Wednesday, 29 January 2020

LIỆU MỘT TRẬN DỊCH LỚN ĐẦY TIỀM NĂNG ĐANG CHỜ Ở PHÍA TRƯỚC? (Hành Tinh Titanic)




Hành Tinh Titanic
29/01/2020

Gần 60 triệu người Trung Quốc đã bị cách li hoàn toàn vì cơn dịch bắt nguồn từ chủng coronavirus 2019-nCoV.

Tất cả nhân viên Lãnh sự quán Mỹ đã chính thức di tản khỏi khỏi Vũ Hán. Hoa Kỳ cũng đang xem xét dừng các chuyến bay từ Trung Quốc đến quốc gia này.

Disneyland Thượng Hải đã đóng cửa như một nỗ lực ngăn chặn cơn dịch. Tất cả các trường học tại Hong Kong đều đóng cửa, cùng với tình trạng khẩn cấp được ban bố. Đặc khu hành chính này dự định sẽ hạn chế người đến từ Trung Quốc lục địa, bao gồm đình chỉ các chuyến tàu cao tốc và xe lửa và cắt giảm 50% số lượng các chuyến bay giữa hai bên để giảm bớt khách du lịch.

Theo tin chính thức từ Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (National Health Commission), cho đến 12 giờ trưa ngày 29/1/2020, tổng con số người bị nhiễm đã tăng đột biến từ 2.835 người (con số một ngày trước đó) lên đến 6.057 người, trong đó 132 người đã chết, phần lớn đến từ vùng tâm dịch Vũ Hán. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ tử vong sau hơn 15 ngày ủ bệnh là khá cao. Dịch đang lan ra nhanh chóng. Giờ đây, Thái Lan có 14 ca bệnh. Hong Kong có 8 ca. Mỹ, Australia mỗi nơi có 5 ca. Macau và Đài Loan tăng lên lần lượt 7 và 8 ca. Singapore tăng lên 7 ca. Nam Hàn và Maylaysia mỗi nơi có 4 ca. Nhật Bản có 7 ca. Pháp có 4 ca. Việt Nam có 2 ca. Nepal, Sri Lanka, Cambodia, Canada và Đức có 1 ca. Như vậy, dịch đang lan ra từ Trung Quốc và các quốc gia có lượng di chuyển khách giao thương và du lịch lớn với nước này.

Điều quan trọng hơn chính là dịch viêm phổi cấp lần này lại đi kèm mùa cúm đang diễn ra trên diện rộng tại Trung Quốc. Như vậy, với sự kết hợp hai loại bệnh này, sức khỏe của nạn nhân dễ bị suy sụp và nhanh chóng tử vong đối với người lớn tuổi và có tiền sử bệnh mãn tính. Điều đặc biệt chính là khi nhiễm chủng coronavirus 2019-nCoV, con bệnh không có biểu hiện rõ rệt như sốt cao và ho trong thời gian ủ bệnh, nhưng có khả năng phát tán virus một cách thầm lặng. Do đó, cơ quan chuyên trách sẽ khó nắm được tình hình lây nhiễm cho đến khi các dấu hiệu nghiêm trọng xảy ra và bùng phát cùng một lúc. Tình hình sẽ còn nguy hiểm hơn nếu chủng coronavirus 2019-nCoV thay đổi đặc tính sinh học của mình sau một thời gian tấn công, sống hòa hợp với cơ thể người và lây lan vào khu vực nhiệt đới nóng ẩm. Chúng ta chưa biết điều gì sẽ xảy ra kế tiếp trong tương lai gần, vì đã có những đợt dịch SARS và MERS trong quá khứ chứng tỏ tỷ lệ thương vong cao.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc – Chủ tịch Tập Cận Bình – đã lên truyền hình cảnh báo: “Trung Quốc đang đối diện với tình huống đầy chết chóc.” Trước đó, nhà cầm quyền Trung Quốc hoàn toàn che giấu và không có phóng viên nước ngoài vào khu lây nhiễm để đưa tin. Tất cả mọi con số thống kê về dịch bệnh, cũng như mẫu virus/bệnh phẩm, đều phải được chia sẻ từ nguồn chính thống của Bộ Y tế quốc gia này. Trong một nỗ lực rất lớn, chính quyền địa phương tại tỉnh Vũ Hán đã xây dựng cấp tốc hai bệnh viện dã chiến khổng lồ (rộng 25.000 m²) có sức chứa hơn 1.000 gường bệnh trong vòng từ 10 đến 15 ngày. Như vậy, họ đã hiểu được khuynh hướng và quán tính của cơn dịch là rất lớn, và không hề coi thường vấn đề. Ngòai ra, vừa có tin chính quyền Bắc Kinh đã gợi ý đón nhận sự giúp sức của nước ngoài, cho chuyên gia của Mỹ và Châu Âu vào trong nội địa để hợp tác ngăn chặn dịch.

