20/10/2019
(VNTB)
- Khoảng 20h tối ngày 16/10/2019, chị Đặng Thị Huệ bị công an Sóc Sơn, Hà Nội bắt
lôi lên xe biển xanh giải về nhà ở Thái Bình. Một lực lượng công an hùng hậu
vài chục người khám xét và đọc lệnh bắt chị Huệ tại nhà ở tầng 11, chung
cư Đam San, Thái Bình với lý do “gây rối trật tự công cộng”. Sự việc xảy ra sau
khi chị livestream bức xúc về vấn đề TAND Thái Bình bác đơn khiếu nại về việc
Tòa án trả đơn khởi kiện Bộ GTVT của chị.
chị Đặng Thị Huệ
Ngoài lực lượng công an sắc phục, người ta còn thấy
sự có mặt của một số công an thường phục và nhân viên VKS tại nhà của chị Huệ.
Thời điểm bắt chị Huệ chỉ còn cách phiên tòa phúc thẩm tài xế chống BOT bẩn Hà
Văn Nam đúng 2 ngày. Nếu không bị bắt, chắc chắn chị Huệ sẽ đi đến phiên tòa để
ủng hộ cho anh Hà Văn Nam vì cả hai đều quyết liệt chống BOT bẩn.
Chị Đặng Thị
Huệ sinh năm 1981, là nhân viên hành chính công tác tại Trường tiểu học và
trung học cơ sở Tự Tân(Vũ Thư, Thái Bình), có bố mẹ trên 50 năm tuổi đảng. Chị
khá nổi tiếng khi tham gia đấu tranh chống BOT bẩn suốt 2 năm bởi sự bản lĩnh
dám đương đầu, chửi BOT bẩn to tiếng và đôi khi chửi thề do không kiềm chế được
bức xúc. Người ta nhớ chị với những video trực tiếp dài từ 30 – 60 phút tại các
BOT bẩn phía bắc giữa hàng chục an ninh và những kẻ côn đồ to con lạ mặt.
Thành quả đấu tranh của chị Đặng Thị Huệ cùng nhóm nhà báo Trương Châu Hữu
Danh và đồng đội là BOT Tân Đệ đã được dẹp bỏ, BOT Mỹ Lộc phải dừng thu phí 8
tháng và sau đó phải giảm phí.
Sự việc căng thẳng từ tháng 5/2019 đến khi chị Huệ bị
bắt ngày 16/10/2019, là khoảng thời gian chị Huệ tập trung “đánh” BOT bẩn Bắc
Thăng Long – Nội Bài, bị cẩu xe, bị đánh xảy thai và sau đó kiện Bộ GTVT thì bị
tòa án trả đơn khởi kiện. “Không đi đường tránh Vĩnh Yên vẫn bị thu phí” – Đó
là lý do mà chị Đặng Huệ Như và nhiều tài xế phản kháng đòi dỡ trạm BOT bẩn Bắc
Thăng Long – Nội Bài.
Dây mơ rễ má BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài như thế
nào?
Sau ngày 01/09/2009, lợi ích nhóm của BOT Bắc Thăng
Long – Nội Bài quá khủng bởi ông chủ của BOT bẩn này là Võ Nhật Thăng với sự
nhúng tay của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và PTT Hoàng Trung Hải.
Từ ngày 01/09/2019, BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài được
bàn giao cho Công ty CP BOT Vietracimex 8 thu phí cho tuyến tránh Vĩnh Yên cách
trạm trên 40km! Một trạm thu phí trái nguyên tắc, trái pháp luật và làm tổn
hại lợi ích của hàng trăm nghìn người vẫn ngang nhiên tồn tại suốt 10 năm. Điều
đáng nói là năm 2018, sau khi bị báo chí rầm rộ phản ánh nghịch lý của trạm vì
“đặt sai vị trí”, thay vì xin lỗi dân và dỡ trạm thì Bộ GTVT kêu khó rồi để
nguyên thu phí tiếp, đáng nói hơn nữa đó là chỉ đạo của chính phủ cho phép tiếp
tục thu để nhà đầu tư tuyến tránh Vĩnh Yên hoàn vốn!
