Nhã Duy
27/03/2020
Theo sau MC Nguyễn Ngọc Ngạn, blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh trở thành người của công chúng bị chỉ trích, bị tấn công, qua
các phát biểu trên trang mạng xã hội của họ. Cả hai người, MC Nguyễn Ngọc Ngạn
và nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nói sai điều gì?
Năm ngoái, trong một chương trình ca nhạc tại Đức,
MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã đưa số liệu trong một bài báo đăng ngày 29/9/2019, trích
từ cơ quan di trú Canada của đài CBC – một cơ quan truyền thông quốc gia, có uy
tín của Canada – rằng đã có gần 50 ngàn người đến Mỹ rồi vượt biên giới, xin tị
nạn tại Canada và Mỹ đang có chính sách khó khăn hơn với những người chưa là
công dân Hoa Kỳ.
Cho dù ông Ngạn chỉ nhắc con số 50 ngàn người mà
không hề chỉ trích trực tiếp bất cứ ai, cũng như lời nói cá nhân của ông tại một
chương trình văn nghệ nhỏ, không phải thu hình trực tiếp, quảng bá đến hàng triệu
người Việt, nhưng cộng
đồng mạng người Việt cho rằng, ông đã “bịa đặt” hay “tấn công” tổng thống Mỹ,
là người mà họ đang ủng hộ. Chiến dịch tấn công rầm rộ và lan rộng, dù nhất thời, nhưng
cho thấy một cuộc “lên đồng tập thể” của một số người trong cộng đồng gốc Việt
đã diễn ra như thế nào.
Câu chuyện lặp lại với blogger Mẹ Nấm hiện nay, sau
bài viết trên trang Facebook của cô vài ngày trước.
Câu nói khá phổ biến tại Mỹ và trên thế giới, như “dịch
bệnh thì tin vào chuyên gia, bác sĩ, đừng tin lãnh đạo” (*) hay
“nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người đang nghĩ“, là những câu nói rất
bình thường, có thể nghe từ miệng của nhiều người Mỹ thốt ra, nhưng nó đã làm
cho một số người Việt, hay người Mỹ gốc Việt, tức giận. Đơn giản là vì, dù
không trực tiếp, nhưng cô đã đụng chạm đến tổng thống của họ.
Cuộc “lên đồng tập thể” lần này diễn ra với cường độ
dữ dội, hơn cả khi nó diễn ra trước đó với MC Nguyễn Ngọc Ngạn, thậm chí có ai
đó đã khởi động kiến nghị, thu thập chữ ký trên trang change.org để chống lại cô
Quỳnh. Những ý kiến thẳng thắn, bộc trực của cô
dù không có gì sai, nhưng cô bị tấn công dữ dội, bởi cô đã dám đụng vào thần tượng của họ.
***
Trở lại chuyện nước Mỹ, dù Hoa Kỳ đã thành lập ban đặc
nhiệm chống dịch bệnh quốc gia, trong các cuộc họp báo vừa qua, TT Donald Trump
là người đứng ra tuyên bố và trả lời một số câu hỏi chuyên môn mà lẽ ra phải từ
các nhà chuyên môn. Thậm chí những điều ông Trump nói, trái ngược với giới
chuyên môn, như ý kiến của bác sĩ Anthony Fauci, là người đứng đầu Viện Bệnh Dị
ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, đã dẫn dắt nước Mỹ chống lại dịch bệnh trong
vài thập niên qua, từ tổng thống Reagan cho đến nay. Bác sĩ Fauci đã thẳng thắn phản bác lại ý kiến của TT Trump,
ngay tại buổi họp báo, cũng như trong những lần trả lời phỏng vấn các cơ quan
truyền thông.
“I feel” – Tôi có cảm giác… là lời ông Trump thường
lặp lại trong các cuộc họp báo. Khoa học hay y học nói riêng, không có chỗ cho
trực giác, mà cần sự chính xác, chắc chắn. Thăm dò của NPR /PBS New Hours cho thấy, có đến 60% người
được thăm dò không tin vào lời tổng thống nói về dịch bệnh, mà họ chỉ tin vào
giới chức y tế với tỉ lệ 84%.
