NỘI DUNG :
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 10:51
Trong
một bức thư ngỏ được đăng trên một tờ báo y khoa của Anh Quốc hôm qua,
28/01/2020, một nhóm bác sĩ Việt Nam thông báo có thể là tại Việt Nam đã có trường
hợp đầu tiên lây từ người sang người của virus corona gây bệnh viêm phổi cấp
tính.
Các tác giả của bức thư gởi cho tờ New England
Journal of Medecine, gồm 9 bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn và của Viện
Pasteur Sài Gòn, nêu trường hợp của hai cha con người Trung Quốc được đưa vào bệnh
viện Chợ Rẫy từ ngày 22/01/2020. Người đàn ông 65 tuổi, vốn bị tiểu đường type
2, huyết áp cao, và từng bị ung thư phổi, đã nhập viện do bị mệt và bị sốt từ
ngày 17/01, tức là 4 ngày sau khi cùng với vợ từ thành phố Vũ Hán đến Hà Nội,
vào lúc mà dịch virus corona mới đã bùng phát. Tình trạng sức khỏe của ông này
đã được cải thiện từ ngày 26/01 và người vợ thì không có triệu chứng nào của bệnh
viêm phổi cấp tính.
Người con 27 tuổi của họ, sống tại tỉnh Long An,
chưa bao giờ đặt chân đến Vũ Hán, và cũng chưa tiếp xúc với người nào từ vùng
này. Đến ngày 17/01, anh này gặp cha ở Nha Trang và ngủ chung phòng khách sạn với
bố mẹ trong 3 ngày, thì đến ngày 20/01 bị khô cổ họng và bị sốt, và qua xét
nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona. Khi nhập viện cùng với bố ở bệnh
viện Chợ Rẫy, anh cũng đã được cách ly để theo dõi và điều trị. Hôm qua, theo
báo chí trong nước, đại diện của bệnh viện Chợ Rẫy thông báo là bệnh nhân này
đã « được chữa khỏi », tức là cho kết quả âm tính với virus
corona. Người bố thì vẫn bị cách ly.
Rất có thể là người cha đã lây virus corona cho người
con. Thế nhưng việc xét nghiệm để xác định việc truyền virus từ cha sang con đã
không được thực hiện. Theo nhóm bác sĩ Việt Nam nói trên, trường hợp đầu tiên
bên ngoài Trung Quốc có người trong cùng gia đình bị lây nhiễm làm tăng thêm mối
quan ngại về khả năng của virus corona lây từ người sang người.
Gia đình bệnh
nhân Trung Quốc nói trên đã đi du lịch đến 4 thành phố của Việt Nam, bằng máy
bay, xe lửa, taxi. Theo nhóm bác sĩ gởi thư cho New England Journal of
Medecine, người ta đã xác định được 28 người có tiếp xúc gần với họ, nhưng chưa
có một ai phát triển các triệu chứng bị nhiễm virus corona.
Theo thông báo của bộ Y Tế hôm qua, hiện giờ chưa có
ca nhiễm virus corona nào khác, nhưng có 63 ca bị nghi nhiễm bệnh do trước đây
có đi đến vùng có dịch ở Trung Quốc. Trong số này, 25 ca đã được loại trừ nhiễm
virus corona, 38 ca còn lại vẫn được theo dõi cách ly.
----------------------------
Đức Tâm - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 10:45
Trong
thời gian từ 30/12/2019 đến 22/01/2020, tức là 2 ngày trước khi Vũ Hán – ổ dịch
bệnh virus corona – bị cách ly, gần 100 ngàn du khách, chủ yếu là người Trung
Quốc, đã đi máy bay từ thành phố này đến Hoa Kỳ, châu Âu, và đặc biệt là châu
Á, trong đó có Việt Nam.
Vào lúc một số nước phương Tây bắt đầu có những biện
pháp cần thiết để đưa các công dân của mình từ Vũ Hán về nước, dịch bệnh lan
nhanh và đặc biệt là lây nhiễm từ người sang người, thì có một câu hỏi ám ảnh
các chuyên gia và giới khoa học : Người dân Vũ Hán đã đi đâu trước khi thành phố
này bị cách ly và hiện giờ họ ở đâu ?
Theo lời thị trưởng thành phố này, tính cho đến ngày
26/01, thì có chính xác 4096 cư dân Vũ Hán đi du lịch ở nước ngoài. Tuy nhiên,
số lượng người từ Vũ Hán đi máy bay ra nước ngoài trong những tuần qua cao hơn
rất nhiều.
Báo Pháp Les Echos cho biết, trang thông tin Trung
Quốc Đệ Nhất Tài Kinh (Ycai) đã phân tích các dữ liệu chính thức để xác định số
du khách đã mua vé và giữ chỗ trên các tuyến bay quốc tế đi từ sân bay Vũ Hán
ra nước ngoài, trong giai đoạn từ 30/12/2019 đến 22/01/2020 và nơi đến của những
người này.
