Friday, 11 October 2019

TỪ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ ĐẾN Ô NHIỄM NHẬN THỨC (Đinh Yên Thảo)




Đinh Yên Thảo
08/10/2019

Dù luôn tự hào với những thứ hạng nhất đã đạt được hay đang mơ đến, có lẽ dòng trạng thái của AirVisual nhằm cảnh báo Hà Nội đang trở thành thành phố dẫn đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí vào ngày 29 tháng Chín vừa qua trên trang Facebook của mình, đã làm không ít thanh niên Việt Nam tức giận với thứ hạng nhất không mong đợi này.

AirVisual trực thuộc công ty Thụy Sĩ IQAir, chuyên thiết kế và chế tạo hệ thống lọc không khí và quan trắc mức độ ô nhiễm, có văn phòng tại California và Bắc Kinh. AirVisual ra đời từ năm 2015 nhằm thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm không khí và cung cấp dữ liệu tức thời (real-time) cho người cài đặt tại hàng ngàn thành phố khắp thế giới qua một ứng dụng trên điện thoại đa năng. Theo nguyên tắc hoạt động ghi trên cùng trang mạng của mình, AirVisual thu thập dữ liệu từ cơ quan khí tượng, hệ thống vệ tinh và các dữ liệu quan trắc của chính phủ sở tại cùng các tổ chức phi chính phủ để đưa ra chỉ số ô nhiễm địa phương trong sự minh bạch và chính xác nhất có thể.

Trên AirVisual, số lượng người Việt Nam đã cài đặt và theo dõi dữ liệu (follow) tại Hà Nội và Sài Gòn hiện nay cùng tương đương cùng ở mức xấp xỉ 1.4 triệu người tại mỗi thành phố. Như vậy số người quan tâm về mức độ ô nhiễm tại Việt Nam khá cao. Dù không ít người chỉ mong muốn được thấy những con số hay báo cáo tích cực, bất chấp mức độ ô nhiễm thật sự như thế nào. Đó là lý do đã tạo ra làn sóng chống đối, đánh giá cho điểm thật thấp ứng dụng hay buông lời xúc phạm nặng nề đến hãng này vì chỉ số ô nhiễm không mong muốn. Một số lời bình còn cho rằng, IQAir AirVisual chỉ đánh giá thấp nhằm "bán sản phẩm" của mình dù AirVisual chẳng phải là thương phẩm bán lẻ đến người tiêu dùng. Nhưng cũng có không ít người Việt cảm thấy xấu hổ trước những hành động thiếu suy nghĩ này nên đã vào ủng hộ, binh vực cho AirVisual. Bởi AirVisual chẳng phải ứng dụng tạo riêng cho người Việt Nam mà nó được sử dụng tại nhiều quốc gia khác nhau và được nhiều tổ chức cùng một số chính phủ sử dụng.

Trên trang Facebook của mình, AirVisual trả lời chung cho những người Việt ủng hộ mình rằng, "Cảm ơn những lời tử tế của các bạn. Thật là một ngày khó khăn cho chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là cung cấp dữ liệu phẩm chất không khí tín cẩn để giúp mọi người... Chúng tôi bị nhận quá nhiều (đánh giá) 1 sao hôm nay...". Quả thật là vậy, khi vào Play Store trên hệ thống điện thoại Android, hầu hết các đánh giá một sao trong vài ngày qua là mang tên người Việt.

Rồi giải thích trên trang mạng của mình qua thông cáo báo chí ghi ngày 6 tháng 10, AirVisual cho biết họ nhận được sự quan tâm tại Việt Nam liên quan đến Hà Nội đứng đầu danh sách trong gần 90 thành phố chính trong các ngày qua, không có nghĩa là Hà Nội bị ô nhiễm nhất thế giới bởi vì cả London và San Francisco cũng từng đứng đầu một thời điểm nào đó trong năm qua. AirVisual cho biết họ minh bạch nguồn thông tin đã sử dụng như từ chính phủ Việt Nam và Đại Sứ Quán Hoa Kỳ. AirVisual cũng cho biết họ tin rằng việc nhận thức được sự nguy hại của vấn đề ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến sự thay đổi tích cực.

Dẫu sao để tránh những ảnh hưởng xấu đến ứng dụng của mình, các tin tức cho hay người sử dụng điện thoại đa năng trong nước đã không tìm thấy ứng dụng để tải AirVisual và người đại diện hãng đã cho biết họ nhận được quá nhiều tin nhắn xúc phạm, đánh giá thấp về ứng dụng cũng như qua Facebook của mình, trong khi giúp người sử dụng nhận thức được sự nguy hiểm của mức độ ô nhiễm không khí, họ lại bị một cuộc tấn công tập thể từ Việt Nam và quyết định ngưng cung cấp ứng dụng này tại Việt Nam.

Tạm bỏ qua mức độ chính xác của các dữ liệu về mức độ ô nhiễm tại Hà Nội hay Việt Nam nói chung theo các chỉ số của AirVisual, dù điều này xảy ra cũng không là điều quá ngạc nhiên. Vấn đề ô nhiễm là nan đề của bất cứ quốc gia đang phát triển lẫn phát triển nào, nên Việt Nam bị ô nhiễm là điều đương nhiên khi cây xanh bị chặt đón, môi trường bị hủy hoại, kỹ nghệ sản xuất gia tăng, nạn kẹt xe xảy ra hàng ngày và biện pháp chống ô nhiễm chưa được xem là trọng tâm. Như Trung Cộng đã đánh đổi sự phát triển của mình bằng sự ô nhiễm hàng đầu tại các thành phố lớn và khu kỹ nghệ của mình. Người dân cũng là một trong những nhân tố chính trong việc bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nên nhận thức được tầm quan trọng trước vấn đề này là điều cần thiết. Ghi nhận, so sánh và đối chiếu cùng các nguồn dữ liệu khác nhau và tìm biện pháp để giảm tình trạng ô nhiễm là những điều cần làm, thay vì bày tỏ thái độ tức giận như vậy.

Đây không phải lần đầu một nhóm người Việt trên cộng đồng mạng có những hành động đáng xấu hổ như vậy. Nó ngày phổ biến hơn khi các cổ động viên nền túc cầu Việt Nam vào tấn công các cầu thủ hay những đội banh chiến thắng các đội Việt Nam. Hồi 2018, nhiều cổ động viên Việt Nam đã vào trang Facebook của cầu thủ Andrey Sidorov, người ghi bàn thắng quan trọng để hạ gục U23 của Việt Nam để đưa đội Uzbekistan giành chức vô địch cúp AFC U23 mà mạ lỵ, chửi bới cầu thủ cùng đội banh này. Nó tương tự như trong các trận thua trước Thái Lan và các đội Á Châu khác. Những điều này không làm thay đổi tỉ số thắng bại các trận đấu, cũng như sự tức giận trong vụ AirVisual chẳng đảo ngược sự thật về tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay. Ngoài việc tạo cho cộng đồng thế giới một cái nhìn chẳng mấy tốt đẹp trước những thái độ và suy nghĩ như vậy.

Ô nhiễm về không khí có thể còn tìm ra được giải pháp, nhưng sự ô nhiễm trong hành xử, nhận thức xem là điều nguy hiểm gấp bội phần. Bởi sự phát triển hay tụt hậu của một quốc gia là đến từ tư duy cộng đồng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats