Thursday, 30 January 2020

2019-nCoV : Y TẾ VIỆT NAM CÓ SỤP ĐỔ NẾU DỊCH VIRUS CORONA LAN RA? (TS Hoàng Kim Phúc - BBC)



NỘI DUNG :
Tiến sỹ Hoàng Kim Phúc
.
Thụy My  -  RFI
.
================================================
Tiến sỹ Hoàng Kim Phúc
Gửi bài từ TP Oxford, Anh Quốc
30/01/2020

Oxfordshire chỉ là một hạt trung bình của Vương quốc Anh với hơn 680 nghìn dân nhưng thành phố Oxford hai hôm trước đã hủy lễ mừng Năm mới Âm lịch (Lunar New Year) do sợ lây truyền mầm bệnh virus corona (2019-nCoV).

Chính quyền quyết định như vậy dù Oxford có chưa đầy 4000 người gốc Trung Quốc sinh sống, đa phần đã định cư, làm việc trong đại học và chỉ một số ít còn về Trung Quốc dịp Tết.

Hành động của chính quyền Oxford cho thấy châu Âu đang căng thẳng theo dõi đường đi của virsu 2019-nCoV này.

Bên trong Trung Quốc, lây nhiễm đã rộng khắp, một nhân viên đại học Oxford vừa trở lại UK nói với tôi rằng cha mẹ anh ta ở một thị trấn nhỏ cách Bắc Kinh một giờ tàu cũng có 10 ca nhiễm nCoV và nghi vấn cả trăm ca lây nhiễm khác.

Một nghiên cứu sinh nhà ở Hồ Bắc thì cập nhật rằng các nhà giàu ở Vũ Hán đã chạy lên núi hay các vùng hẻo lánh để trốn trong các khu nghỉ dưỡng, mỗi tuần chỉ một người chớp nhoáng về thành phố để mua thực phẩm.

Họ liên lạc điện thoại để mua từ các mối có sẵn để tránh vào các siêu thị do sợ nhiễm bệnh và va chạm đã xảy ra thường xuyên khi họ mua tranh cướp thực phẩm.

Các thành phần khác mạnh ai nấy lo tìm bất cứ đâu họ nghĩ là an toàn và chỉ xuất hiện tuần một lần ở siêu thị.

Tất nhiên, các câu chuyện tôi được nghe từ người trở về từ Trung Quốc chỉ mang tính tham khảo, và chúng ta còn đợi những thông tin chính thức. Nhưng điều đáng nói là dịch bệnh đã và đang dẫn tới các khủng hoảng xã hội khác chỉ trong chốc lát.

Ở Việt Nam thì ngược lại, câu "Điếc không sợ súng" có vẻ mất ý nghĩa, ít nhất trong gia đình người viết bài, nơi có vài giáo sư trong lĩnh vực y, sinh học là những người hiểu rõ sự nguy hiểm của virus corona 2019-nCoV.

Cùng lúc, các vị khác vẫn phới phới từ nhà tới viện, làm việc và về nhà, tươi tắn không khẩu trang.

Chả trách sự lãng mạn tâm linh có vẻ vẫn là tinh thần chủ đạo của dân chúng ở đây khi cả ngàn người vẫn dìu nhau tới các lễ hội và mặc dù miệt mài khấn vái, không thấy Bụt nào hiện lên dù chỉ để nhắc đại chúng "đeo khẩu trang".

Người viết bài trình bày vài suy nghĩ về cách phòng và chặn dịch virus vũ Hán 2019-nCoV trong thực tiễn Việt Nam.

Cảnh bên trong một bệnh viện ở VN hồi có dịch sốt xuất huyết hồi 2017. AFP CONTRIBUTOR

Viêm phổi vì virus 2019-nCoV khác Sars thế nào?

Mặc dù cả hai đều là virus corona (RNA Coronavirus) nhưng khả năng và tốc độ truyền bệnh rất khác nhau. Trong chín tháng (2002-2003), Sars truyền hơn 8000 ca, trong khi chưa tới hai tháng nCoV đã lây ra gần 6000 ca.

