Người Việt Online
November 2, 2019
HÀ
NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 2 Tháng Mười Một, cộng đồng mạng bày tỏ
sự thất vọng về phát ngôn mang tính “chiếu lệ” của ông Phạm Bình Minh, bộ trưởng
Ngoại Giao CSVN và người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng về vụ tất cả 39 thi thể
trong xe vận tải được Anh Quốc xác nhận “đều là người Việt Nam”.
Ông
Bình Minh viết trên Twitter: “Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc
chặt chẽ với các cơ quan Anh có thẩm quyền trong vụ án”, trong lúc bà Thu Hằng
nói trên các báo nhà nước rằng vụ này là “một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng”
và “hy vọng phía Anh sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những kẻ phải chịu
trách nhiệm về thảm kịch này.”
Cả hai vị nêu
trên đều né tránh nói đến trách nhiệm của nhà cầm quyền CSVN trong việc khuyến
khích chính sách “xuất khẩu lao động” đem ngoại tệ về, trong lúc để mặc hàng
ngàn người dân mỗi năm phải tìm đường mưu sinh ở nước ngoài bằng mọi giá và chấp
nhận đánh đổi cả mạng sống.
Phát ngôn của ông Bình Minh và bà Thu Hằng được ghi
nhận “đồng thuận” với nội dung một bài trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của
đảng CSVN hôm 1 Tháng Mười Một: “Đừng cứ
lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà Nước Việt Nam… Trong khi các nạn nhân
chưa được nhận dạng chính thức, chính quyền nước Anh và cộng đồng quốc tế đang
nỗ lực để xác thực về danh tính các nạn nhân, nhiều người Việt ở trong và ngoài
nước đón nhận thông tin một cách thận trọng, có lý có tình, thì một số tổ chức,
cá nhân lại tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố
đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà Nước Việt
Nam… Trong khi ngay cả nhiều người Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận sự việc một
cách thận trọng, thì một số người ở trong nước lại hùa theo sự sai trái để đưa
lên mạng xã hội các ý kiến không đúng mực…”
Luật
Sư Lê Công Định chỉ trích bà Thu Hằng trên trang cá nhân: “Thế nào là ‘thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng’?
Cụm từ này xét về phương diện ngữ nghĩa lẫn ý nghĩa đều thực sự vô nghĩa. Việc
trao trả các tù nhân lương tâm để nhận đổi chác về chính sách nào đó từ các quốc
gia phương Tây có phải cũng là hành vi mua bán người, vốn là tội phạm nghiêm trọng
và phải bị trừng trị đích đáng, hay không? Những ‘kẻ phải chịu trách nhiệm về
thảm kịch này’, mà theo bà Hằng cần phải bị nghiêm trị, liệu có nên bao gồm cả
những quan chức và thể chế của chúng từng bao che Formosa, kẻ hủy diệt môi trường
sống ở bốn tỉnh Bắc Trung Bộ hay không?”
Cũng trong 2 Tháng Mười Một, một số blogger
chỉ trích một bài trên báo Tuổi Trẻ, cơ quan ngôn luận của Thành Đoàn TNCS ở
Sài Gòn, với nội dung: “Trách nhiệm đầu
tiên của tấn thảm kịch [39 thi thể trong xe vận tải ở hạt Essex, Anh Quốc] có lẽ
không phải là của [những] chính phủ mà từ đó công dân di cư lậu xuất phát, cũng
không phải những nạn nhân đó và gia đình họ và thậm chí không phải của bọn buôn
người. Vấn đề chính là một chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước
giàu.” Nhà báo tự do,
Facebooker Bạch Hoàn nói rằng người viết bài báo trên Tuổi Trẻ là “bút nô”.
