Trọng Thành - RFI
Đăng ngày 15-11-2019
Từ
đầu tuần đến nay, 5 ngày liên tiếp Hồng Kông rơi vào trạng thái gần như tê liệt.
Những người phản kháng chuyển sang chiến thuật ''đánh du kích'', với
tên gọi chính thức là ''Hoa Nở Khắp Nơi'' (Bian Di Kai Hua).
SinH viên chiếm đóng cổng trường đại học Bách Khoa Hồng
Kông, ngày 15/11/2019. REUTERS/Thomas Peter
Sau hơn 5 tháng biểu tình ôn hòa, với sự tham gia của
đông đảo dân chúng, không gặt hái thành công, chính quyền thân Bắc Kinh tiếp tục
bịt tai nhắm mắt trước các yêu sách đòi dân chủ, giới tranh đấu đặc khu Hồng
Kông quyết định chọn chiến thuật mới. Cụ thể là, các nhóm nhỏ, chủ yếu là sinh
viên, bất ngờ tổ chức các hoạt động phản kháng ở quy mô nhỏ, phong tỏa giao
thông, gây khó khăn tối đa cho cảnh sát.
Ngày 14/11/2019, các trục đường chính của thành phố
bị ngăn chặn bằng nhiều hàng rào bằng tre, bằng gạch, hay đủ mọi loại phương tiện
khác. Hệ quả là một trong ba xa lộ ngầm chủ yếu của thành phố bị đóng cửa, nhiều
trạm xe điện ngầm, tuyến xe buýt bị hủy bỏ. Toàn bộ thành phố 7,5 triệu dân gần
như tê liệt. Rất nhiều trường phổ thông và đại học bị đóng cửa. Tại nhiều bệnh
viện, chỉ có bộ phận cấp cứu là còn hoạt động. Buôn bán giao thương bị đình trệ.
Chính quyền Hồng Kông buộc phải yêu cầu các công ty
đối xử nhẹ nhàng với các nhân viên không thể đến nơi làm việc do tình trạng
giao thông công cộng bị tắc nghẽn. Cựu thuộc địa Anh Quốc đang sống trong tình
trạng khủng hoảng chưa từng có, kể từ năm 1997, tức từ khi Luân Đôn trao trả Hồng
Kông cho Bắc Kinh.
Đặc khu hành
chính này dường như như rơi vào tình trạng bế tắc cao độ, với thái độ cương quyết
của cả hai bên. Người biểu tình cảm nhận là đang bị chính quyền đẩy vào chân tường,
với việc các quyền tự do dân chủ đang bị hủy diệt dần mòn và họ quyết kháng cự
đến cùng. Phía chính quyền đặc khu và chính quyền trung ương cũng tỏ ra sẽ
không nhân nhượng trước ''áp lực của
đường phố''.
Đụng độ trong tuần qua gia tăng về cường độ. Theo một
số nhà quan sát, cảnh sát Hồng Kông, thông thường vốn rất hiệu quả, trong việc kiểm
soát an ninh trên các tuyến đường metro, giờ đây tỏ ra quá tải. Riêng ngày
13/11, theo chính quyền, 70 người phải nhập viện, trong đó có hai người trong
tình trạng nguy ngập. Một trong hai người hôm nay đã qua đời tại bệnh viện. Nạn
nhân là một người đàn ông qua đường 70 tuổi, bị trúng gạch vào đầu, trong một
cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Không khí đặc biệt căng thẳng tại các trường đại học.
Cảnh sát tố cáo sinh viên biến Đại học Trung Văn nổi tiếng Hồng Kông thành nơi
''sản xuất vũ khí''. Trên thực tế, nhiều trường đại học biến thành ''các
đại bản doanh'', thành những công trường chế vũ khí thô sơ, như thời Trung
Cổ, nơi giới trẻ tập hợp chế tạo tên tẩm dầu lửa, máy bắn gạch, bắn bom xăng…
Cảnh sát cáo buộc ''những kẻ bạo động'' bắn tên
vào lực lượng cảnh sát tuần tra gần Đại học Bách Khoa Hồng Kông. Hôm
14/11/2019, sinh viên Đại học Bách Khoa phong tỏa trường học, bất cứ ai vào trường
cũng bị kiểm soát, kể cả các nhà báo. Các sinh viên hy vọng cảnh sát mặc thường
phục không trà trộn được vào hàng ngũ sinh viên.
Căng thẳng tăng thêm một nấc vào trưa hôm thứ Năm
14/11, khi nhật báo Global Times, thân cận với chính quyền Bắc Kinh, khẳng định
chính quyền đặc khu sẽ thiết quân luật trong dịp nghỉ cuối tuần này, để ngăn chặn
bạo động. Tuy nhiên, một nửa giờ sau, thông tin này bất ngờ bị xóa bỏ. Chính
quyền Hồng Kông không đưa ra bình luận về việc thông tin trên.
Giới tranh đấu Hồng Kông dường như tiến hành chiến
thuật du kích trên nhiều mặt trận. Một mặt, với các hành động bạo lực ở quy mô
nhỏ, như đã nói ở trên. Mặt khác, dường như họ cũng để cho chính quyền một cơ hội
trong đàm phán. Theo thông tín viên RFI Florence de Changy, có mặt tại chỗ, hôm
15/11, những người biểu tình đã chấp nhận mở lại một trong các xa lộ quan trọng
nhất. Nhưng chỉ trong vòng 24 giờ. Họ đe dọa sẽ đóng cửa xa lộ này, nếu lãnh đạo
đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga không giữ lời hứa sẽ tiến hành bầu cử cấp quận,
như dự kiến trong một tuần nữa.
Không khí căng thẳng dường như đang dâng đến đỉnh điểm.
Ứng xử của chính quyền đặc khu và phong trào phản kháng trong hai ngày cuối tuần
này sẽ là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng Hồng Kông sẽ đi về đâu.
No comments:
Post a Comment