Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 06/03/2020 - 13:31
Thượng
nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong các ứng viên tương đối nặng ký tranh “chức”
đại diện đảng Dân Chủ ra ứng cử tổng thống Mỹ, vào hôm qua 05/03/2020, đã thông
báo quyết định rút khỏi cuộc đua.
Bà Elizabeth Warren nói chuyện với phóng viên trước
cửa nhà ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ, ngày 05/03/2020. REUTERS/Brian
Snyder
Việc bà Warren bỏ cuộc không đáng ngạc nhiên sau kết
quả vòng bầu cử sơ bộ ngày "Thứ Ba Trọng Đại - Super Tuesday". Điều
được chờ đợi là bà sẽ kêu gọi ủng hộ ai trong số hai người còn trong cuộc đua
là cựu phó tổng thống Biden và thượng nghị sĩ bang Vermont Sanders.
Thông
tín viên RFI Loubna Anaki nhận định từ New York :
Cách đây 4 ngày, Elizabeth Warren còn khẳng định là
sẽ tiếp tục cuộc chạy đua, hy vọng sẽ gây ngạc nhiên trong tiến trình bầu cử sơ
bộ tiến tới ngày Đại hội đảng Dân Chủ vào tháng 7. Thế nhưng, từ lúc bị thua
trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Ba (Super Tuesday), thì chiến dịch vận động của bà
đã đến hồi kết. Là thượng
nghị sĩ bang Massachusetts, bà chỉ về hạng 3 ngay tại chính bang của mình.
Năm nay 70 tuổi, Elizabeth Warren tập trung cuộc vận
động trên chủ đề chống tham nhũng tại Washington và muốn kéo đảng Dân Chủ về
phía tả nhiều hơn. Bà cũng đã tập trung trên những chính sách đánh vào những
tài sản lớn. Do đó, Michael Bloomberg đã trở thành một đối tượng đả kích của bà
trong cuộc bầu cử sơ bộ này. Nhiều người đánh giá là bà đã có một vai trò không
nhỏ khiến nhà tỷ phú Bloomberg thất bại, nhất là các đòn tấn công nhân cuộc
tranh luận trên đài truyền hình. Trong những cuộc tranh luận này, bà là một đấu
thủ đáng gờm.
Giờ đây khi bà đã rút ra khỏi cuộc chạy đua, câu hỏi
đặt ra là bà sẽ ủng hộ ai. Phải nói là trên mặt chính trị, bà gần gũi với ứng
viên Bernie Sanders hơn. Tuy nhiên, bà cũng có thể chọn ủng hộ Joe Biden với hy
vọng có được một chức vụ then chốt để có thể thực hiện tốt các chính sách của
bà nếu ông Biden đắc cử tổng thống.
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
*
*
Tú Anh -
RFI
Đăng ngày: 05/03/2020 - 15:17
Cựu
phó tổng thống của Barack Obama thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng
trong đảng Dân Chủ được gọi là Ngày Thứ Ba Trọng Đại, Siêu Thứ Ba Super Tuesday
03/03/2020. Tại 14 tiểu bang, Joe Biden thắng được 9 trong đó có Texas. Nhân vật
từng bị chế giễu là « xác chết biết đi » đã chận đứng đà tiến của thượng nghị
sĩ mang tư tưởng « xã hội chủ nghĩa » của bang Vermont, Bernie Sanders.
Joe Biden tại cuộc vận động tranh cử tại Los Angeles,
California, Hoa Kỳ, ngày 03/03/2020 REUTERS/Mike Blake
Để được chọn làm đại diện cho đảng Dân Chủ tranh ghế
tổng thống Mỹ, ứng cử viên về đầu phải được tối thiểu 1991 đại biểu ủng hộ.
Trong số 1215 người công khai tuyên bố, Joe Biden được 560 còn Bernie Sanders
được 501. Sự kiện nhà tỷ phú Michael Bloomberg rút lui và quay sang ủng hộ Joe
Biden cũng như thất bại của nữ thượng nghị sĩ Elisabeth Warren cho phép suy
đoán từ nay cho đến ngày Đại hội đảng vào trung tuần tháng 07, trên đường đua
chỉ còn có hai người : cựu phó tổng thống của Barack Obama, chiếm thượng phong
và thượng nghị sĩ bang Vermont, tranh nhau 38 bang còn lại.
Trước các ủng hộ viên truyền thống tại Vermont, thượng
nghị sĩ Bernie Sanders tuyên bố không nao núng : « Chúng ta sẽ được đảng
Dân Chủ bầu chọn và chúng ta sẽ thắng Donald Trump ».
Diễn biến bất ngờ này đặt ra ba câu hỏi : Nhờ đâu mà
Joe Biden chuyển bại thành thắng ? Liệu có tái diễn kịch bản chia rẽ nội bộ
trong đảng Dân Chủ năm 2016 ? Và vì sao có xu hướng chận đà tiến của thượng nghị
sĩ Vermont và ưu đãi phó tổng thống Joe Biden ?
