Minh Thư
BBC
News Tiếng Việt, London
22/10/2019
Thảo Griffiths: 'Quan hệ Mỹ-Việt
đa dạng nhưng chưa chiến lược'
Chị
Thảo Griffiths (Nguyễn Thu Thảo), được biết đến nhiều vì những đóng góp lớn nhằm
thúc đẩy mối quan hệ Việt-Mỹ trong gần 15 năm qua.
VIDEO
: Thảo Griffiths: "VN chưa đủ quan trọng để TT Trump để ý nhiều"
Sinh ra ở Hà Giang, chị giành học bổng Fulbright danh
giá năm 2005 và là người Việt trẻ nhất trong số 5 người Việt đầu tiên được mời
tham gia Chương trình Lãnh đạo mang tên Tổng thống Eisenhower năm 2013.
Tôi đã có cuộc phỏng vấn với chị Thảo nhân chuyến
công tác ở Anh Quốc của chị hồi đầu tháng 10 và hỏi về câu chuyện dư luận khi
đó quan tâm là về khả năng chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất Việt Nam sang Hoa
Kỳ.
"Việt Nam và Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho chuyến đi thăm Hoa Kỳ của
Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhưng để việc này diễn ra được
trong năm nay còn phụ thuộc nhiều yếu tố", chị Thảo Griffiths nói với BBC trong cuộc phỏng vấn.
"Nếu việc này diễn ra được thì sẽ đóng góp vô cùng lớn cho quan hệ
Việt Mỹ.
"Năm 2015 có chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến đi đó rất lịch sử vì lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt
Nam đến thăm Hoa Kỳ.
"Và lần này nếu ông đi thì còn đóng cả vai trò của người đứng đầu quốc
gia là chủ tịch nước, nên ý nghĩa còn cao hơn, sâu sắc hơn."
Thảo Griffiths cùng Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J.
Kritenbrink và bạn bè trong một sự kiện tại Hà Nội. FACEBOOK THAO NGUYEN
Chị Thảo nhận định Việt Nam và Mỹ có trao đổi thường
xuyên và ở cấp cao trong bối cảnh thế giới đang hướng về Châu Á, Châu Á - Thái
Bình Dương và Đông Nam Á và Biển Đông.
"Những vấn đề chúng ta đang gặp phải có thể là do sự khác nhau về
chiến lược, lợi ích hay cách hiểu vấn đề. Khi chúng ta có những cuộc gặp cấp
cao và cấp thấp hơn diễn ra cùng một lúc thì có thể giúp chúng ta tránh những
sự hiểu lầm có thể xảy ra, và những xung đột có thể xảy ra sẽ được giảm thiểu
và ngăn chặn.
Trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Trump nghĩ thế nào
về Việt Nam, và Việt Nam quan trọng tới mức nào đối với Mỹ, chị Thảo cho rằng
Việt Nam chưa đủ quan trọng đến mức Tổng thống Trump phải để ý đến nhiều.
"Hiện tại Việt Nam có quan hệ chiến lược với khoảng 10 quốc gia
trên thế giới. Mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ là rất đa dạng, rất toàn
diện nhưng chưa ở mức chiến lược.
"Trong quan hệ giữa hai quốc gia, việc đặt tên cho mối quan hệ ở
mức độ nào nó thể hiện rất rõ tầm quan trọng của mối quan hệ của quốc gia đó
đối với đối tác."
Thảo Griffiths cùng các bạn tham gia Chương trình
lãnh đạo Eisenhower. FACEBOOK THAO NGUYEN
Việt Nam đã sẵn sàng cho các giá trị Mỹ?
Được hỏi liệu một xã hội như Việt Nam đã sẵn
sàng đón nhận những giá trị Mỹ giữa xu thế nhiều người Việt hiện nay sùng
bái hàng hóa Mỹ, văn hóa Mỹ, chị Thảo nói:
"Lịch sử Việt Nam là lịch sử của một quốc gia đã trải qua rất nhiều
cuộc chiến tranh. Để sinh tồn được và phát triển được, chúng ta buộc phải chấp
nhận, và thậm chí tình nguyện đón chào những yếu tố ngoại lai và học những
điều tốt đẹp từ bên ngoài để nâng lên giá trị của Việt Nam.
"Suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam như thế, tính tự hào của người
Việt, cái suy nghĩ rất rõ ràng về một quốc gia mang tên Việt Nam trong cộng
đồng người Việt khá là mạnh mẽ, không chỉ ở trong Việt Nam mà cả ở nước
ngoài.
"Khi nhìn thấy sự tràn lan của văn hóa Mỹ trong khu vực và đặc
biệt ở Việt Nam, tôi không quan ngại quá nhiều, vì tôi nghĩ rằng sự tràn lan
của pop culture, của văn hóa Mỹ xảy ra ở khắp mọi nơi.
"Việc chúng ta chấp nhận nó như thế nào, đón nhận nó và đưa nó trở
thành một phần văn hóa của chúng ta thì tôi nghĩ cần cả một thế hệ, 20 năm,
30 năm thì chúng ta mới nhìn được.
"Còn muốn đánh giá ngay bây giờ, chúng ta nên đón nhận sự giao thoa
ngày càng nhiều càng tốt, vì có giao thoa thì mới đưa thế giới tới Việt Nam,
và đưa được Việt Nam ra với thế giới. "
Cuộc
phỏng vấn video do Minh Thư của BBC News Tiếng Việt thực
hiện ngày 2/10 tại trụ sở BBC News nhân dịp vị khách đến Anh dự một sự
kiện của UK-Vietnam Network.
No comments:
Post a Comment