bạn để bảo đảm rằng bạn được chấp thuận. Sau đó
bảo hiểm sẽ gọi lại báo cho văn phòng bác sĩ. Nếu được chấp thuận thì bạn mới
được lấy hẹn cho việc điều trị.
Nên nhớ rằng, đã có rất nhiều bệnh nhân, do thời
gian chờ đợi để được điều trị quá lâu nên dẫn đến việc bệnh tình phát triển nặng
hơn và chi phí điều trị lại tốn kém và mất thời gian nhiều hơn nữa.
Mặt khác, cách tính viện phí của Mỹ là vô cùng nguy
hiểm cho bệnh nhân. Luật pháp ở Mỹ không quản lí chi phí cho dịch vụ bệnh viện
và thuốc men nên mỗi bệnh viện hoàn toàn được tùy tiện đưa ra giá tiền tuỳ ý. Lấy
ví dụ, bạn đi làm một xét nghiệm kiểm tra máu bình thường, khả năng là bạn sẽ
phải trả từ $0 đến $1000 là hoàn toàn có, tùy vào nơi làm xét nghiệm.
Nếu bạn hiểu rõ mọi mặt trái trong viện phí của
ngành y tại Mỹ thì bạn có thể đối chất với bệnh viện để giảm tiền cho bạn xuống
từ 60%-95% hoặc ngay cả không trả đồng nào. Nhưng nếu bạn không hiểu thì xin
chia buồn, bạn phải trả tiền viện phí rất nặng, mặc dù bảo hiểm của bạn đã chi
trả phần nào.
Tiền thuốc men cũng vậy. Lấy ví dụ thuốc Insulin cho
ngươì bị tiểu đường, chi phí làm ra insulin là rẻ mạt. Tuy nhiên, ở Canada và
những nước khác thì một bình insulin dùng cho 3 tháng là khoảng $20-$30 nhưng ở
Mỹ là $400-$600. Nếu bạn dám mang insulin từ nước ngoài vào sẽ bị trọng tội. Do
vậy, nhiều người Mỹ bị bệnh tiểu đường phải liều mạng mua insulin ở chợ đen vì
giá rẻ hơn. Điều đáng buồn là nếu họ mua phải thuốc giả thì khả năng bị mất mạng
là rất cao nhưng họ không có sự lựa chọn.
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại nếu mỗi học sinh ra trường
là phải đeo một món nợ rất lớn do học phí càng ngày càng tăng?
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại khi tương lai học vấn của
học sinh highschool Mỹ lại bị định đoạt chỉ qua điểm số của bài kiểm tra quốc
gia SAT/ACT? SAT không thật sự phản ánh trung thực khả năng hiểu biết của học
sinh và bài SAT được tạo ra trong thời kì Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ
2 để xem xét ai là người bị đưa ra tiền tuyến.
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại nếu tỉ lệ tuổi thọ của dân
Mỹ giảm liên tục trong 3 năm liền? Bạn nên biết rằng, lần cuối tỉ lệ tuổi thọ
giảm là vào năm 1918 của Spanish Flu.
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại nếu đa số dân Mỹ phải đi
làm từ 2-3 jobs chỉ để đủ chi phí chi trả cho cuộc sống?
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại khi đa phần người dân Mỹ
không có khả năng trả một khoảng tiền $500 nếu có gì đó bất ngờ xảy ra trong
sinh hoạt hằng ngày?
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại khi nhiều người Mỹ bị mất
mạng không phải do chiến tranh mà là vì xả súng ngay tại trường học? Tại sao học
sinh Mỹ, những tương lai của một quốc gia, đi đến trường mà lại phải lo sợ cho
mạng sống?
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại khi chi phí sinh hoạt càng
ngày càng tăng mà tiền lương căn bản thì gần như rất ít?
Nước Mỹ có thật sự vĩ đại khi một người phụ nữ khi
xin nghỉ làm để chuẩn bị sinh con thì không được lãnh tiền maternity leave? Bạn
nên nhớ rằng trên thế giới, chỉ còn Mỹ và Papua New Guinea là hai quốc gia duy
nhất không hỗ trợ tiền khi người phụ nữ phải xin nghỉ làm cho việc sanh nở.