Bệnh nhân nCoV và Sars đều có khả năng tiếp truyền cho người khác ở một trung bình như nhau (R0, 2-5 người) nhưng với Sars, một số bệnh nhân có thể siêu truyền tới hàng chục người, trong khi đó nhiều bệnh nhân tiếp truyền thấp, thậm chí không truyền (R0<1), các dòng, nóng siêu truyền do đó bị nhận biết và khoanh vùng nhanh chóng, R0 trung bình vì vậy giảm xuống đáng kể.

Trong khi đó, các số liệu tới nay cho thấy nCoV có khả năng tiếp truyền khá đồng đều từ mỗi bệnh nhân và đặc biệt giống như cúm hay sởi, nCoV đã bắt đầu truyền dù bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng trong vòng 7-14 ngày đầu (số liệu mới công bố của Trung Quốc nói thời gian này khoảng hơn 5 ngày), giải thích tình trạng "vỡ trận" ở Vũ Hán, cũng vì thế một số chuyên gia dịch tễ cho rằng, đã quá muộn để khống chế con virus này.

Độc lực của Sars cao hơn nhiều so với nCoV, gây tử vong gần 10% so với 2% và một bệnh nhân hết Sars cần thời gian nhiều tháng để phục hồi với những di chứng nghiêm trọng, trong khi bệnh nhân nCoV nếu qua khỏi 7-10 ngày sẽ bình phục nhanh chóng như vừa đi qua một trận cúm rất nặng.

Nhiễm trực tiếp và chéo

Quan sát mô hình hoạt động của hệ thống y tế công ở Việt nam, có thể rút ra một số thông tin là nhìn chung, các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố của Việt Nam thường khám chữa trung bình từ 1000-1500 bệnh nhân một ngày, khi con số thứ tự lên tới 500 trở lên, người bệnh sẽ phải đợi ít nhất nửa ngày để tới lượt khám.

Thời gian chờ này đủ để một người mang mầm nCoV lây trực tiếp hay lây chéo ra xung quanh.

Điều đáng sợ là tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay ở trong tình trạng quá tải, chưa kể đến hệ thống điều hòa trung tâm có thể làm trầm trọng thêm sự lây nhiễm từ không khí luân chuyển trong không gian kín.

Thống kê cho thấy đa số các ca nhiễm thứ cấp của Sars và MERS (là dịch Coronavirus tại Trung Đông) trước đây là từ môi trường y tế, các bệnh viện, trạm xá.

Văn hóa của người Việt ngăn cản họ đeo khẩu trang trong các không gian tín ngưỡng hay đình đám, hội họp, thử hình dung xem một cuộc họp đầu năm hàng trăm tới hàng ngàn người ở những công sở lớn sẽ nguy hiểm tới đâu trong thời điểm này?

Trung Quốc vừa thống kê hơn 3500 ca nhiễm tại Hồ Bắc trong khi Hồ Nam là tỉnh bên cạnh mới chỉ có hơn 200 ca trong khi cổng giữa hai tỉnh mới chỉ được đóng sáu ngày trước đây, 23-01-2020, chứng tỏ sự phân bố về mặt không gian có thể là chìa khóa để giảm nhẹ độ tàn phá của con virus này.

Do những thực tế về chính trị và kinh tế, nên đường biên giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được thả lỏng trong suốt thời gian gần hai tháng qua để một số lượng người khổng lồ quá cảnh.

Vì mật độ dân số tại Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc đặc biệt ở các thành phố lớn, nên chính phủ phải dự phòng và có kế hoạch cho tình huống xấu nhất là dịch nCoV sẽ cùng một lúc bùng lên tại hầu hết các tỉnh thành phố và gấp hàng chục lần so với Sars khiến cả hệ thống y tế có thể sụp đổ.

Cần làm gì ngay bây giờ?

Cúm mùa hiện tại ở Việt nam thường nhiễm 400-800 ngàn người và biểu hiện rất giống với triệu chứng của nCoV, phân biệt chính xác bệnh nhân cúm và nCoV là bắt buộc đầu tiên để khoanh dịch, giảm nhiễm trực tiếp và chéo, tăng hiệu quả điều trị.

