Jürgen Zimmerer
Tôn
Thất Thông dịch
21/01/2020
Những trận mưa mấy ngày qua đã góp phần giập tắt các
đám cháy rừng ở miền Đông nước Úc, trong khi thần lửa vẫn tiếp tục hoành hành ở
phía Đông Nam và Nam đất nước này. Những đám cháy kéo dài từ gần nửa năm nay, bắt
đầu từ tháng 8.2019, đã thiêu huỷ một diện tích rừng hơn 10.000 km2 (tương
đương vói diện tích Bồ Đào Nha, hơn gấp đôi nước Bỉ), và theo một bản sơ kết của
chính phủ Úc được công bố hôm 20.1.2020, ít nhất 10% của môi trường tự nhiên của
327 loài thảo mộc, cầm thú trong danh sách được bảo vệ đã bị tiêu huỷ. Trước
đó, theo ước tính của đại học Sydney, khoảng một tỉ cầm thú đã bị chết vì hoả
hoạn. Một "Tchernobyl về môi trường", theo xã luận báo Le Monde ngày 18.1.2020. Người ta cũng không thể
quên, một diện tích tương đương rừng nhiệt đới ở Amazone, Brasil, cũng đã làm mồi
cho thần lửa từ tháng 8.2018 tới tháng 7.2019, và nhiều nhà hoạt động môi trường
đã chỉ ra nguyên nhân của sự gia tăng ấy: chính sách của chính phủ Jair
Bolsonaro dung túng việc phá rừng vì mục tiêu kinh tế trước mắt. Không phải ngẫu
nhiên mà nạn cháy rừng ở Brasil năm 2019 đã tăng 30% so với năm trước : diện
tích rừng bị phá đã tăng gấp 4 trong năm này, so với trung bình của ba năm trước
(nguồn: Futura Planète).
Úc không bị nạn phá rừng ồ ạt, nhưng ở đây
cũng như ở Brasil, các nhà nghiên cứu đều chỉ ra mối tương quan giữa
cháy rừng trên bình diện rộng với sự nóng lên của hệ sinh thái - nhiều hạn hán
hơn - do hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Một mối liên hệ mà chính phủ
Úc cũng như chính phủ của nhiều nước khác, để bảo vệ cho một hay nhiều ngành
kinh tế khai thác tự nhiên của nước mình đã phủ nhận.
Tác giả bài viết này, ông Jürgen Zimmerer,
giáo sư Lịch sử Thế giới ở đại học Hamburg và là trưởng dự án tổng hợp "Cơ
quan nghiên cứu di sản (hậu) thuộc địa - Hamburg", đi xa hơn
trong phân tích mối tương quan đó: sự khai thác tài nguyên Úc của người Âu
từ hơn hai thế kỷ nay, dưới ý thức hệ "tăng trướng không ngừng" và với
tư thế của những người thực dân, đã huỷ hoại môi trường sống tự nhiên của những
người thổ dân Úc, đẩy họ ra bên lề xã hội. Kết luận của ông không thể không làm
cho chúng ta suy nghĩ.
Diễn
Đàn
--------------------------------------------
Các vụ hỏa hoạn là kết quả của sự bành trướng tư bản
ở châu Âu:
Thật là tiện lợi, hệ lụy của ý thức hệ "tăng trưởng không ngừng" chỉ xảy ra ở đầu kia của thế giới.
Thật là tiện lợi, hệ lụy của ý thức hệ "tăng trưởng không ngừng" chỉ xảy ra ở đầu kia của thế giới.
Nguồn hình: David
Mariuz / DPA
Những hình ảnh giống ngày tận thế từ Úc nhắc nhở
chúng ta về một hành tinh có thể bị tổn thương. Một khu vực rộng lớn hơn nước Bỉ
đang nằm trong bão lửa. Nếu sắp các đám cháy nhỏ lên một đường thẳng, bức tường
lửa đó sẽ dài bằng con đường từ Úc đến Afghanistan, [gần một nửa vòng xích đạo].
Hơn 20 người đã tử vong và ước tính có tới một nửa tỉ
thú vật bị thiêu sống. Nhiều loài thú vốn đã có nguy cơ tuyệt chủng trước đây
có thể sẽ vĩnh viễn biến mất sau vụ cháy.
Các cơn bão lửa đã phá hủy không những cơ sở hạ tầng
hiện đại, mà cả các địa điểm văn hóa và xã hội của thổ dân mà không hề có sự
phân biệt. Những người thổ dân này, vốn đã bị tước đoạt quyền sống và bị xô đuổi
khi người châu Âu đặt chân tới đây, lại một lần nữa là nạn nhân của những quá
trình gạt họ sang bên lề xã hội trên bình diện lớn từ năm 1788.
Một biểu tượng
sâu sắc nằm ở chỗ, Úc so với tất cả các nơi khác, là quốc gia đầu tiên trong số
các quốc gia công nghiệp giàu có đang thể hiện những hậu quả to lớn của thảm họa
biến đổi khí hậu khởi nguồn từ thế giới công nghiệp. Đám cháy này giáng lên đầu nước Úc, một quốc gia có đóng góp lớn nhất
cho thảm họa biến đổi khí hậu, nhưng vốn không xuất phát từ ngành công nghiệp của
riêng họ, mà xuất phát từ vai trò là nhà xuất khẩu than lớn nhất, là nhà cung cấp
nguyên liệu thô này, một loại khoáng sản vốn đang tàn phá môi trường thế giới;
điều này rất có ý nghĩa và làm chúng ta nhớ đến lịch sử thuộc địa của Úc.