Rõ ràng đây là những dấu hiệu rất mạnh mẽ và rõ ràng về một cơn đại dịch mới đang bùng phát tại một quốc gia có dân số đông nhất thế giới và lan ra khắp toàn cầu.
Có vẻ chủng coronavirus 2019-nCoV kỳ này có tốc độ biến dị (mutation) nhanh hơn gấp 100 lần so với virus cúm. Đó là vì nó có khả năng dịch chuyển giữa động vật máu lạnh và máu nóng (dơi qua rắn và rắn qua người), cũng như lây lan giữa con người với nhau.

Một trong những lý do là vì tính năng sinh học của loại virus này. Coronavirus thuộc dòng virus mang chuỗi đơn RNA có khả năng mã hóa một chuỗi enzyme RNA phức tạp chuyên xúc tác quá trình tổng hợp các loại phân tử ARN từ gene nhờ một phần Exonuclease hoạt tính cắt rời từng nucleotide một từ đầu mút của một chuỗi polynucleotide, và hoạt độc độc lập với RNA gốc. Điều đó có nghĩa là gì? Loại virus này có khả năng cơ động, linh hoạt rất cao, dễ biến dị sang phiên bản mới khi sao chép mã gene của mình để phù hợp nhanh chóng với cơ thể của vật chủ – dù đó là con vật hay người. Các bạn có thể xem Gs. Ben Longdon, một chuyên gia virus học thuộc Đại học Exeter giải thích về cơ chế biến dị này trên diễn đàn TEDTalks tại đây (có phụ đề tiếng Việt): https://www.youtube.com/watch?v=xjcsrU-ZmgY&feature=emb_logo

Bản thân dòng coronavirus còn có bộ gene lớn nhất trong số các loại virus RNA, luôn tiến hóa khả năng đọc và rà soát mã gene – là trường hợp ngoại hạng đối với loại virus này.
Có thể nói rằng, chủng coronavirus tại Vũ Hán đang được trang bị tận răng các vũ khí gene xảo quyệt và khôn khéo nhất để tấn công nạn nhân của nó. Và các chủng virus có khả năng lây truyền từ động vật sang người đặc biệt nguy hiểm vì chúng có rất nhiều vật chủ trung gian để nhảy và lan truyền ra ngoài môi trường sống, rất khó cho con người ngăn chặn kiểm soát.

Bạn có thể nghe Ts. Chris Martenson – một chuyên gia chuyên ngành bệnh lý học, khoa nhiễm độc thần kinh tốt nghiệp từ Đại học Duke (Anh Quốc) nhận xét về con virus tại Vũ Hán như sau:

Đầu tiên, đây là chủng virus mới và hoàn toàn khác lạ so với những gì loài người đã chạm trán trước đây. Chúng ta không có bất cứ cơ hội nào khi bị lây nhiễm vì chúng ta chưa có kháng thể bảo vệ. Do đó, dịch bệnh sẽ có thể quét qua một dân số lớn với sức hủy diệt và lan truyền rất mạnh mẽ.

