NỘI DUNG :
Thùy
Dương -
RFI
Trọng Thành
- RFI
.
========================================
Thùy Dương - RFI
Đăng ngày: 06/03/2020 - 11:36
Từ
cuối tuần qua, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đề tài được báo chí
Pháp đặc biệt quan tâm, sau vụ 33 lính Thổ tại Syria thiệt mạng trong một vụ
oanh kích của không quân Nga. Trong chuyên mục Quốc Tế, báo Le Figaro ngày
02/03/2020, vài ngày trước khi Putin và Erdogan đạt thỏa thuận ngưng bắn tại
Idleb kể từ hôm nay 06/02, đã đặt câu hỏi « Cuộc đọ sức Nga - Thổ sẽ đi đến đâu
? ».
Hai lãnh đạo Vladimir Putin (P) và Recep Tayyip
Erdogan tại Matxcơva, Nga, ngày 05/03/2020. Pavel Golovkin/Pool via REUTERS
Tổng thống
Nga Vladimir Putin muốn lấy lại ảnh hưởng trung tâm ở Trung Đông, còn đồng nhiệm
Thổ Recep Tayyip Erdogan truy đuổi kẻ thù người Kurdistan ở Syria, điều này liệu
trong tương lai có dẫn đến nguy cơ Nga - Thổ đối đầu trực diện hay không ?
Le Figaro khẳng định tổng thống Nga Poutine và đồng
nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã trở thành hai chủ nhân mới của cuộc chơi trong khu
vực. Tận dụng sự rút lui của Mỹ và sự suy yếu của châu Âu, hai nhà lãnh đạo Nga
- Thổ không ngừng tiến bước tại Syria và Lybia. Khi thì là kẻ thù, lúc lại là đồng
minh, nhưng cuộc phiêu lưu của Nga và Thổ tại Trung Đông trước hết đều nhằm đáp
ứng những tham vọng chiến lược của mỗi bên.
Hậu thuẫn chế độ Damas, tổng thống Nga Vladimir Poutine
đang theo đuổi mục tiêu gì ?
Sự ủng hộ vô điều kiện của Nga đối với chế độ Bachar
Al Assad là cơ sở để Vladimir Putin thực hiện mục tiêu khôi phục ảnh hưởng của
Nga ở Trung Đông. Theo hướng này, Matxcơva cho phép và nhất là sử dụng sức mạnh
không quân để hỗ trợ khả năng quân sự của nhà lãnh đạo Syria, người đã hứa đoạt
lại từng tấc đất từ tay phiến quân. Sự sụp đổ của phe nổi dậy tại Idleb cho
phép tổng thống Al Assad tuyên bố chiến thắng.
Thế nhưng, sự leo thang quân sự ở thành trì của phe
nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cuối cùng đã cản trở Matxcơva thực hiện kế hoạch
vốn dựa trên tương quan lực lượng Ankara - Damas, và đẩy nước Nga lên tuyến đầu
đối mặt với Recep Tayyip Erdogan, người đã chọn biện pháp tăng cường sự can thiệp
quân sự. Mới đây, phát ngôn viên của điện Kremlin, Dmitri Peskov, đã gọi đó là
« kịch bản tồi tệ nhất » của Ankara. Sau ba vòng đàm phán
không có kết quả với Thổ Nhĩ Kỳ, và vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh vào ngày 05/03/2020, hai nước đã gần như tiến đến chiến tranh khi 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng gần
Idleb và chính quyền Ankara được kêu gọi ra đòn đánh trả.
Ông Igor Delanoë, phó giám đốc Tổ chức quan sát
Pháp-Nga tại Matxcơva giải thích một năm rưỡi sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký bản
ghi nhớ hồi tháng 09/2018, Matxcơva cho rằng Ankara đã không thực hiện các cam
kết liên quan đến việc phân tách các nhóm khủng bố thuộc lực lượng Hayat Tahrir
al- Cham (trước đây là Front Al Nosra, có liên hệ với tổ chức khủng bố Al
Qaida) và phe nổi dậy được coi là ôn hòa. Nga chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về việc
không thiết lập khu phi quân sự kéo dài 12-15 km dọc biên giới với Syria, được ấn
định trong thỏa thuận Sotchi.
