10/10/2019
Nếu một bài thơ làm cho người đọc bị buộc chặt vào một
cái tên thì Du Tử Lê đã thực hiện được điều đó, điều mà bất cứ người làm thơ
nào cũng mong ước.
Có lẽ người Việt hải ngoại đầu những năm 80 của thế
kỷ trước khi nghe hay đọc câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” thì gần
như ngay tức khắc trong tận cùng thâm tâm sẽ bật khóc vì cảm thương thân phận
chính mình, những người mất quê hương và khi chết ao ước tột cùng được trở về
quê nhà, nơi mà từng tất đất vẫn đậm đà màu ruột thịt.
“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” không còn là bài
thơ nữa, nó trở thành một hình ảnh, một tiếng kêu tuyệt vọng, một lầm than
trong đời sống nhung gấm hay buốt xót tận cùng của sự ly hương mà tác giả chuyển
tài tới người cùng tiếng nói. Du Tử Lê phác thảo đám tang của ông mà hình như của
tất cả người Việt đang sống tha hương. Trong cái đám tang ấy không có tiếng
khóc, không có quan tài thậm chí không có người chết mà chỉ có một mình ông vừa
chạy hào hễn vừa thổn thức xin được ném thi thể mình xuống biển để được trôi về
quê nhà, nơi ông và chúng ta từ bỏ tất cả chỉ để tìm một nỗi buồn xa xứ, nỗi buồn
ấy chỉ có thể chấm dứt khi chết đi, tức là khi biển cả chấp nhận cho chúng ta
trở lại nơi xuất phát: “Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết / đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn”.
Du Tử Lê quen thuộc với người đọc qua bài thơ này và
người ta cứ nhớ ông khi nói về cái chết, về biển hay những cuộc vượt biên đầy
nước mắt. Bẵng đi một thời gian ông lại nổi tiếng hơn khi “Khúc Thụy Du”
ra đời. Nhạc sĩ Anh Bằng đã mang ông giới thiệu tới người nghe nhạc với ca khúc
mà ai cũng nhận ra tính phân ly của các đôi tình nhân trong cuộc chiến. Con
chím bói cá đơn độc là hình ảnh của Du Tử Lê, đứng trên những cọc nhọn trăm năm
chăm chăm nhìn xuống số phận chính mình. Con chim bói cá ấy kêu tiếng bi ai giữa
cuộc sinh tử của người mà nó yêu dấu bằng ngôn ngữ của loài người: Thụy ơi và
Thụy ơi….
Thụy không phải chỉ riêng cho Du Tử Lê, Thụy là mầm
sống chưa kịp nhú ra đã bị dập tắt. Thụy là nạn nhân của binh đao của loạn lạc.
Thụy là dấu chấm hết cho một cuộc chiến nghiệt ngã đầy nước mắt và thi thể.
Khúc Thụy Du được ông sáng tác vào thời kỳ đen tối nhất của chiến tranh, năm
1968, lúc xác chết của Thụy và hàng ngàn Thụy khác nằm lăn lóc khắp miền Nam.
Thụy sang Mỹ và nàng biến dạng thành một hình ảnh khác qua bàn tay của Anh Bằng.
Thụy mộng mị, êm ái và dịu dàng và Thụy trở thành nỗi niềm đôi lứa của chú chim
bói cá.
Du Tử Lê là nhà thơ có số lượng thơ được phổ nhạc
nhiều nhất trong các thi sĩ nổi tiếng. Từ Phạm Duy, Phạm Đình Chương cho tới Từ
Công Phụng, Trần Duy Đức…Có lẽ thơ ông có sẵn giai điệu của âm nhạc, hai nữa
ngôn ngữ thi ca trong các bài thơ của ông thực sự chính phục người nghe qua các
từ ngữ tuy không diêm dúa nhưng khó nằm chung với những nhóm chữ mang dáng vẻ
cách tân chưa tới. Thơ ông đậm chất bất ngờ và đẩy ắp hình ảnh của hiện thực lẫn
ẩn dụ.
“Tôi xa người xa bàn tay, vui / Bàn tay có ngón đã
chôn đời / Bàn tay có ngón không đeo nhẫn / Có ngón dành riêng cho môi tôi.”