Phương pháp chẩn đoán nCoV tin cậy tới thời điểm này là dùng phản ứng chuỗi (PCR) thông thường sau khi đổi RNA thành DNA, hoặc định lượng thời điểm (RT-PCR).

Tiến sỹ Nguyễn Văn Dung, chuyên nghiên cứu virus trên người tại Đại học Oxford vừa nói với tôi rằng phương pháp chung vẫn dùng phản ứng chuỗi lồng (Nested PCR) để chẩn đoán, trong khi Tiến sỹ Nguyễn Văn Hạnh ở Viện Công nghệ SH, VHLKHVN cho biết các máy PCR đã khá phổ biến ở cấp tỉnh ở Việt Nam.

Như vậy mỗi tỉnh cần xác định và hợp đồng số máy PCR có thể chạy RT-PCR hay hai loại kia và trong thời gian ngắn nhất các phòng thí nghiệm hữu trách cần thử và ban hành trên cả nước một quy trình chuẩn cho mỗi loại PCR trên bao gồm trình tự mồi và điều kiện phản ứng.

Cần lưu ý mồi và hóa chất phải đặt trước tới vài tuần từ nước ngoài sau đó phải phân phối giữ lạnh tới các cơ sở trên, như thế một quỹ dự phòng khẩn cấp cho nCoV cần thành lập.

Cách ly ngay ở cấp cơ sở

Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu tất cả các bệnh nhân và các ca nghi vấn đều đổ về bệnh viện huyện và tỉnh để rồi biến thành 'những thành phố Vũ Hán'.

Khi xuất hiện các ca nhiễm nCoV tại cấp xã, các trường học thuộc địa bàn cần lập tức đóng cửa và cùng với trạm xá địa phương được dùng làm nơi tập trung bệnh nhân của xã. Các trường học với hàng chục phòng rộng và thoáng là địa điểm lí tưởng để điều trị và cách li trong hiện tình này.

Quỹ dự phòng bắt buộc dự trù một khối lượng lớn găng tay, khẩu trang, nước sạch đóng chai, máy phát điện dự phòng, thuốc sát trùng không khí, sưởi điện, máy tạo độ ẩm, ri đô lưu động và các nồi khử trùng chạy điện cùng với các thùng rác an toàn sinh học để chống phát tán thêm dịch bệnh qua không khí, chuột, côn trùng.

Nhân viên y tế và tình nguyện viên tại các điểm xã cần được tập huấn ngay tại thời điểm này về các kiến thức chăm sóc và theo dõi bệnh nhân nCoV.

Đồng thời họ cần tập sử dụng hệ thống giao diện online trực tuyến 24/24 để nhận sự trợ giúp và tư vấn từ tuyến trên hay từ bệnh viện dã chiến.

Điều trị ra sao?

Về cơ bản, hiện nay không có thuốc gì đặc trị cho nCoV nên chỉ sử dụng giảm sốt và giảm đau để khống chế nhiệt độ bệnh nhân đợi cơ thể tự thích ứng.

Cần ngay lập tức đưa ra một mức lương, thưởng động viên cho những bệnh nhân khi khỏi bệnh ở lại tham gia chăm sóc những bệnh nhân mới vì khác với Sars, bệnh nhân nCoV sau 7-10 ngày sẽ hồi phục nhanh và đã miễn dịch với nCoV do vậy từ kinh nghiệm của mình.

Người đã miễn dịch sẽ chăm sóc tốt cho các bệnh nhân mới nếu được hướng dẫn.
Phương pháp này sẽ giảm áp lực lên lực lượng y tế và giảm nguy cơ khủng hoảng nhân lực.

Nhớ lại năm 2003, một mình bệnh nhân Johnny Cheng đã nhiễm Sars ra 63 nhân viên bệnh viện Việt-Pháp và 5 người sau đó đã tử vong, để thấy những tình nguyện viên đã miễn dịch tự nhiên là vô giá trong các trận dịch kiểu này.

