Thursday, 30 January 2020

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU THÔNG QUA THỎA THUẬN BREXIT (Thanh Hà - RFI)




NỘI DUNG :
Thanh Hà  -  RFI
.
Dân Trí Online
.
==========================================
.
Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày: 30/01/2020 - 12:11

Thủ tục cuối cùng trước ngày nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã hoàn tất. Chiều ngày 29/01/2020 Nghị Viện Châu Âu thông qua văn bản chia tay với vương quốc Anh với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 người không bỏ phiếu.

Các nghị viên châu Âu đồng thanh cất tiếng hát ca khúc Auld Lang Syne như một lời chia tay với 73 đồng nhiệm Anh.

Bước kế tiếp là vào lúc 23 giờ giờ quốc tế đêm 31/01/2020 nước Anh chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và cũng kể từ thời điểm đó, Luân Đôn và Brxuelles bắt tay vào các vòng đàm phán về quan hệ trong tương lai giữa Vương quốc Anh và 27 thành viên còn lại trong Liên Âu. Trên nguyên tắc, thời hạn đàm phán dư dự trù kéo dài đến ngày 31/12/2020.

Thông tín viên đài RFI Pierre Benazet từ Bruxelles:
Đàm phán về quan hệ tương lai giữa Anh và Liên Âu sẽ gay go vì thủ tướng Boris Johnson hứa với cử tri là sẽ không kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, trong khi đó thì còn rất nhiều chủ đề gây bất đồng, thí dụ như trên vấn đề đánh bắt hải sản.

Châu Âu muốn hoạt động trong các vùng biển của Anh, ngược lại Luân Đôn đòi ngư dân châu Âu phải được chính quyền Anh cấp giấy phép hoạt động.

Tuy nhiên Anh Quốc lại muốn hải sản của Anh dễ dàng thâm nhập thị trường chung châu Âu. Đây chỉ là một trong số rất nhiều bất đồng, thí dụ như trong lĩnh vực xuất khẩu xe hơi hay các điều kiện về giao dịch tài chính với Liên Âu...

Một số quốc gia trong Liên Hiệp muốn để cho hàng hóa của Anh được tự do thâm nhập thị trường châu Âu, tức là hàng của Anh không bị đánh thuế hay bị áp đặt hạn ngạch, nhưng đổi lại thì Luân Đôn phải đồng ý thay đổi các chuẩn mực của Anh để thích nghi với những chuẩn mực và quy tắc trong nội bộ của Liên Hiệp Châu Âu.

Đến ngày 25/02/2020 Bruxelles sẽ chính thức trao cho Ủy Ban Châu Âu trọng trách đàm phán với Luân Đôn về giai đoạn hậu Brexit này. Phía Anh Quốc yêu cầu Nghị Viện Châu Âu có những biện pháp hào phóng với một thành viên cũ của Liên Âu, nhưng tại Bruxelles, nhiều nhà quan sát cho rằng, kết thúc đàm phán vào cuối tháng 12 năm nay là nhiệm vụ bất khả thi.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.

-------------------------------
.
Dân Trí Online
Thứ Năm 30/01/2020 - 21:44

Nghị viện châu Âu (EP) hôm qua (29/1) chính thức bỏ phiếu thông qua thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Đây là đợt bỏ phiếu cuối cùng và không có gì có thể ngăn cản việc Anh rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu vào đêm mai 31/01. Một cảm xúc đan xen lẫn lộn, không chỉ đối với người dân Anh mà còn cả các nước châu Âu khác khi phải nói lời tạm biệt với một thành viên trong gia đình sau gần 5 thập niên gắn bó.

Các thành viên Nghị viện Châu Âu (EP) nắm tay chào tạm biệt Anh rời khỏi EU sau khi bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit. Ảnh: AFP.

Phiên họp Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ hôm qua (29/1) đan xen nhiều cảm xúc đối với các nghị sĩ châu Âu. Sau khi họ gật đầu đồng ý thông qua Thỏa thuận Brexit, mở đường cho nước Anh bước ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu, đã có những giọt nước mắt tiếc nuối của các nghị sĩ. Nhiều người  nắm tay nhau và hát Auld Lang Syne như một bài hát chia tay, tiễn người bạn cũ lâu năm lên đường. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không giấu được sự xúc động với chia sẻ “ Chúng ta sẽ mãi không bao giờ xa cách". Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Maria Sassoli cũng nhấn mạnh, nước Anh đã rời EU song vẫn là một phần của châu Âu".

