Lê Viết Thọ
BBC
News Tiếng Việt, Bangkok
22 tháng 10 2019
Căng
thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến Bãi Tư Chính và hoạt động của
tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang gia tăng, việc Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng không thể đi Mỹ sớm, và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ sớm đến Việt
Nam. Tất cả cho thấy điều gì về 'bàn cờ' chiến lược biển Đông?
Tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện cạnh tàu cá Việt Nam
giữa tháng Chín 2019. Ảnh do ngư dân Quảng Ngãi cung cấp. NGUYỄN THẾ BÌNH &
NGƯ DÂN QUẢNG NGÃI
Bãi Tư Chính vẫn 'nóng'
Ông
James Borton, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học ngoại giao
thuộc Đại học Tufts (Hoa Kỳ), trả lời BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử hôm 20/10,
cho rằng, "Định vị hành trình của Hải
Dương Địa Chất 8 rõ ràng cho thấy nó đang vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)
của Việt Nam; đồng thời thể hiện nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành vai trò chi
phối ở Biển Đông."
Ông Borton nhận xét là có vẻ như các nhà lãnh đạo và
hoạch định chính sách của Hà Nội vẫn còn chia rẽ trong chọn lựa cách phản ứng với
các hành động của Trung Quốc.
"Tuy nhiên, với việc Việt Nam tiếp cận cả Ấn Độ và Nga, với tư cách
là những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, cho thấy họ
đang tìm những biện pháp nhằm đối phó," ông James
Borton nói.
Còn
ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm Chính sách Châu Á -
Thái Bình Dương, RAND Corporation, cho BBC biết hôm 20/10 rằng trong tương lai
gần, rất khó hình dung đến một kịch bản mà trong đó, Trung Quốc lại quyết định
rút khỏi Bãi Tư Chính.
Ông Grossman phân tích:
"Không giống như trong vụ Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 hồi
đầu tháng 5/2014, hiện nay, khả năng trình diễn sức mạnh của Bắc Kinh đã gia tăng,
cả về số lượng trang thiết bị hiện đại, lẫn sự hoàn thiện các căn cứ của họ ở
biển Đông. Điều này cho phép họ duy trì nhịp độ hoạt động trong một thời gian
dài, nhằm đạt các đòi hỏi về chủ quyền của mình.
"Tôi nghĩ, Hải Dương Địa Chất 8 được sử dụng đơn giản nhằm thực thi
các yêu sách chủ quyền qua việc tuần tra liên tục. Tuy nhiên, đó cũng có thể là
một cách hữu hiệu để thu hút sự chú ý , khiến người ta xao nhãng với các hoạt động khác của Trung Quốc, như triển
khai giàn khoan hay các kế hoạch khác.
Ông Grossman đề xuất: "Để đối phó với tình hình này, Hà Nội cần xem xét tăng cường quan
hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ, liên kết hợp tác quân sự dưới hình thức tập trận
chung và mua sắm vũ khí, cho dù với điều đầu tiên có vẻ sẽ khiến Việt Nam vi phạm
chính sách 'ba không.'
"Việt Nam cũng có thể hợp tác với cả Mỹ lẫn các đồng minh của Mỹ như
Úc, Nhật Bản hay với Ấn Độ, đưa các vấn đề trên ra các diễn đàn khu vực và quốc
tế, khiến Bắc Kinh lùi bước. Chiến lược tương tự đã tỏ ra hiệu quả vào năm
2014, nhưng tôi sợ là hiện nay, Trung Quốc có vẻ ít còn quan tâm đến danh tiếng
của mình, nên chiến lược đó có vẻ sẽ không còn mấy hiệu quả."
Lựa chọn nào cho lãnh đạo Việt Nam
Trong một
post đăng trên Linkedin gần đây, ông Grossman đã từng cho rằng, các nhà
lãnh đạo Việt Nam đang đối mặt với ba sự lựa chọn. Thứ nhất là không làm gì,
nhưng điều này sẽ khiến người dân tức giận và có nguy cơ dẫn đến bất ổn. Thứ
hai là lùi bước và điều này sẽ khiến phản ứng của dân chúng thậm chí còn tồi tệ
hơn. Thứ ba là đương đầu với Trung Quốc, nhưng điều này hẳn nhiên sẽ gây thiệt
hại thảm khốc.