Thứ hai, đây là một chủng virus lây truyền chéo loài, với sự thích nghi chuỗi gene đối với vật chủ từ loài dơi, đi qua loài rắn để tích hợp một số mã di truyền mới, rồi sau đó nhảy sang con người. Xác suất và tốc độ lây lan của virus này (R0) là từ 1.5 đến 2.4, nghĩa là từ 1 và trên 1 người sẽ bị nhiễm khi chúng ta bước vào một căn phòng có 1 người bị bệnh. Đây là tốc độ lây lan dương tính (positive) cho thấy dịch bệnh này không hề giảm đi mà sẽ tăng lên theo cấp số mũ (exponential).

Thứ ba, chủng virus này tương đối dễ gây tử vong đối với những người già, có tiền sử bệnh và hệ miễn dịch suy yếu. Dù tỷ lệ tử vong hiện nay đang ở mức chỉ 3%, nhưng nếu nó lây lan nhanh chóng trong một dân số lớn như Hoa Kỳ, có tốc độ truyền bệnh y hệt như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1919, thì sẽ có 16 triệu người bị quất sụm và khoảng 3 triệu người không qua khỏi.

Đặc tính nguy hiểm thứ tư của con virus này chính là nó có một giai đoạn tiềm ẩn thực sự lâu dài. Nếu bạn lây cho tôi, tôi sẽ có 5 ngày chờ đợi trước khi bản thân có bất cứ dấu hiệu nào rõ ràng, rồi có thể sẽ thêm 4 ngày nữa để những triệu chứng ấy trở nên tệ hơn, và tôi sẽ chợt nghĩ: “Ồ, chắc mình phải đi bác sĩ để kiểm tra.” Như vậy, sẽ có từ 9 đến 14 ngày trước khi con bệnh thực sự nhận ra mình bị nhiễm và phải đi trình diện y tế. Và trong suốt khoảng thời gian thầm lặng này, con bệnh đã bị nhiễm và lây nhiễm cho những người xung quanh nữa. Nếu tính từ lúc khởi phát dịch, đã có hàng chục nghìn người đã bị nhiễm từ vùng Vũ Hán và đang phát tán virus một cách thầm lặng. Trong khi đó, từ Trung Quốc, Mỹ, Anh Quốc, Phần Lan, Singapore, Nhật Bản, cho đến Việt Nam đều sử dụng một phương pháp đơn giản để phát hiện người bệnh – đó là đo thân nhiệt khách xuống sân bay sau các chuyến bay và ở chỗ tụ họp đông người. Như vậy là không đủ và không thể ngăn chặn tình trạng lây nhiễm hiệu quả.

Cuối cùng, trên thang đo đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta đang chứng kiến giai đoạn số 4 (Human-to-Human Transmission) của một trận dịch lớn. Thế nhưng WHO và CDC vẫn chưa công bố tình trạng cảnh báo cao nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, chủng virus này đã nhảy từ người này qua người khác và đang biến dị thành các phiên bản mới. Và điều đó sẽ dẫn đến tình trạng bùng phát dịch ở khắp mọi nơi, tiến đến giai đoạn số 5 trên thang đo đại dịch, mà ở đó, các quốc gia sẽ ngăn chặn di chuyển, cấm bay và đóng cửa biên giới.

Các bạn có thể xem toàn bộ cảnh báo và dự báo của Ts. Chris Martenson trong video bên dưới: https://www.youtube.com/watch?v=Nk5P_iRYwTY&feature=emb_logo

Trong thời hiện đại, hiểm họa đối mặt với các dòng virus này sẽ tăng cao khi loài người tiếp tục khai thác thiên nhiên, tiếp xúc với động vật hoang dã, xâm lấn lãnh thổ của hệ sinh thái tự nhiên, ví dụ như phá rừng chẳng hạn. Con người càng vơ vét về cho mình nhiều tài sản và nguồn lực trên hành tinh này, chúng ta càng phơi mình ra cho vương quốc của các dòng virus nguy hiểm. Dân số tăng, lối sống đô thị bó hẹp, mất khả năng phòng thủ vì phụ thuộc quá nhiều vào tiện nghi hiện đại, sử dụng kháng sinh vô tội vạ, con người cũng tự đưa chính mình vào mức rủi ro cao nhất. Con người thường có khuynh hướng nghĩ rằng mình là giống loài có sức mạnh tối thượng trên hành tinh này, có quyền hành thay đổi mọi điều kiện và sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên, chúng ta đã lầm to khi chạm trán vương quốc khổng lồ của các vi sinh vật nguy hiểm này.