Theo trang thông tin này, có tất cả 101 520 người đã
rời Vũ Hán trong giai đoạn nói trên. Trong danh sách 20 sân bay nước ngoài đón
người từ Vũ Hán đến nhiều nhất, đứng đầu là Thái Lan với khoảng 26 700 du khách
(Bangkok, Don Mueang và Phuket). Đứng hàng thứ hai là Nhật Bản 18 008 (Tokyo,
Osaka, Nagoya). Tiếp theo là Singapore và Incheon Hàn Quốc, lần lượt là 10680
và 6430. Việt Nam đứng hàng thứ 10, với 4130 du khách Vũ Hán đã vào Thành Phố Hồ
Chí Minh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý nên thận trọng khi
xử lý các số liệu này, vì không rõ số du khách Vũ Hán đã hồi hương trong ba tuần
lễ đầu 2020 và không có thông tin chính xác về nơi đến cuối cùng của họ. Ví dụ,
đối với những người bay tới San Francisco Hoa Kỳ, thì có nhiều khả năng họ ở lại
cùng gia đình vì cộng đồng người Hoa tại đây khá đông. Trong khi đó, Dubai,
Istanbul, Luân Đôn, Singapore chưa chắc là đích đến cuối cùng của nhiều người
khác.
Điều đáng lo ngại là nếu như cơ quan phụ trách xuất
nhập cảnh của từng nước biết được du khách từ đâu đến (máy bay xuất phát từ đâu
hoặc quá cảnh tại những nơi nào…) nhưng khó có thể biết được là những người này
đã xuất cảnh chưa. Đây cũng là câu hỏi đối với hơn 4000 du khách Vũ Hán nhập cảnh
vào TP Hồ Chí Minh.
-------------------------------------------------
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 11:17
Đến
hôm nay 29/01/2020 đã có 132 người chết và 5.974 người bị lây nhiễm virus
corona tại Trung Quốc, cao hơn cả dịch SARS trước đây (5.327 người bị nhiễm).
Các chuyên gia ước tính nạn dịch sẽ lên đến đỉnh điểm
trong khoảng 10 ngày nữa. Hiện virus corona mới đã lây sang 15 nước, trong đó
đáng ngại nhất là trường hợp lây từ người sang người ở Đức và Nhật.
Trung Quốc khuyến cáo công dân không ra nước ngoài
trừ trường hợp cần thiết, sau khi đã cho tạm ngưng việc đi du lịch theo đoàn.
Khoảng 2.000 chuyến tàu liên tỉnh đã bị hủy kể từ thứ Sáu 24/1.
Thủ đô Bắc Kinh 20 triệu dân trở thành một thành phố
ma ngay trong dịp Tết, chính quyền khuyến khích người dân ở nhà và nếu phải ra
đường nên mang khẩu trang. Tại các trạm xe điện ngầm, hành khách được các nhân
viên mặc quần áo bảo hộ kiểm tra thân nhiệt, và cả các nhà ga, khách sạn. Thậm
chí tại lối vào các khu nhà ở, khách đến bị bắt buộc cặp nhiệt.
Theo AFP, các trung tâm thương mại vốn đông đảo ở Bắc
Kinh trở nên vắng vẻ, chỉ có vài chiếc xe chạy trên các đại lộ lặng như tờ. Những
nhà hàng còn mở cửa dán áp-phích cho biết làm vệ sinh rất kỹ và thường xuyên,
nhưng khách vẫn không vào.
Ngược lại, những cửa hàng bán khẩu trang và nước khử
trùng hết sạch hàng. Các mặt hàng này vẫn được bán trên mạng nhưng giá cả tăng
vọt. Không còn lễ hội, tụ họp, người dân giết thời gian bằng cách lên mạng, xem
phim… Một video phổ biến trên WeChat cho thấy một bàn mạt chược với người chơi
trùm đầu bằng bao nilon.
Tại Hồng Kông, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga
(Carrie Lam) đeo khẩu trang che kín mặt, vào ngày mùng ba Tết loan báo các biện
pháp bổ sung. Kể từ đêm mai, Hồng Kông đóng 6/14 cửa khẩu, ngưng các chuyến xe
lửa và tàu biển với Hoa lục, giảm phân nửa số chuyến bay và liên lạc đường bộ
cũng bị hạn chế.
Sau khi cho ngưng các đoàn khách du lịch từ Trung Quốc,
bà Lâm cho biết chính quyền trung ương cũng ngưng cấp giấy cho các cá nhân từ
49 thành phố Trung Quốc sang Hồng Kông. Loan báo này được đưa ra trong bối cảnh
có những lời kêu gọi từ nhiều chính khách và chuyên gia, bên cạnh đó 15.000
nhân viên y tế đe dọa sẽ đình công nếu không đóng cửa biên giới với Hoa lục.