Sẽ là cực kỳ đạo đức giả khi hếch mũi lên đối với Úc
và chính phủ của họ, một chính phủ đã phủ nhận mối liên hệ giữa hỏa hoạn và biến
đổi khí hậu vì họ sợ làm tổn hại ngành công nghiệp than quan trọng. Ở nước Đức
chúng ta cũng thế, người ta vẫn chưa nói rõ ràng rằng, không chỉ về than – (mà
chính Đức sẽ tiếp tục trợ cấp cho ngành than, vì sự vô lý rõ ràng trong bối cảnh
này, sẽ là một vấn đề cần bàn riêng) - mà còn là ý thức hệ về sự tăng trưởng
không ngừng. Đó là một hệ tư tưởng gần như không thể bị phản bác, mặc dù logic
của con người cho thấy rằng,
sự tăng trưởng không ngừng vốn dựa trên nền tảng của sự tiêu thụ tài nguyên
không giới hạn là điều không thể đạt được, khi tài nguyên trên hành tinh này là
hữu hạn.
Bất cứ ai muốn nói về các vụ hỏa hoạn ở Úc và biến đổi
khí hậu, thì không được phép im lặng về chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản
khai thác cướp đoạt quá mức. Giải phóng thuộc địa, khắc phục thế giới thuộc địa
cũng có nghĩa là: khử cacbon, vâng, phải từ giã các nhiên liệu hóa thạch nói
chung. Nhưng điều đó cũng chưa đủ.
Hoặc phải hạn chế tăng trưởng, hoặc phải tìm một hành
tinh mới
Ngay từ đầu, chiến thắng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản
với hệ tư tưởng tăng trưởng không ngừng nằm trong mối quan hệ cộng sinh với chủ
nghĩa thực dân. Bành trướng thuộc địa đã cho phép châu Âu thỏa mãn nhu cầu tài
nguyên ngày càng tăng, trong lúc người châu Âu không cần phải gánh chịu hậu quả
của việc tăng trưởng và tiêu dùng với mức độ nghiêm trọng. Việc châu Âu mở rộng
các khu vực thuộc địa đã mang lại nguồn lực mới nằm dưới quyền kiểm soát của họ.
Chính tình-trạng-được-yên-ổn trước các
hậu quả của việc khai thác quá mức và chủ nghĩa tư bản lãng phí, khiến cho công
dân của các nước công nghiệp giàu có gặp khó khăn trong việc đưa ra kết luận cần
thiết từ cuộc khủng hoảng môi trường. Làm thế nào bạn sẵn sàng thay đổi đường lối,
nếu mọi thứ cho đến nay đều diễn ra tốt đẹp? Tại sao người ta phải giữ khoảng
cách với hệ tư tưởng tăng trưởng không ngừng đang tốt đẹp, nếu những hệ lụy về
kinh tế, xã hội và chính trị của nó xảy ra ở một nơi xa xôi khác? Cái giá của
hình thức tư bản chủ nghĩa này vẫn được gánh chịu bởi con người và thiên nhiên ở
đầu kia của thế giới.
Úc rơi vào tình trạng thuộc địa hóa toàn cầu chỉ mới
230 năm trước - ngay cả khi đó với những hậu quả tàn khốc cho người dân bản địa,
vì sự bành trướng của người Âu đã gây ra những hậu quả thảm khốc ở mọi nơi đối
với người dân sống ở đó. Ngay từ đầu, việc khai thác tài nguyên và hội nhập vào
thị trường thế giới, ban đầu chủ yếu thông qua chăn nuôi cừu, đã là một động lực
trong cuộc chinh phục vùng nội địa Úc.
Các vụ hỏa hoạn ở Úc bắt nguồn từ lịch sử đó, trong
mối quan hệ giữa bành trướng và công nghiệp hóa châu Âu, với chủ nghĩa thực dân
và chủ nghĩa tư bản. Chính nền kinh tế thuộc địa tự nó ngay từ đầu là không hề
mang tính bền vững, không bao giờ. Tăng trưởng vô tận là điều không thể có được
trên trái đất hữu hạn này. Hoặc bạn phải hạn chế sự tăng trưởng hoặc phải tìm
các hành tinh mới. Khoa học giả tưởng trên các phương tiện truyền thông và
chính trị mơ ước sự xâm chiếm không gian vũ trụ để tránh các bước khó khăn sẽ xảy
ra. Nếu bạn không muốn tin vào điều đó, bạn nên bắt đầu giải phóng thuộc địa về
kinh tế và xã hội.
Jürgen
Zimmerer (Tôn Thất Thông dịch)
Nguồn tiếng Đức: Australien im Feuer des Kolonialismus, báo Süddeutsche Zeitung ngày 11 tháng 1.2020 (Nhật báo Nam Đức).
No comments:
Post a Comment