Điều đó có thể thấy, nhận xét của cô Quỳnh, “dịch
bệnh thì nghe lời bác sĩ, không nghe lời lãnh đạo” hay bất cứ người nào
khác. Điều này không có gì sai trong bất cứ xã hội nào và nó cũng tương tự như
suy nghĩ của bao nhiêu dân Mỹ qua thăm dò nói trên. Người bệnh đến gặp bác
sĩ, bệnh viện, không ai đến công sở hay gặp lãnh đạo để tham vấn hay được chữa
trị.
Về hiện trạng dịch bệnh, rõ ràng là nước Mỹ cũng “chẳng
vĩ đại” gì hơn các quốc gia khác. Cũng hoảng hốt, cũng thiếu thốn phương tiện,
các doanh nghiệp bị đóng cửa và sa thải nhân viên, kinh tế nguy cấp. Thị trường
Mỹ chứng khoán nhiều ngày rơi tự do, phải “cắt cầu dao“, tạm ngừng giao dịch, hơn một tháng qua
đã mất nhiều ngàn tỉ đồng. Dù Mỹ có gần hai tháng chuẩn bị trước các nước khác,
nhưng đến hôm nay, số người được xác nhận bị nhiễm coronavirus ở Mỹ đã dẫn đầu
thế giới và chắc chắn còn lên cao trong những ngày tới.
Vậy
tại sao người ta chống Nguyễn Ngọc Như Quỳnh? Đơn giản vì cô nói lên suy nghĩ
của cô về hiện tình dịch bệnh trái ngược với lãnh tụ của họ. Hơn nữa,
cô là người được công chúng biết đến, lời nói của cô được phát tán rộng rãi,
không giống như sự tin tưởng, sùng bái của một số người Việt. Họ chống cô với lời
lẽ cay độc, họ xem cô như kẻ thù và kêu gọi Mỹ trục xuất về VN, giống như cuộc
đấu tố của đảng dành cho “kẻ thù giai cấp”.
Như Quỳnh đã đối diện với ngục tù tàn khốc của cộng
sản ở trong nước nhưng cô đã vượt qua. Tôi tin rằng, cô có đủ bản lĩnh để vượt
lên đám đông muốn trừ khử cô ngoài kia. Chắc chắn cô không đơn độc khi còn có
những người Việt công chính đang ủng hộ cô.
Nước Mỹ vĩ đại bởi đã từng gặp thử thách, khó khăn
như bao nhiêu quốc gia khác nhưng dưới sự dẫn dắt của những lãnh đạo tài ba, họ
đã hợp lực, đoàn kết với người dân, để đưa nó trở lại mạnh mẽ hơn. Nước Mỹ
không vĩ đại vì sự chia rẽ, kích động hận thù và trấn áp quyền biểu đạt của người
khác.
Tiểu thuyết gia George Orwell từng viết: “Nếu tự
do có nghĩa là bất cứ điều gì, thì nó có nghĩa là quyền được nói điều mà người
khác không muốn nghe“. Ở đây, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
– chỉ nói lên sự thật, dù sự thật đó không phải ai cũng sẵn sàng lắng nghe.
Tuy nhiên, cô Quỳnh đến Mỹ không phải để bị bịt miệng,
bởi ở trong nước CSVN cũng không thể bịt miệng được cô, thì không lý nào cô có
thể bị bịt miệng dễ dàng ngay trên đất nước mà quyền tự do ngôn luận đã được tu
chính án số một của Hiến pháp Mỹ bảo vệ.
____
(*) Ngày 21/3, nhà báo Dan Spinelli cũng đã có bài viết trên báo Mother
Jones: Làm ơn nghe lời khuyên từ bác sĩ của bạn, đừng nghe lời tổng
thống.
No comments:
Post a Comment