Đường làm một nơi, trạm đặt một nẻo là nguyên nhân
làm cho tài xế phản đối đòi dỡ trạm. Nhưng nguyên nhân của nguyên nhân là do Bộ
GTVT và chính phủ cho phép sự sai trái đó. Hé lộ rây mơ rễ má với những
thông tin sau:
- Ngày
03/06/2009,Vietracimex 8 có công văn số 140/TTr-HĐQT đề nghị được thu phí tuyến
tránh Vĩnh Yên tại BOT Thăng Long – Nội Bài.
- Ngày
05/08/2009, công văn số 5324/VPCP-KTN thông báo truyền đạt ý kiến của PTT Hoàng
Trung Hải: “Cho phép chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội
Bài(bao gồm cả trạm chính và trạm phụ) cho công ty CP BOT Vietracimex 8 thu phí
để hoàn vốn cho dự án xây dựng QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh
Phúc”
- Ngày
25/08/2009, Bộ GTVT ra quyết định số 2465/QĐ-BGTVT chuyển giao nguyên trạng
toàn bộ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho Vietracimex 8 để thu phí hoàn
vốn cho dự án xây dựng QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời
gian thực hiện bàn giao từ 00h ngày 01/09/2009”. Người ký quyết định là Thứ trưởng
Nguyễn Hồng Trường.
Rõ ràng cái sai của Bộ GTVT khi ký hợp đồng trái
nguyên tắc với chủ đầu tư và ra quyết định số 2465/QĐ-BGTVT làm tổn hại lợi ích
hàng trăm nghìn người. Lẽ ra Bộ GTVT phải lập tức xin lỗi và sửa sai khi bị báo
chí phản ánh, UBND TP.HN yêu cầu di dời, thay vào đó Bộ GTVT vẫn
giữ nguyên sự sai trái bất chấp sự phản đối quyết liệt của cánh tài xế.
Sự
sai trái của Bộ GTVT và BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài có sự bao che từ VPCP
và Tòa án bởi:
- Chính
phủ chưa chấp thuận di dời trạm (theo lời ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ
GTVT)
- Tòa
án tỉnh Thái Bình trả đơn khởi kiện Bộ GTVT của chị Đặng Thị Huệ với lý do quyết
định số 2465/BGTVT không phải là quyết định hành chính!
Luật sư Lê Đình Việt là luật sư hỗ trợ pháp lý cho
chị Đặng Thị Huệ trong việc khởi kiện Bộ GTVT vì Bộ GTVT ra quyết định hành
chính số 2465/QĐ-BGTVT gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người dân. Luật sư
Việt cho rằng Kiểm sát viên và thẩm phán Tòa án Thái Bình đã "bóp méo nền
tư pháp" và làm “rối tung nền tư pháp” nếu hàng loạt các quyết định
tương tự của các bộ, ngành cũng bị xem là không phải quyết định hành chính.
Chị Trần Thị Thu Thủy, người sát cánh với chị Huệ
nói: “Đây là vụ công an bảo kê BOT làm trái quy định pháp luật. Đang kiện mà
không giải quyết vụ kiện, lại bắt người ta để bịt đầu mối...".
Vì có sự chống lưng của PTT Hoàng Trung Hải và Thứ
trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nên sự việc dù ầm ĩ, cái sai bị phơi bày
nhưng BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn ngang nhiên tồn tại thách thức người
dân.
Xin
nói thêm về Hoàng Trung Hải và Nguyễn Hồng Trường, những tai tiếng của 2 ông
này đã dày đặc trên các trang mạng. Ví dụ như:
- Ngày
06/06/2008 PTT Hoàng Trung Hải ký công văn số 869/TTg-QHQT, với nội dung chính
là “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng
khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà
Tĩnh.” Ngày 08/09/2015, Hoàng Trung Hải ký công văn bán chỉ định nhà đất tại số
129 Pasteur, Q3, TP.HCM cho công ty của Vũ nhôm.
- Năm
2015, ông Nguyễn Hồng Trường bị dính vụ lùm xùm với nữ doanh nhân…Đến tháng
7/2019, ông Trường bị kết luận là đã ký các quyết định không đúng thẩm quyền,
vi phạm các quy định của pháp luật trong việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp,
phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc
Bộ GTVT….
Tố cáo công an, kiện Bộ GTVT, động chạm chính trị có phải
là nguyên nhân bị bắt?