Hôm thứ Hai 27/1, các chuyên gia đại học Hồng Kông ước tính số người bị nhiễm
virus corona mới chỉ riêng ở Vũ Hán là 44.000 người chứ không phải 3.000 như
con số chính thức, và trong số đó có phân nửa đang ủ bệnh.
---------------------------------
.
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 16:25
Tại
Việt Nam hôm nay 29/01/2020 ngoài hai cha con người Trung Quốc được xác nhận bị
nhiễm virus corona mới, ở bệnh viện Đà Nẵng hiện còn 28 trường hợp nghi ngờ nhiễm
bệnh đang được theo dõi. Đa số các doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc ở
Khánh Hòa đã tạm ngừng hoạt động từ hôm qua.
Trả
lời RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên công ty du lịch
Lửa Việt cho biết thêm về tình hình :
Virus corona đang phát triển rất là chóng mặt, có vẻ
rất khó kiểm soát. Việt Nam là nước gần gũi không chỉ về địa lý mà còn về chính
trị cho nên ngoài Trung Quốc ra, chắc chắn Việt Nam phải chịu thiệt hại nặng nề
nhất. Bởi vì lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam chiếm đến 30%. Ngoài khách du
lịch, còn rất đông những người Trung Quốc làm ăn ở đây nữa, cho nên biến động
này sẽ hơi căng.
Các tour du lịch có khách Trung Quốc hiện nay gần
như đã hủy hết. Trước đây Tổng cục Du lịch bảo không cấm người Việt đi du lịch,
nhưng Trung Quốc cấm người dân của họ sang nước khác, nên đây có thể nói là quả
bom tấn về kinh tế.
So với trước đây vào năm 2003, Trung Quốc thiệt hại
ước tính 50 tỉ đô la, nhưng tôi nghĩ rằng kỳ này con số sẽ cao hơn vì dịch bộc
phát nhanh hơn, và liên quan tới du lịch ngay đầu năm mới luôn.
Hiện nay ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, các trung
tâm du lịch lớn đã có chủ trương đóng cửa khẩu. Cửa khẩu Lào Cai đã chính thức
đóng cửa, còn các cửa khẩu khác chắc là cũng nay mai. Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đã nói không thể vì một ít đồng tiền thu được – mà cũng chưa chắc là tiền
thu được có thể bù đắp lại những thiệt hại về kinh tế, về sức khỏe sau này.
Hiện nay lượng khách Trung Quốc giảm sút vì một số
đường bay không hoạt động nữa, chẳng hạn từ Vũ Hán. Đường bay bị cắt giảm nên
khách cũng ít hơn. Việt Nam cũng rất chủ động trong việc đề phòng bệnh lây lan
: giám sát thân nhiệt, cách ly những người có biểu hiện…cho nên về mặt này thì
vẫn đang trong tầm kiểm soát, không đến nỗi nào.
Thứ hai, trong một đất nước còn khó khăn thì đòi hỏi
nghiêm ngặt về phòng chống cũng không thể như các nước châu Âu được. Người Việt
vẫn tương đối lạc quan, họ đeo khẩu trang đi tham quan khắp nơi.
Người Trung Quốc chưa bị phân biệt đối xử hoặc tẩy
chay gì cả, các nơi vẫn tiếp nhận khách Trung Quốc bình thường. Chỉ duy nhất một
trường hợp ở Đà Nẵng, có một khách sạn cương quyết không nhận khách Trung Quốc,
chính quyền thuyết phục cũng không được. Họ trả lời rằng nếu khách Trung Quốc tới
đây lỡ lây bệnh, phải đóng cửa luôn thì thiệt hại đó ai chịu, nên họ chấp nhận
không nhận đoàn khách đó mặc dù đã đặt cọc tiền từ trước rồi. Việc này là cá biệt
thôi.
Cho nên tình hình năm 2020, cái Tết Canh Tý mở đầu bằng
quả bom tấn virus, thất thu của ngành du lịch rất lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng
choáng váng. Nhưng đây là khó khăn chung, mình phải chấp nhận đối mặt, và hy vọng
trong thời gian sớm nhất sẽ tìm được cách khắc phục.
NGHE
: Ông Nguyễn Văn Mỹ - Saigon
-------------------------------------
.
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 13:01
Sau
hai ngày họp và sau nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, ngày 22/01/2020, các thành
viên ủy ban khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO ) vẫn bị chia rẽ trong việc
ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở cấp độ quốc tế liên quan dịch
viêm phổi do virus corona mới.
thêm một ngày, ủy ban này cũng không thống nhất được
ý kiến. Theo nhận định của tờ Le Monde, dường như những tính toán về chính trị
đã lấn át các lập luận khoa học, bởi vì Trung Quốc dứt khoát không muốn WHO ban
bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Sau cuộc họp, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng
giám đốc WHO, nói rằng hiện giờ dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới chỉ
là « vấn đề khẩn cấp y tế ở Trung Quốc », chứ chưa phải là một
« vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu ». Theo lời ông, sự bùng phát
mạnh mẽ của virus corona ở Trung Quốc là một nguy cơ « rất cao »
ở Trung Quốc và là một nguy cơ « cao » đối với khu vực và trên
thế giới.