Chúng ta càng tương tác với các loài động vật khác trên phương diện sinh thái liên kết, các loại virus dễ có cơ hội xâm nhập vào dân số loài người. Hãy xem trường hợp của virus Nipah gây chứng viêm não chết người tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Chủng virus này lây lan cho con người tại Malaysia vào thập niên 1990, ngay sau khi nền kinh tế tại đây bùng nổ và các nông dân phá rừng mở rộng trang trại nuôi heo của họ, xâm phạm lãnh thổ của loài dơi ăn trái cây.

Loài dơi ăn trái cây này – giống như 1.200 phân nhánh loài của dơi – khá nổi tiếng nhờ khả năng lây truyền dịch bệnh. Trong giới nghiên cứu dịch tễ học, loài dơi này được biết đến như là kho chứa các dịch bệnh phong phú nhất – nghĩa là cơ chế sinh học của chúng dường như hoàn hảo để mang các loại mầm bệnh như Ebola, bệnh dại, virus Hendra (gây sốt), và một số dòng cúm – gây nguy hiểm cho những loài động vật khác, bao gồm cả con người.


Hiện người ta vẫn không hiểu vì sao dơi lại được chọn là vật chủ thông dụng nhất, nhưng có thể là do phạm vi hoạt động (bay/săn mồi) của chúng khá rộng và loài vật này xuất hiện rất nhiều trên toàn cầu. Một trong những lý thuyết gợi ý rằng, khi dơi bay, nó phát ra nhiều nhiệt lượng cần thiết để các dòng virus đang bám trên cơ thể dơi chuyển đổi và thích nghi với mức nhiệt cao luôn xuất hiện nơi cơ thể các động vật khác khi bị lây nhiễm sau đó, chuẩn bị cho virus có khả năng chống lại phản ứng sinh nhiệt của hệ thống miễn dịch nơi cơ thể động vật hoặc con người.


Vì thế, khi nông dân Malaysia phá rừng và đặt các trang trại nuôi heo gần khu vực sinh sống của loài dơi, heo nuôi sẽ ăn một số trái cây bị dơi ăn dở, rơi rớt xuống đất và có nhiễm virus Nipah trước đó. Heo bị nhiễm virus và truyền nó lại dễ dàng cho con người, vì cơ thể heo có một số đặc tính sinh học giống người. Đợt dịch lần đó lấy đi hơn 100 nhân mạng, và giới chức cầm quyền đã buộc phải tiêu hủy hơn 1.000.000 con heo bệnh.
Cũng thế, cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu cũng không giúp con người ngăn chặn các virus nguy hiểm này, bởi vì nền khí hậu ấm hơn là môi trường lý tưởng để các mầm bệnh sinh sản và tồn tại lâu dài. Ngoài ra, các đợt thời tiết cực đoan, như bão tuyết, gió lạnh tràn về do băng ở hai cực tan rã cũng sẽ là tác nhân lý tưởng để bùng phát các dịch bệnh về phổi. Thói quen di chuyển trên toàn cầu của con người (du lịch, kinh doanh, đầu tư) cũng là điều kiện lý tưởng để chuyên chở và phát tán các con virus đi khắp thế giới.
Kể từ khi dịch SARS mới bùng phát vào cuối tháng 12/2019 cho đến nay, Ts. Trevor Bedford, một nhà di truyền học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Washington, đã bỏ công phân tích các bước nhảy và biến dị (mutation) của chủng coronavirus 2019-nCoV. Xem ra tất cả mọi phiên bản biến dị lây lan từ Hồ Bắc và Quảng Đông đều bắt nguồn từ một tổ tiên chung (chủng nCoV) xuất hiện gần đây tại Quảng Đông.