“Ngón tay dành cho môi tôi” chỉ có trong thơ Du Tử
Lê, vừa bất ngờ lại lôi cuốn đến kỳ lạ. Câu thơ dẫn đến những suy tưởng ngọt
ngào biết chừng nào.
Thơ Du Tử Lê đầy ắp những vuốt ve, nồng nàn lẫn lạnh
lẽo, cô đơn của chữ nghĩa. Thơ ông không có giới hạn của ngôn ngữ, những câu chữ
vượt ra khỏi không gian mà nó hiện hữu để hòa vào nhịp suy tưởng của người đọc.
Du Tử Lê được tiếng là phù thủy ngôn ngữ cũng không ngoa, trong thơ ông xuất hiện
những câu chữ đẹp và làm say đắm:
“Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / Như trời nhớ đất (rất
xa xôi) / Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi / Thư nhớ hồi âm - Lệ nhớ môi”
“mịn màng như nỗi chết / hoang đường như tuổi thơ /
chưa một lần hé nở / trên ngọn cờ không bay / đôi mắt nàng khôn khép / bàn tay
nàng khôn thưa / lọn tóc nàng đêm tối / khư khư ôm tình dài”
“thay vì cloning cho tôi con cừu / hãy tạo sinh vô
tính cho tôi buổi chiều, / quê cũ.”
Thơ ông giúp người đọc thấm cái thi vị của ngôn ngữ
cùng sự chắt lọc tinh túy mà chỉ ngôn ngữ thi ca mới có được. Du Tử Lê làm mới
ngôn ngữ bằng những hình ảnh rất cụ thể. “Cloning”, hay nhân bản một buổi chiều
quê cũ cho ông là một thử thách, một đòi hỏi, một ẩn dụ đầy minh triết. Những
câu thơ tương tự như thế xuất hiện không ít trong hơn 50 thi tuyển của ông là một
công phu đồ sộ đáng chiêm ngưỡng.
Nhưng thơ ông không chỉ thế, có nhiều câu mang nhiều
ngữ nghĩa mà người đọc toàn quyền sáng tác lại theo sự tưởng tượng đầy chủ quan
của mình.
“Trả lại” là một bài thơ đặc biệt của ông. Đặc biệt
vì nó rất gần với quần thể cải lương miền Nam chẳng những ở thi tứ, ngôn ngữ mà
cả giai điệu, âm tiết cũng đậm chất nam bộ.
“người muốn trả lại người sân nắng cũ / vườn thanh
xuân nhiều hạt mộng ươm mầm / tóc mênh mông chiều chưa gió một lần / mắt chưa rụng
những cành me lá biếc / môi cay đắng chưa đơm lời oan nghiệt / chân chưa run
trên từng bậc thang đời / mưa chưa bay trong vòm tối tình người / má chưa lạnh
những mùi son phấn nhạt”
Những câu thơ này hoàn toàn có thể dùng cách ngâm sa
mạc trong vọng cổ miền Nam và khi diễn ngâm nó lên người dân nam bộ sẽ không thể
tưởng tượng được người sáng tác ra nó là một ông Bắc Kỳ chính gốc. Cái ông Bắc
Kỳ ấy còn có khả năng làm thơ để làm vui lòng những cô bé yêu thơ ông nhưng khó
tính và hay hờn dỗi. Ông là một nhà ảo thuật có thể làm nàng tròn mắt và….yêu
ông! Cũng trong bài thơ này ông viết:
“ta ham hố nên gạt người vào cuộc / nhưng nhục nhằn
ta khó thể làm thinh / vung tay gươm ta phạt trúng cổ mình / mắt không kịp ngó
theo đầu ta đã, rụng”
Anh yêu em nhưng vì ham hố nên đã vô tình… gạt gẫm
em đến nỗi em bị cuộc đời dày ải đến nhục nhằn, thôi thì anh tự sát đây, anh
vung gươm lên chém bay đầu mình và cầm cái đầu ấy đưa cho em tạ tội em nhé… Cô
bé cười khúc khích vì sự dịu dàng và hài hước của anh và lại ngã đầu vào bờ vai
lừa gạt không ngưng ấy…
Toàn bộ bài thơ khi đọc, ngâm hay hát đều toát lên
sông nước miền Nam, toát lên chất nam bộ của một phần đất mà Du Tử Lê từng sống
và yêu mến nó. Ước gì cải lương miền Nam đầy những bài hát như “Trà lại” của Du
Tử Lê bởi nó chứng minh rằng ngôn ngữ trau chuốt của thi ca có thể làm cho một
bộ môn nghệ thuật sống vũng vàng trong lòng công chúng.
