Thụy My – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 15-11-2019
Le
Monde trong
loạt bài về sự thay đổi của thế giới từ 1989 đến 2019, đề cập đến « Sự báo thù của Trung Quốc
». Năm 2008, Bắc Kinh phô trương thành tựu về kinh tế cho toàn thế giới
nhân Thế vận hội, và từ 2012, Tập Cận Bình tranh giành với Hoa Kỳ vị thế hàng đầu
về công nghệ, đồng thời củng cố quyền lực.
Lâu nay châu Âu và Hoa Kỳ vẫn có cái nhìn khoan hòa
và lạc quan về một Trung Quốc đang trỗi dậy, chấp nhận cho Bắc Kinh gia nhập Tổ
chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Mỹ Bill Clinton tin rằng kinh tế thị
trường và internet sẽ mang lại dân chủ cho người dân Hoa lục.
Nhưng Trung Quốc đã chuyển đổi từ cộng
sản sang tư-bản-không-dân-chủ, một sự kiện chưa
có tiền lệ, và năm 1989 của Trung Quốc trái ngược hẳn với những gì diễn ra ở
Đông Âu và các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Hôm 04/06/1989, khi Công đoàn Đoàn Kết
giành thắng lợi rực rỡ trong cuộc bầu cử ở Ba Lan, tại quảng trường Thiên An
Môn ở Bắc Kinh, những chiếc xe tăng đã đè bẹp mùa xuân của sinh viên trong biển
máu. Nếu có bài học nào mà Trung Nam Hải rút ra được từ năm 1989 của châu Âu,
thì đó là không nên chấp nhận số phận của nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev.
Tuy vậy sau vụ thảm sát Thiên An Môn, Trung Quốc tiếp
tục tham vọng. Nhà văn Dư Hoa (Yu Hua) giải thích : « Sự kiện 1989 đã
giết chết say mê chính trị của người dân Trung Quốc, sau đó chỉ còn lại đam mê
làm giàu ». Và năm 2008 là dịp phô bày sức mạnh cho thế giới nhân Thế
vận hội Bắc Kinh, trước bốn tỉ người theo dõi trên truyền hình.
Công xưởng thế giới giờ đây chứng tỏ những tham vọng
to lớn hơn. Đặng Tiểu Bình chứng tỏ tầm nhìn xa khi gởi hàng ngàn sinh viên ra
các nước phương Tây học hỏi những công nghệ tiên tiến. Nay thì hàng trăm ngàn
người từ Hoa lục đang theo học những trường đại học Mỹ, Đức, Anh…nhất là về
công nghệ. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính đã tiếp sức cho phong trào hồi
quy (hai gui) : thu hút nhân tài từ phương Tây về nước.
Cuộc cách mạng
kỹ thuật số đã giúp Tập Cận Bình tiến xa hơn, « Đại nhảy vọt » đối với ông Tập
là các công nghệ của tương lai, ưu tiên cho trí thông minh nhân tạo (AI) và tin
học lượng tử, với các phương tiện khổng lồ. Cuốn sách
best-seller gần đây của tác giả Lý Khai Phục (Kai Fu Lee), từng là giám đốc
sáng lập của Google Trung Quốc dự báo trong 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ. Tuy nhiên
Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc bác bỏ, khẳng định Washington vẫn bỏ xa Bắc Kinh về
AI. Tác giả Graham Allison thì nhận xét, một nhà nước độc tài có ưu thế so với
nhà nước dân chủ, khi lợi dụng được sự tự do trao đổi các sáng tạo. Trong khi
đó nhà tỉ phú George Soros thẳng thừng cảnh báo mối nguy khi IA nằm trong tay
những chế độ tàn bạo như Trung Quốc.
Trong cuộc diễn binh đại quy mô nhân quốc khánh 1/10
vừa qua, nhà nghiên cứu François Godement đã phải kinh ngạc về những thiết bị
quân sự hiện đại, lẫn sự hiện diện khắp nơi của chân dung hoàng đế đỏ Tập Cận
Bình.
Thương chiến làm kinh tế Trung Quốc sa sút
Tuy nhiên trên lãnh vực kinh tế, Les
Echos e ngại về tình trạng « Sản xuất công nghiệp Trung Quốc
đang chậm lại ».