Chỉ những ca có biến chứng nặng là cần được xe chuyên dụng chuyển tới bệnh viện dã chiến hay tuyến trên. Mỗi tỉnh nên chọn địa điểm trước để một bệnh viện dã chiến có thể dọn tới.

Hệ thống chuyên chở này sẽ đảm bảo cung cấp các vật dụng y tế tối thiểu cho điểm xã cũng như chuyển bệnh phẩm cho các cơ sở chẩn đoán bằng PCR, sàng lọc bệnh nhân.
Tỷ lệ tử vong khoảng 2% cho biết rằng đa phần các ca bệnh sẽ khỏi, thậm chí tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách.

Mô hình cách ly cấp xã này thiển nghĩ có thể ngăn chặn các ổ dịch gia đình mà do điều kiện sống khó có thể giữ bệnh nhân an toàn tại nhà và đồng thời ngặn nó phát tán xa ra khỏi khu vực địa phương. Hy vọng, nó có thể cầm chân con nCoV ở từng địa phương chờ có các phương thức điều trị tích cực hơn hay khi động năng lây nhiễm đi xuống.

*
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tiến sỹ Hoàng Kim Phúc (Y học Nhiệt đới), người từng làm việc ĐH Oxford, và hiện đang tiến hành các nghiên cứu về dịch tễ học cùng công ty tư nhân ở Anh và Việt Nam.

--------------------------------------------
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 30/01/2020 - 10:03

Tỉ lệ tử vong, mức độ lây từ người sang người, thời điểm người bệnh có thể lây cho người khác, thời gian ủ bệnh : AFP ghi nhận nhiều điều còn chưa được biết rõ khiến chưa thể xác định được tác động toàn cầu của bệnh dịch do virus corona mới từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Tỉ lệ tử vong là bao nhiêu ?
Hiện nay có 170 người đã chết trên tổng số 7.700 trường hợp nhiễm bệnh. Chưa có bệnh nhân nào tử vong bên ngoài Hoa lục, trong khi khoảng 60 người đã được xác nhận mắc bệnh tại 15 nước, từ châu Á cho đến châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông.

Ở giai đoạn này, chúng ta chưa thể biết được tỉ lệ tử vong cụ thể do virus 2019-nCoV gây ra, vì không biết được số người bị lây nhiễm thực sự.

Hôm thứ Ba 28/01/2020, bộ trưởng y tế Pháp Agnès Buzyn cho rằng tỉ lệ tử vong « dưới 5% ». Tỉ lệ này mỗi ngày lại giảm bớt vì có nhiều ca nhiễm bệnh mới hơn là ca tử vong. Trước đó, chỉ có hai nạn dịch gây chết nhiều người do virus dòng corona gây ra : dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch SARS năm 2002-2003 đã làm 774 người chết trên thế giới trong số 8.096 ca mắc bệnh (tỉ lệ tử vong 9,5%). Còn dịch MERS thì vẫn chưa kết thúc, với 858 bệnh nhân chết trên 2.494 trường hợp bị lây nhiễm (tỉ lệ tử vong 34,5%).

Cũng theo bà Buzyn, virus corona mới « làm chết người ít hơn SARS và MERS, nhưng lây nhiễm nhiều hơn ».

Mức độ lây nhiễm như thế nào ?
Nhiều chuyên gia khác nhau đã cố gắng ước lượng số người bị một bệnh nhân lây cho. Được gọi là « tỉ lệ tái sinh căn bản » (R0), thông số này rất quan trọng để ngăn chận dịch bệnh. Có nhiều tỉ lệ được đưa ra từ 1,4 đến 3,8, mà theo giải thích của giáo sư David Fisman, đại học Toronto thì như vậy khá thấp.

Tuy nhiên các nhà khoa học Trung Quốc lại ước lượng cao hơn, theo đó một người bệnh có thể lây cho hơn 5 người khác. J.Stephen Morrison, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington nhận định : « Nếu tỉ lệ này được xác định, có thể giải thích một phần vì sao số trường hợp lây nhiễm gia tăng nhanh chóng tại Trung Quốc ».

