27/03/2020
Trước hết, xin nói rõ:
a) Tút này chỉ nói chuyện cứu trợ kinh tế quốc dân,
chứ không bàn chuyện y tế, phòng chống dịch bệnh. Vì tui có biết chút chút chuyện
đầu và mù mờ chuyện sau.
b) Chỉ kể facts, không khen hay chê gì đường lối của
chính phủ, dù bạn FB chắc quá rành tui có tình cảm ra sao với Trudeau.
c. Phần 1 hơi dài, lướt qua cũng được. Phần 2 mới hấp
dẫn.
1. VÌ DÂN
Cái này thì quá dễ thấy. Chính quyền các cấp, từ địa
phương tới tỉnh bang tới liên bang, đều nhanh chóng áp dụng các biện pháp trong
quyền hạn của mỗi cấp để dân nhẹ bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền mùa dịch.
Cấp địa phương thì nhiều thành phố cho dân hoãn đóng
thuế nhà đất (property tax) 2-3 tháng, hoãn trả tiền nước & phí dọn rác …
Cấp tỉnh bang thì giảm tiền điện, giảm loại thuế/
phí nào trong quyền hạn của mình, trợ cấp cho thu nhập bị mất hoặc cho người phải
tự cách ly, trợ cấp cho người thuê nhà có nguy cơ bị buộc dọn đi vì không trả
được tiền nhà … (Cụ thể từng tỉnh bang thì có thể tham khảo ở đây: www.ctvnews.ca/health/coronavirus/emergency-benefits-what-each-province-is-offering-during-the-covid-19-pandemic-1.4869158)
Liên bang mạnh tay nhất, với gói cứu trợ khẩn cấp tổng
cộng 107 tỷ CAD (đề xuất ban đầu là 82 tỷ, nhưng trong bản cuối cùng của luật vừa
thông qua hôm qua 25/3 đã tăng gần gấp đôi ngân khoản trợ giúp trực tiếp cho
người lao động).
Gói cứu trợ của liên bang gồm 2 phần:
a)
52 tỷ đô để trợ giúp trực tiếp cho cá nhân và gia đình. Đáng kể nhất trong phần này là khoản phúc lợi ứng phó khẩn cấp
$2000/tháng trong tối đa 4 tháng cho người bị mất thu nhập vì gần như bất cứ lý
do gì liên quan tới đại dịch COVID-19. (https://canadainfo.net/15901/)
Phần này cũng gồm các khoản quan trọng khác cho cá
nhân và gia đình dưới dạng tăng tiền hoàn thuế GST (một loại thuế giá trị gia
tăng khi mua hàng/dịch vụ) và tăng phúc lợi trẻ em CCB (dân Việt bên này hay gọi
là ‘tiền sữa’, còn chữ tiếng Anh của bá tánh là ‘baby bonus’, dù phúc lợi này
dành cho con/trẻ em tới 18 tuổi). (https://canadainfo.net/15898/)
Mức tăng trung bình về hoàn thuế GST là gần $400 cho
người đơn thân, và gần $600 cho cặp vợ chồng. Nhà nước ước tính biện pháp này sẽ
bơm 5.5 tỷ đô vào nền kinh tế Canada.
Mức tăng cho các gia đình nhận CCB sẽ trung bình khoảng
$550; những gia đình này sẽ nhận được thêm $300 cho mỗi trẻ em trong khoản phúc
lợi tháng 5/2020 của họ. Tổng cộng, biện pháp này sẽ trợ cấp thêm gần 2 tỷ đô.
(Một số tỉnh bang còn có thêm các khoản trợ cấp thu
nhập, phúc lợi trẻ em, hoàn thuế … Xin xem link ở trên.)
b)
55 tỷ đô trợ giúp thanh khoản cho doanh nghiệp và người dân
Phần này chủ yếu là để cho phép cá nhân (và một số
trust) hoãn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập năm 2019 (hạn thông thường là ngày
30/4, nay được dời tới 1/6), và cho phép taxpayer (cá nhân & doanh nghiệp)
hoãn đóng thuế tới ngày 1/8.
Phần này còn một số hình thức trợ giúp khác như trợ
giúp 10% lương nhân viên cho doanh nghiệp nhỏ đủ điều kiện, cho phép ngân
hàng/lender cho khách hoãn trả mortgage (nợ vay mua nhà) tới tối đa sáu tháng,
miễn lãi 6 tháng cho các khoản trả nợ vay của sinh viên, trợ giúp các nhóm khốn
khó/yếu thế (vulnerable)…
Cứu trợ như vậy có đáng gọi là ‘kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ không?
Dự luật về gói cứu trợ khẩn cấp đã được thông qua
hôm qua 25/4, và chính phủ dự kiến tiền trợ cấp sẽ tới dân từ đầu tháng 4.
Tốc độ thông qua luật và thực hiện như vậy là thần tốc.