Một think tank chính thức của Trung Quốc ước lượng
tăng trưởng chỉ khoảng 5,8% trong năm tới, trong khi Bắc Kinh hy vọng từ 6 đến
6,5%. Được Cục Thống kê công bố hôm qua 14/11/2019, sản xuất kỹ nghệ, doanh số
bán lẻ và đầu tư đều u ám hơn dự kiến, do tác động của cuộc chiến tranh thương
mại với Hoa Kỳ. Cơ quan NIFD thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho
rằng cần phải dựa vào cải cách về cơ cấu, chứ không chỉ tái thúc đẩy về tiền tệ
và ngân sách. Bắc Kinh còn đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng nặng nề, và
như vậy sẽ phải phát hành nhiều công trái.
Hồng Kông : Xu hướng bạo lực chỉ có lợi cho Bắc Kinh
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le
Figaro mô tả « Hồng Kông tê liệt vì phong trào phản kháng
» và bày tỏ lo ngại « Khi chuyển sang bạo lực, người biểu tình
đã giúp thêm lý lẽ cho Bắc Kinh ». Les Echos nhận xét : « Hồng
Kông : Chính quyền đe dọa, nền kinh tế tiếp tục bị tê liệt ».
Hôm qua, lần đầu tiên kể từ khi khởi đầu cuộc khủng
hoảng, chính quyền Hồng Kông đã ra lệnh đóng cửa các trường học từ mẫu giáo cho
đến trung, tiểu học. Biện pháp này trước đây chỉ được áp dụng trong trường học
bão tố hay các thiên tai khác. Nhiều trường đại học đã thay thế các bài giảng bằng
các buổi họp trên mạng và hoãn lại các kỳ thi. Lần đầu tiên từ khi lên nắm quyền,
ông Tập Cận Bình đã phải nhận thất bại cay đắng. Tuy nhiên các hành động bạo lực
của một số người biểu tình tạo thuận lợi cho cuộc chiến hao mòn mà Bắc Kinh đã
chọn lựa. Không có được đầy đủ thông tin do kiểm duyệt, công chúng Hoa lục đồng
loạt lên án « những kẻ nổi dậy » Hồng Kông.
Sri Lanka bị sập bẫy Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc
Về quan hệ của Bắc Kinh với quốc gia châu Á Sri
Lanka, Les Echos nhận xét « Colombo bị sập bẫy Con đường
tơ lụa mới ». Sri Lanka có vị trí chiến lược trong kế hoạch đại quy mô
của Trung Quốc vì nằm tại một trong những tuyến đường hàng hải chính ở Ấn Độ
Dương. Tuy nhiên việc chính quyền nước này xích lại gần Bắc Kinh đã gây ra nhiều
chỉ trích.
« Colombo Financial District » chỉ mới là một trảng
cát rộng lớn trên « Galle Face Green », khu công viên dọc theo bãi biển. Một
hòn đảo nhân tạo hoang vu gần 2,7 kilomet vuông, với 1.200 công nhân trong đó
có 300 người Trung Quốc đang làm việc. Họ đào kênh, trồng lên những cây cọ, và
chuẩn bị làm đường. Từ nay đến năm 2021, những tòa tháp bằng kính sẽ mọc lên.
Các công ty Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng
trong khuôn khổ Con đường tơ lụa mới do ông Tập Cận Bình ra sức thúc đẩy. Nhưng
tại Sri Lanka, họ xây cả một thành phố mới.
« Colombo Financial District » hay còn gọi là « Port City », được triển khai bởi
China Harbour, chi nhánh của một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc đã đầu tư vào
1,4 tỉ đô la, chiếm phần lớn trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Sri Lanka.
Nhà đầu tư nói rằng sẽ tạo ra 80.000 việc làm. Nhưng nhà phân tích Paikiasothy
Saravanamuttu của Center for Policy Alternatives ở Colombo nhận xét : «
Chính phủ trông cậy vào thành phố tài chính quốc tế này, nhưng tôi không biết
được mấy người Sri Lanka có đủ trình độ để một ngày nào đó làm được công việc
loại này. Còn tất cả những khách sạn và tòa nhà kia : liệu có đủ khách du lịch
và cư dân để lấp đầy hay không ? »
Dự án này còn bị chỉ trích về môi trường : để xây
lên hòn đảo nhân tạo, phải đào đắp hàng mấy chục triệu mét khối cát ở ngoài
khơi Sri Lanka, đẩy nhanh tốc độ xói mòn bờ biển. Dưới thời tổng thống Mahinda
Rajapakse, Sri Lanka thân thiết hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh cho vay hàng tỉ đô
la cho những dự án hạ tầng, mà giờ đây đang đặt ra vấn đề về hiệu quả. Sân bay
Mattala ở miền nam hầu như không có ai sử dụng, và đến năm 2017, Sri Lanka
không trả được nợ, phải nhượng cho Bắc Kinh cảng Hambantota trong 99 năm !
