Friday, 31 January 2020

PALESTINE 🇵🇸 & ISRAEL 🇮🇱 (Mai Vũ Phạm)





Hôm nay, Trump vừa tuyên bố Peace Plan (Kế sách Hòa bình giữa Palestine 🇵🇸 & Israel 🇮🇱 ) với thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, tại Nhà Trắng.

Không thể không nhắc đến “thành tích” của hai nhân vật này: Trump - Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội, tiếp Netanyahu - thủ tướng Israel ĐẦU TIÊN bị bộ Tư pháp buộc tội gian lận, bội tín, hối lộ, và lừa đảo. Một số người cho rằng, Peace Plan này chỉ là một màn kịch chính trị, được cả Trump và Netanyahu vẽ ra, để kéo sự chú ý của những người ủng hộ họ khỏi những bê bối chính trị mà cả hai đang đối mặt.

“Peace Plan” của Trump kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine, nhưng kế hoạch này không đạt được yêu cầu tối thiểu của người Palestine, cũng như vẫn cho phép Israel chiếm giữ phần lớn khu vực West Bank. (Yêu cầu tối thiểu của Palestine là sở hữu lại phần đất ở West Bank và phía đông Jerusalem vốn bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967 để trở thành một quốc gia độc lập). Kế hoạch này cũng được cho là áp đặt với Palestine vì phía Palestine đã KHÔNG được mời tham dự.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lập tức bác bỏ kế hoạch này: “Chúng tôi nói 1.000 tiếng KHÔNG” với kế hoạch này. “Chúng tôi sẽ không quỳ xuống và sẽ không đầu hàng. Người Palestine sẽ chống lại kế hoạch này bằng các phương tiện ôn hòa và phổ biến”.

Hàng ngàn người Palestine đã biểu tình tại Gaza trước tuyên bố của Trump, đốt những bức ảnh của Trump và Netanyahu, cũng như giương cao biểu ngữ “Palestine không phải để bán.”


LỊCH SỬ XUNG ĐỘT PALESTINE & ISRAEL

Mặc dù cả người Do Thái và người Hồi giáo Ả Rập đều có những yêu sách đối với vùng đất vài nghìn năm lịch sử, nhưng cuộc xung đột chính trị giữa Palestine & Israel bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, cụ thể là qua hai cuộc chiến tranh năm 1947 & 1967. Từ năm 1896 đến 1948, hàng trăm ngàn người Do Thái tái định cư từ châu Âu đến vùng Palestine do Anh kiểm soát.

Nhiều người Ả Rập đã xem dòng người Do Thái lúc đó là một phong trào thuộc địa của châu Âu, và hai dân tộc đã chiến đấu rất dữ dội và đẫm máu. Nước Anh không thể kiểm soát bạo lực, nên đã giải quyết xung đột giữa Palestine và Israel thông qua LHQ.

Hình trong post này bao gồm 4 bản đồ nhỏ mô tả chi tiết vùng đất thuộc sở hữu của Palestine & Israel thay đổi theo giời gian.

Nguồn Canadians for Justice and Peace in the Middle East https://www.cjpme.org/maps

** Bản đồ 1: Sau Thế chiến II, 6% đất đai thuộc quyền sở hữu của Israel và 94% thuộc sở hữu của Palestine.

** Bản đồ 2: Kế hoạch phân vùng (UN Partition Plan) của Liên hợp quốc năm 1947 đã phân bổ 53% đất đai cho Israel và 47% đất đai cho Palestine. Vào thời điểm này, người Do Thái chỉ chiếm 33% dân số Israel-Palestine. Các nước phương Tây đã bỏ phiếu ủng hộ Kế hoạch này, trong khi hầu hết các nước châu Á và châu Phi đã bỏ phiếu chống lại nó.

** Bản đồ 3: Trong cuộc chiến năm 1948 với Palestine, Israel đã đánh bại Palestine và đồng minh, chiếm giữ một lượng lớn đất đai ở Palestine. Ít nhất 700.000 người Palestine đã trở thành người tị nạn trong khoảng thời gian 1947-1949, nhưng Israel chưa bao giờ cho phép họ được trở về Palestine. Trong cuộc chiến năm 1967, Israel xâm chiếm West Bank và Gaza, và đã kiểm soát các khu vực này kể từ đó.

Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án hành động không cho phép người tị nạn Palestine quay trở về quê hương: https://www.amnesty.org/…/israels-refusal-to-grant-palesti…/

** Bản đồ 4 – HIỆN TẠI: Với sự chiếm đóng quân sự ở West Bank, Israel tiếp tục chiếm, tịch thu đất của người Palestine. Người Palestine bị tách khỏi nơi sinh sống, trường học, dịch vụ y tế và các cộng đồng Palestine lân cận. Một số người gọi điều này “ma trận kiểm soát” của Israel.

Ngày 30/3 được người Palestine chọn là “Land Day” để tưởng nhớ ngày bị Israel dùng vũ lực chiếm đất. Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, vào ngày “Land Day” đầu tiên tổ chức năm 1976, công dân Palestine sinh sống tại Israel đã biểu tình phản đối chính phủ Israel, tước quyền sở hữu 2.000 ha đất xung quanh các ngôi làng của người Palestine ở Galilee. 6 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương khi lực lượng Israel đè bẹp các cuộc biểu tình.

Các quốc gia không theo đạo Hồi đều công nhận tính chính đáng của Israel và duy trì quan hệ ngoại giao với nước này. Tuy nhiên, hầu hết đều chỉ trích cách Israel đối xử với người Palestine và chiếm đóng West Bank. Dư luận nhiều nơi nhìn chung có thiện cảm hơn với số phận “không tổ quốc” của người Palestine.

Có thể nói quan điểm của nhiều người trên thế giới đối với Israel là không thiện cảm. Theo thăm dò gần đây của BBC, Israel là một trong những quốc gia bị ghét nhiều nhất (bị ghét hơn cả Bắc Hàn).



Nguyên nhân chính là do sự chiếm đóng liên tục của Israel ở vùng West Bank. Phần lớn cho rằng việc Israel tiếp tục kiểm soát West Bank (Bờ Tây) là một sự chiếm đóng quân sự bất hợp pháp và vi phạm Công ước Geneva (Fourth Geneva convention). Mặc dù quan điểm này được hậu thuẫn bởi hầu hết các học giả pháp lý, nhưng tất nhiên Israel và thân hữu phản đối quan điểm này.

mvp









No comments:

Post a Comment

View My Stats