Nhà
hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành bình luận trên
trang cá nhân: “Những đồng tiền kiếm được
từ lao động chui của hàng vạn người Việt không chỉ trực tiếp nuôi gia đình họ ở
quê nhà mà còn gián tiếp nuôi bộ máy nhà nước yếu kém đã đẩy họ ra đi. Có thể nói chính sách ‘xuất khẩu
lao động’ là một dạng buôn người được hợp thức hoá bởi đảng cầm quyền. Đẩy
trách nhiệm phát triển xã hội, tạo thêm công ăn việc làm lên đầu người lao động
và xuất khẩu qua các nước khác. Thảm kịch 39 nhìn trong bối cảnh hàng vạn người
Việt đã và đang bất chấp nguy hiểm để lao động chui trên khắp thế giới thì
trách nhiệm thuộc về ai ngoài cái chế độ chính trị sai lầm này?” (T.K.)
------------------------------
Người Việt Online
November 2, 2019
ĐÔ
THÀNH, Việt Nam (NV) – Nếu chỉ nghe qua cái tên
“Làng Tỉ Phú” ở Việt Nam, nhiều người sẽ không hiểu tại sao lại có người
muốn rời bỏ nơi này để đi nơi khác kiếm sống, nhưng ít nhất ba trong số 39 người
thấy chết trong rờ moọc xe vận tải ở Anh tuần qua, đã ra đi từ nơi này, với ước
mơ có đời sống khá giả hơn.
Một khu biệt thự lộng
lẫy ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)
Một tỉ đồng bạc Việt Nam có thể chỉ vào khoảng
$43,000, nhưng ở xã Đô Thành này, thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nằm ở
phía Bắc miền Trung Việt Nam, thì đây là một số tiền rất lớn, giúp ngay cả các
nông dân cũng có những căn nhà đồ sộ, như “biệt thự,” trả bằng tiền của người
thân trong gia đình của họ làm việc ở ngoại quốc gửi về, theo bản tin của
Reuters hôm Thứ Tư, 30 Tháng Mười.
Ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch xã Đô Thành, tay chỉ vào
những căn nhà cao mấy tầng bao quanh trụ sở xã và nói với phóng viên Reuters rằng
“có từ 70% đến 80% các biệt thự nơi đây được xây bằng tiền gửi về từ nước ngoài.”
Ông Hà nói rằng “Nếu làm việc ở Việt Nam, với mức
thu nhập bằng đồng bạc Việt Nam, thì sẽ lâu lắm mới xây được những căn nhà đồ sộ
như thế này.”
Ở xã Đô Thành, ngay cả ngôi nhà thờ tráng lệ, xây
theo kiểu thời Phục Hưng, cũng được cất lên nhờ vào tiền đóng góp từ các gia
đình giáo dân Công Giáo có người nhà đi làm việc ở ngoại quốc.
Trong thảm kịch chết 39 người ở Anh, người ta tin rằng
đa số các nạn nhân người Việt Nam là những cư dân ở xã Đô Thành thuộc huyện Yên
Thành.
Trong thập niên 80, Đô Thành từng là một trong những
xã nghèo nhất ở huyện này, theo tin từ các cơ quan truyền thông nhà nước.
Một cư dân nơi này, cô Bùi Thị Nhung, 19 tuổi, có thể
ở trong số những người chết vừa qua, theo gia đình cô. Cô gửi về một loạt các bản
tin nhắn, kể lại chặng đường đi xuyên qua Âu Châu trong những ngày trước khi cô
bước lên chiếc xe tải định mạng.
Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường,
nói với Reuters hôm Thứ Ba rằng quốc tịch của các nạn nhân hiện chưa chính thức
được công bố, nhưng “Việt Nam và Anh đang cố gắng nhanh chóng nhận diện các thi
thể.”
Phát giác ghê rợn hồi tuần qua tại một khu kỹ nghệ gần
London, nơi thu hút người di dân bất hợp pháp gốc Việt Nam, đã tạo sự chú ý của
dư luận về các chuyến đi đầy bất trắc nguy hiểm của những người dân nghèo đi từ
Á Châu, Phi Châu và Trung Đông để tới Âu Châu.