Thế nhưng Du Tử Lê đã lặng lẽ đi về hướng biển như
ông từng ao ước cách đây hơn 40 năm.
Ngày 7 tháng 10 năm 2019, Du Tử Lê qua đời tại Mỹ.
Ông chính thức nhận được thông hành mất quyền lưu vong và ứng với câu “Khi tôi
chết nỗi buồn kia cũng hết / đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.”
---------------------------
09/10/2019
Thi sĩ Du Tử Lê, nhà thơ quan trọng của nền thi ca
miền Nam Việt Nam, qua đời tại thành phố Garden Grove, California, thọ 77 tuổi.
Tin này được cô Orchid Lâm Quỳnh, ái nữ nhà thơ, báo tin qua đoạn text có câu:
“Bố đã đi”.
Du Tử Lê là một trong những nhà thơ có tác phẩm được
phổ nhạc nhiều nhất và thịnh hành nhất với công chúng Việt Nam. Trong đó có những
tác phẩm trở thành đại chúng, như Khúc Thụy Du, Chỉ Nhớ Người Thôi Đã Hết Đời,
Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Em Ngủ Trong Một Mùa Đông, Giữ Đời Cho Nhau, Khi Tôi Chết
Hãy Đem Tôi Ra Biển…
Nhật báo Người Việt dẫn lời cô Orchid Lâm Quỳnh cho
biết tim nhà thơ “ngừng đập lúc 8 giờ 6 phút tối thứ Hai, 7 tháng 10".
Hôm 09/10, trên trang Facebook cá nhân của bà Phan Hạnh
Tuyền, vợ của ông, ghi: “Ông Ngoại lên trời rồi.”
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trương Đào Diệp Khanh,
em vợ của thi sĩ, cũng là người điều phối xuất bản và lưu hành các ấn phẩm thơ
tại Việt Nam, nói với VOA rằng nhà thơ ra đi để lại mất mát lớn lao cho gia
đình, thân hữu:
“Tình thương của anh dành cho gia đình quá lớn. Anh là là một người anh lớn,
một người anh luôn luôn gần gũi và chia sẻ những khó khăn.”
Nhà văn Vũ Thư Hiên ở Paris, một người bạn thâm giao
của nhà thơ Du Tử Lê, viết cho VOA hôm 09/10:
“Du Tử Lê được thiên hạ biết đến, được nhớ đến, là nhờ những bài thơ không vần
với những chấm, phẩy, gạch nối, ngoặc đơn, ngoặc kép và những ký hiệu toán học.
Những cái đó là tốt, là xấu, là hay, là dở, tôi không bàn. Trong địa hạt này
tôi là kẻ ngoại đạo. Nhưng điều tôi thấy rõ là Du Tử Lê đã và đang làm một cái
gì đó chưa từng có.”
Ông Vũ Thư Hiên viết tiếp: “Anh là kẻ khai phá. Cái mà anh đang khai phá rồi đi đến đâu là chuyện
về sau. Nhưng ngay bây giờ tôi đã bắt gặp đâu đó những người theo chân anh. Như
thế, anh không hề đơn độc.”
Từ Sài Gòn, nhà thơ Trần Tiến Dũng viết cho VOA, rằng
Du Tử Lê "luôn là thi sĩ của tình yêu đôi lứa trong màu sắc triết lý nhân
sinh thuần khiết." "Thi sĩ Du Tử Lê thành công ngay cả với thế hệ
sinh sau 1975. Ông luôn là thi sĩ của tình yêu đôi lứa trong màu sắc triết lý
nhân sinh thuần khiết. Ngôn ngữ thi ca của ông về đề tài này thật tuyệt với đám
đông, bởi đó là ngôn ngữ thơ vốn luôn là nhu cầu hiện hữu trong tâm thức khao
khát tình yêu của công chúng, bất chấp hoàn cảnh trần trụi tha hoá của ngôn từ
tuyên truyền chính trị nhân danh và lồng ghép vào thi ca tình yêu."