Các bạn có thể xem tại: Genomic epidemiology of novel coronavirus (nCoV)

Phân tích của Ts. Trevor Bedford cũng cho thấy chủng coronavirus này đang biến dị rất nhanh để lan ra cộng đồng. Công trình của ông vẫn đang được tiếp tục với các mẫu mới gửi đến.

Trong một phân tích sinh học được thực hiện bởi giới chuyên gia y tế Bắc Kinh, chuỗi gene của 6 mẫu coronavirus ở Vũ Hán đã được nhận dạng hầu như mang tính đồng nhất. Khi đem so sánh với sơ đồ gene của virus SARS-CoV (gây hội chứng SARS) và MERS-CoV (gây hội chứng MERS) với bộ gene WH-human_1 genome đại diện cho con coronavirus tại Vũ Hán, thì có một sự tương đồng về chuỗi nhiều hơn với bộ gene của coronavirus gây hội chứng SARS hơn là MERS. Người ta cũng tìm thấy một sự đa dạng cao trong chuỗi gene giữa virus ở Vũ Hán (gọi là Wuhan-human_1 ) với con virus gây bệnh SARS năm 2003 (còn gọi là SARS-CoV_Tor2), nằm ở đoạn nucleotide ORF1a và gene dằm/gai (S-protein) của virus, trong khi chuỗi gene này lại nói chung rất đơn giản khi so sánh giữa Wuhan-human_1 và coronavirus gây hội chứng MERS. Vì thế, coronavirus tại Vũ Hán sẽ gây ra những triệu chứng giống hệt như Hội chứng SARS xảy ra vào năm 2003.


Để hiểu được nguồn gốc của con coronavirus tại Vũ Hán (Wuhan CoV) và mối quan hệ di truyền của nó với các chủng coronavirus khác, giới nghiên cứu virus đã tiến hành phân tích hệ thống phát sinh loài (phylogenetic analysis) trên bộ sưu tập chuỗi gene của coronavirus đến từ nhiều nguồn khác nhau. Kết quả cho thấy các dòng biến dị của Wuhan CoV đều thuộc về một cây phả hệ phát sinh loài, nằm trong xếp loại loài Betacoronavirus. Betacoronavirus là một loại virus chỉ có một chuỗi gene RNA đơn có thể lây nhiễm cho động vật hoang dã, vật nuôi và con người, gây ra các đợt dịch bùng phát tùy theo thời kỳ và ngày càng lan rộng ra mà không có nhiều triệu chứng rõ ràng. Đám coronavirus ở Vũ Hán nằm trong nhóm virus gây ra Hội chứng SARS/giống với Hội chứng SARS, với phân loại lớp ngoài mang đoạn gene từ virus HKU9-1 có nguồn gốc từ dơi. Còn đoạn di truyền tích hợp bên trong có mối liên hệ gần với vật chủ chính là chuỗi gene gây hội chứng SARS/giống hội chứng SARS, bao gồm khả năng lây nhiễm cho con người. (Xem hình bên dưới).


Phần lớn đoạn di truyền tích hợp bên trong có mối liên hệ gần với vật chủ và phân loại gene lớp ngoài của coronavirus được tìm thấy trên nhiều loài dơi khác nhau, ví dụ như chủng HKU9-1 và HKU3-1 ở loài dơi Rousettus và chủng HKU5-1 ở loài dơi Pipistrellus. Do đó, việc xem dơi như là vật chủ bẩm sinh của chủng virus CoV tại Vũ Hán đều hợp lý và dễ hiểu, mặc dù dường như nó vẫn còn có (một số) vật chủ trung gian trong các đợt lây truyền từ dơi sang người (ví dụ như cầy hương, rắn…). Dựa trên định vị bộ gene phát sinh loài đặc trưng của coronavirus tại Vũ Hán, giới khoa học cho biết chúng dường như chia sẻ cùng một kiểu di truyền giống như chủng coronavirus gây hội chứng SARS, đến từ một tổ tiên chung tương tự chủng coronavirus HKU9-1 nằm trên loài dơi. Tuy nhiên, việc tái tổ hợp bộ gene trong quá trình tiến hóa và biến dị (mutation) có thể làm mờ đi các chứng cứ, mối liên hệ và con đường phát triển giữa những bộ gene này.