Hambantota đã trở thành biểu tượng cho bẫy nợ của Bắc Kinh.
Nhà phân tích trên nói tiếp : « Người Trung
Quốc không hề đặt điều kiện khi cho vay tiền, phe ông Rajapakse tha hồ sử dụng,
nhưng như vậy các nhà lãnh đạo Sri Lanka đã bị lệ thuộc vào Bắc Kinh ». Và
dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày mai 16/11/2019 với
35 ứng cử viên, cũng sẽ phải tiếp tục bắt tay với đối tác Trung Quốc.
Nước Mỹ không nên dành cho các tổng thống già nua
Nhìn sang Hoa Kỳ, Les Echos trích lời
một giáo sư Mỹ trên The Wall Street Journal : « Không, nước Mỹ không phải
dành riêng cho những tổng thống già nua ».
Có nên ấn định
tuổi tối đa để làm tổng thống hay không ? Giáo sư Derek
Muller của trường đại học Pepperdine ở Malibu (California) đặt câu hỏi. Cựu thị
trưởng New York Michael Bloomberg, 77 tuổi, có thể tham gia vào đội ngũ ứng cử
viên tổng thống lớn tuổi ở Mỹ. Tháng trước, ông Bernie Sanders, 78 tuổi đã phải
nhập viện. Những người thân cận ông nói là bị đau ngực, nhưng rốt cuộc là một cơn
đau tim. Bà Hillary Clinton, năm nay 68 tuổi, kỳ bầu cử trước cũng đã bị đặt vấn
đề về sức khỏe.
Còn sức khỏe tâm thần cũng rất đáng quan tâm, mà
theo giáo sư Derek, cử tri không thể nào biết được. Tháng Giêng năm 2017,
Donald Trump ở tuổi 70 đã trở thành tổng thống Mỹ cao tuổi nhất lúc bước vào
Nhà Trắng. Nếu tái đắc cử vào tháng 11/2020, ông Trump sẽ đánh bại kỷ lục của
Ronald Reagan : khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai năm 1984, ông Reagan « chỉ » có 73
tuổi.
Đã hẳn là các ứng cử viên trẻ hơn cũng có thể bị đau
tim hay ung thư, nhưng nguy cơ tăng lên cùng với tuổi tác. Cựu tổng thống Jimmy
Carter năm nay 95 tuổi, khẳng định rắng ở tuổi 80 ông không thể nào lãnh đạo được
nước Mỹ. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tối thiểu phải 35 tuổi nếu muốn làm tổng thống
Mỹ, nhưng tuổi tối đa không được đề cập đến. Để so sánh, tại Pháp, vị tổng thống
cao niên nhất là Auguste Thiers, 74 tuổi lúc bước vào điện Elysée năm…1871.
Bolivia : Ý hướng độc tài đã khiến Evo Morales bị lật đổ
Tại châu Mỹ la tinh, bài xã luận của Le
Monde phân tích « Những sai lầm của ông Evo Morales ở Bolivia
».
Việc Evo Morales đắc cử năm 2006 là một sự kiện lịch
sử : lần đầu tiên một người gốc thổ dân lên làm tổng thống Bolivia. Trong nhiệm
kỳ của ông, số người nghèo giảm đi phân nửa, nạn mù chữ và bất bình đẳng giảm
xuống, GDP tăng lên. Tuy nhiên vị tổng thống cải cách này đã không chống chọi
được ý hướng độc tài.
Đảng mang tên Phong trào hướng về chủ nghĩa xã hội
(MAS) của ông tập trung mọi quyền lực trong tay, không quan tâm đến tầng lớp
trung lưu thành thị và giới trẻ. Ông Morales phạm sai lầm lớn năm 2016, khi bất
chấp kết quả trưng cầu dân ý - mà chính ông đã có sáng kiến tổ chức - phản đối
việc tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ tư. Nghi ngờ gian lận đè nặng lên cuộc bầu cử
hôm 20/10, và trước phong trào phản kháng của người dân, ông tỏ ra ngạo mạn.
