Thursday 28 November 2019

HAI ĐỘNG THÁI MỚI CỦA CHÍNH QUYỀN : MỘT CÁCH HIỆN THỰC HÓA DỰ LUẬT ĐẶC KHU (Nguyễn Trang Nhung)




Thứ Tư, 11/27/2019 - 07:40 — NguyenTrangNhung

Chiều ngày 25/11, quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Một nội dung đáng chú ý của luật mới là quy định miễn thị thực có thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển đáp ứng các điều kiện nhất định.

Các điều kiện này là: (1) có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt; (2) có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; (3) phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; và (4) không phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.[1]

Chiếu theo các điều kiện này, 2 trong 18 khu kinh tế ven biển hiện có tại Việt Nam là thỏa mãn. Đó là Vân Đồn và Phú Quốc, 2 nơi được nhắm trở thành đặc khu theo dự luật đặc khu gây tranh cãi vào giữa năm 2018.

Hình: Vân Đồn, Quảng Ninh (Nguồn: Internet)

Những ai theo dõi dư luận xung quanh dự luật đặc khu hẳn biết 2 quy định được để ý nhất trong dự luật này là thời hạn cho thuê đất tối đa lên đến 99 năm và miễn thị thực cho công dân nước láng giềng giáp ranh với Quảng Ninh, nơi có Vân Đồn, và Kiên Giang, nơi có Phú Quốc.

Mặc dù dự luật không nói rõ các nước giáp ranh với 2 tỉnh này, người ta thừa hiểu đó tương ứng là Trung Quốc và Campuchia. Và trong 2 nước này, Trung Quốc là nỗi lo của nhiều người dân Việt Nam xét về một số phương diện, trong đó có an ninh quốc phòng.

Khi quyết định lùi thông qua dự luật đặc khu vào tháng 6/2018, quốc hội đã tạm thời làm tiêu tan làn sóng phản đối của đa số dân chúng đối với dự luật đặc khu, và theo thời gian, mặc dù chính quyền vẫn có những động thái xúc tiến dự luật, nhưng các động thái này đủ nhẹ nhàng để người dân ít để ý tới.

Có thể kể đến một số động thái như vậy, chẳng hạn: 

·         Tháng 11/2018, hội thảo quốc tế "Chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" do Trường Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính (thuộc Bộ Tài chính) tổ chức đã diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có sự góp mặt của các chuyên gia Trung Quốc.[2]

·         Tháng 4/2019, thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự luật theo hướng xây dựng một luật chung, và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo về việc này.[3]

Và đây, việc quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung trên kể trên, và trước đó chỉ mấy hôm là việc chính phủ thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn vào ngày 20/11 cũng là các động thái như thế.

Hai động thái mới nhất này, mặc dù nhẹ nhàng, ít ra là nhẹ nhàng hơn nhiều so với dự luật đặc khu, nhưng lại không đủ nhẹ nhàng để tránh khỏi làn sóng phản đối đầu tiên, khi một số người có ảnh hưởng bắt đầu lên tiếng. 

Việc thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn có thể nhằm chuẩn bị cho việc trao quyền quyết định ở mức độ nào đó cho cơ quan này đối với những vấn đề của khu, và người dân cần chờ xem việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới khu nói chung và vấn đề an ninh quốc phòng nói riêng.

Việc miễn thị thực cho người nước ngoài – mà người nước ngoài chủ yếu là người Trung Quốc – kể ra chẳng khác là bao so với quy định miễn thị thực cho công dân nước láng giềng giáp ranh với Quảng Ninh Và Kiên Giang trong dự luật đặc khu.

Mặc dù với 2 động thái này, Vân Đồn và Phú Quốc chưa trở thành đặc khu như trong dự luật đặc khu, nhưng điều này không quan trọng. So với khu kinh tế, đặc khu kinh tế có những điểm ưu trội hơn về các chính sách kinh tế, tài chính và liên quan, song sự ưu trội này là không lớn.

Riêng về thời gian cho thuê đất, thời gian này của khu kinh tế tối đa là 70 năm, không đến 99 năm như đặc khu kinh tế theo dự luật đặc khu, nhưng chi tiết này không thực sự thành vấn đề một khi người Trung Quốc được tạo điều kiện nhập cảnh dễ dãi vào Việt Nam.

Những điều trên cũng có nghĩa là, chưa cần dự luật đặc khu được thông qua, cũng chưa cần nó được tán thành bởi dân chúng, thì bằng các con đường êm ái hơn, một phần của dự luật đặc khu đã thành hiện thực.

Cho nên, những ai đã từng quan tâm tới dự luật đặc khu cần được minh định rõ rằng: với các cách gián tiếp, chính quyền đang hiện thực hóa một phần dự luật đặc khu. Và 2 động thái kể trên, đặc biệt là động thái thứ hai, đã hiện thực hóa phần đáng kể – và cũng là phần đáng e ngại nhất.

------------
Chú thích:

[1] Người nước ngoài được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển
https://vnexpress.net/thoi-su/nguoi-nuoc-ngoai-duoc-mien-thi-thuc-vao-kh...

[2] Thấy gì từ hội thảo quốc tế về chính sách tài chính phát triển đặc khu kinh tế?
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-to-see-in-the-seminar-on-s...

[3] Chỉnh lý luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng luật chung
https://dantri.com.vn/xa-hoi/chinh-ly-luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac...





No comments:

Post a Comment

View My Stats