(Gói cứu trợ được đề xuất tuần trước, hôm 18/3.)
Nhưng không phải là hoàn toàn suôn sẻ.
2. DO DÂN
Dù gì Canada cũng là một nền dân chủ nên mọi việc,
nhất là chuyện tiền nong, phải DO DÂN quyết định, thông qua đại diện là dân biểu
ở Hạ viện. (Thượng viện cũng có vai trò thông qua luật, nhưng không do dân bầu
trực tiếp nên rất, rất hiếm khi cản trở những dự luật đã được Hạ viện thông
qua.)
Miếng khi đói bằng gói khi no. Thời đại dịch, ai
cũng khó khăn nên gói cứu trợ gần như chẳng ai phản đối. Ngay khi chính phủ đề
xuất, các đảng đối lập đã lên tiếng sẽ ủng hộ.
Nhưng chính phủ không thể tự động chi tiền được (vì
còn phải tính tới chuyện thuế khóa về sau để bù vô). Mà thuế & các chuyện
$$$ thì phải qua quốc hội.
Vì lưỡng viện đã được đình chỉ do đại dịch cho tới
tuần ngày 20/4, Hạ viện và Thượng viện được triệu tập cho phiên họp khẩn cấp để
tranh luận và thông qua dự luật.
Chỉ có 32 trong tổng số 338 dân biểu được triệu tập
về Ottawa, theo tỷ lệ số ghế của các đảng, để bỏ phiếu trong ngày thứ Ba 24/3.
(Để thực hiện chủ trương giữ khoảng cách xã hội [social distancing], các dân biểu
có mặt tại Hạ viện hôm 24/3 được sắp chỗ ngồi cách nhau ít nhất 2 mét.)
Chỗ gây tranh cãi nhất trong dự luật không phải là
các khoản $$$ hoặc đối tượng mục tiêu, mà là phần đề xuất cho chính phủ được
đơn phương tự quyết chi tiêu, vay mượn và đánh thuế mà không cần sự phê chuẩn của
quốc hội trong 21 tháng tới (“tới trước năm 2022”).
Nhưng khuya thứ Hai 23/3, Đảng Bảo thủ (đảng đối lập
chính thức) ra tuyên bố sẽ không ủng hộ dự luật vì điều khoản trao cho chính phủ
các quyền hạn chi tiêu không chịu sự giám sát của quốc hội. Một đảng đối lập
khác là NDP (Tân Dân chủ) nói cũng không ủng hộ.
Hiện Đảng Tự do chỉ nắm chính phủ thiểu số, nên trên
nguyên tắc có thể bị lật bất cứ khi nào. Chính phủ thiểu số bị lật khi bị Hạ viện
bỏ phiếu bất tín nhiệm, mà thường các vấn đề tài khóa mới đủ trọng lượng để các
đảng đối lập, nếu muốn, mới đưa ra kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nhiệm kỳ trước, Đảng Tự do nắm chính phủ đa số, nên
tự tung tự tác nhiều việc, và Trudeau dễ dàng sống sót qua nhiều xì căng đan
(SNC-Lavalin, vi phạm luật đạo đức mấy lần…). Nhưng mỗi khi tới kỳ trình ngân
sách hoặc các dự luật quan trọng, chính phủ cũng lên bờ xuống ruộng vài lần mới
được việc.
Kỳ này Trudeau chỉ nắm thiểu số, dễ dầu gì các đảng
đối lập cho phép chính phủ tự do hành động trong gần 2 năm nữa (tới trước năm
2022 là đi được hơn một nửa nhiệm kỳ) mà không chịu trách nhiệm giải trình trước
quốc hội, khác gì nắm đa số. Mánh lới dùng dự luật khẩn cấp để thêm quyền hạn
này bị Đảng Bảo thủ chỉ trích là ‘power grab’ (thâu tóm quyền lực).
Đảng Tự do cầm quyền đành xuống nước, và gần nửa đêm
23/3, thủ tướng Trudeau (đang tự cách ly) viết trên Twitter là sẽ bỏ điều khoản
đó.
Hạ viện tranh luận trong ngày 24/3, có lúc phải
ngưng tại phòng họp công khai và rút vào tranh luận kín. Và tới rạng sáng 25/3
mới thông qua. Ngay sau đó, Thượng viện chỉ mất vài giờ để thông qua, và luật
được Toàn quyền Canada ký ban hành ngay sau giờ trưa.
Quá nhanh!
Nhưng quy trình dân chủ được thực hiện hoàn hảo, vẫn
bảo đảm nguyên tắc ‘do dân’.
PVLH, 26/3/2020.
Photo: Các dân biểu có mặt tại Hạ viện hôm 24/3/2020
được sắp chỗ ngồi cách nhau ít nhất 2 mét. (Ảnh: Adrian Wyld/The Canadian
Press)
No comments:
Post a Comment