Trái lại, Ankara tố cáo Matxcơva ném bom bừa bãi
không phân biệt các mục tiêu dân sự và quân sự ở Idleb, Syria và gây ra cái chết
của hơn 50 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 02. Bà Mariana Belinkaya, cây bút
chuyên mục Thời luận của báo Nga Kommersant và cũng là nhà nghiên cứu tại Viện
Carnegie, khẳng định là về cơ bản, Nga thấy việc chế độ Damas kiểm soát toàn bộ
lãnh thổ Syria là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, Matxcơva cũng hiểu rằng
họ không thể đôi co trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Iran về vấn đề đó, nhất là vì
Matxcơva và Ankara đang đối đầu nhau trong cuộc khủng hoảng Libya, nơi Vladimir
Putin muốn có một sự trả thù mang tính biểu tượng sau sự can thiệp của phương
Tây hồi năm 2011 mà ông không bao giờ có thể cho qua.
Cũng chính tại Lybia, Putin đang theo đuổi những mục
tiêu khó dung hòa với Erdogan. Trong khi Ankara ủng hộ chính phủ Tripoli và huy động sự yểm
trợ của các chiến binh Syria ở Lybia, đất nước vì Thổ Nhĩ Kỳ coi Lybia là một
khu vực ảnh hưởng truyền thống từ thời đế chế Ottoman, thì chủ nhân điện Kremlin hậu thuẫn
thống chế Khalifa Haftar, với hy vọng tái áp dụng « phương
pháp » chống thánh chiến Hồi Giáo, để một lần nữa được coi là một
tác nhân chủ chốt ở khu vực Trung Đông.
Còn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tìm kiếm
điều gì trong cuộc phiêu lưu tại Syria ?
Từ khi cách mạng Syria nổ ra vào tháng 03/2011, Thổ
Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức chọn đứng về phe đối lập Syria, đặt cược vào sự sụp đổ của
Bachar Al Assad. Với 900 km đường biên giới chung với Syria, Thổ nhanh chóng trở
thành căn cứ cho lính Syria đào ngũ, những người chống đối tổng thống Al Assad
và thường dân chạy trốn chiến tranh. Đường biên giới này cũng là nơi trung chuyển
vũ khí của các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Qatar, Ả Rập Xê Út … sang Syria. Những phần
tử Hồi Giáo cực đoan châu Âu muốn gia nhập thánh chiến cũng đến Syria qua cửa
ngõ này.
Điều trớ trêu là chủ trương can thiệp quân sự của
Nga vào Syria từ năm 2015 đã thúc đẩy Ankara xem xét lại chiến lược tại nước
láng giềng. Tương quan lực lượng đã nhanh chóng đảo ngược theo hướng có lợi cho
chế độ Al Assad. Được Matxcơva và Teheran hỗ trợ, Damas vào năm 2016 đã chiếm lại
được nhiều thị trấn bị phe nổi dậy kiểm soát, gồm cả vùng chiến lược đông
Aleppo. Thế nhưng, vào tháng 11/2015, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy
bay tiêm kích của Nga gần không phận Syria. Nga nổi giận và áp đặt các biện
pháp trừng phạt, nhưng sau này căng thẳng hai bên đã hạ nhiệt do những tính
toán thực dụng lựa theo hoàn cảnh.
Cũng chính vào giai đoạn đó, Ankara quyết định chiến
đấu chống dân quân Kurdistan ở miền bắc Syria, vốn được coi là cánh tay phải của
lực lượng PKK có tham vọng đánh bật tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ra khỏi biên giới
và đòi độc lập với Ankara. Ông Yasar Yakis, cựu ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhận
xét là sau khi đặt cược mù quáng vào sự sụp đổ của Al Assad, ông Erdogan đã
chuyển hướng từ chính sách chống Damas sang chống lực lượng người Kurdistan
PKK.