Ngay cả để nhận dạng coronavirus tại Vũ Hán và căn bệnh này nhờ phương pháp PCR phiên mã ngược định lượng (RT-qPCR, Real-time reverse-transcription PCR), người ta cũng chứng kiến một sự tương đồng chuỗi gene đến 80% giữa chủng virus gây Hội chứng SARS (năm 2003) với chủng mới này và chủng virus ban đầu nằm trên cơ thể loài dơi:



Các bạn có thể tham khảo nguồn chính gốc của phương pháp nhận dạng 2019-nCoV tại đây:


Việc phân tích các chuỗi gene và lần theo nhiều biến dị mới của loài coronavirus này – mà chúng tôi đã cố gắng giải thích ở trên – ngoài việc chứng minh chủng virus này là một phiên bản khác của các chủng trong quá khứ từng tấn công con người mà chúng tôi đã viết trong bài:

thì còn nhấn mạnh một điều quan trọng khác:

BẤT CỨ LOẠI VACCINE NÀO ĐƯỢC PHÁT TRIỂN ĐỂ CHỐNG LẠI CĂN BỆNH NÀY CŨNG CẦN MỘT KHOẢNG THỜI GIAN THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG LÂU DÀI (ÍT NHẤT 16 TUẦN) ĐỂ CHỨNG MINH TÍNH HIỆU QUẢ CỦA NÓ, VÀ TRONG THỜI GIAN ẤY, PHẠM VỊ LÂY LAN CỦA DỊCH BỆNH ĐÃ RẤT LỚN, VÀ VIRUS SẼ CÓ KHẢ NĂNG BIẾN DỊ THÊM NHIỀU CHỦNG MỚI KHÁC ĐỂ THÍCH NGHI VỚI VẬT CHỦ. VÌ THẾ, CHẾ TẠO MỘT VACCINE DUY NHẤT DÀNH CHO CĂN BỆNH NÀY GẦN NHƯ LÀ ĐIỀU BẤT KHẢ THI, GIỐNG NHƯ BỆNH CÚM HOẶC HIV.

Ngoài ra, việc nhận định xác suất/tốc độ lan truyền (R0) của một cơn dịch được tính như sau kể từ lúc bùng phát:

R0 = (khoảng) 1 + tỷ lệ tăng ca bệnh * khoảng thời gian giữa mỗi đợt phát hiện con bệnh (từ một trường hợp con bệnh đến các trường hợp lây nhiễm khác trong một chuỗi lan truyền bệnh)

và còn bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

Số con bệnh (b) x tỷ lệ tương tác (k) x khoảng thời gian lây nhiễm (d). Ở giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch, các biến số ở trên là rất khó để xác định và dễ bị hạn chế về mặt nhận thức.


Như vậy, cách tính toán này sẽ gặp những vấn đề như sau:

·         Con số báo cáo ca lây nhiễm không đáng tin cậy (thiếu hụt), và điều này có thể dẫn đến ước tính chỉ số R0 sai lệch (tăng hoặc giảm quá mức so với thực tế) nếu có sự thay đổi về tỷ lệ phát hiện các ca bệnh hoặc bị chậm trễ trong quá trình báo cáo ca bệnh.

·         Không rõ khoảng thời gian giữa mỗi đợt phát hiện ca bệnh có lây truyền cho nhau (bước nhảy thời gian để tính toán tỷ lệ lây truyền)

Vì thế, đã có một sự khủng hoảng về việc xác định xác suất lan truyền dịch bệnh R0 của chủng virus tại Vũ Hán, từ 3.8, 2.6, 2.9, đến tận 5.4 trong giai đoạn ban đầu này!