Báo cáo của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OEA theo
tiếng Pháp) khẳng định bầu cử « gian lận trầm trọng », là phát
súng ân huệ cho tổng thống Bolivia. Chính lúc đó quân đội yêu cầu ông Morales từ
chức, phe cực hữu nổi lên, gạt ra ngoài lề ứng cử viên cánh trung Carlos Mesa từng
về nhì. Cách thức mà phó chủ tịch Thượng Viện, bà Jeanine Anez tự phong tổng thống
lâm thời là rất đáng ngại, những vụ đụng độ và các cuộc biểu tình phân biệt chủng
tộc diễn ra. Từ nơi tị nạn là Mêhicô, Evo Morales tuyên bố sẵn sàng trở về
Bolivia. Theo Le Monde, đây lại là một sai lầm nữa : Morales nên
quy ẩn để giúp bạo lực lắng xuống, và có được một giải pháp hợp hiến.
Pháp, một năm sau khủng hoảng Gilets Jaunes
Tựa chính các báo Paris hôm nay tập trung vào các vấn
đề xã hội của nước Pháp, đặc biệt là kỷ niệm một năm phong trào Áo Vàng (Gilets
Jaunes). Trang nhất La Croix đăng ảnh một người biểu tình Áo
Vàng với hàng chữ trên lưng áo « Nước Pháp giận dữ - 17/11/2018 ». Les
Echos chạy tựa « Gilets Jaunes, Lịch trình mới của Macron » : Một
năm sau, tổng thống Pháp muốn đoàn kết người dân, không muốn tỏ ra án binh bất
động.
Le Figaro nhận xét
chính quyền lo ngại một loạt những hành động phản kháng : bệnh viện, giới sinh
viên, cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên thuế vụ, và nhất là cuộc đình công của
ngành đường sắt phản đối cải cách hưu bổng ngày 5/12 sắp tới. Libération chú
trọng đến « Bạo lực cảnh sát » dù đã có những lời cảnh báo của
cuộc khủng hoảng Gilets Jaunes. Riêng Le Monde giải thích «
Vì sao các thị trưởng tự tin trở lại » : trên 62% cho rằng được người
dân đánh giá tốt.
Bài xã luận của La Croix nói về «
Những bài học của một cuộc khủng hoảng ». Cả một nước Pháp mà các
chính khách và truyền thông đã bỏ quên bất ngờ xuất hiện. Một nước Pháp sống
bên lề các thành phố lớn, không quá nghèo khổ nhưng cũng gặp những khó khăn. Một
nước Pháp muốn có tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu nhưng cảm thấy bị thiệt
thòi. Những vấn đề được Gilets Jaunes đưa ra ánh sáng đã có được một số lời đáp
rời rạc, cuộc tranh luận toàn quốc mùa đông năm ngoái đã giúp tổng thống Macron
chứng tỏ năng lực của mình. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để tái lập
lòng tin, nối lại mối liên hệ với nhiều vùng đất khác nhau, và theo tờ báo, cuộc
khủng hoảng Áo Vàng vẫn chưa kết thúc.
Les Echos cho rằng thất
bại của Áo Vàng đã được báo trước vì không thể hình thành được một phong trào
chính trị hay xã hội, đưa ra những yêu sách theo trật tự, không xuất hiện những
thủ lãnh chân chính. Mất phương hướng, Áo Vàng bèn « ăn theo » đợt đình công phản
đối chính sách hưu của ngành đường sắt ngày 5/12 tới. Đây là một nghịch lý, vì
như vậy họ đã chuyển sang đấu tranh cho những người được ưu tiên về hưu bổng so
với các ngành khác.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũnglưu
ý một khía cạnh tiêu cực khác : « Phong trào Áo Vàng đã để lại dấu vết
trong mạng lưới ngân hàng ». Trụ sở bị phá hoại, cướp bóc, phóng hỏa,
máy rút tiền bị phá hư, nhân viên bị đe dọa…gần 800 chi nhánh ngân hàng đã bị
thiệt hại. Bị tấn công, các ngân hàng cố gắng tìm ra lời giải cho cuộc khủng hoảng
xã hội, chẳng hạn cam kết không tăng các loại phí trong năm 2019.
No comments:
Post a Comment