Và, vẫn theo nhận định của Trần Tiến Dũng, thơ Du Tử
Lê "ngay cả khi bị cho là thời trang, trang điểm cho cảm xúc đám đông thì
vẫn luôn đánh thức đươc nhận thức hiển nhiên cho mỗi cá nhân, bất chấp họ thuộc
đám đông nào rằng, chính họ luôn có mối tình đẹp, đẹp tuyệt vời để sống và
yêu.”
Từ California, họa sĩ Trịnh Cung nói ông “bàng hoàng
vì bất ngờ nhận được tin bạn mình không còn nữa.”
Theo lời họa sĩ, Du Tử Lê và một số bạn văn nghệ ở
“Bolsa” vẫn hay hẹn nhau tại cà phê Hạt Ngò, “một quán cà phê quen thuộc, nơi một
góc sân, anh vẫn thường ngồi ở đó với một số văn hữu của Bolsa mỗi buổi sáng.”
“Du Tử Lê dưới mắt anh em trẻ hơn ở đây là một ngọn
lửa, là một ngôi sao để họ tìm thấy một sự ấm áp, một niềm tin đủ để họ yêu và
tiếp tục cho việc sáng tác của mình. Hiền lành, nhẫn nhịn và đam mê sáng tác là
những đặc điểm mà Du Tử Lê giữ mãi cho đến tận hơi thở cuối cùng. Anh ra đi,
tôi mất đi một nơi để hẹn, để chuyện trò, để bàn về những dự án văn học và nghệ
thuật cho Bolsa, chỗ anh ngồi mỗi buổi sáng ở đó là một nơi rất cần cho những
tháng ngày lưu vong của tôi ở đây. Vĩnh biệt anh, một trong những nhà thơ tài
hoa nhất của Sài Gòn trước 1975.” Vẫn theo lời họa sĩ Trịnh Cung.
Du Tử Lê, tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại
Hà Nam. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào miền Nam. Ông là cựu học sinh trường
Chu Văn An, Trần Lục rồi đại học Văn Khoa Sài Gòn, nguyên sĩ quan Quân lực Việt
Nam Cộng hòa.
Ông làm việc tại cục Tâm Lý Chiến trong vai trò
phóng viên chiến trường, trước khi làm Thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong.
Năm 1969, Du Tử Lê theo học khóa tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis,
bang Indiana. Năm 1973, ông được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn
Thi Ca, với thi phẩm: “Thơ Du Tử Lê 1967-1972,” theo trang web của nhà thơ Du Tử
Lê.
Ông định cư tại Hoa Kỳ sau biến cố 30 tháng 4/1975.
Khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau,
bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.
Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và
ngoài nước. Ông có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, 1983 và New York
Times, 1994. Ông là một trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ thứ hai mươi, có
thơ được chọn in trong tuyển tập “Thi ca Thế giới từ thời Thượng Cổ tới hôm
nay”và là một trong 7 nhà thơ miền Nam, được cố nhà văn Mai Thảo chọn là “7 Vì
sao Bắc đẩu” của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước đây, tác giả Khúc
Thụy Du nói:
“Bài Khúc Thụy Du tôi
viết vào năm 1968, khoảng thời gian vừa xảy ra cái tết Mậu Thân. Hồi đó tôi làm
phóng viên chiến trường, được cử đi tường thuật về một trận đánh mà tôi còn nhớ
là ở trên đường ra Quang Trung.
“Khi tôi đi như vậy thì còn giới nghiêm, dọc đường gần như không có người.
Tôi thấy những xác chết, những cánh tay, những phần thân thể bị văng lủng lẳng
trên các dây điện. Tôi cũng nhìn thấy những con chó hoang vì chủ đã bỏ đi lánh
nạn gậm những khúc xương người. Tôi bị chấn động trước cảnh tượng này và làm ra
bài thơ. Khi về một người bạn của tôi ngày đó, anh Trần Phong Giao, làm tờ báo
Văn, làm một số báo sau biến cố tết Mậu Thân, hỏi xin bài. Tôi đưa bài thơ đó
cho anh.
“Tôi muốn nói Khúc Thụy Du là
một bài thơ mới về chiến tranh. Nó hoàn toàn không phải là một bài thơ tình.
Tình yêu trong Khúc Thụy Du.
VIDEO
:
------------------------------
XEM THÊM
In Memoriam Du Tử Lê (1942- 2019)
Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019
No comments:
Post a Comment