Từ Washington, nhà báo Phạm Trần phân tích :
Nhờ các yếu tố nào mà Joe Biden chuyển bại thành thắng ?
Nhà
báo Phạm Trần : « Joe Biden thắng là có ba lý do. Thứ
nhất là lãnh đạo phe chính thống và ôn hòa trong đảng Dân Chủ quyết định đứng
sau lưng ông Joe Biden sau thắng lợi của ông ấy tại bang Nam Carolina ngày thứ
Bảy 29/02. Thứ hai nữa là người da màu đi bỏ phiếu rất đông. Theo kết quả thăm
dò trước phòng phiếu, thì cứ mười người là có hơn sáu người bỏ phiếu cho Joe
Biden. Lý do thứ ba là những cử tri lớn tuổi, những người đi bầu chăm chỉ, chiếm
tỷ lện từ 60% đến 70% trong các cuộc bầu cử cũng ủng hộ Joe Biden….Joe Biden
còn được sự ủng hộ của nghiệp đoàn lao động lớn nhất của Mỹ.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, thời Richard Nixon tranh cử,
ông ấy cũng ba chìm bảy nổi trước khi được đảng Cộng Hoà đề cử và thắng cử vào
năm 1968. Năm 1992, Bill Clinton cũng gặp khó khăn trước khi đảng Dân Chủ bầu
làm ứng cử viên.
Nhưng trường hợp Joe Biden, trước ngày Thứ Ba vừa rồi,
người ta còn cho là ông có thể thất bại trước cuộc vận động tranh cử rất hào hứng
của Bernie Sanders. Nhưng đến khi bỏ phiếu ngày 29/02 tại Nam Carolina, lúc đó
báo chí nói ông là ứng cử viên chết đi sống lại một cách vinh quang. Bây giờ
người ta nói Joe Biden là một đối thủ lợi hại »
Liệu cặp đối thủ Biden-Sanders có tái diễn kịch bản
Clinton-Sanders 2016 làm đảng Dân Chủ thua bất ngờ ?
Nhà
báo Phạm Trần : Mình đã thấy rõ là còn hai người
sáng giá nhất là cựu phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders.
Vào năm 2016, một trong những lý do làm bà Hillary Clinton thất bại là bởi vì
Bernie Sanders chỉ công khai ủng hộ bà Clinton vào những tuần lễ sau cùng của
cuộc vận động tranh cử chống Donald Trump. Vào lúc đó, các lãnh tụ đảng Dân Chủ
rất bực mình Bernie Sanders. Bây giờ, kết quả bầu hôm thứ Ba vừa qua cho thấy
phe ôn hoà, phe truyền thống không muốn tái diễn các màn kịch 2016, không để
cho ông Bernie Sanders làm chuyện đó, nghĩa là từ nay đến tháng Sáu, còn 38 cuộc
tranh cử sơ bộ mà phần lớn các bang mà đa số nghiên về Joe Biden như Florida,
Michigan, New Jersey… là những tiểu bang có số đại biểu đông và không nghiêng về
ông Bernie Sanders.
Nhưng vì sao phe ôn hoà muốn cản đường thượng nghị sĩ
bang Vermont ?
Nhà
báo Phạm Trần : Lý do chính là người ta sợ lập
trường cấp tiến quá độ, có thể nói là thiên tả. Bởi vì người ta có hồ sơ Bernie
Sanders thân phía Nga sô. Khi là thị trưởng một thành phố ở Vermont ông kết
nghĩa với Matxcơva, ông ca ngợi Castro của Cuba , đi thăm Nicaragua, ca ngợi
hai nước này có chính sách xã hội, y tế, giáo dục công bằng hơn Hoa Kỳ.
Vì thế, ông đưa ra một chính sách về di dân, về sức
khỏe và giáo dục rất là cấp tiến và tốn phí. Do vậy, người ta hỏi tiền đâu ông
có để thực hiện. Các chủ trương như là bỏ học phí đại học, xóa nợ 1600 tỷ đôla
của sinh viên vay tiền đi học… bị xem là có mục đích câu phiếu giới trẻ. Còn
chính sách di dân cởi mở là để câu phiếu cử tri gốc Nam Mỹ…
Điều làm đảng Dân Chủ sợ hơn nữa là nếu Bernie
Sanders được đề cử thì sẽ thất bại vì Donald Trump có hồ sơ để tấn công Bernie
Sanders đặc biệt là vấn đề thân với Fidel Castro… Do vậy báo chí Mỹ thân đảng
Dân Chủ cũng đứng về phe ôn hòa và tìm cách ngăn chận đà tiến của Bernie
Sanders.
*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
No comments:
Post a Comment