“Vào một ngày nào đó, lịch sử có thể sẽ lại trao cho người khác nhiệm vụ đảo ngược quyết định của Anh rời Liên minh châu Âu. Tuy nhiên chúng ta không thể đoán trước được tương lai. Chúng tôi thực sự muốn một tương lai với mối quan hệ hữu nghị với nước Anh”, ông Maria Sassoli nói.

Còn tại Xứ sở sương mù, sau hơn 3 năm mệt mỏi vì Brexit đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân, đẩy đất nước vào tình trạng phân cực, việc thực hiện giấc mơ Brexit khiến nhiều người dân vui mừng, vì sẽ mở ra trang mới cho nước Anh.

Tuy nhiên cũng có nhiều người bày tỏ tiếc nuối và lo sợ khi phải bước ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu:

“Tôi đã bỏ phiếu ra khỏi Liên minh châu Âu vì tôi muốn sự độc lập. Anh là một quốc gia mạnh và tôi nghĩ nước Anh sẽ lớn mạnh hơn trên thế giới nếu không phải tuân thủ các qui định của EU”.

“Tôi nghĩ đây là một thảm họa. Tôi không mong đợi rời khỏi châu Âu. Tôi không nghĩ nó sẽ tốt cho tất cả”.

Tiếc nuối hay vui mừng thì cuối cùng nước Anh cũng vẫn phải tạm biệt Liên minh châu Âu vào đêm mai (31/1). Thủ tướng Boris Johnson có thể hoan hỉ với việc đã thực hiện lời hứa bầu cử của mình là "Hoàn thành Brexit". Nhưng chắc chắn ông Jonhson cũng sẽ không được hưởng những giờ phút thảnh thơi chiến thắng, bởi vì ngày mùng 1/ 2 sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng, đàm phán mới giữa Anh và Liên minh châu Âu để thống nhất về mối quan hệ tương lai.

Luôn khẳng định mong muốn là bạn, nhưng EU và Anh cũng đang chuẩn bị sẵn sàng bước vào một cuộc chiến lợi ích. Con đường có thể dễ dàng hơn nếu Anh tuân thủ các quy định của EU, nhưng nước Anh luôn tuyên bố EU không phải là "người đưa ra luật lệ". Lo ngại của Anh về sự ràng buộc với Liên minh châu Âu hậu Brexit sẽ khiến nước này khó đạt được thỏa thuận thương mại với các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng không muốn ký Thỏa thuận thương mại với một quốc gia láng giềng lớn mạnh về kinh tế, mà không kèm theo các điều khoản để đảm bảo cạnh tranh công bằng.

Anh và Liên minh châu Âu sẽ có đến cuối năm 2020 để thúc đẩy một thỏa thuận về thương mại và các vấn đề khác bao gồm an ninh, kết nối giao thông, quyền đánh bắt cá … Thủ tướng Anh cho rằng, 11 tháng là đủ để thúc đẩy một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu và cam kết sẽ không gia hạn thời điểm quá năm 2020. Tuy nhiên, ông Stefaan De Rynck – Cố vấn về vấn đề Brexit của Liên minh châu Âu cho rằng, giai đoạn đàm phán này khó khăn hơn rất nhiều so với các điều khoản ly hôn hai bên đã nhất trí vào tháng 10/2019. Các Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu thường mất nhiều năm để hoàn thành.

Mặc dù trên giấy tờ, EU và Anh có 11 tháng để đạt được thỏa thuận về các mối quan hệ trong tương lai, nhưng thực tế khung thời gian này ít hơn nhiều. Các cuộc đối thoại sẽ không chính thức được bắt đầu cho đến khi chính phủ các nước Liên minh châu Âu nhất trí một kế hoạch đàm phán vào cuối tháng 3/2020. Hai bên sau đó cũng phải nhất trí một thỏa thuận vào giữa tháng 10 để có thời gian cần thiết dịch Thỏa thuận ra 23 ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu, sau đó đưa ra Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn vào trước cuối năm 2020.

Theo Phạm Hà
VOV1





No comments:

Post a Comment

View My Stats