Ngày 24/1/2020, một tính toán của giới y khoa Trung Quốc cho thấy R0 của chủng 2019-nCoV lên chạm mức từ 3.30 (95%CI: 2.73-3.96) đến 5.47 (95%CI: 4.16-7.10), dựa trên Ước lượng Tăng trưởng Cấp số Mũ EG (Exponential Growth) tương ứng với Ước lượng Khả năng Đạt mức Tối đa ML (Maximum likelihood estimation). Xem:



Trong khi đó, một tính toán mới khác cũng của giới y khoa Trung Quốc vừa công bố ngày 26/1/2020 cho biết R0 của chủng 2019-nCoV đã giảm xuống từ 2.90 (95%CI: 2.32-3.63) đến 2.92 (95%CI: 2.28-3.67). Mời các bạn đọc:


Còn cách đây 1 ngày (ngày 28/1/2020), nhóm chuyên gia dịch tễ học của Anh Quốc lại nâng R0 lên con số 3.11 (95%CI: 2.39-4.13); tuyên bố cần hạn chế 58-76% đường lây nhiễm để chấm dứt cơn dịch. Họ thậm chí vẫn giữ chỉ số R0 ở giai đoạn bùng phát tại tâm dịch Vũ Hán trong khoảng 3.6-7.4. Xem:



Trong khi đó, giá trị R0 của chủng coronavirus gây hội chứng SARS (năm 2003) là từ 1.77 (95%CI: 1.37-2.27) đến 1.85 (95%CI: 1.32-2.49). Chỉ số R0 của cúm A, chủng H1N1 xuất hiện gần đây cũng chỉ từ 1.4 đến 1.6. Còn R0 của trận đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918-1919) trong khoảng 1.4 đến 2.8. Như vậy, nếu tính ở sức lan truyền của chủng coronavirus tại Vũ Hán, ở mức tối thiểu sẽ bằng với trận đại dịch cúm đã từng lây nhiễm cho 500 triệu người trên toàn thế giới, và giết chết 20 đến 50 triệu người. May mắn là cho đến hiện nay, độc tính gây chết người của chủng coronavirus mới này chỉ mới tấn công và gây chết người có sức khỏe và hệ miễn dịch yếu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, khi mà chủng virus này có khả năng tàn phá vật chủ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và chưa có vaccine chữa trị tận gốc? Một yếu tố khác làm cho điều này càng dễ xảy ra hơn nữa chính là những thay đổi bất ngờ, đột ngột của khí hậu trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu sẽ tạo điều kiện cho virus biến dị và lan truyền.

Hiện có nhiều thông tin (lời đồn) cho thấy chủng 2019-nCoV là một loại virus được chỉnh sửa gene để làm vũ khí sinh học, và bị tung ra (hoặc rò rỉ ra bên ngoài) bằng cách nào đó. Nó có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc hay Mỹ hay bất cứ cường quốc công nghệ sinh học nào khác. Điều đó chưa chắc chắn và chưa có chứng cứ xác thực. Tuy nhiên, gần đây đã có những đăng ký sáng chế về biến đổi gene coronavirus thành nhiều chủng biến dị khác nhau để nhằm mục đích chế tạo vaccine và thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm, như ở dưới đây:


Nếu để ý và đọc kỹ mô tả các sáng chế trên tại Mỹ và Anh, thì thấy rằng người ta đã có thể can thiệp và chỉnh sửa chuỗi gene của coronavirus – thậm chí là phần dằm/gai (virus spike) để thí nghiệm nó. Những thử nghiệm này đều được thực hiện và phê chuẩn cách đây không lâu – từ năm 2014 đến năm 2018. Các mẫu biến dị virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm này dù đã cũ và hoàn toàn không giống chủng 2019-nCoV, nhưng đều cho thấy khả năng con người can thiệp và chỉnh sửa gene virus nguy hiểm là có thật. Thậm chí chính quyền Mỹ còn dỡ bỏ lệnh cấm tạo ra các chủng virus gây chết người (đặc biệt là coronavirus) từ năm 2017 nhằm mục đích tìm hiểu cơ chế lan truyền và tấn công vật chủ. Đây là một trong những cơ hội rất lớn để con người có thể làm ra những mầm bệnh mới từ chủng virus cũ – dù bị quản lý chặt chẽ và siết chặt an ninh trong phòng thí nghiệm cấp cao. Xem:


Thậm chí vào ngày 24/1/2020, tờ Washington Times – một tờ báo lá cải thuộc phe cực hữu – còn tung tin đồn rằng chủng 2019-nCoV có liên quan đến chương trình vũ khí sinh học của Bắc Kinh và xuất phát từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán (Trung Quốc), cách vị trí tâm dịch bùng phát chỉ 32km. Nó bị rò rỉ ra bên ngoài qua một tai nạn không mong muốn. Xem:




Vâng, có rất nhiều tin đồn và sự thật như vậy. Và dù chưa có bằng chứng rõ ràng, thì coronavirus, nhất là chủng 2019-nCoV vẫn có thể được tạo ra bằng công nghệ chỉnh sửa gene cao cấp hiện nay. Đó là điều có khả năng xảy ra và đã được chứng minh trên thực tế bằng sáng chế đã đăng ký. Ngoài ra, về đặc điểm sinh học, coronavirus được xem là chủng virus ngoại hạng trong phân lớp chuỗi gene đơn RNA, và có bộ gene phức tạp và lớn nhất trong lớp phân loại này. Điều gì đã khiến chúng khác biệt và đặc biệt một cách “ngẫu nhiên” như thế? Liệu bàn tay của con người hay thiên nhiên có tạo ra được những sản phẩm độc đáo như vậy? Cũng là “tình cờ” khi mà chủng 2019-nCoV lại xuất hiện trước kỳ nghỉ lễ đầu năm Âm lịch lớn nhất của người Hoa? Và dịch bệnh xảy ra trong một giai đoạn khó khăn của cuộc chiến cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung – khi mà Donald Trump đã buộc phải tiến hành đàm phán và nhượng bộ một phần điều kiện của Bắc Kinh?

Tôi nghĩ rằng sau khi đọc hai bài viết phân tích, cùng với các nguồn tham khảo dẫn trong bài, về coronavirus của Hành tinh Titanic, các bạn sẽ có đủ kiến thức, tư liệu và nhận thức để trả lời cho câu hỏi trên. Hãy coi chừng. Không phải biến đổi khí hậu sẽ giết bớt dân số loài người trong giai đoạn ban đầu của cuộc khủng hoảng, mà chính là sự khôn khéo của bàn tay con người được giấu kín trong những lý do rất hợp lý và đúng đắn. Tất cả đều biết rằng nếu hơn 7 tỷ người đói khát tràn vào các cường quốc kinh tế, thì chẳng có bức tường hay đội quân nào có thể ngăn chặn nổi. Vậy thì có nên lọc đi và giết bớt đa số người nghèo, không có điều kiện vệ sinh tốt, sức khỏe kém bằng một con virus?
Cuối cùng, tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy cùng nhìn lại toàn bộ diễn tiến bùng nổ dịch 2019-nCoV tại Vũ Hán ra toàn cầu cho đến ngày 29/1/2020:

Hiện số người bị chết chỉ nằm trong biên giới Trung Quốc vì số ca lây nhiễm tăng vọt. Điều gì sẽ xảy ra tại Thái Lan, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Pháp… và cả Việt Nam nếu điều tương tự cũng xảy ra? Nếu 1/10 tổng dân số thế giới bị nhiễm (tức là 700.000.000 người), thì tỷ lệ tử vong có thể là 21 triệu người. Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á/Nam Á đặc biệt có dân số đông, nghèo, chậm phát triển, trình độ vệ sinh thấp, ý thức xã hội kém… nên có thể trở thành mục tiêu chính nếu đại dịch xảy ra.

Vậy đầu năm mới Canh Tỵ 2020, tôi xin chúc cho các bạn Việt Nam biết rửa tay trước khi ăn, không dùng chung muỗng đũa bát, không gắp thức ăn cho người khác, không tụ họp nơi đông người, không đi du lịch xa, không tiếp xúc với người đến từ vùng tâm dịch (ở đây chủ yếu là người Trung Quốc), không săn bắn và ăn động vật hoang dã (kể cả thịt chó mèo), biết vui niềm vui trong gia đình của chính mình và bảo vệ người thân yêu của mình trước thảm họa có thể xảy đến.








No comments:

Post a Comment

View My Stats