Vào lúc nào một bệnh nhân có thể lây cho người khác ?
Câu hỏi quan trọng này hiện vẫn chưa có câu trả lời.

Hôm Chủ nhật 26/1, chính quyền Trung Quốc nói rằng việc lây nhiễm có thể diễn ra ngay trước khi các triệu chứng xuất hiện (đây là trường hợp của dịch cúm, nhưng SARS thì không). Dù sao đi nữa, giả thiết này dựa trên việc quan sát vài trường hợp, và chưa được khẳng định.

Giáo sư Mark Woolhouse, trường đại học Edimbourg (Scotland) nhấn mạnh với AFP : « Cần khẩn cấp tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Hy vọng chính của chúng ta là kiểm soát được dịch bệnh và nhanh chóng nhận diện những người bị bệnh để cách ly, tránh lây lan. Nếu việc lây nhiễm virus diễn ra trước khi xuất hiện các triệu chứng được xác nhận rộng rãi, thì hiệu quả của biện pháp cách ly sẽ không còn bao nhiêu ».

Mức độ lây từ người sang người như thế nào ?
Hầu hết những trường hợp lây trực tiếp từ người sang người được nhận thấy ở Hoa lục. Ba trường hợp khác là ở Việt Nam, Đức, Nhật Bản.

Theo ông J.Stephen Morrison, nguy cơ lây như vậy « rất thấp tại các nước phát triển ». Tuy nhiên nếu có những trường hợp « lây sang một số nước châu Phi hay các lục địa mà phương tiện an toàn vệ sinh hạn chế, thì các ổ dịch lớn có thể bùng nổ bên ngoài Trung Quốc. Đó có thể là khúc dạo đầu cho một nạn dịch toàn cầu ». Ông cũng nói thêm, hiện thời một kịch bản như thế chỉ mới trên lý thuyết.

Thời gian ủ bệnh là bao lâu ?
Những yếu tố mới nhất cho thấy thời gian từ lúc bị nhiễm virus cho đến lúc xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, gọi là thời kỳ ủ bệnh, chừng như ngắn hơn người ta tưởng.

WHO hôm thứ Hai 27/1 cho rằng thời kỳ ủ bệnh là từ 2 đến 10 ngày. Nhưng đối với một số trường hợp thì nhanh hơn : trong số 34 bệnh nhân Trung Quốc được các chuyên gia Hà Lan nghiên cứu, thì thời gian ủ bệnh trung bình là 5,8 ngày.

Khi một thanh niên 27 tuổi bị lây nhiễm từ người cha từ Vũ Hán đến Việt Nam, các triệu chứng chỉ ba ngày sau đã xuất hiện, theo một lá thư đăng trên tạp chí y học Mỹ NEJM hôm thứ Ba 28/1. Pháp chọn mức cao nhất là 14 ngày để ấn định thời gian cách ly đối với các công dân hồi hương từ Vũ Hán.

Những triệu chứng như thế nào ?
Căn bệnh về đường hô hấp do virus corona mới gây ra có một số triệu chứng giống như SARS, theo như 41 trường hợp đầu tiên được theo dõi tại Trung Quốc. Tất cả các bệnh nhân này đều bị viêm phổi, hầu như đều bị sốt, ba phần tư bị ho, và hơn phân nửa bị khó thở.

Tuy nhiên theo phân tích của giáo sư Bin Cao, tác giả chính của các nghiên cứu đăng trên The Lancet, thì « có những khác biệt quan trọng so với SARS. Chẳng hạn không có các triệu chứng như sổ mũi, đau họng, hắt hơi ».

Tuổi trung bình của số 41 bệnh nhân trên là 49, và gần một phần ba đã bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim…Một phần ba trong số những người này cảm thấy rất khó thở, và sáu người đã chết.

Hiện nay chưa có vaccin cũng như thuốc chữa đối với virus corona, các bác sĩ chỉ khắc phục những triệu chứng, trong đó có việc làm hạ sốt.







No comments:

Post a Comment

View My Stats