Ngoài những tuyên bố của tổng giám đốc, trong Tổ Chức
Y Tế Thế Giới, cũng như trong ủy ban khẩn cấp, trong những ngày qua, không một
ai phát biểu điều gì về vấn đề này. Nhưng theo các thông tin mà tờ Le Monde thu
thập được từ nhiều nguồn khác nhau, sở dĩ WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp
toàn cầu, đó chính là do sự chống đối quyết liệt của Trung Quốc và các nước đồng
minh. Những nước này đã gây áp lực đối với các thành viên ủy ban khẩn cấp và
ban lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Le Monde nhắc lại WHO có một công cụ pháp lý, Quy định
Y Tế Quốc Tế. Bản quy định này đã được sửa đổi vào năm 2005, do Trung Quốc
trong nhiều tháng đã che giấu các thông tin về dịch viêm phổi cấp tính nặng
SARS 2002-2003. Bản mới có những quy định gắt gao hơn với các nước thành viên
WHO, nhằm giúp cộng đồng quốc tế ngăn ngừa và đối phó với những nguy cơ nghiêm
trọng về y tế, có thể từ một quốc gia lan ra nhiều nước khác và đe dọa cả thế
giới.
Theo các quy định đó, WHO đã lập ra một ủy ban khẩn
cấp về dịch viêm phổi do virus corona mới, với 15 thành viên và 6 cố vấn, chủ yếu
là các chuyên gia dịch tễ học, đến từ những quốc gia đại diện cả năm châu.
Trong cuộc họp hai ngày 22 và 23/01, tổng giám đốc của WHO đã mời đại sứ của bốn
quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc
và Nhật Bản, đến dự với tư cách quan sát viên. Chính tại cuộc họp này mà đại sứ
Trung Quốc đã gây áp lực với ủy ban và qua đó gây áp lực đối với tổng giám đốc
WHO.
Theo một người nắm rành về hồ sơ này, được Le Monde
trích dẫn, không phải là chính quyền Bắc Kinh xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của
dịch bệnh, bằng chứng là họ đã thi hành những biện pháp rất nghiêm ngặt theo lệnh
của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc không còn là một
nước thế giới thứ ba nữa, mà nước này hoàn toàn có đủ khả năng để tự mình đối
phó với khủng hoảng y tế, khác với lúc xảy ra dịch SARS. Một trong những điểm
khác so với thời dịch SARS : lần này Trung Quốc đã công bố rộng rãi cho thế giới
những dữ liệu mà họ nắm được từ con virus corona mới.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh không muốn WHO ban bố
tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó là vì họ sợ làm như vậy sẽ gây tác hại cho
trao đổi mậu dịch và cho giao thông, điều mà Trung Quốc và các đồng minh của họ
muốn tránh.
Trước thái độ cương quyết này, tổng giám đốc WHO
Tedros Adhanom Ghebreyesus cố tìm ra một thỏa hiệp với Bắc Kinh. Trong chuyến
đi Trung Quốc của hai ngày qua, ông đã thuyết phục được Bắc Kinh chấp nhận cho
WHO gởi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để phối hợp các nỗ lực
đối phó ở cấp độ toàn cầu với dịch viêm phổi do virus corona mới.
-----------------------------------------
Anh Vũ - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 14:47
Virus
corona từ Vũ Hán tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc và đe dọa cả thế giới. Vụ xử
phế truất tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên nóng khi cựu cố vấn an ninh quốc
gia John Bolton lộ diện. Tổng thống Trump bắt tay Israel đưa ra kế hoạch hòa
bình mới với người Palestine. Trên đây là những chủ đề nổi bật được các báo
Pháp chú ý đặc biệt.
Virus corona Vũ Hán tiếp tục lây lan, số người thiệt
mạng tăng thêm mỗi ngày mặc dù tỉnh Hồ Bắc, nơi phát dịch, đã bị gần như cách
ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Mỗi nơi, mỗi nước đang nỗ lực theo cách
riêng của mình cố gắng kiểm soát dịch và bảo vệ người dân.
Nhật báo Le Monde có bài phóng sự mang tiêu đề
« Bắc Kinh, thành phố chết, khép kín trong nỗi sợ » cho thấy,
không chỉ Vũ Hán, nơi ổ dịch, mà giờ đây người dân thủ đô Trung Quốc đang cố gắng
tránh bị phơi nhiễm virus corona 2019-nCoV. Thông tín viên của Le Monde tại Bắc
Kinh mô tả : « Các cửa hàng đóng cửa, phố xá vắng tanh, hiếm hoi có vài
chiếc xe bus gần như trống không chạy trên đường, Bắc Kinh thành phố 21 triệu
dân giống như một thành phố ma. Ngay cả những người giao hàng, thường ngày có mặt
ở khắp nơi, giờ cũng biến mất ».