Các chiến dịch chống PKK cũng nhằm đáp ứng các tính
toán chính trị của Erdogan. Ngay khi đảng AKP của ông Erdogan thấy không còn được
lòng dân, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã chơi trò chiến tranh. Theo một nhà nghiên cứu
chính trị, đây là một chiến thuật có lợi, vì theo các cuộc khảo sát, sau mỗi đợt
tấn công, đảng này lại khôi phục được một phần hình ảnh trong dân chúng. Cuộc
khủng hoảng tại Idleb hiện nay cũng cho thấy một thách thức chính trị trong nước.
Trong khi dân chúng ngày càng bất mãn với chế độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hơn
3,5 triệu người tị nạn Syria nên Ankara lo ngại về nguy cơ lại có thêm làn sóng
di dân mới tràn vào lãnh thổ. Chính vì thế, Ankara muốn bằng mọi giá ngăn chặn
cuộc tấn công Syria - Nga tại Idleb. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Tư
tuần trước nhắc lại ông không chấp nhận lui bước tại Idleb, cho dù chỉ là một
bước.
Liệu có nguy cơ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới đối đầu
vũ trang ?
Ông Igor Delanoë thuộc Đài quan sát Pháp-Nga cho rằng
khả năng đó có thể xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ có 7.000 lính ở Idleb, với hơn 2.000 xe bọc
thép. Còn Nga có 5.000 quân, chủ yếu là các lực lượng đặc biệt, pháo binh và
không quân, hỗ trợ các đội quân trung thành với Damas. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể
xem xét không cho các tàu chiến Nga vào các vùng biển Bosphorus và Dardanelles.
Dự đoán được nguy cơ này, Nga đã điều hai tàu khu trục từ Sebastopol đến Địa
Trung Hải.
Còn chuyên gia Fabrice Wolf nhận định trên blog
Meta-Defense rủi ro chủ yếu là về một cuộc đụng độ trên không cho dù rất khó xảy
ra. Bất kỳ xung đột nào giữa Nga và Thổ cũng sẽ có nguy cơ kéo NATO vào cuộc và
đẩy Thổ Nhĩ Kỳ trở lại Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Theo nhận định của
ông Alexei Malashenko, phụ trách nghiên cứu tại Viện Đối Thoại Văn Minh của
Nga, cho dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào ngõ cụt nhưng cả Putin và Erdogan đều
không muốn một vụ đối đầu trực tiếp.
Còn chuyên gia Igor Delanoë cho rằng cuối cùng sự thỏa
hiệp sẽ thắng thế. Các cuộc thảo luận giữa các quan chức cấp cao của hai nước
sau căng thẳng hôm thứ Năm 27/02 thể hiện điều đó. Cuộc điện đàm giữa hai
nguyên thủ là một dấu hiệu cho thấy họ muốn xoa dịu căng thẳng. Hôm 29/02,
Erdogan kể lại ông đã nói với đồng nhiệm Nga Putin : « Nếu ông muốn thiết
lập một căn cứ ở Syria thì cứ tiếp tục, nhưng hãy tránh đường cho chúng tôi,
hãy để chúng tôi một mình với chế độ (Syria) ».
Đâu sẽ là lối thoát cho cuộc khủng hoảng ?
Ở Syria, cũng như ở Libya, Putin và Erdogan dường
như rất thành thạo về chiến thuật : ban đầu là đe dọa, sau đó là khiêu khích
quân sự, rồi đến đàm phán. Nhưng
cuối cùng, tổng thống Putin dường như là người thắng nhất trong « trò
chơi ». Tại Syria, ông giúp được Damas giành lại phần lớn lãnh
thổ, đồng thời vẫn duy trì đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả về kinh tế. Chỉ
riêng năm 2019, Nga đã có nhiều hợp đồng đối tác với Ankara: Thổ mua hệ thống
phòng thủ S-400 của Nga, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là do
Nga xây dựng, đường ống dẫn khí TurkStream được khánh thành. Tại lãnh thổ
Syria, Nga cũng có lợi thế trên không, còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có bộ binh. Tuy
nhiên, Ankara vẫn chưa phải là đã hết cách, bằng chứng là gần đây các thành phố
Saraqeb và Neirab đã được nối lại, quân Thổ bắn tên lửa nhắm vào máy bay tiêm
kích Nga và Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có nhiều vụ oanh kích bằng máy bay
không người lái.