Tất cả những điều kể trên chỉ là một phần nhỏ trong
nhiều vấn nạn của nước Mỹ. Tuy nhiên, những điều này lại vô cùng quan trọng
trong đời sống của mỗi người Mỹ.
Lại nghĩ về cuộc tranh cử tổng thống 2016 giữa
Hilary Clinton và Donald Trump, trong một cuộc tranh luận của hai ứng cử viên
này, Trump thì dùng slogan “Make America Great Again” thì Hilary Clinton lại trả
lời rằng “America’s already great” và kết quả là ai thắng thì chúng ta đã biết.
Lại nói về những người ủng hộ Trump với lý do là nếu
bạn không thích Trump thì bạn không thích nước Mỹ, vậy thì bạn có thể đi ra khỏi
nước Mỹ. Đây là một lý luận vô cùng phi lí.
Thứ
nhất, nếu những người ủng hộ Trump (và ghét đảng Dân Chủ)
và sống theo lý luận đó thì họ có rời khỏi nước Mỹ trong thời kỳ đương nhiệm 8
năm của Obama hay không? Vậy còn những người Mỹ trắng chống Trump thì họ cũng
có phải rời nước Mỹ và họ sẽ đi đâu?
Thứ
hai là đánh đồng Donald Trump và nước Mỹ là một. Bạn chống
lại Trump cũng có nghĩa là bạn chống lại nước Mỹ? Điều này vô lý vì Trump chỉ
là tổng thống (public servant) cho nhánh hành pháp, một trong 3 nhánh công quyền
của chính trị Mỹ. Thứ
duy nhất đứng đầu toàn nước Mỹ là hiến pháp của Mỹ: The Constitution is the
supreme law of the land. Cho nên, tôi không ủng hộ Trump hoàn toàn
không có nghĩa là tôi chống lại nước Mỹ vì tổng thống Trump không phải hiện
thân của Hoa Kỳ mà chỉ là một công dân của Mỹ như những công dân Mỹ khác mà
thôi.
Thứ
ba, những người Việt Nam có khả năng tiếng Anh tốt,
khi bạn trích dẫn bất kỳ bài viết chính trị nào từ tiếng Anh, xin đừng chỉ đăng
những tin tức phê bình nào mà không đưa ra lý do giải thích. Xin đừng dùng thủ
đoạn không công bằng để định hướng những ngừơi Việt Nam khác không rành tiếng
Anh theo ý muốn chính trị của bạn. Tốt nhất là nên trích những bình luận chính
trị từ những neutral media (giống như The Hill) để được công tâm.
Người khác khi đọc vào sẽ tự lập ra định hướng chính trị của riêng họ. Như thế
là công bằng.
Cuối cùng, khi tôi nói nước Mỹ không vĩ đại không có
nghĩ là tôi không yêu quốc gia này. Thật ra, vì tôi yêu quốc gia này nên tôi
yêu những giá trị của Mỹ (the Constitution) và dám khẳng khái phê bình những yếu
kém của Mỹ. Như thế thì tôi mới có lý do để phấn đấu giải quyết những yếu kém
đó và đưa nước Mỹ gần hơn với sự vĩ đại như mong muốn.
Lời
kết: Nước Mỹ là một quốc gia đa đảng và tôn trọng ý kiến
cá nhân. Mỗi cá nhân mang chính kiến khác nhau nên việc bất đồng chính kiến, đặc
biệt là trong chính trị là việc không thể tránh khỏi. Nhưng chúng ta là xã hội
tiến bộ nên chúng ta, dù bất đồng thì vẫn nên tranh luận với lý lẽ trong sự tôn
trọng lẫn nhau giữa con người với con người. Chỉ có những cá nhân độc đoán mới
mạ lị và đe doạ những người bất đồng quan điểm với họ.
Chỉ là một chút tâm tình về nước Mỹ. Nếu có lời lẽ
nào không hợp ý, xin nhắc nhở và rộng lượng bỏ qua. Xin cảm ơn.
No comments:
Post a Comment