Tác giả bài phóng sự nhận thấy người Trung Quốc giờ
đây cảnh giác với chính đồng bào mình. Người Trung Quốc nhìn người nước mình
như là mối đe dọa. Ở ngoại ô Bắc Kinh, có nhiều làng hay các khu phố, người dân
tự dựng rào chắn không cho người lạ vào. Các khách sạn từ chối khách người Hồ Bắc.
Bảo vệ giờ đây kiểm tra chất vấn những người lạ đến tòa nhà chung cư để biết có
tiếp xúc hay liên quan gì đến Vũ Hán hay không. Điều mà người dân bắc Kinh sợ
lúc này là phải đến bệnh viện, ngay cả khi mắc các bệnh thông thường. Họ đóng
kín cửa, tích trữ lương thực thực phẩm, sống trong nhà chờ dịch đi qua, nhưng
không khí sợ hãi bao trùm khắp thành phố.
Hồng Kông cắt đứt với đại lục
Báo Les Echos nhìn sang Hồng Kông với bài : « Bị
ám ảnh ký ức dịch SARS, Hồng Kông cắt đứt với Trung Quốc ». Đặc khu
hành chính đang có những phản ứng nhanh chóng và dứt khoát trước dịch viêm phổi
cấp đến từ Hoa Lục.
Trận dịch virus corona lần này gợi lại cho Hồng Kông
những ký ức đau thương của trận dịch SARS 2002-2003, từng làm 300 người chết tại
thành phố. Lần này, chính quyền đặc khu đã quyết định đóng cửa gần như hoàn
toàn với Trung Quốc hy vọng ngăn chặn dịch virus corona. Tất cả các tuyến giao
thông, đường sắt và đường thủy nối với Hoa Lục đều đã bị ngừng lại từ hôm
25/01. Các chuyến bay đến từ đại lục cũng bị cắt giảm còn một nửa. Gần một nửa
số trạm kiểm soát biên giới bị đóng cửa chờ có lệnh mới. Về phía Trung Quốc, Bắc
Kinh ngừng cấp giấy thông hành cho du khách cá nhân đến Hồng Kông, các công ty
du lịch cũng nhận được lệnh hủy tour đến đặc khu. Les Echos nhận xét : « Từ
trước đến nay, chưa bao giờ Hồng Kông có các biện pháp mau lẹ và triệt để như vậy.
Ngay cả thời điểm xảy ra dịch SARS hồi 2002-2003, Hồng Kông cũng không không đến
nỗi cô lập với Hoa lục như lúc này ». Hiện tại mới có 8 người bị phát
hiện nhiễm virus corona tại Hồng Kông. Họ đều đến từ Hoa lục bằng tàu hỏa.
Đặt trong tình trạng báo động y tế cao nhất từ thứ Bảy
tuần qua, Hồng Kông quyết định đóng cửa nhiều địa điểm công cộng, như công viên
giải trí, bảo tàng, trường học. Hàng loạt các hoạt động thương mại, du lịch,
khách sạn, nhà hàng bị đình trệ. Các chuyên gia kinh tế nhận định những biện
pháp khẩn cấp như vậy sẽ làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của đặc khu hành
chính, vốn đã phải chịu nhiều hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung và phong
trào biểu tình phản kháng trong nhiều tháng qua.
Dịch có thể lên đến đỉnh điểm những ngày tới
Nhật báo Le Figaro có bài « Trung Quốc đối mặt
với « con quỷ » virus corona » với cảnh báo, dịch có thể lên tới đỉnh
điểm trong chục ngày tới. Ở Trung Quốc hiện tại, hầu như ai cũng là những bệnh
nhân tiềm ẩn. Họ được đề nghị đóng cửa ở trong nhà, người dân trong vùng bị cách
ly tiếp tục cuộc sống khép kín trong thành phố chết, những người dân khác được
khuyến cáo hủy tất cả các chuyến đi ra nước ngoài nếu không phải là cần kíp.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc cố gắng minh bạch tình
hình, nỗ lực huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn dịch nhưng tình hình có vẻ vẫn
không làm cho yên tâm. Trong nước số người chết và lây nhiễm tiếp tục tăng. Ở
ngoài nước, virus corona bắt đầu xuất hiện thêm ở nhiều nước.
Theo Le Figaro, các nước có kiều dân ở Trung Quốc
đang khẩn trương đề nghị đưa người của mình hồi hương. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp đều
đã lên kế hoạch đưa máy bay đến Vũ Hán đón các công dân về nước. Trong khi đó Tổ
Chức Y Tế Thế Giới (WHO) có vẻ như vẫn mập mờ, không khuyến cáo di tản người nước
ngoài khỏi Trung Quốc, theo như phát biểu của tổng giám đốc WHO trong chuyến
thăm Bắc kinh hôm qua, được một thông cáo của chính quyền Trung Quốc trích dẫn.