Ở Việt Nam, tình trạng kiếm việc khó khăn, chủ
trương khuyến khích xuất cảng lao động của nhà nước, thường xuyên bị thiên tai,
sự đối xử phân biệt của chính quyền Cộng Sản với người Công Giáo, đồng thời có
nhiều đường dây buôn người, đều là những yếu tố khiến người ta muốn ra đi.
Tuy rằng chi phí để sang tới Âu Châu có thể lên tới
hàng chục ngàn đô la Mỹ trả cho các dịch vụ đưa người thuộc hạng “VIP,” nghĩa
là có sự an toàn hơn, những người này đều nghĩ rằng họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều
tiền cho dù phải chấp nhận rủi ro.
“Chúng tôi biết có nhiều người dân của huyện đang sống
ở Anh, nhưng chúng tôi không biết họ làm gì để có các món tiền họ gửi về nhà,”
theo ông Hà.
Căn nhà mới xây của
anh Nguyễn Đình Tứ, người xã Đô Thành, có thể đã chết ở Anh. (Hình: Linh
Pham/Getty Images)
Người Việt ở
ngoại quốc gửi về nước khoảng $16 tỉ trong năm 2018, hơn gấp đôi mức thặng dư mậu
dịch của Việt Nam trong cùng năm, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, cho thấy
là tiền gửi về đã tăng 130% trong thập niên qua.
Ở Nghệ An và Hà Tĩnh cạnh đó, chính quyền địa phương
có chính sách hỗ trợ xuất cảng lao động.
Riêng tỉnh Nghệ An đã thu vào được khoảng $255 triệu
mỗi năm từ các cư dân tỉnh đi làm ở ngoại quốc, theo tin từ giới truyền thông.
“Số tiền gửi về có thể còn nhiều hơn con số báo cáo
vì chuyển qua các đường dây không chính thức, như bằng tiền mặt hay hiện vật,
không được tính vào,” theo ông Nguyễn Trí Hiếu, một kinh tế gia ở Hà Nội và từng
là cố vấn chính phủ.
Nhiều đường dây đưa người bất hợp pháp cũng làm luôn
dịch vụ chuyển tiền, lấy hoa hồng.
Có tới 70% các vụ đưa người Việt Nam vào Anh bất hợp
pháp từ năm 2009 tới 2016 là có liên hệ đến việc khai thác lao động trái phép,
trong đó đó người di dân được đưa vào làm các công việc liên quan tới trồng cần
sa bất hợp pháp và làm việc trong các tiệm nail, theo chính phủ Anh hồi năm
ngoái.
Tại Nghệ An, tỉnh sát biên giới với Lào, trị giá
trung bình tổng sản lượng nội địa chỉ vào khoảng $1,636, thấp hơn rất nhiều so
với mức trung bình của cả nước Việt Nam là $2,540.
Anh Bùi Văn Diệp, một thợ hàn, nói với Reuters rằng
anh không có tiền để đi ngoại quốc, vì vậy anh phải vào Sài Gòn kiếm sống.
Anh đang sống trong một căn nhà chật hẹp ở Đô Thành.
Trong khi đó, người anh em họ của anh Diệp, anh Bùi Chung, từng sang Anh năm
2007 và làm cả nghề nail và trồng cần sa, nay về lại Đô Thành, xây được căn biệt
thự lộng lẫy ngay cạnh đó, lại còn có nhà để xe cho chiếc BMW của mình.
Anh Chung nay làm nghề nhập cảng thép nhưng anh nói
rằng rất thất vọng vì làm ăn thua lỗ.
Anh nói rằng ở bên Anh, cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau
kiếm việc làm, còn ở đây không thể tin được ai.
Anh Chung nghĩ rằng mình đã có sai lầm lớn lao khi
trở về Đô Thành, và nay anh đang nghĩ tới việc quay lại Anh. (V.Giang)
No comments:
Post a Comment