Phạm Văn Tình (Văn
Học Sài Gòn)
25/03/2020
Khoảng
gần nửa đêm ngày 6.3.2020, vào mạng, nhất là Facebook, tôi giật mình nhìn thấy
quá nhiều chữ “toang” xuất hiện khắp nơi. Tuy tần số không nhiều lắm, nhưng
cũng đủ đem lại sự kinh hoàng của cộng đồng: Lãnh đạo TP Hà Nội vừa họp khẩn
trong đêm về một tin rất “nóng”.
Các cơ quan y tế vừa mới phát hiện ra một trường hợp
dương tính với Covid-19 từ một cô gái 26 tuổi, ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình,
Hà Nội, vừa đi du lịch từ Italy (sau khi thăm người nhà tại London – Anh) về nước
ngày 2.3.2020.
“Ôi toang, toang thật rồi bà con ơi!”; “Toang, thế
là hết!”; “Còn chi nữa mà mong với đợi: Toang lan đến tận Thủ đô” v.v… Tôi lại
vào Google gõ thử từ này. Chỉ trong 0,39 giây đã cho ra 3.050.000 kết quả. Từ
“toang” đang làm tê liệt mọi suy nghĩ lạc quan nhất về chiến dịch phòng chống đại
dịch “corona”, “nCoV”, “Covid-19” hay “sô cô la” (theo cách nói vui của Phó Thủ
tướng Vũ Đức Đam).
Lần tìm trong lịch sử, ta thấy gần đây, “toang” đã
trở nên một “hot” trong giao tiếp của giới trẻ tiếng Việt.
“Toang” là một từ lóng, ám chỉ sự đổ vỡ, sự mất mát,
sự hủy bỏ một kế hoạch nào đó hay kết thúc của một quá trình nào đó (hủy một trận
bóng phủi, hủy một cuộc nhậu, hủy một cuộc đi chơi… chẳng hạn).
Tranh minh họa: Báo Tuổi Trẻ
Đặc biệt, “toang” có mặt trong một câu thoại quen
thuộc tại clip của nhóm 1977 Vlog đã và đang gây sốt trên mạng xã hội: “Toang rồi
ông giáo ạ!”. Câu nói vừa lạ vừa “ngồ ngộ” này nhanh chóng lan truyền trong giới
hâm mộ “sành điệu”. 1977 Vlog là một trong số hàng chục nhóm/nhân vật ngủ một
giấc dậy thành người nổi tiếng nhờ mạng xã hội. Đây cũng là hiện tượng ngôn từ
vẫn diễn ra trên môi trường ảo.
Ví dụ, khi đưa tin về một “phượt thủ” bị công an phạt
nặng vì chạy quá tốc độ lại không mang mũ bảo hiểm; một cô nàng “mắt xanh mỏ đỏ
tóc vàng” đang tự nhiên dính bầu lãng xẹt; một anh chàng Khá Bảnh tưởng nổi
đình nổi đám trong giới “giang hồ”, ăn chơi hút hít, đem đốt cả xe máy chơi, bị
bắt lĩnh án mười năm tù… thì giới trẻ đều bắt đầu bằng câu quen thuộc “Toang rồi
ông giáo ạ!” (nhại lại lời Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao: Con
Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!). “Toang” cứ thế lan truyền trong giới giang hồ mạng
như một hiệu ứng domino vậy.
“Toang trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học,
NXB Đà Nẵng 2017) có 3 nghĩa: 1. [kng] có độ mở, độ hở rộng hết cỡ, trông như
banh cả ra (VD: cửa mở toang, quần áo rách toang…); 2. bị tan ra từng mảnh,
không còn nguyên vẹn (VD: nổ toang, cái lọ rơi xuống đất vỡ toang…); 3. [id]
như toáng (VD: la toang lên, chuyện gì cũng toang ra hết…).
Có lẽ “toang” trong những sự kiện vừa qua (mà mọi
người đọc trên Facebook hoặc trên mạng) hội đủ cả 3 nghĩa của từ “toang” trong
tiếng Việt và hơn thế nữa, còn ở mức độ mạnh hơn, nó gần với ngữ nghĩa của “tan
hoang”, “tan tành”… “Toang” của sự kiện này gần như hết phương cứu chữa. Nó dập
tắt những hy vọng lớn lao mà bao nhiêu người đã ấp ủ và hy vọng trong những
ngày qua. Việt Nam đang được coi là một quốc gia có quyết tâm và biện pháp
phòng ngừa Covid-19 hữu hiệu, đến nỗi một nước văn minh và tiên tiến như nước Mỹ
cũng phải ngả mũ kính phục.
Nhưng ngôn từ không làm nên cuộc sống. Có lẽ chúng
ta không nên vì sự bất thường này mà lại rơi vào hoảng loạn để tự mình làm tan
nát tinh thần của chính mình. Các nhà chuyên môn đã khuyến cáo: “Sars-Cov-2 nó
nguy hiểm thật, nhưng không phải cứ đứng gần là có nguy cơ, không phải có nguy
cơ là lây, không cứ phải lây sang là dính bệnh”…
Cứ theo ngữ nghĩa mới của “toang” vừa xuất hiện mà
suy thì các nhà làm từ điển phải bổ sung nghĩa mới. Không thể thế được. Cả dân
tộc ta từng chung sức chung lòng làm nên bao nhiêu kỳ tích trong những hoàn cảnh
hiểm nguy hơn nhiều. Hãy nhìn thẳng vào Covid-19 với thái độ tự tin và tìm giải
pháp thích đáng. Được như thế, không chỉ một “Cô Vy” chứ nhiều Cô Vy chúng ta
cũng sẽ vượt qua.
Đừng để rách toạc toàng toang
Chống con Covid cả làng chung tay…
PGS-TS
PHẠM VĂN TÌNH
No comments:
Post a Comment