WHO thông báo Bắc Kinh đã chấp nhận để các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc
nghiên cứu virus và điều hành hoạt động phòng chống dịch của quốc tế. Mọi người
đang hy vọng sau khi lên đến đỉnh điểm, dịch sẽ lắng xuống tuy còn kéo dài vài
tháng, như vẫn thường thấy trong các đợt dịch khác.
------------------------------------------
Tú Anh - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 11:04
Trong
bối cảnh quy mô dịch viêm phổi siêu vi Trung Quốc tăng nhanh, Mỹ, Nhật đã đưa
hàng trăm kiều dân rời Vũ Hán về nước. Hàng chục quốc gia châu Á, châu Âu, Bắc
Phi đang chuẩn bị các chuyến bay đặc biệt di tản công dân của họ.
Cho dù Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuyên bố là không cần
thiết, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai nước đầu tiên di tản kiều dân từ Vũ Hán, ổ dịch
viêm phổi mới, về nước. Khoảng 200 kiều dân Nhật đã về đến phi trường Tokyo
trên một chuyến nay đặc biệt vào sáng thứ Tư 29/01/2019. Trong số này, có hai
người được phát hiện đã nhiễm siêu vi. Cùng ngày, một chuyến bay đặc biệt của Mỹ
chở 200 người gồm nhân viên lãnh sự quán ở Vũ Hán và công dân Mỹ cất cánh từ
phi trường Vũ Hán.
Cộng đồng người Pháp, khoảng 1000 người ở Vũ Hán, phải
chờ thêm 24 giờ nữa mới được di tản. Paris cho biết tất cả sẽ bị cách ly 14
ngày một khi về đến Pháp.
Một chuyến thứ hai, do Ủy Ban Châu Âu đảm trách, sẽ
cất cánh trong nay mai sang Vũ Hán, đem 350 kiều dân Pháp và các nước châu Âu
khác hồi hương.
Theo AFP, có hơn một chục nước chọn giải pháp thận
trọng này tính đến ngày hôm nay : Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia,
Philippines, Thái Lan, Ấn Độ , Sri Lanka, Algeri, Maroc…
Hơn 400 công dân Úc ghi tên xin hồi hương. Canberra
dự tính biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt : đưa hết ra đảo Christmas để theo dõi
diễn biến sức khỏe trong nhiều tuần.
---------------------------------
Tú Anh - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 14:12
Vào
lúc số người nhiễm virus viêm phổi Trung Quốc tăng vượt số nạn nhân bệnh nhân dịch
SARS năm 2003, nhiều công ty hàng không quốc tế thông báo tạm ngưng hoặc giảm
các chuyến bay đến Trung Quốc. Một mặt vì không có khách hàng, mặt khác để chận
dịch lan ra thế giới.
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để chận dịch
lan rộng từ người qua người như trường hợp virus corona Trung Quốc có lẽ là hạn
chế du khách. Theo AFP, dấu hiệu phòng chống cứng rắn được thể hiện qua quyết định
của nhiều hãng hàng không ngưng phục vụ hoặc giảm tối đa các chuyến bay đến các
thành phố Hoa lục.
Trong khi Air France duy trì 23 chuyến bay hàng tuần
trên hai tuyến Paris-Bắc Kinh và Paris-Thượng Hải, công ty British Airways của
Anh và Lion Air của Indonesia quyết định đình chỉ 100% cho đến khi tình hình được
cải thiện.
Cathay Pacific của Hồng Kông sẽ giảm 50% chuyến bay
sang đại lục. United Airlines của Mỹ cho biết sẽ giảm tối đa các chuyến bay
sang Thượng Hải và Hồng Kông .
Công ty tư nhân của Nga Urals Airlines cũng vừa loan
báo ngưng các chuyến bay qua Tây Âu cho đến hết mùa đông. Urals Airlines chuyên
đưa du khách Trung Quốc sang châu Âu nhất là Roma và Paris.
Tại Nam Thái Bình Dương, đảo quốc
Papouasia-New-Guinea áp dụng biện pháp triệt để: cấm hẳn du khách từ các nước
châu Á.
Mozambique, châu Phi, từ nay tạm ngưng cấp visa cho
dân Trung Quốc
Thêm ca mới tại Đức, Pháp, Trung Đông
Trong khi đó, các trường hợp lây nhiễm ngoài Trung
Quốc cũng tăng thêm.
Đức thông báo có thêm ba ca mới : tất cả đều là nhân
viên của một hãng ở Starberg, bang Bayern, nơi có một nhân viên đầu tiên bị lây
từ một nữ tập sự viên người Trung Quốc. Pháp xác nhận có một ca thứ tư: một du
khách Trung Quốc 80 tuổi.
Tiểu Vương Quốc Ả Rập thông báo trường hợp lây nhiễm
đầu tiên ở Trung Đông.