Gần đây, có một kịch bản kết thúc cuộc khủng hoảng
thường xuyên được nêu ra. Theo ông Alexei Malashenko, phụ trách nghiên cứu tại
Viện Đối Thoại Văn Minh của Nga, thông qua cuộc khủng hoảng Idleb, Nga có thể
đang cố gắng hồi phục thỏa thuận Syria - Thổ Adana 1998 và điều chỉnh lại theo
hướng đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh. Theo văn bản này, Thổ Nhĩ
Kỳ có quyền giám sát khu vực sâu 5km vào lãnh Thổ Syria để ngăn chặn các hoạt động
của người Kurdistan mà chính quyền Ankara coi là một mối đe dọa.
*
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
-------------------------------
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 06/03/2020 - 15:00
Hôm
qua, 05/03/2020, sau 6 giờ thương lượng căng thẳng, Matxcơva và Ankara đạt thỏa
thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria, nơi quân đội Damas đang tiến
hành chiến dịch phản công, với sự hỗ trợ của không quân Nga. Nguy cơ đụng độ
quân sự giữa Nga và một thành viên khối NATO tạm lùi xa.
Về
thỏa thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, thông tín viên Daniel Vallot từ Matxcơva cho biết
cụ thể :
''Phải đến hơn 6 tiếng đồng hồ thương lượng, nguyên
thủ hai nước mới đi đến được một thỏa thuận hưu chiến. Sau cuộc đàm phán này, tổng
thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã dành
ít phút để phát biểu trước báo giới. Sau đó, họ nhường lời cho ngoại trưởng hai
bên. Về phía nước Nga, ngoại trưởng Sergei Lavrov được giao trách nhiệm thông
báo các chi tiết của thỏa thuận.
Ngoại trưởng Nga cho biết cụ thể: Điểm thứ nhất là
ngừng bắn tại đường tiếp xúc của vùng giảm căng thẳng ở Idlib sẽ bắt đầu từ nửa
đêm ngày 06/03/2020. Điểm thứ hai là tạo một hành lang an toàn 6 cây số mỗi
bên, dọc theo xa lộ M4. Bắt đầu từ 15/03 tới, các đơn vị Nga – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến
hành tuần tra dọc xa lộ này.
Đối với nước Nga, sẽ không có chuyện bỏ rơi chính
quyền Bachar al-Assad, chính vì vậy mà Nga đã kiên quyết đòi được các bảo đảm về
an ninh tại trục xa lộ nói trên, vốn được coi là rất quan trọng với chính quyền
Damas. Tuy nhiên, tổng thống Nga cũng cố gắng duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc đàm phán, ông Putin tuyên bố: Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đạt được đồng
thuận với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình Syria… Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, mỗi
lần khủng hoảng, chúng tôi đã luôn biết tìm thấy những điểm đồng thuận và đi đến
các quyết định đúng''.
Biên giới châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng
Lãnh đạo ngoại giao châu Âu, ông Josep Borrell, hôm
nay 06/03, bày tỏ vui mừng trước việc Matxcơva và Ankara đạt thỏa thuận ngừng bắn
tại Idlib. Liên Âu kêu gọi mở đường cho các trợ giúp nhân đạo đến với cư dân
Idlib. Trong khi đó, theo AFP, tình hình tại vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và
Hy Lạp, quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, tiếp tục căng thẳng. Hôm nay,
nhiều đụng độ nổ ra giữa người Syria muốn vượt biên vào châu Âu với lực lượng
biên phòng Hy Lạp. Chính quyền Hy Lạp tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp phương tiện để
di dân phá hàng rào biên giới, và dùng lựu đạn cay tấn công biên phòng Hy Lạp.
Một giới chức phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn lên tiếng
đe dọa, thỏa thuận ngừng bắn không đồng nghĩa với việc phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn
cản di dân Syria vượt biên sang châu Âu. Cho đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ
liên tục đe dọa dùng áp lực di dân để buộc các nước châu Âu phải có thêm các hỗ
trợ đối với Ankara, trong cuộc đối đầu với Nga tại miền tây bắc Syria. Thổ Nhĩ
Kỳ là nơi tị nạn của khoảng 3,5 triệu người Syria.
*
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
No comments:
Post a Comment