Thursday, 30 January 2020

HIẾN KẾ CHO NGÀI BÍ THƯ TỈNH ỦY KHÁNH HÒA (Chu Mộng Long)





Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định nói: “Có hiện tượng một khách sạn không đón khách Trung Quốc khi thấy họ đến từ Vũ Hán. Mặc dù dịch virus corona đang lan rộng, các đơn vị kinh doanh du lịch không được kỳ thị khách. Quan trọng là chúng ta làm tốt công tác phòng dịch, chứ không phải né dịch theo kiểu không đón tiếp“. (Hết trích).

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định. Photo Courtesy

Trong sự thừa nhận “dịch virus corona đang lan rộng”, kể cả nhấn mạnh “Khánh Hòa là địa phương có nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới rất cao”, nhưng ông Đinh lại yêu cầu “không được kỳ thị khách”, “Quan trọng là chúng ta làm tốt công tác phòng dịch, chứ không phải né dịch theo kiểu không đón tiếp”. Là sao?

Có nghĩa “chúng ta” đó là chính quyền “làm tốt công tác phòng dịch”, còn dân “chúng mày” thì “không phải né dịch theo kiểu không đón tiếp”, tức buộc phải đón tiếp dịch? Dân mà không được phép phòng chống, cứ hồn nhiên tiếp xúc với dịch thì liệu chính quyền có phòng chống nổi không?

Tin chính thống cho hay, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cách ly, cô lập Vũ Hán để dập dịch, sao lại có chuyện cho đến bây giờ vẫn có khách du lịch đến từ Vũ Hán mà dân Khánh Hòa buộc phải tiếp?

“Phòng tránh” khác với “kỳ thị”, nhưng cách nói của ngài Bí thư làm cho dân khi thực hiện “phòng tránh” rất dễ bị chụp mũ thành “kì thị”. Ví dụ, dân không thể biết một người đến từ Vũ Hán có nhiễm bệnh không, phải phòng xa bằng cách không tiếp xúc, họ có thể bị công an bắt ngay vì theo chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy là không được “kỳ thị”. Có oan không? Mà cơ quan chuyên môn cũng bắt đầu từ “nghi”, phải cách ly người bệnh để phòng tránh, qua thời gian xét nghiệm khá lâu rồi mới có kết quả chính xác, trong khi chính quyền đòi hỏi dân phải biết chính xác mới phòng tránh thì sao có thể chấp nhận được?

Ngay cả khi dân thiếu hiểu biết mà “kỳ thị” cũng không có tội, ngài Bí thư tỉnh ủy ạ.
Trước thế kỷ 20, bệnh hủi là một loại bệnh rất đáng sợ đối với nhân loại. Ranh giới giữa “phòng tránh” và “kỳ thị” không thể xác định được. Người dân thường nhốt người bệnh để cách ly. Chính quyền thời đó cũng lập các trại phong ở những nơi biệt lập, xa các khu dân cư. Đến khi Hansen (1841- 1912), bác sĩ người Na Uy, phát hiện ra chủng loại vi khuẩn gây ra bệnh phong với sự công bố độ lây nhiễm của nó rất hạn chế, nhân loại vẫn không tin và vẫn tránh xa như “tránh xa con hủi”.

Ở Việt Nam, theo các sách viết về Hàn Mặc Tử, ngay người có trình độ như nhà thơ Quách Tấn, khi thăm bạn mình là Hàn Mặc Tử, ông cũng thận trọng dùng đũa gắp những bài thơ của bạn mình chứ không dám dùng tay. Đến hàng chục năm sau khi lấy cốt nhà thơ họ Hàn, Quách Tấn còn phải làm đủ biện pháp phòng tránh như “tránh con hủi”, huống hồ là dân đen muôn đời vẫn “sợ như sợ con hủi”.

Dịch bệnh gây tác hại khôn lường đến sức khỏe và tính mạng của cá nhân và cộng đồng, người dân có “phòng tránh” hay “kỳ thị” thì cũng chính đáng chứ không chính quyền nào, từ phong kiến đến thực dân có thể buộc tội.

Khoảng năm 1984, 1985, bác sĩ Trần Hữu Ngoạn (1934-2014), nguyên Giám đốc Bệnh viện Phong Quy Hòa đã từng chống kỳ thị bệnh nhân phong bằng cách nối kết bệnh viện Quy Hòa với thành phố Quy Nhơn, biến khu Quy Hòa thành khu du lịch để gắn kết bệnh nhân với mọi người. Chưa đủ, để cho dân tin bệnh phong khó lây nhiễm, ông đã tự tay tiêm vi khuẩn phong vào người của mình, từ đó Quy Hòa mới không trở thành nơi bị cách ly, biệt lập mà hòa nhập với đủ thành phần cư dân.

Theo các chuyên gia virus và thông tin chính thống, chủng corona mới hoành hành hiện nay tại Vũ Hán và đang lây lan toàn cầu là chủng virus cực kỳ nguy hiểm với độ lây lan dễ dàng và rất nhanh. Không chỉ lây qua đường hô hấp mà còn lây qua miệng, mắt; không chỉ lây khi đã phát bệnh mà lây ngay trong thời gian ủ bệnh; chỉ xuất hiện triệu chứng sau 14 ngày nên rất khó kiểm tra, kiểm soát, khó lường hết hậu quả nếu không phòng tránh từ xa. Vũ Hán là bài học nhãn tiền về sự bưng bít thông tin, đe dọa, trấn áp dư luận, dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh khi dân mất cảnh giác với dịch bệnh.

Lẽ nào ngài Bí thư tỉnh ủy không có thông tin trên? Hay là ngài có hiểu biết cao hơn các nhà chuyên môn với khẳng định chắc như đinh rằng, virus corona khó lây nhiễm như vi khuẩn gây bệnh phong? Nếu điều ngài tin là đúng, thì chỉ có cách chống kỳ thị tốt nhất là làm theo gương bác sĩ, anh hùng lao động Trần Hữu Ngoạn. Hãy tiêm công khai virus corona vào người ngài cho dân chúng xem.

Hoặc nhẹ hơn, ngài có thể làm gương đem người Vũ Hán về nhà mình nuôi cho thắm tình hữu nghị? Sau 14 ngày, nếu ngài hoàn toàn mạnh khỏe thì dân sẽ nồng nhiệt tiếp đón người Vũ Hán anh em và xem thông tin về đại dịch ở Vũ Hán và chuyện chính quyền Bắc Kinh cách ly Vũ Hán với các địa phương khác là tin vịt! Khi ấy tóm luôn các nhà báo đưa tin vịt vào lò???

Thời nhỏ, tôi từng trải nghiệm qua dịch tả giết hàng chục nhân mạng ở quê tôi, nên tôi rất sợ dịch. Tôi viết nhiều bài về dịch là trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, cả đối với chính quyền trước đại dịch đang lây lan chứ không phải vì động cơ nào khác. Trong tình trạng đại dịch nguy cấp, mọi chụp mũ vô lối đều nguy hiểm cho an ninh quốc gia, vì an ninh dịch bệnh chính là an ninh cao nhất, mong ngài hiểu cho!

Trong chiến tranh, mọi cuộc chiến thành công đều nhờ sức mạnh toàn dân, gọi là “chiến tranh nhân dân”. Xem “chống dịch như chống giặc” mà loại trừ nhân dân ra ngoài cuộc, thậm chí có kẻ bạ đâu chụp mũ phản động hay thù địch đó, liệu có thành công? Vũ Hán không là bài học nhãn tiền sao?









No comments:

Post a Comment

View My Stats