------------------------------------------------
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 29/01/2020 - 14:20
Đúng
vào lúc Trung Quốc và Mỹ đạt hưu chiến thương mại giữa tháng 1/2020, bệnh dịch
virus corona mới bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, có nguy cơ lan rộng. Dịch bệnh
hoành hành tại nền kinh tế thứ hai thế giới tác động thế nào đến kinh tế toàn cầu?
Giới kinh tế gia ghi nhận dầu mỏ và du lịch là 2 nạn nhân đầu tiên. Các thị trường
nín thở chờ đợi phiên chứng khoán Trung Quốc mở cửa lại.
Dường như không khí bình yên tương đối trên các thị
trường tài chính toàn cầu, mới trở lại sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt thỏa
thuận tạm ngưng cuộc chiến về thuế, nay đột ngột tan vỡ với dịch bệnh virus
corona. 132 ca tử vong, 6.000 người nhiễm virus, tính đến hôm nay, 29/01/2020.
Con số không ngừng tăng lên gây lo ngại. Chỉ số VIX (Volatility Index) đột ngột
tăng 25% chỉ trong vòng một ngày, hôm thứ Hai 27/01. Chỉ số VIX còn gọi là ''chỉ
số của nỗi sợ'', thường được dùng để đánh giá cảm nhận về lo ngại của giới
đầu tư trước các rủi ro thị trường.
Lo ngại về ảnh hưởng của bệnh dịch đến nền kinh tế,
vốn được coi là một đầu tầu tăng trưởng của kinh tế thế giới, khiến chứng khoán
tại một số nơi sụt giảm mạnh, tiêu biểu là chỉ số Dow Jones, sụt 1,57% hôm thứ
Hai, 27/01, mức lùi chưa từng có kể từ tháng 10/2019. Chỉ số Nikkei Tokyo sụt
2%, mức giảm mạnh nhất kể từ 5 tháng nay.
Nguy cơ tiêu thụ nội địa Trung Quốc giảm mạnh
Theo giới quan sát, cho dù hiện tại còn quá sớm để
đánh giá về các hệ quả của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đối với nền kinh tế toàn
cầu, nhưng tiêu thụ nội địa Trung Quốc sụt giảm là điều gây lo ngại lớn nhất.
Hiện tại, Trung Quốc là đầu máy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng
một phần ba tăng trưởng GDP thế giới hàng năm. Và tiêu thụ trong nước chiếm
khoảng 57% tổng sản phẩm quốc nội. Mà, dịch bệnh rơi đúng vào Tết nguyên đán là
dịp người Trung Quốc mua sắm và đi lại nhiều hơn bình thường. Theo ước tính của
văn phòng Standard&Poor’s, cứ 10% tiêu thụ sụt giảm trong các lĩnh vực giải
trí, giao thông hay du lịch, có thể khiến Trung Quốc mất 1,2% GDP tăng trưởng.
Để mường tượng trước tác động với kinh tế toàn cầu của
dịch virus corona mới, nhật báo Le Monde so sánh với dịch viêm phổi cấp (SARS)
năm 2002 - 2003. Vào thời điểm này, tăng trưởng của Trung Quốc sụt giảm hơn 9%
trong quý hai năm 2003, nhưng nhanh chóng tăng vọt lên 10% vào nửa sau của năm
2003. Câu hỏi liệu kinh tế Trung Quốc có phục hồi nhanh chóng sau đợt dịch này
hiện còn để ngỏ chưa có lời đáp. Có một điều mà ông Julien Marcilly, kinh tế
gia trưởng của công ty bảo hiểm Pháp Coface, lưu ý là trọng lượng của nền kinh
tế Trung Quốc hiện nay đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm xảy ra dịch SARS
(khoảng 1/5 GDP toàn cầu so với 8,7% năm 2003).
Ảnh hưởng đến du lịch, thiệt hại nhất là hàng xa xỉ
Với việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ các hoạt động du
lịch tại Trung Quốc và nước ngoài, kể từ ngày Chủ Nhật 28/01/2020, tác động đến
các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc là rất rõ ràng. Trước hết
là các nước láng giềng châu Á, như Thái Lan (10,5 triệu du khách năm 2018), Nhật
Bản (8,4 triệu), Hàn Quốc (5 triệu), Việt Nam (5 triệu), Singapore (3,4 triệu),
Malaysia (2,9 triệu)… không kể Hồng Kông (49 triệu). Chi phí của khách du lịch
Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỉ đô la. Theo văn phòng
Oxford Economics các quốc gia nói trên có các giải pháp thay thế để giảm nhẹ mức
độ tác động của việc mất luồng du khách từ Trung Quốc. Ngoại trừ kinh tế Hồng
Kông, vốn bị suy yếu từ nhiều tháng nay với phong trào phản kháng chống dự luật
dẫn độ sang Hoa lục, và đòi hỏi cải cách dân chủ. Tăng trưởng Hồng Kông sẽ tiếp
tục sụt giảm trong quý này.