Giải thích rõ hơn về này, ông Grossman cho hay: "Việt Nam có lẽ chỉ nên tiếp tục lên tiếng
về những hành vi của Trung Quốc và tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn
Độ, cũng như có thể với cả Anh và Pháp.
"Nhưng tôi cũng nhận thấy có sự chuyển động kín đáo, trong các bài
viết gần đây về tư tưởng tiến công quân sự. Chẳng hạn, bài viết của Thiếu tướng
Nguyễn Mạnh Hùng "Nét
đặc sắc của tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam," đăng
trên tạp chí Quốc phòng toàn dân hồi tháng 8/2019, có đưa ra quan điểm, lấy tiến
công làm tư tưởng chủ đạo, thay vì phòng thủ hoặc phòng ngự thụ động.
"Ngoài ra, nếu chúng ta để kỹ đến tuyên bố của Tổng bí thư Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11
vừa rồi, thì về cơ bản, ông nói rằng, tất cả các lựa chọn đều có thể được đưa
ra bàn thảo và Việt Nam sẽ không bao giờ nhân nhượng với những gì thuộc về chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ," ông Grossman phân
tích.
Theo ông Grossman, "điều đó nghe có vẻ như chuẩn bị đối phó với sự xâm lấn của Trung
Quốc theo những cách quyết đoán hơn, gồm cả khả năng có hành động quân sự. Phải
thừa nhận rằng, tôi đã có phần phỏng đoán ở đây, nhưng tôi không cho rằng, việc
Hà Nội đương đầu bằng quân sự là điều gì đó hoàn toàn không thể."
Việt Nam ở cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN
Cuối tháng 11 này, Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ diễn ra
tại Thái Lan và Hà Nội đang chuẩn bị cho việc tiếp nhận vai trò Chủ tịch khối
này vào đầu năm tới. Nhưng liệu vai trò chủ tịch ASEAN có giúp Việt Nam thuyết
phục các quốc gia Đông Nam Á láng giềng thống nhất quan điểm trước các hành động
bá quyền của Trung Quốc.
Ông Borton cho rằng, đây là thời điểm tuyệt vời để
Việt Nam làm vậy.
"ASEAN cung cấp cho Việt Nam một nền tảng địa chính trị để thúc đẩy
lợi ích an ninh quốc gia. Một chiến lược linh hoạt cho Hà Nội có thể là thúc đẩy
một vài đồng thuận giữa các bộ trưởng quốc phòng ASEAN về các hành động của
Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
"Có lẽ, để có thể nắm lấy vai trò dẫn dắt trong vấn đề này, Việt Nam
nên đề xuất tổ chức các hội thảo xây dựng niềm tin, cũng như tổ chức các diễn
đàn hợp tác khoa học với các nước láng giềng ASEAN về các vấn đề ít gây tranh
cãi như nghiên cứu hàng hải, các nỗ lực chống khủng bố hay chia sẻ các thông
tin tình báo," ông Borton nói.
Tuy nhiên, ông Grossman lại không mấy lạc quan về
vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp biển Đông.
Ông cho rằng, Việt Nam sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận
COC, nhưng điều đó hầu như cũng không thể khiến Trung Quốc từ bỏ các mục tiêu của
mình. Trung Quốc vẫn có thể sẽ thuyết phục Campuchia, Lào, Myanmar, và có lẽ cả
Thái Lan để ngăn chặn tiến độ của COC.
"Tôi không mấy lạc quan về vai trò của ASEAN trong tranh chấp Biển
Đông," ông Grossman nói.
Việt Nam dè dặt hơn với Mỹ?
Việc Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
chưa thể đi Mỹ mà theo cả ông Grossman và GS Carl Thayer của Đại học New South
Wales (Úc) là vì lý do sức khỏe; cũng như chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Bộ
trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đang được dư luận quan tâm.
Ông Borton cho rằng, với chính sách đối ngoại thất
thường của Hoa Kỳ và nhất là quyết định gần đây của Tổng thống Trump bỏ rơi đồng
minh người Kurd, có vẻ sẽ khiến Hà Nội dè dặt hơn với các cam kết của Mỹ, thậm
chí cả với những hứa hẹn về việc bảo đảm quyền tự do hải hành trên Biển Đông.