Ở Việt Nam, đấu tranh nhân quyền, thể hiện công khai
tư tưởng đa đảng, gặp gỡ hoặc liên hệ với nhân sự lãnh sự quán các nước dân chủ
hay đơn giản là trả lời phỏng vấn các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài(NGOs)
đều ngầm hiểu là “động chạm chính trị”. Đó là những hoạt động mà hầu hết người
Việt Nam sợ hãi vì thực tế những hoạt động này rất dễ bị ở tù với những tội
danh gán ghép hết sức phi lý.
Việc đấu tranh của chị Huệ nổi bật không chỉ do chị
xông pha ra các BOT bẩn tìm cách phản đối giữa hàng chục công an chìm nổi, mà
đã đẩy lên đến cấp độ chống tham nhũng, lợi ích nhóm không giới hạn song song với
đấu tranh nhân quyền. Chị cũng công khai thể hiện quan điểm về dân chủ đa đảng
nhưng chị cho rằng đòi đa đảng còn xa vời vì dân còn u mê chính trị, cho nên chị
bắt đầu từ việc đấu tranh chống “giặc nội xâm” nhưng cần phải đưa tiếng nói lên
cộng đồng quốc tế khi bị công an xâm hại nhân quyền.
- Trong
tháng 06/2019, chị Huệ có gặp tham tán Đại sứ quán Mỹ, gặp gỡ phái đoàn Liên
minh Châu Âu và gặp gỡ phóng viên nước Đức, Mỹ để thông tin vụ việc vì chị cho
rằng công an huyện Sóc Sơn và công an một số địa phương khác vi phạm nhân quyền
khi bắt bớ, giam giữ xe và đánh đập các tài xế phản đối BOT bẩn. Ngoài ra chị
Huệ cũng gửi thư phản ánh lên LHQ và các tổ chức nhân quyền.
- Ngày
19/06/2019, chị Huệ viết đơn tố cáo công an huyện Sóc Sơn bắt giữ người trái
pháp luật và chiếm giữ trái phép ô tô của chị vào ngày 11/06/2019, đơn gửi đến
nhiều nơi gồm Trưởng công an huyện Sóc Sơn, Công an TP.Hà Nội, Thanh tra
BCA, Cơ quan điều tra – VKSND tối cao…
- Ngày
09/09/2019, thông qua luật sư, chị Huệ viết đơn khởi kiện Bộ GTVT, đơn gửi
đến Tòa án tỉnh Thái Bình vì chị cho rằng Bộ GTVT ra quyết định số 2465/QĐ-GTVT
là quyết định hành chính trái luật. Ngày 27/09/2019, Tòa án thông báo trả đơn
khởi kiện vì Tòa cho rằng quyết định số 2465/QĐ-GTVT không phải là quyết định
hành chính.
- Ngày
08/10/2019 chị Huệ viết đơn khiếu nại gửi đến Chánh án TAND Thái Bình nhưng
cũng bị bác đơn khiếu nại. Trong buổi làm việc với chị Huệ có luật sư Lê
Đình Việt tham gia, đại diện VKSND và thẩm phán giải thích rằng quyết định
2465/QĐ-GTVT là quyết định cụ thể trong lĩnh vực kinh tế chứ không phải quyết định
hành chính nên không thuộc đối tượng khởi kiện.
Như vậy, có thể hiểu được nguyên nhân chị Huệ bị bắt
và bị khởi tố. Những livestream to tiếng chỉ trích tòa án, VKS và công an trong
chiều tối ngày 16/10/2019 chỉ là giọt nước sau cùng.
Để hiểu tại sao hàng chục tài xế quyết tâm chống BOT
bẩn, để hiểu tại sao Hà Văn Nam phải bỏ tâm huyết, công sức, thời gian, tiền để
“diệt” BOT bẩn. Hãy nhìn vào con số 17 BOT đặt sai vị trí mà đa số là loại BOT
nghìn tỷ. Con số 17 nói lên sự sai phạm của lợi ích nhóm, mà đa phần là BOT cấu
kết với quan chức trung ương khiến cho cả xã hội giật đứng giật ngồi, đến cả quốc
hội hay thủ tướng cũng không dứt điểm được.
Lòng tin vào chế độ vốn đã cạn kiệt, ông Tổng Bí thư
già Nguyễn Phú Trọng vừa lên tiếng kêu gọi đảng tìm cách lấy lại lòng tin của
nhân dân. Việc bắt và khởi tố người chống BOT bẩn Đặng Thị Huệ, khác nào chính
quyền tự chém vào “lòng tin” ấy. Vô phương.
No comments:
Post a Comment