Khách du lịch Trung Quốc chi hàng năm khoảng 4 tỉ
euro tại Pháp. Hiệp hội Acav, tập hợp hơn 50 công ty lữ hành, phục vụ khoảng
150.000 khách Trung Quốc hàng năm tại Pháp và châu Âu, cho biết đã mất khoảng
1/3 doanh thu, và buộc phải đặt các nhân viên trong tình trạng ''thất nghiệp
kỹ thuật''. Tuy nhiên, theo báo Le Parisien, trước mắt việc du khách Trung
Quốc đến Pháp ít đi không tác động thực sự lớn, bởi đây không phải là mùa du lịch
cao điểm của khách Trung Quốc (100 nghìn khách/tháng trong mùa đông, so với 300
nghìn/tháng vào mùa hè, theo chủ tịch của Entreprises du Voyage).
Hiệp hội Liên minh các ngành nghề du lịch Pháp Umih
cũng có cùng quan điểm là hiện tại còn sớm để báo động về tình hình này, tuy
nhiên, nếu bệnh dịch kéo dài, tác động kinh tế sẽ là quan trọng, trước hết là đối
với ngành khách sạn và kinh doanh đồ xa xỉ. Riêng đối với lĩnh vực hàng xa xỉ,
tác động của việc mất khách Trung Quốc là rõ ràng nhất. Theo ngân hàng UBS,
khách hàng Trung Quốc mua đến 1/3 đồ xa xỉ toàn cầu hàng năm hiện nay, so với
chỉ 10% hồi xảy ra dịch SARS 2003.
Dầu mỏ sụt giá mạnh
Dầu mỏ là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ
nhất của dịch virus corona mới. Giá dầu trên thị trường thế giới hôm 27/01 xuống
đến mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2019. Kể từ khi dịch virus corona có thể
lây từ người sang người được chính thức công bố, ngày 22/01/2020, giá dầu trung bình giảm từ 65 đô
la/baril xuống còn 59 đô la, tức mất gần 10%, chỉ trong vào 8 ngày.
Ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc là rõ ràng. Trung
Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ số một thế giới, thế mà giờ đây tại nhiều
thành phố, giao thông đình trệ, hàng trăm máy bay không được phép cất cánh. Nhà
phân tích Neil Wilson của Market.com nhận xét: ''Giới đầu tư lo ngại
tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại cùng với ngành du lịch toàn cầu. Đây
là hai lĩnh vực tiêu thụ dầu mỏ chính''. Tiêu thụ Trung Quốc chiếm gần một
phần tư nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Dù sao, bất chấp tiêu thụ Trung Quốc sụt giảm,
lượng dầu mỏ tiêu thụ toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng trong những năm vừa
qua, phá hết kỉ lục này đến kỉ lục khác, do nhu cầu năng lượng thế giới không
ngừng gia tăng (và trong khi các loại hình năng lượng tái tạo tăng chưa đủ mạnh
để thay thế).
Phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch tại Trung Quốc
Ảnh hưởng về dài hạn đến nền kinh tế thế giới của dịch
bệnh do virus corona mới xuất phát từ Trung Quốc là câu hỏi còn để ngỏ. Điều
này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của dịch bệnh, vào khả năng kiểm
soát dịch tại Trung Quốc.
Trong không khí bất trắc bao trùm, trước nạn dịch
đang trong giai đoạn bùng phát, minh bạch là yếu tố quyết định giúp cho việc kiểm
soát dịch, gây dựng niềm tin. Sau một giai đoạn bị lên án là che giấu dịch, phản
ứng của chính quyền Bắc Kinh được một số chuyên gia đánh giá là theo chiều hướng
tích cực. Theo ông Philippe Guibert, tổ chức International SOS, chuyên hỗ trợ
các doanh nghiệp quản lý rủi ro về y tế và an ninh, thì trong trường hợp bệnh dịch
này, chính quyền Trung Quốc đã tỏ ra minh bạch hơn, chia sẻ thông tin nhanh
hơn, có các biện pháp quyết liệt hơn. Về phần mình, các thị trường tài chính
toàn cầu dường như cũng tỏ ra thận trọng. Chứng khoán nhiều nơi đã tăng nhẹ trở
lại hôm nay, 29/01.
Trong một bài trả lời phỏng vấn mạng Atlantico.fr hôm
28/01, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, ông Mathieu Mucherie, kinh tế gia
trưởng của BNP Paribas Cardif, nhấn mạnh là mọi con mắt đang đổ dồn chờ đợi chứng
khoán Trung Quốc hoạt động trở lại. Phiên khai mạc rất có thể sẽ vào ngày thứ Hai
tuần tới 03/02, do chính quyền Bắc Kinh quyết định kéo dài dịp nghỉ Tết nguyên
đán thêm ba ngày, để có thời gian khống chế dịch.
No comments:
Post a Comment