"Tôi tin chắc rằng, ông Trọng vẫn ngần ngại để tin vào Hoa Kỳ. Điều
này sẽ càng trở nên rõ ràng hơn với việc, Tổng thống Donald Trump bỏ rơi các đồng
minh của Hoa Kỳ một cách liều lĩnh, cũng như những tuyên bố hùng hồn của ông ấy
gần đây cũng không phù hợp với các lý tưởng và cam kết của Hoa Kỳ.
"Trong khi Hà Nội và Washington có những điểm chung có thể chia sẻ,
như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, nhất
là Công ước Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982, dẫu Hoa Kỳ không
phê chuẩn công ước này), bảo đảm quyền tự do hải hành, Việt Nam vẫn không quên
một điều rằng, trong lịch sử, Mỹ từng từ bỏ rơi các cam kết trước đây đối với
Việt Nam.
"Mặc dù năm 2015, Việt Nam đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ
Quốc phòng, trong chuyến thăm lịch sử của ông Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng dưới
thời Tổng thống Barack Obama, tôi vẫn cho rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc
phòng Mark Esper, dự kiến tới Hà Nội thời gian tới cũng không mấy đem lại hiệu
quả.
Washington có thể tuyên bố rằng, chuyến thăm của ông Mark Esper là để hỗ
trợ 'Chiến lược quốc phòng quốc gia [của Hoa Kỳ]' và đưa ra những bình luận gay
gắt về việc các hành vi gây hấn của Trung Quốc đang gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ
- Thái Bình Dương, nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy, chuyến thăm sẽ
thúc đẩy một quan hệ hợp tác quốc phòng toàn diện giữa Mỹ với Việt Nam," theo ông Borton.
Còn ông Grossman thì bình luận rằng, với những hành
động gây hấn gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, chuyến thăm của Bộ trưởng
Quốc phòng Hoa Kỳ đáng lẽ phải tiến hành sớm hơn.
Bình luận về khả năng ông Trọng đi Mỹ, nhà nghiên cứu
Grossman nói rằng: "Theo thông tin mới nhất mà
tôi có thì ông Trọng sẽ không đi Mỹ. Tuy nhiên, điều đó vẫn có thể thay
đổi, hoặc cũng có thể đó là thông tin sai. Tuy nhiên, nếu thông tin đó là đúng
thì tôi nghĩ, khả năng nâng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt nam và Hoa
Kỳ lên thành đối tác chiến lược sẽ hạn chế, bởi một quyết định lớn như vậy cần
phải được người đứng đầu đất nước đưa ra. Giả như ông Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc đến thăm Nhà Trắng thay ông Trọng thì trọng lượng của chuyến đi cũng
khác."
Với tinh thần của chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao ở
Việt Nam, tình hình biển Đông hiện nay chính là một phép thử với các nhà lãnh đạo
Việt Nam.
Tuy nhiên, liệu Hà Nội có từ bỏ nguyên tắc 'ba không', tức
là không tham gia vào các liên minh quân sự, không cho đặt căn cứ quân sự của
nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và không dựa vào quốc gia này để chống lại quốc
gia khác, hay không?
Ông Borton cho rằng, "Những nguyên tắc này là một phần trong tư tưởng Đảng Cộng sản, và
như vậy, chúng sẽ không thay đổi trừ khi có áp lực mạnh mẽ từ người dân qua các
cuộc biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt
Nam và tấn công ngư dân."
Còn ông Grossman cũng nêu ý kiến tương tự:
"Tôi không nghĩ là Việt Nam sẽ từ bỏ 'Ba không,' nhất là dưới thời
ông Trọng. Nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra trong tương lai, nếu áp lực của
Trung Quốc tiếp tục gia tăng trên Biển Đông. Tuyên bố của ông Trọng tại Hội nghị
Trung ương vừa rồi là tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông trước sự gia tăng áp lực của
Bắc Kinh trên Biển Đông và có khả năng dẫn tới một cách tiếp cận mới, như tôi
đã đề cập ở trên."
Vấn đề biển Đông đang làm 'nóng' chính trường
Việt Nam. Trong ngày đầu nhóm họp của kỳ họp thứ 8, từ biển Đông đã xuất
hiện nhiều lần trong các bản báo cáo, trong đó có phát biểu khai mạc của Chủ tịch
Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn báo cáo của Thủ tưởng Việt Nam, ông Nguyễn
Xuân Phúc.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri của Chủ
tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng nói rằng cử tri lo lắng về
"những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền
chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam."
-------------------
Tin liên quan
No comments:
Post a Comment